Bi! Đừng sợ đi qua vùng cỏ non

by Huy Trường – Huyền Trâm

1.  Xin được bắt đầu bài viết về Phan Đăng Di bằng chuyện nàng thiếu nữ tên Phi . Thầy Di kể với học sinh rằng nàng Phi, tên đệm mang chữ Tần, mặn mà nhan sắc nhưng vương tội đa mang một thư sinh trẻ tuổi . Rồi do định mệnh , nàng lâm trọng bệnh mê man trong khuê phòng lạnh lẽo . (Image: vietnamnet)

Chàng thư sinh kia , dĩ nhiên rất đau khổ, đêm ngày đứng trước cô phòng mong diện kiến tình nương . Người ngọc, éo le thay, một mực cự tuyệt phút tương phùng ngay cả trước lúc lâm chung do không muốn tiếp diện tình lang dưới dung nhan tiều tụy. Kết câu chuyện trên, thầy Di bàn thế mới hay , đàn bà tự cổ chí kim luôn coi nhan sắc là báu vật .

Tôi, người may mắn đi học buổi hôm đó , xin phép được kể tường tận hơn mối tình đẫm lệ kia . Đây là câu chuyện có thật liên quan tới một bài thơ nổi tiếng. Nguyên giai nhân tên Nguyễn Thị Lan, con gái nhà đại tư sản Nguyễn Văn Vĩnh, em gái thi sĩ tài ba yểu mệnh Nguyễn Nhược Pháp . Không cần trẩy hội chùa Hương như trong thơ người anh, cô Lan đã sớm bén duyên một ” người tài trai ” như cái mốt trai anh hùng, gái thuyền quyên thời bấy giờ. Khúc giữa chuyện tình diễn ra giống như những gì thầy Di đã kể .Dưới đây là phần kết :  sau cái chết của người yêu,  chàng thư sinh kia đã làm một bài thơ ghi lại mối tình đã khuất nhan đề ” Màu thời gian” mà trong đó, chàng gọi nàng là Tần phi  : Tần phi, ta lặng dâng nàng / Trời mây phảng phất nhuốm thời gian. Tới đây, hẳn nhiều người đã đoán ra nhân vật chính thứ hai trong mối tình đẫm lệ kia có tên : Đoàn Phú Tứ

Và cũng tới đây , hẳn nhiều người băn khoăn : có gì liên quan giữa phim của đạo diễn họ Phan và thơ của thi sỹ họ Đoàn ? Theo ý kiến chủ quan của người viết,  ” Bi , đừng sợ” tuy không có những tình tiết tím ngát nhưng quả thực, có đọng lại một chút gì thanh thanh .

2.  Khi đưa ra khái niệm : Hương thời gian không nồng / Hương thời gian thanh thanh , cơ hồ Đoàn Phú Tứ không thể cắt nghĩa được hai tiếng thanh thanh . Thế nhưng, người đọc tuy không hiểu được từ  nhưng vẫn cảm được chất miên man , “hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi,nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng ” ( lời bình của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt nam ) . Ở “Bi , đừng sợ” , chất thanh thanh âm thầm chảy trong cách kể phi tuyến tính , tiết tấu chậm rãi , cân xứng , cảnh quay được đẽo gọt công phu và hệ thống biểu tượng tươi mát : lá phong, nước đá . Những điều này đã được phân tích cặn kẽ , đầy đủ trên nhiều mặt báo thời gian qua , vậy nên, sẽ là thừa thãi nếu người viết tiếp tục làm công việc vác mai đào khoai . Một bước nhón chân sâu hơn nữa , thử lý giải nguồn gốc chất thanh thanh giữa hai con người cách nhau ngót ba phần tư thế kỉ . Trường hợp Đoàn Phú Tứ có phần dễ lý giải trước hết do tâm lý ” tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” nhuộm nâu tấm màn thời đại nhà thơ đương sống . Thêm nữa, kết cấu tự sự của “Màu thời gian” giống như một cú bấm máy ảnh “chộp” nhanh lấy khoảnh khắc ” thà nép mày hoa thiếp phụ chàng” cho thấy Đoàn Phú Tứ, một trí thức từng du học ở Pháp về chịu ảnh hưởng tinh thần chủ nghĩa Ấn tượng.Thủ pháp sáng tạo đặc trưng của văn hoá Pháp này thể hiện đúng tinh thần ở đây ngay bây giờ rồi vĩnh cửu hóa cảm giác trong giây lát đó . Chuyển sang trường hợp Phan Đăng Di , cậu học trò quê Nam Đàn, Nghệ An đắm chìm tuổi học trò trong thơ , văn sách vở chắc hẳn không thể bỏ qua thơ văn tiền chiến ( câu chuyện Tần Phi là một ví dụ điển hình ) . Chủ nghĩa Ấn tượng, trước hết đến với Phan Đăng Di qua tinh hoa thơ Mới , đỉnh cao sự kết hợp văn hoá Việt Pháp rồi gặp một cú hích mạnh mẽ khi chàng sinh viên trường điện ảnh xem những thước phim trong vắt của Trần Anh Hùng . Khuynh hướng đề cao giác cảm cá nhân sớm hình thành ở tên kịch bản đầu tay Chơi vơi cùng ý thức coi trọng thời gian như một thực thể đông cứng , một thời điểm vĩnh cửu ở tên phim khác của Phan Đăng Di : Khi tôi hai mươi .

3.  Trên cùng một thân cây Chủ nghĩa ấn tượng , Trần Anh Hùng vươn cành ra trước cho Phan Đăng Di rẽ nhánh trong tham vọng sớm thoát khỏi thân phận loài tầm gửi . “ Sen” và “ Mùi đu đủ xanh” tương thích trên phương diện thực vật và ý nghĩa thị giác lẫn vị giác ( dù sen không có chữ hương đi kèm ). Con thạch sùng chết trong bát nước ( Bi, đừng sợ) và đàn kiến bò trên mặt đất ( Mùi đu đủ xanh) được khắc hoạ trong điểm nhìn và của một nhân vật cụ thể và ấn tượng của nhân vật đó với sự vật . Đây hoàn toàn không phải là sự rập khuân của Phan Đăng Di theo Trần Anh Hùng, hoặc nói theo cách khác, đây vẫn có thể là sự rập khuân ở mức độ sáng tạo trên cơ sở nắm bắt vững vàng những nguyên tắc điện ảnh ấn tượng . Theo David Bordwell và Kristin Thompson trong Nghệ thuật điện ảnh : “ Để tăng cường tính chủ quan , nghệ thuật quay phim và dựng hình ấn tượng chủ nghĩa thể hiện những nếm trải cảm giác và những ấn tượng thị giác của nhân vật . Những phim này dùng nhiều kiểu dựng hình nhằm vào điểm nhìn , quay một cảnh phim về một nhân vật đang nhìn một vật gì , rồi quay một cảnh phim về sự vật đó từ một góc độ và một quãng cách tái hiện điểm nhìn của nhân vật đó” ( trang 570 ) . Theo người viết, ảnh hưởng của Trần Anh Hùng lên Phan Đăng Di rõ ràng nhất ở đề tài và nhân vật . Bi , đừng sợ là sự nối tiếp đề tài Hà Nội ( Mùa hè chiều thẳng đứng , lặp lại tuyến nhân vật Mùi đu đủ xanh : người cha , chồng vô trách nhiệm, người mẹ cam chịu, trẻ em trong trẻo, ngây thơ, người giúp việc trung thành, thật thà. Ở phương diện này, Phan Đăng Di đã có một cuộc đối thoại tay đôi ngang ngửa với vị đạo diễn Việt kiều và ít nhiều , đưa ra một vài phản biện xuất sắc .

Trần Anh Hùng là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa duy mĩ . Máy quay của anh luôn có xu hướng lãng mạn hóa hiện thực từ chảo thịt bò xào rau cải cho tới thùng nước gạo . Mọi cảnh quay được sắp đặt hoàn hảo , cân xứng trong mối tương quan ánh sáng – màu sắc đạo cụ – trang phục và cả diễn xuất của diễn viên . Tư tưởng điện ảnh “xuất thế” này có thể thấy qua  chia sẻ của Tôn Nữ Yên Khê với đạo diễn Đặng Nhật Minh : “Diễn cứ phải giả giả một chút mới hay ” . Do đặc điểm vĩnh cửu hóa thời gian của chủ nghĩa Ấn tượng nên Trần Anh Hùng chủ trương sử dụng hệ thống hình ảnh cổ điển : lá sen, hoa cau, hoa bưởi , gội đầu , hồ Gươm, mưa Hà Nội , … nhằm đem lại một thế giới hoàn hảo ở mức cao nhất . Ở điểm này, tính chất ước lệ của văn hóa phương Đông có cơ hội thức tỉnh và giao hòa với một nửa văn hóa phương Tây ở vị đạo diễn Việt kiều . Tuy nhiên, đây vừa là ưu điểm hình thành phong cách , song cũng là nhược điểm của Trần Anh Hùng . Thứ nhất , do phụ thuộc vào hệ thống ước lệ nên nhiều khi, hình ảnh sách vở trên phim không thuyết phục người xem do độ lệch pha với thực tại . Thứ hai, cũng bởi sự phụ thuộc này, Trần Anh Hùng chỉ có thể phát huy bản năng người quay phim khi tiếp cận đề tài, bối cảnh đã được nâng lên thành khuân mẫu mà sở học của anh thâu tóm được . Thế nên, trước một nền văn hóa xa lạ, phức tạp như Nhật Bản, máy quay Trần Anh Hùng tỏ ra bối rối , gượng gạo , đánh mất bản sắc, hay đúng hơn không có chỗ cho bản sắc phát huy khi thực hiện ” Rừng Nauy”.

Dấu hiệu phản – Trần Anh Hùng đầu tiên ở ” Bi , đừng sợ” nằm ở ý thức vượt rào khuân mẫu cổ điển . Về mặt thể loại, ” Bi , đừng sợ” có thể xếp vào genre : thành phố như Tokyo story , Beijing Bicycle, Hiroshima Le Amour… Phim là câu chuyện về một gia đình trung lưu, không giàu, không nghèo như một mô hình thu nhỏ của Hà Nội thời mở cửa . Đi ngược tâm thức tình một thủa còn vương của Trần Anh Hùng , Phan Đăng Di không ngần ngại bộc lộ cái duyên trăm năm đứt đoạn của thành phố nghìn năm tuổi . ” Bi – đừng sợ” có những cảnh quay đầu tiên về Hà Nội mà các phim trước chưa hề có : bến xe bus Cầu Giấy , xe bus, bia hơi vỉa hè, cafe ngõ và âm thanh ồn ào , náo động . Cách hình ảnh truyền thống Tràng An, nếu có , như đang phập phồng hơi thở tàn : bữa cơm u tối , món ăn không người nếm.  Điều này dẫn đến kết luận điểm khác biệt chủ yếu của Phan Đăng Di nằm ở nỗ lực giải thiêng yếu tố huyền thoại , đi ngược với xu hướng giữ thiêng hay phục thiêng không những của Trần Anh Hùng mà còn ở các nhà làm phim khác . Ý niệm về tính thiêng này làm nên điểm phản – Trần Anh Hùng thứ hai của Phan Đăng Di : cái nhìn về người phụ nữ. Các vai nữ chính do Tôn Nữ Yên Khê thủ vai hầu hết đều một màu trong khát vọng giữ ghìn tiết hạnh , nét đặc trưng phụ nữ phương Đông .  Còn người mẹ , người cô của Bi , đi ngược vòng kim cô khắc chữ ” con gái Hà Nội” lại bộc lộ khao khát tình dục trực diện , thẳng thắn .

4.  Tham vọng giải thiêng táo bạo này khiến ” Bi , đừng sợ”  gặp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ phía khán giả lẫn không ít các nhà phê bình Việt Nam . Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn ám chỉ phim này trong sự phê phán Trần Anh Hùng : ” Từ chỉ thể hiện con người đơn giản, điện ảnh nhảy sang một cực khác – miêu tả con người Việt Nam bệnh hoạn, méo mó. Tiêu biểu cho cách miêu tả này là Trần Anh Hùng. Anh ta thể hiện những con người ở Sài Gòn và Hà Nội cực kỳ bệnh hoạn. Người Việt chúng ta trong chiến tranh đã đầy cực khổ, sau chiến tranh lại chịu đựng bao biến động oái oăm. Người nghệ sỹ không nâng con người dậy mà lại dìm họ xuống bùn và cười khẩy. Rất tiếc là quan điểm của anh Hùng lại rất ít nhận được những lời phê phán nghiêm túc, thậm chí nó còn được nhiều nhà làm phim trẻ bắt chước một cách lộ liễu” . Nhà phê bình Trần Tuấn Hiệp bên cạnh những lời khen xã giao ” đạo diễn yêu nghề, có tâm huyết” , vẫn bày tỏ sự phẫn nộ : “Chỉ có điều đạo diễn đã chọn một góc nhìn: cổ quái, một góc nhìn mà tôi dám chắc ít được khán giả Việt Nam chấp nhận. Vì sao ư? Có thể vì tác giả định quay 1 con phố nhưng lại cố tình chỉ quay những bãi rác trên con phố rồi nói cảm hứng của mình về con phố ấy “.  Làn sóng phê bình này gặp phải một làn sóng âm ỉ khác : phê bình sự phê bình ở Việt Nam. Nhân trường hợp này, người viết xin đề cập đến những ảnh hưởng ngoại lại của “Bi, đừng sợ” ….. ( Còn tiếp)

~ by hanguyenussh on April 14, 2011.

9 Responses to “Bi! Đừng sợ đi qua vùng cỏ non”

  1. Bài viết thật sâu sắc, phân tích được những ngõ ngách của “Bi, đừng sợ”.

    Từ bài viết này, tớ bỗng chợt nghĩ: Bi đừng sợ đúng là một món ăn lạ miệng cho người nước ngoài nhưng lạt miệng cho người Việt, là một món ăn ngon đối với những người đam mê tìm tòi cái đẹp và là một đống hổ lốn không thể ngốn được cho người dân kiếm sống hằng ngày. Là một món đặc sản khoái khẩu của những người ngồi nơi êm ấm sạch sẽ nhìn ra thế giới và là một món cay trào nước mắt cho những người trải nhiều, vượt đèo leo dốc nhiều.

  2. Bi, đừng sợ còn ẩn chứa trong mình một thế giới đầy rẫy bạo lực, một Hà Nội khủng khiếp của thời hiện đại. Ẩn mình trong khu tập thể tồi tàn và những phố xá ngỡ như bình yên là sự mục ruỗng về văn hóa và đạo đức, là nỗi khát thèm được bung tỏa của con người, là sự lạnh lùng vô cảm, là sự cô đơn đến tột cùng… là một thế giới mà những đứa trẻ, dù sợ hãi hay đương đầu, dù nhắm mắt bỏ qua thế sự hay tự nguyện dần thân, cũng phải bước qua nỗi sợ, để sống tiếp một kiếp người, để lựa chọn sống như thế nào trong thế giới ấy.

  3. @ hienpham1982 : a nói như một nhà Marxist chân chính . E thấy việc khán giả VN hờ hững với ” Bi, đừng sợ” cho thấy sự hiện diện của một tầng lớp khán giả trọc phú trưởng giả học làm sang . Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, bỏ ra 50K đi xem phim không phải là chuyện đơn giản với người bình dân ” vượt đèo leo dốc nhiều” . Những người đi xem phim chắc hẳn đều là những người có của , ” ngồi nơi êm ấm sạch sẽ nhìn ra thế giới ” nhưng sự giàu sang ấy không tỉ lệ thuận với học thức , font văn hóa của họ .

  4. @hienpham1982: Đánh đĩ ngôn từ!

  5. Bài viết có đoạn đầu tiên về chủ nghĩa ấn tượng hơi rườm rà và thiếu logic song tớ thích các ý tưởng độc đáo của toàn bộ bài viết.

    Lúc đầu, tớ đọc, tớ tưởng người viết nhầm. Vì có một lần thầy Di có kể về việc ảnh hưởng của bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan đã truyền cảm hứng cho thầy ấy làm phim “Khi tôi 20”. Sau đó tớ thắc mắc với Trường thì hiểu ra tớ mới nhầm. Thầy Di cũng kể một câu chuyện về Tần Phi (nhưng ko ảnh hưởng gì đến phim nào của thầy)

    Theo tớ hiểu sau khi nói chuyện với Trường thì các cậu muốn dẫn dắt người đọc bằng cách kể một giai thoại ít người biết. Song nó làm tớ (người đọc) lần đầu hơi đi lạc. Cậu kể ra một tràng như thế ko giải quyết ý chính của đoạn văn đầu gì hết. Vì đoạn văn 1 và 2 có ý chính là: Cả ông Đoàn Phú tứ và ông Phan Đăng Di đều có điểm chung là chịu ảnh hưởng bởi Chủ Nghĩa ấn tượng. Câu kết đoạn 1 của cậu là: “Theo ý kiến chủ quan của người viết, ” Bi , đừng sợ” tuy không có những tình tiết tím ngát nhưng quả thực, có đọng lại một chút gì thanh thanh .” Nhưng kể giai thoại thế, nếu nó ảnh hưởng đến việc làm phim Bi Đừng sợ thì tốt và rất hay. Song kể một câu chuyện ngoài lề truyền cảm hứng cho việc viết bài Màu thời gian của ông Đoàn phú tứ. Mà ông Đoàn phú tứ sau đó mới lại có điểm chung với ông Đăng Di ở cái ấn tượng thì cái ấn tượng của ô Đăng Di, cụ thể là phim Bi đừng sợ, ko liên quan đến câu chuyện ngoài lề về bài thơ của ông Đoàn phú tứ. Cái liên quan hờ hững nhất giữa ông Di (ko phải Bi đừng sợ) và câu chuyện ngoài lề ấy là một lần ông Di có kể về câu chuyện Tần phi để chứng minh luận điểm: Đàn bà thì coi trọng nhan sắc.

    Vậy viết ra một câu chuyện ngoài lề này đạt được mục đích gì ở đây (mà rất dài cơ)? Xa thế. Đi ngựa mãi từ Pháp mới về đến Trung Quốc chứ ko phải Việt nam.

    Mà nếu lập luận rằng Phan Đăng Di ảnh hưởng bởi thơ văn tiền chiến mà nói rằng trong đó có chuyện Tần Phi này thì lại càng thiếu logic_(Chuyển sang trường hợp Phan Đăng Di , cậu học trò quê Nam Đàn, Nghệ An đắm chìm tuổi học trò trong thơ , văn sách vở chắc hẳn không thể bỏ qua thơ văn tiền chiến ( câu chuyện Tần Phi là một ví dụ điển hình ))_ bởi vì hoặc chuyện Tần Phi là chuyện của vua Hán bên tàu hoặc là chuyện riêng của Đoàn Phú Tứ (ko phải là chuyện chủ nghĩa ấn tượng) sau đó ông Đoàn phú tứ có lấy cái tích Tần Phi bên Tàu cho vào bài Màu thời gian của mình vì nó giống với chuyện riêng của ông ấy, và cái đoạn ông thơ mượn tích ấy ko phải là chủ nghĩa ấn tượng. Đoạn thơ mang phong cách chủ nghĩa ấn tượng là đoạn sau đó.
    Theo tớ các bạn có thể vào đề bằng cách lấy lại đoạn thơ “ấn tượng” nhất là đoạn thơ này của Đoàn Phú tứ:
    “Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh”
    và nói 2 tác giả có cùng điểm chung sẽ hay hơi cả một câu chuyện trong “ngõ ngách” trên

    Bắt đầu từ đoạn 2 thì tớ rất thích. Tớ thích những ý tưởng mà cậu đưa ra. Cậu có các quan điểm rõ ràng và nguyên bản. Hơn nữa, các bài viết của cậu có phương pháp bài bản của một nhà phê bình. (Song cậu nên chú ý lại cách hành văn và lập luận.) Sao Trường ko post bài No Country for Old men mà có 7 đoạn văn khác nhau chứng minh một luận điểm: lòng tham ngự trị , bạo lực hoành hành và công lý khoanh tay .

  6. Theo tớ các bạn có thể vào đề bằng cách lấy lại đoạn thơ “ấn tượng” nhất là đoạn thơ này của Đoàn Phú tứ:
    “Màu thời gian không xanh
    Màu thời gian tím ngát
    Hương thời gian không nồng
    Hương thời gian thanh thanh”
    và nói 2 tác giả có cùng điểm chung sẽ hay hơi cả một câu chuyện trong “ngõ ngách” trên

    Hoàn toàn đồng ý. Câu chuyện nàng Tần Phi không liên hệ được nhiều với phim Bi, Đừng Sợ, cũng như phong cách của Trần Anh Hùng và Phan Đăng Di. Nhưng bài thơ thì thể hiện rất tốt. Bắt đầu bằng bài thơ có lẽ là cách tốt hơn.

    @hienpham1982: Đánh đĩ ngôn từ!

    Xin bạn Summer Rain kèm thêm lập luận và dẫn chứng để chứng minh & làm rõ cho ý trên.

    @ hienpham1982 : a nói như một nhà Marxist chân chính

    Gần đúng, tuy nhiên, một nhà Marxist dựa trên tính giai cấp để phân loại và chọn phe mình ủng hộ. Còn tớ thì dựa trên kinh nghiệm sống của khán giả để phân loại họ.

    E thấy việc khán giả VN hờ hững với ” Bi, đừng sợ” cho thấy sự hiện diện của một tầng lớp khán giả trọc phú trưởng giả học làm sang

    Những người Âu châu yêu thích phim Trần Anh Hùng cũng như “Bi, Đừng Sợ” là những người được hưởng một nền giáo dục tân tiến, lý luận chặt chẽ, hiểu biết nhiều, dẫn đến một tầm mức hưởng thụ văn hóa cao. Suy nghĩ của họ có nhiều chiều.

    Những người Việt, nhất là thế hệ trải qua cuộc chiến, là những người hưởng một nền giáo dục nhồi óc, không có lý luận, ít hiểu biết, tầm mức hưởng thụ văn hóa thấp. Suy nghĩ của họ chỉ theo một chiều.

    Nhưng cũng những người Việt đó đã từng vào sống ra chết vì lý tưởng và cũng không ít từng vỡ mộng. Đã từng yêu như chưa bao giờ được yêu. Đã từng hiểu hy vọng là gì, niềm tin là gì bằng trải nghiệm của chính họ. Trong khi những người Âu, ngồi nơi nêm ấm chăn êm, nếm mọi thứ, nhưng chưa trải qua thứ gì.

    Anh đồng ý là ngoài thế hệ trải nhiều ra, Việt Nam cũng có một tầng lớp trưởng giả học làm sang.

    Ẩn mình trong khu tập thể tồi tàn và những phố xá ngỡ như bình yên là sự mục ruỗng về văn hóa và đạo đức

    Sự mục ruỗng về văn hóa và đạo đức không còn là cái đang ẩn mình nữa, mà là cái được thể hiện ra mọi lúc mọi nơi, được phản ánh trên mọi tờ báo.

  7. Bài viết hay quá. Nhưng đoạn này: (thế nên, trước một nền văn hóa xa lạ, phức tạp như Nhật Bản, máy quay Trần Anh Hùng tỏ ra bối rối , gượng gạo , đánh mất bản sắc, hay đúng hơn không có chỗ cho bản sắc phát huy khi thực hiện ” Rừng Nauy”) có vẻ chỉ có lập luận mà chưa có dẫn chứng. Tác giả ơi, hãy chứng minh đi, nếu ko thì rất mang tính phán xét chụp mũ!

  8. Khi chưa có một sự khảo sát nghiêm túc về việc tiếp nhận “Bi, dừng sợ!” ở VN, chớ nên có những phát ngôn hồ đồ về họ. Những quan điểm mang chủ kiến, nếu không muốn nói là thành kiến về khán giả như “trưởng giả học làm sang”, “trọc phú”,”sự giàu sang không tỉ lệ thuận với học thức”, “hưởng một nền giáo dục nhồi óc, không có lý luận, ít hiểu biết, tầm mức hưởng thụ văn hóa thấp. Suy nghĩ của họ chỉ theo một chiều”… Đó là một sự xúc phạm khủng khiếp! Các bạn nên cẩn trọng hơn trước những phát ngôn như thế này.
    Một vấn đề khác, phim của Phan Đăng Di, suy cho cùng cũng là phim VN, được hấp thụ văn hóa VN (còn cách đạo diễn thể hiện như thế nào lại là chuyện khác. Việc báo chí ầm ĩ về “Bi, đừng sợ!” theo 2 chiều: hoặc công kích, hoặc tâng bốc không phải là cơ sở để đánh giá về sự tiếp nhận phim. Bản thân tôi là một phóng viên, tôi thấy rằng không nên ngây thơ tin vào những “cơn sốt văn hóa” mà báo chí (nhất là những tờ, những trang mạng lá cải) tung hê. Phê bình tỉnh táo không phải là hùa theo (hay chống lại) dư luận để chứng tỏ “ta đây mới là khán giả đích thực” cũng như không thể dựa trên cảm quan cá nhân, mà cần sự tinh tế, chính kiến, một vốn kiến thức nhất định về điện ảnh, và cũng quan trọng không kém, là sự khiêm tốn, biết tôn trọng cả người làm phim lẫn những người xem phim.

  9. @ nước lã : Bàn về Bi , đừng sợ mà lại sa đà sang TAH và Rừng Nauy e làm lệch trọng tâm bài viết .Đồng ý với bạn là đoạn nhận xét về Rừng Nauy mang tính chất trêu ngươi người đọc khó tính ( như bạn , :) ) .Bạn có thể đọc thêm Tinvan số 101 tiêu điểm về Rừng Nauy và TAH , bài cùa tác giả Trần Ngần : “4 lý do tôi ghét Rừng Nauy ” để tham khảo lý do cho luận điểm trên .

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: