Tiềm thức và hiện thực trong 8 ½

by Thế Vân

Bộ phim 8 ½ của đạo diễn, nhà biên kịch nổi tiếng người Ý Federico Fellini là một bộ phim phản ánh toàn bộ đời sống tinh thần của người nghệ sĩ, chúng được bắt nguồn từ những vấn đề mang tính xã hội về con người.

1. Tiềm thức và những kỉ niệm của đạo diễn.

Fellini sinh ra và lớn lên tại thành phố Rimini của Ý với “những kỉ niệm thời đi học của Fellini đưa đến những cảnh hồi tưởng trong bộ phim 8 ½” của ông (Lịch sử điện ảnh, tập 2). Ngoài ra còn có một số bộ phim khác cũng có vai trò là những tác phẩm mang tính phản thân của đạo diễn như: Vitelloni (1953) và Amarcord (1973). Bộ phim 8 ½ là một kiệt tác của Fellini, được đánh giá là bộ phim mang tính phản thân rõ nét của đạo diễn. 8 ½ đã giành được hai giải thưởng Oscar năm 1964 cho phim nước ngoài hay nhất và giải thiết kế trang phục xuất sắc nhất. Bộ phim là sự kết hợp tuyệt vời của những giấc mơ, những kí ức tuổi thơ và sự đam mê nghệ thuật. Fellini đã thể hiện một cái nhìn đầy sâu sắc và cuốn hút về xã hội, cuộc sống con người không theo cách thông thường mà hoàn toàn mang tính chất chủ quan và theo một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Bộ phim 8 ½ được làm theo những nghiên cứu lý thuyết về tiềm thức của vị thầy thuốc tâm thần, nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Jung có thể được coi là thế hệ tiếp sau của Freud – người cũng có những nghiên cứu về thế giới tiềm thức và tạo ra một hướng nghiên cứu triết học của thế kỉ XX, tâm phân học. Những nghiên cứu về tiềm thức, cụ thể là nghiên cứu những giấc mơ của Jung đã được Fellini khai thác và đưa vào trong những tác phẩm điện ảnh của ông một cách khéo léo. Cùng với 8 ½, còn có ba bộ phim khác cũng được làm theo phong cách này, đó là: “Giulietta degli Spiriti (1965), Satyricon (1969), La citta delle donne (1980)” (Nguồn: wikipedia).

2. Cấu trúc của thế giới tiềm thức và hiện thực trong phim.

Bộ phim 8 ½ là một tác phẩm điện ảnh mang tính phản thân rõ nét của đạo diễn. Câu chuyện kể về một đạo diễn nổi tiếng người Ý tên là Guido Anselmi (Marcello Mastroianni). Anh đang phải đối mặt với những trở ngại trong công việc của một đạo diễn. Thế giới của Guido là thế giới của hiện thực, tưởng tượng, tuổi thơ (kí ức) và những giấc mơ. Tất cả hòa quyện, đan cài vào nhau tạo nên một thế giới bao quanh nhân vật chính: sự hoàn trộn giữa ý thức và thế giới tiềm thức.
Trong thế giới hiện thực, Guido đang chuẩn bị cho một bộ phim sắp quay. Nhưng từ đầu đến cuối phim chúng ta hoàn toàn không biết Guido đã tiến hành công việc của mình đến đâu. Những cuộc gặp gỡ với nhà biên kịch, nhà sản xuất, lựa chọn diễn viên cho vai diễn hoàn toàn nằm trong chuỗi công việc nối tiếp của anh. Thế giới bao quanh anh là những cô gái trẻ đẹp: có người là diễn viên cố tìm mọi cách bắt chuyện với anh để tăng số cảnh quay cô ta có mặt trong bộ phim sắp tới, có cô gái trở thành người tình của anh … Guido cố gắng làm hài lòng những người đẹp nhưng với người vợ Luisa thì dường như hai người không thể hòa hợp được với nhau. Guido có người tình là cô Carla và một người phụ nữ khác do anh tưởng tượng ra đó là cô gái Claudia mà anh hoàn toàn không thể “chạm tới” được. Guido có giấc mơ về những người đàn bà trong cuộc sống của anh. Nhìn chung, đó là một giấc mơ rất sống động, chân thực, đặc biệt có bao gồm sự hài hước trên cơ sở sự bất lực của Guido ở hiện tại: trong bữa tiệc, anh đùa giỡn với những người đàn bà ấy và trong giấc mơ ở cuối phim, Guido hy vọng vợ anh Luisa và người tình Carla có thể thân thiết với nhau.

Thế giới của Guido còn là thế giới của những người nổi tiếng: những diễn viên ngôi sao, nhà phê bình có tên tuổi, những nhà sản xuất…Họ được đặt trong những bữa tiệc sang trọng, những buổi khiêu vũ tràn ngập ánh sáng và âm nhạc. Trong những đại cảnh, Fellini thường sử dụng toàn cảnh để thâu tóm toàn bộ thế giới của con người: đầy xa hoa, đầy sự giải trí nhưng dường như họ đều rất cô đơn. Ẩn đằng sau những khuôn mặt được trang điểm kĩ lưỡng, những bộ váy áo cầu kì, những bộ trang phục đắt tiền thì con người trong thế giới đầy vẻ ngoài lộng lẫy ấy vẫn giữ cho mình một thế giới riêng mà họ không muốn chia sẻ với bất cứ một ai. Tiêu biểu cho trường hợp này là Guido. Guido hay “trốn” vào trong thế giới riêng của mình: thế giới của tưởng tượng và những giấc mơ. Khi hiện tại của người nghệ sĩ không thể tồn tại, không giải quyết được thì thế giới tưởng tượng là thế giới tinh thần, là sự giải thoát cho người đạo diễn.

Bộ phim có những cú cắt cảnh đột ngột, bất ngờ chuyển nhân vật từ trạng thái hiện thực sang “địa hạt” của những giấc mơ. Chính điều này đã phá vỡ tính hiện thực của bộ phim. Sự kết hợp giữa những thế giới không tưởng đã làm cho bộ phim trở thành một sản phẩm của trí tuệ kì diệu của con người. Bộ phim dường như thách thức sự lý giải của trí tuệ đối với những thế giới đa dạng và phức tạp trong phim. Thế giới mà như Jung nhận định là “người ta đã hồi tưởng kỷ niệm mà không ý thức được sự hồi tưởng ấy”. Trong thế giới giấc mơ của Guido, hình ảnh thường xuất hiện và lặp đi lặp lại đó là hình ảnh của bố mẹ và người vợ Luisa.

Trường đoạn đầu tiên khi Guido nằm ngủ trong một khách sạn cùng Carla, anh mơ thấy bố mẹ đang đứng ở một nơi vắng vẻ. Người bố khoác cho anh một chiếc áo choàng và ông từ từ biến mất xuống một cái hố sâu. Bà mẹ hiện ra và thật bất ngờ khi anh đang ôm hôn mẹ thì người mẹ lại biến thành người vợ Luisa. Tính logic cuả bộ phim đã bị phá vỡ. Trong những giấc mơ, đây là một điều dễ hiểu. Nhưng theo Jung trong “Thăm dò tiềm thức” thì những giấc mơ cũng mang ý nghĩa biểu hiện của nó: “đó là mảnh đất nảy nở phần lớn những biểu tượng”, “hình ảnh trong giấc mơ đẹp đẽ và đánh mạnh vào tâm trí ta hơn những khái niệm hay những kinh nghiệm của cuộc sống ban ngày, sở dĩ như vậy là vì ta thấy mặt khác của những hình ảnh ấy”.

Guido luôn mơ thấy bố mẹ và những kỉ niệm thời ấu thơ của cậu bé, thời kì cậu bé còn được nuôi dạy trong nhà thờ. Đến đây có thể thấy rằng vấn đề tôn giáo cũng được Fellini đề cập đến trong bộ phim 8 ½ . Trong phim xuất hiện hình ảnh đạo diễn Guido gặp và nói chuyện với cha cố ở những bối cảnh không gian khác nhau: trong phòng tắm và trong khu vườn kì lạ. Để hoàn thành được bộ phim của mình, đạo diễn không tránh khỏi việc phải “lấp đầy” những hình ảnh về quá khứ và hiện tại bằng những hồi ức và giấc mơ. Đó là sự day dứt và thậm chí là khổ sở của một đạo diễn khi muốn hoàn thành tác phẩm điện ảnh của mình.

Trường đoạn đầu phim cũng là một giấc mơ khác của Guido: trên đường phố đông đúc vì tắc đường, rất nhiều chiếc xe đứng lại và mọi người đều im lặng và chờ đợi. Họ không nói chuyện với nhau mà chỉ nhìn nhau bằng ánh mắt. Trong khi đó, một người đàn ông đang ngồi trong một chiếc xe. Anh ta với tay lau cửa kính, sau đó lại loay hoay, tìm mọi cách thoát ra khỏi chiếc xe khi chiếc xe ngày càng có nhiều khói. Rồi anh ta dần dần bay lên cao, thoát khỏi đám đông con người và xe cộ phía dưới, bay lên cao mãi đến mây thì cảnh cắt đột ngột chuyển sang cảnh bên bờ biển. Người đàn ông treo trên cao như một quả bóng, được nối với mặt đất bằng chiếc dây buộc vào cổ chân. Anh ta không muốn xuống dưới mặt đất nhưng đã có người kéo anh ta ở dưới và họ yêu cầu anh phải xuống. Anh lao xuống biển từ trên cao và hét lên. Đúng lúc đó nhân vật chính tỉnh dậy trong một phòng khám với y tá và bác sĩ. Đó chính là Guido với con mắt thâm quầng.

Chi tiết đầu phim thể hiện tính phản thân rõ nét của đạo diễn Fellini. Nhân vật đạo diễn Guido là sự  hiện thân của Fellini, những khó khăn khi bộ phim 8 ½ được hoàn thành cũng chính là những khó khăn trong quá trình đi tìm ý tưởng kịch bản và chuẩn bị cho những thước phim đầu tiên của nhân vật đạo diễn Guido.

Rất nhiều những mảng hồi ức của nhân vật đều là những mảng hồi ức của đạo diễn Fellini. Do đó, chất hiện thực và mơ tưởng là những điểm mạnh của bộ phim. 8 ½ là bộ phim làm về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Bộ phim cũng phản ánh những khó khăn mà người đạo diễn phải đối mặt khi muốn hoàn thành một bộ phim.

Con người nghệ sĩ luôn muốn vươn tới những tầm cao mới của bầu trời sáng tạo giống như hình ảnh ở đầu bộ phim, trong khi đó con người cá nhân lại bị mắc vào vô số những mối quan hệ phức tạp trong công việc, thậm chí, những mối quan hệ ấy dường như cũng rất mong manh. Guido trao đổi với mỗi người một câu với một vẻ hờ hững, không tập trung. Trong khi đó những người nói chuyện hay phỏng vấn anh đều có những câu hỏi thật xa vời với công việc và cuộc sống của anh. Tựu trung lại ở con người của Guido đó là sự cô đơn ngay trong chính cuộc sống của một đạo diễn có nhiều danh vọng: anh có được sự nổi tiếng, được đông đảo các tầng lớp trí thức và thượng lưu biết đến. Nhưng ẩn dấu sau lớp vỏ cuộc sống có vẻ màu mè và sang trọng, Guido luôn tìm đến với cuộc sống nội tâm – hướng về gia đình và những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ. Một mình anh sống trong thế giới của những giấc mơ – tiềm thức yên ả và đẹp đẽ. Một mình “ngụp lặn” ở trong thế giới đó những lúc con người hiện thực cảm thấy cô đơn ngay cả với chính bạn bè và người tình, những cô gái đẹp vây quanh. Với Guido, thế giới của vô thức và hiện thực luôn song hành và mở rộng sang nhau.

Không thể phủ nhận rằng Fellini đã cố gắng để lý giải về thế giới của những giấc mơ và hiện thực. Bộ him đã phá vỡ cấu trúc cổ điển Hollywood với kiểu cấu trúc ba hồi chặt chẽ. Bộ phim bắt đầu với thế giới của giấc mơ, sau đó là chuyển sang thế giới của hiện thực và lay động giữa thế giới của tiềm thức và tưởng tượng. Kết thúc bộ phim không rõ ràng, đó vẫn là một giấc mơ trong cả chuỗi giấc mơ dài của nhân vật: vẫn là một bối cảnh với nhiều người cùng tham gia vào một điệu vũ tập thể. Những bộ trang phục lộng lẫy, những khuôn mặt vui vẻ trong không khí của âm thanh rộn rã và vui vẻ của cả một dàn nhạc.

Guido cũng xuất hiện trong nhóm và anh chỉ đạo mọi thứ như đang làm một bộ phim. Tất cả mọi người đều tham gia vào màn nhảy múa ấy: bố mẹ, Luisa, Carla…đó là thế giới của anh, do anh làm “đạo diễn”. Có thể đó chỉ là một thế giới do anh tưởng tượng ra, nhưng đó cũng có thể là thế giới thực. Mọi người đều chấp nhận bước chân vào thế giới ấy với một niềm hạnh phúc và vui vẻ. Hiện thực, quả thực đó là một cái gì đó rất khó nắm giữ và lý giải khi mọi đường biên ranh giới của nó đã bị đẩy đến vô hạn, con người không thể kiểm soát hết được mọi thứ.

Thế giới của hiện thực và tiềm thức là hai thế giới cùng tồn tại song song và đóng vai trò bổ sung cho nhau trong thế giới của đạo diễn Guido. Anh vừa là con người của công chúng, vừa là con người của những suy tư, chiêm nghiệm cá nhân. Bộ phim một mặt đã mở ra cho chúng ta thấy một thế giới kì diệu của điện ảnh, nơi mọi điều đều có thể hòa lẫn vào nhau theo một cách thức khéo léo, mặt khác, nó cũng cho thấy trí tuệ tuyệt vời của một đạo diễn bậc thầy người Ý./.

Nguồn ảnh: Columbia.

~ by yeuphimanh on April 12, 2011.

5 Responses to “Tiềm thức và hiện thực trong 8 ½”

  1. Đoạn thứ 3 từ dưới lên hơi dài. Nếu diễn đạt bằng tiếng Anh thì có thể gọi là “WALL OF TEXT” ý chỉ một đoạn văn quá dài khiến cho nó giống như một bức tường chữ.

    Anh nghĩ em nên cắt ngắn nó ra cho dễ đọc vì đây là web chứ không phải là báo, và đương nhiên khi lập đoạn mới thì phải có câu chủ đề mới cho đoạn đã được cắt ra.

    Cấu trúc của thế giới tiềm thức và hiện thực trong phim

    Tiêu đề này khó hiểu và chứa đến 2 vấn đề, có lẽ nên phân ra 2 phần khác nhau?

    Nếu là đạo diễn người Ý, có thể liên quan gì đến trường phái Tân Hiện Thực Ý không?

    Tính phản thân chưa được diễn tả cụ thể lắm. Thật ra anh đọc xong vẫn chưa rõ là phim thể hiện tính phản thân của đạo diễn như thế nào, qua những cái gì. Vì ngay sau lập luận vào tính phản thân em đi vào cái khác.

    Nhiều bài của em trên lớp cũng có yếu điểm tương tự: nhiều thông tin, nhiều nhận xét sâu sắc nhưng cách tổ chức thông tin lại luộm thuộm. Anh nghĩ trước khi viết em nên lập dàn ý, hoặc vẽ biểu đồ ra theo hình xương cá chẳng hạn. Bắt đầu từ đâu, đi đến lập luận nào và giải thích nó ra sao, rồi thêm những râu ria để làm sáng tỏ như thế nào.

    Những bài viết nào của em cũng có nhiều đoạn văn quá dài. Tổ chức ý không mạch lạc khiến người đọc bị sa vào một rừng kiến thức. Vì vậy anh góp ý 2 điều: 1. Đoạn văn ngắn, dễ hiểu, 2. Tổ chức ý chặt chẽ hơn bằng cách lập bản đồ hình học trước khi viết bài.

  2. @anh Hiển: Sau một thời gian ngắn, bài viết của em đã được trả lại nguyên vẹn, em sẽ trao đổi lại với anh. Cảm ơn anh vì những góp ý cho bài viết của em.
    Em có một số trao đổi về những ý kiến của anh như sau: Tiêu đề “Cấu trúc của thế giới tiềm thức và hiện thực trong phim” em thấy hoàn toàn không khó hiểu và không nên phân tách. Vì bộ phim 8 1/2 được xây dựng theo cấu trúc đan xen giữa hiện thực và tưởng tượng. Từ đầu đến cuối bộ phim, hai thế giới (tiềm thức và hiện thực) kết hợp hài hòa, khó phân biệt nếu xem phim không để ý kĩ. Đặc biệt là những giấc mơ, hồi ức trong phim rất phức tạp vì đó là toàn bộ thế giới tinh thần của người nghệ sĩ bắt nguồn từ những vấn đề xã hội: tôn giáo, tình yêu, tình cha mẹ…Hai thế giới trộn lẫn vào nhau, do đó không nên phân tách riêng rẽ.
    Chủ nghĩa Tân hiện thực Ý phát triển mạnh nhất trong giai đoạn 45-51 và càng về sau này nó mất dần ảnh hưởng. Fellini là một đạo diễn người Ý, nhưng bộ phim này không chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của CNTHT. Tuy nhiên, có thể nhận thấy một số yếu tố của CNTHT mà đạo diễn đã khai thác và sử dụng trong phim, ví dụ như: nhiều cảnh quay đại cảnh ngay tại hiện trường và nhiều cảnh quay trong nhà với việc bố trí ánh sáng và máy móc cẩn thận ngay tại trường quay. Âm thanh được lồng sau khi quay…8 1/2 là bộ phim mang đậm tính phản thân của Fellini. Do đó, bộ phim gần như một “tấm gương” phản ánh chân thực những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một người nghệ sĩ trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Những yếu tố thể hiện cho luận điểm em có viết đan xen vào mỗi phần.
    Rất cảm ơn anh vì những nhận xét khá cụ thể về văn phong và bài viết của em. Thật đấy.

  3. Việc phải cải tiến như thế nào, hay cứ tiếp tục thế, thì tùy ở Vân. Còn anh, là một người dễ chán. Khi anh đọc một đoạn văn, anh chỉ đọc 2 câu đầu, và nếu 2 câu đầu đó dễ hiểu, và có một chút đam mê diễn đạt trong đó, thì anh sẽ đọc đến hết đoạn.

    2 đoạn văn trả lời của em trong phần bình luận ngay trên đây, anh đọc hết được nguyên đoạn. Nhưng toàn bộ bài trên, chưa đoạn nào anh đọc qua được câu thứ 2.

    Không nói đến lý lẽ, nhưng khi em bực bội suy nghĩ mất 2 ngày mới viết được 2 đoạn văn để tranh luận thì 2 đoạn văn đó dễ hiểu và hay hơn cả nguyên một bài viết to đùng phía trên.

    Nhận ra điểm yếu của mình và sửa đi. Phải cấu trúc bài viết sao cho đoạn này đưa đến đoạn kia. Phải cấu trúc đoạn văn sao cho người ta hiểu được ý ngay từ 2 câu đầu. Phải viết với một niềm đam mê nào đó, vì nếu chính em không có đam mê khi viết thì đừng mong người đọc thích đọc.

  4. Em xin đính chính lại rằng có khá nhiều lý do để sau 2 hôm em mới reply lại comment của anh. Thứ nhất, bài viết của em từng bị để ở private vì thầy Dean cho rằng bài viết của em không xuất phát từ ý tưởng nguyên gốc. Em đã mất khá nhiều thời gian để trao đổi cho đến khi bài viết được post lại. Đến lúc đó em mới nghĩ đến việc để trả lời comment của anh, không có chuyện “bực bội suy nghĩ 2 ngày mới viết được 2 đoạn văn” như anh nói. Dù sao vẫn cảm ơn anh vì những nhận xét.

  5. […] by Thế Vân […]

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: