Thế nào là phim độc lập?
by Phượng Diễm – Đức Trọng
Ngày nay, cụm từ “phim độc lập” đã trở nên khá phổ biến tại Việt Nam và có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Trong một bài viết có hạn chúng tôi không có tham vọng đưa ra một cái nhìn lịch sử toàn cảnh về phim độc lập mà chỉ muốn chia sẻ cách nhìn của riêng mình về một dòng phim đầy sức hấp dẫn này.
Phim độc lập = cởi trói
Có rất nhiều người và nhiều ý kiến bàn về phim độc lập. Trong đó, đáng kể là một quan điểm có cái nhìn lịch sử, cho rằng phim độc lập xuất phát từ Mỹ, dựa trên thông tin từ Kristin Thompson và David Bordwell (sách “Lịch sử điện ảnh thế giới”). Theo Thompson và Bordwell thì những hãng phim độc lập đầu tiên xuất hiện và đáp trả lại sự thống trị của Edison là vào những năm 1909-1915 và họ được định nghĩa là nhóm “những người hoạt động độc lập”. Những thành viên của nhóm này về sau thành lập một nhóm độc quyền mới, ổn định hơn, chính là kinh đô điện ảnh Hollywood ngày nay.
Như vậy, từ một nhóm hoạt động phải đấu tranh để tránh sự kiểm soát của những người độc quyền, “những người hoạt động độc lập” đầu tiên của lịch sử điện ảnh giờ đây lại trở thành lực lượng độc quyền, kiểm soát toàn bộ hệ thống phát hành và chiếu phim. Theo quy luật tất yếu, ắt phải sản sinh ra những người làm phim độc lập thế hệ thứ hai. Ngày nay, tại Mỹ, phim độc lập được hiểu là những bộ phim không được sản xuất bởi hệ thống Hollywood mà đứng đầu là 6 hãng phim lớn (Big Six), gồm: Warner Bros., Paramount, Walt Disney, Columbia, 20th Century Fox và Universal Pictures. Big Six thuộc về các tập đoàn truyền thông có tiềm lực tài chính gần như vô hạn, thu về 90% doanh số hàng năm của điện ảnh toàn thế giới. Tại kinh đô điện ảnh này, phim trở thành một món hàng trong nền công nghiệp điện ảnh. Họ đã đưa ra những công thức cố định, áp dụng cho hầu hết các bộ phim để đảm bảo đạt được điều quan trọng nhất là doanh thu. Vì vậy mà tính cá nhân, sự sáng tạo và mạo hiểm là điều tối kị, hầu như không được áp dụng tại Hollywood – ngược lại với điều mà những nhà làm phim độc lập tìm kiếm.
Không chỉ tại nước Mỹ, làn sóng điện ảnh độc lập còn lan rộng khắp thế giới. Trước đó, tại Pháp có thể kể đến phong trào Làn sóng mới (với các đại diện tiêu biểu như François Truffaut, Jean-Luc Godard), sau này là Chủ nghĩa hiện thực tự nhiên (Mike Leigh, anh em Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne), Làn sóng Hàn Quốc hay Phim tài liệu độc đáo của Trung Quốc… Tuy nhiên, nếu so với “người khổng lồ” Hollywood thì bất kỳ nền điện ảnh nào trên thế giới này cũng có thể được coi là “điện ảnh độc lập”.
Vì lí do này, cộng với chính nguyên nhân ra đời của phim độc lập, có thể hiểu một cách chung nhất rằng những nhà làm phim độc lập chính là những người tìm cách “cởi trói” cho chính mình trong sáng tạo, tìm ra lối đi mới đối đầu với mọi khuôn mẫu cũ kỹ của Hollywood, không bị Hollywood chi phối về kinh tế. Cách tiếp cận này có thể lý giải cho những bộ phim độc lập được giới phê bình đánh giá cao gần đây với phong cách nghệ thuật hoàn toàn mới, cách kể chuyện độc đáo và đầy cách tân. Ví như: “Rosetta”, “The child” (Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne), “Naked” (Mike Leigh), “Sozhou River” (Lou Ye), “Still life”, “Pickpocket” (Giả Trương Kha)… Theo cách tiếp cận này thì yếu tố kinh phí làm phim không phải là quan trọng để xem xét một bộ phim có phải là “độc lập” hay không.
Hướng đi cho phim độc lập “made in Việt Nam”
Nếu xét theo tiêu chí “cởi trói”, Việt Nam hiện nay bắt đầu xuất hiện phim độc lập – những phim không sản xuất bằng tiền đầu tư của nhà nước và có phong cách nghệ thuật mới mẻ, độc đáo. Những người mạnh dạn đi theo dòng phim này hầu hết là người trẻ, nhiều trong số họ là đạo diễn Việt kiều về nước làm phim. Một số phim cũng đã chạm tới các giải thưởng tại các Liên hoan phim danh giá quốc tế như: Trần Anh Hùng với “Xích lô”, Phan Đăng Di với “Bi, đừng sợ!”, Tony Bùi – “Ba mùa”, Nguyễn Võ Nghiêm Minh – “Mùa len trâu”, Stephane Gauger – “Cú và chim se sẻ”…
Các nhà làm phim độc lập Việt Nam, cũng như nước ngoài, thường phải đối đầu với những vấn đề như tự tìm kinh phí làm phim, tự xin tài trợ, quảng bá và công chiếu phim… Lúc này, các nhà làm phim độc lập cần nhìn ra thế giới và học hỏi. Những bộ phim như của hai anh em nhà Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne thường rất rẻ. Quay phim bằng máy cầm tay, bối cảnh, phục trang đều gần gũi với đời thường, cần ít diễn viên… là những yếu tố quan trọng để tiết kiệm chi phí. Lối làm phim theo phong cách tài liệu như của Lưu Diệp hay Giả Trương Kha cũng là một cách thú vị, bởi nó cho phép ghi lại lịch sử vùng đất một cách chân thực nhất mà vẫn đầy tính ci-nê và có ý nghĩa xã hội cao…
Đối với Việt Nam, một vấn đề đau đầu không kém chính là… khán giả. Đơn cử trường hợp gần đây nhất là “Bi, đừng sợ!” của Phan Đăng Di, trước khi ra rạp thì kiểm duyệt, cắt xén, sau khi ra rạp thì bị những phản ứng khá gay gắt từ phía người xem và cả một số nhà phê bình. Thậm chí người ta còn đặt câu hỏi về giải thưởng quốc tế của phim. Đơn giản thôi, bởi đó là một cách tiếp cận mới, cách kể chuyện mới mà không phải ngay lập tức những khán giả vốn quen với Hollywood nhung lụa có thể tiếp nhận được. Nhưng đây lại không phải là vấn đề mà những người làm phim có thể trực tiếp giải quyết. Có lẽ họ chỉ còn một cách là bịt tai, nhắm mắt, tiếp tục đu dây trên con đường nghệ thuật chông gai của mình, hòng sáng tạo ra những tác phẩm hay và độc đáo hơn nữa.
Images source:
somebody needs to open this discussion further … in the vietnamese language … independent production is quite diverse and you can find a number of excellent resources on this topic in the blogroll for this website … start with ‘skillset’ if you can read english … then read ted hope … i think you’ll be inspired by the international debate going on right now
maximumeskimo said this on April 16, 2011 at 1:27 am