Hơn cả một thái độ

by Huyền Trâm

Love man, love woman đã kể nhiều hơn một số phận con người , hay câu chuyện về thầy Đức – một đồng cô đạo Mẫu, một người ” ái nam ái nữ” chạm sâu hơn thế giới những người thuộc giới tính thứ ba , những con người mang nỗi mặc cảm sâu sắc và cách duy nhất để được là mình, để được có cảm giác tôn trọng từ phía những người khác để không còn tủi thẹn về con mắt kì thị của thế giới ngoài kia là đến với cánh cửa của tâm linh .(Image: Nguyễn Trinh Thi)

Thấy Đức hay bao khuôn mặt những người đàn ông khác có cùng một số phận, họ hoàn toàn tự do trước ống kính máy quay, trước những tò mò sửng sốt của người xem mà bộc lộ bản thân mình . Có cả hai con người sống động song hành suốt câu chuyện kể này . Một của những ngưỡng vọng từ các tín đồ quanh manh chiếu cói , nghi thức cầu kì và không khí sùng bái, những hương nhang, đèn thuôc mịt mù , những rộn ràng đàn hát , những uyển chuyển thân thể … Một của những chao chát, đanh đá, yếu đuối , khát khao được yêu thương trân trọng từ những người bạn tình đồng giới, và cả những nhỏ to sau cánh cửa đóng kín với kẻ cùng cảnh ngộ. Thật thà quá đỗi, có cảm giác trước ống kính của Nguyễn Trinh Thi , nhu cầu tự thân được thổ lộ, khẳng định sự tồn tại được đẩy lên cao hơn bao giờ hết .

Bộ phim tài liệu này hoàn toàn không lời thuyết minh. Xu hướng thực ra đã không còn mới với phim tài liệu, đặc biệt là tài liệu đương đại. Bản thân những tự sự của nhân vật trong phim, những âm thanh sống động của phố phường, những tiếng người giòn tan đã nói được nhiều . Và đương nhiên cũng không ngạc nhiên khi máy cầm tay được sử dụng khai thác nhân vật đều cận cảnh. Một cuộc phỏng vấn, một chuyến thâm nhập thực tế, và nhu cầu được hiểu, được đồng cảm , muốn được nhìn với con mắt khác ,. Xét cho cùng, đâu cần nhiều những thủ pháp làm màu hơn thế . Mà có lẽ cũng đâu thể làm khác được, khi có những câu chuyện mà bản thân nó đã là một cuốn phim nhiều màu sắc , mà những lần giở hồi ức của chính người đối thoại ngay trước mặt bạn đã hơn hẳn cái thủ pháp dựng flashback thông thường . Cứ như vậy, trần trụi, trơn tuột , u tối, lờ mờ hay bừng sáng rực rỡ . Love man love woman cú trưng ra trước người xem một ” lô” những đòi hỏi, những nhu câu, những suy xét với câu chuyện đó, những gương mặt đó, lòe loẹt vì son phấn hay đôt chút run rẩy ngượng ngùng vì được thổ lộ.

Rồi đến chính chúng ta, chứ không phải họ, sẽ quay lại nghi hoặc bản thân mình. Thầy Đức không muốn thay đổi . Mà tại sao phải thay đổi khi tìm thấy niềm vui, tình yêu, tìm thấy mình trong thế giới nhiều màu sắc mịt mù khói hương, đặc quánh tinh thần tâm linh ấy. Và ngay cả khi phải chạy sâu vào mãi với những giá trị linh thiêng, thì những đông cô vẫn sống . Hành trình đến với nhân dạng của họ, không đơn giản là cái ” căn tu” trong người, mà bước  từng chút từng chút một  từ chỗ bị lạm dụng, hưởng ứng , đến sự thích thú mang phản ứng dây chuyền . Và quá trình phán xét của những người bên ngoài cánh cửa , dướng đường phố ồn ào, náo nhiệt kia , nên chăng cũng từng chút từng chút thì biết đâu một mai những cá thể ngoài cuộc tìm thấy nhân dạng mình ?

~ by hanguyenussh on April 14, 2011.

4 Responses to “Hơn cả một thái độ”

  1. Love man, love woman là một phim tài liệu hấp dẫn, nhưng tôi cho rằng, người viết đã quá đề cao cái gọi là tính chân thực của bộ phim này. Không hẳn chị Trinh Thi không sử dụng những phương pháp mà bạn gọi là “làm màu” đâu, có điều, cách “làm màu” của đạo diễn này khác hơn những loại người ta thường thấy và dễ phát hiện thôi! Đạo diễn đã khôn ngoan khi giấu nhẹm khán giả những câu hỏi (để khai thác, khơi chuyện, biết đâu là cả chọc tức và “gài” nhân vật nữa), và để lại cho chúng ta những câu trả lời, những câu chuyện hấp dẫn.
    Đó là chưa đề cập đến những thủ pháp đầy ẩn ý khác, như cách đạo diễn sử dụng máy quay cầm tay, chủ yếu đặt máy ở góc thấp, cách cắt dựng, cách sử dụng âm thanh… Suy cho cùng, khó có thể nói nhiều về cái gọi là “tính chân thực” của một bộ phim tài liệu, bởi lẽ đạo diễn không thể (và dường như cũng không muốn) gạt bỏ tính chủ quan, áp đặt và cá tính của mình khỏi bộ phim, kể cả nó là phim tài liệu! Theo tôi, “sự thực” trong phim tài liệu, không có gì khác hơn là cái mà đạo diễn thuyết phục khán giả tin vào và ủng hộ, cái mà đạo diễn muốn chúng ta nghĩ rằng là có thực. Đương nhiên, nó có thực, nhưng không thể là toàn bộ sự thực, nhất là khi đi qua 2 lăng kính: 1 là lăng kính máy quay và quan điểm của tác giả, 2 là đánh giá và thái độ tiếp nhận của người xem.

  2. cảm ơn bài viết rất thú vị của tác giả. Tớ chỉ muốn chia sẻ quan điểm riêng của tớ về bộ phim này. Cách LMLW miêu tả nhân vật – mà theo nhiều người nói là tự để thầy Đức kể câu chuyện của mình – khá là phiến diện. Hãy lưu ý đến những góc đặt máy quay thấp, khiến hình ảnh nhân vật khi đc phỏng vấn trở nên rất kì cục, nếu ko muốn nói là méo mó và rất chủ quan, ko hề khách quan một chút nào. Hơn thế nữa, ngay chính bản thân nhân vật và người làm bộ phim này chưa chắc đã hiểu hết về Đạo Mẫu, vấn đề giới tính nên rõ ràng đã đánh đồng những khái niệm: đồng bóng, đồng tính, ái nam ái nữ v.v…

    Tớ đánh giá cao bộ phim ở chỗ dám làm về những nhân vật gai góc, vấn đề gai góc, nhưng không trân trọng bộ phim ở chỗ đi đến cùng vấn đề được đề cập.

  3. trước tiên, mình rất cảm ơn những nhận xét chân thành của hai bạn. mình có một số chia sẻ thế này:
    @huyentrangtran: mình không nói rằng đd đã “làm màu” trong bộ phim này. và tất nhiên không có bộ phim nào là không mang thái độ của người sáng tạo ra nó cả, chỉ có điều liều lượng nó bao nhiêu mà thôi. và mình nghĩ, người đd giỏi thường không có xu hướng phô bày 1 cách “quá khích” quan điểm của mình qua việc lạm dụng nhiều kỹ thuật. rõ ràng câu chuyện của thầy Đức là câu chuyện có thật, cả những tâm sự của những nhân vật trong bộ phim này là thật,không gian ấy lại vô cùng sông động và thật…và chỉ riêng việc khơi gợi được những điều đó ra đã là một hành động đáng trân trọng rồi.mình thấy không có lý do gì để phủ nhận “tính chân thật” của bộ phim này!
    @mr geo: mình không nghĩ câu chuyện này tập trung cung cấp thông tin cho chúng ta những hiểu biết về đạo Mẫu. bộ phim này đã dựng lên chân dung của một con người, một số phận tiêu biểu cho bao số phận như vậy. và con người này đặc biệt, khác lạ với tất cả những người cùng giới tính thứ 3 khác cũng bởi cái “nghiệp” họ mang. nhân vật khác thường với hoàn cảnh khác thường rõ ràng quá lý tưởng cho một câu chuyện kể rồi. giả dụ nhân vật ấy chỉ là một người thuộc giới tính thứ ba, với những công việc bình thường, nếp sống bình thường, liệu bộ phim này có gây tò mò đến vậy? chốn tâm linh ấy như là một môi trường để họ sống thật, một cái cớ để họ tự do sống với nhân dạng của mình. họ rõ ràng hiểu điều mình đang làm chứ. góc máy đó, mình không nghĩ đã làm méo mó hình ảnh nhân vật. mình tin bóp méo hình ảnh nhân vật không phải là dụng ý của nhà làm phim ở đây. theo mình, nó là cách chạm sâu hơn vào thế giới nội tâm ấy. ở một khoảng cách gần như vậy,người xem nhìn thấy được nhiều thứ hơn thông thường,không chỉ ở nét mặt,ở giọng nói…có gì đó rất thực thà ở đây. mình hoàn toàn đồng ý với bạn ở cách tiếp cận và thái độ dám thử thách và làm khó mình đáng trân trọng của nhà làm phim ở đây với đề tài này.

  4. Cảm ơn những ý kiến rất hay của bạn! Có lẽ tớ đứng ở vị trí khác so với bạn khi xem bộ phim này. Cá nhân tớ tiếp xúc với văn hóa Đạo Mẫu (lên đồng, hầu bóng…) từ bé vì nhà ngoại tớ mở Đền. Tớ thấy rằng sự phản ánh về vấn đề tín ngưỡng, văn hóa trong bộ phim này chưa đúng và khiến khán giả hiểu nhầm cũng như đánh giá nhầm, đành rằng bộ phim không tập trung miêu tả về vấn đề Đạo mẫu (như bạn nói). Trở lại vấn đề chọn đề tài và cách thể hiện, tớ cảm thấy cách miêu tả chân thực quá mức của đạo diễn đã trở thành con dao hai lưỡi: 1 là những người có ý kiến như bạn, 2 là những người ý kiến như tớ (còn 3, 4… thì tớ chưa rõ! :P). Thế giới thứ ba (hay mở rộng ra là sự đa dạng giới tính) rất phong phú. Nếu như tham vọng của đạo diễn là muốn khán giả cảm thấy được một số phận con người khác biệt, độc đáo trong thế giới vốn đã nhỏ bé thì tớ nghĩ rằng việc chọn nhân vật này, trong hoàn cảnh này đã khiến người xem có những đánh giá sai lầm (mặc dù đạo diễn có ý chọn thầy Đức là nhân vật điển hình hay không, điều đó không quan trọng).

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: