Đi tìm ý nghĩa

by Hà Nguyễn

O Brother, Where Art Thou là bộ phim của anh em nhà Coen sản xuất năm 2000 kể về hành trình đào thoát khỏi nhà tù của bộ ba Everett Ulysses McGill (George Clooney), và Delmar (Tim Blake Nelson), Pete (John Turturro). Được cho là một phiên bản giễu nhại Odyssey của Homer, O Brother, Where Art Thou là một bộ phim hài thú vị, giàu chất triết lý về giá trị của gia đình và đức tin. (Image: Universal Pictures)

Ở nhiều góc độ, bộ phim đem lại một cái nhìn hài hước nhưng không kém phần chân thực về những con người hiện đại trong quá trình tìm kiếm một tín điều.

Với 106 phút vui nhộn tràn đầy thanh âm của những bản nhạc đồng quê và mang đậm sắc màu cổ điển trong từng khuôn hình, O Brother, Where Art Thou xoay quanh bộ ba nhân vật Everett Ulysses McGill (George Clooney), và Delmar (Tim Blake Nelson), Pete (John Turturro) – ba tù nhân trốn trại trong hành trình lấy lại món tiền 1,2 triệu đô trong một thung lũng trước khi nó bị nước lũ nhấn chìm. Trải qua nhiều khó khăn: bị phản bội, bị truy đuổi, bị các siren mê hoặc và thậm chí bị người thân khước từ và thử thách, bộ ba chàng trai đã có một đoan đường dài vừa gian nan, khổ cực vừa thú vị, hấp dẫn. Cuối cùng Evereet thú nhận là không hề tồn tại món tiền 1,2 triệu đô, mục đích thực sự của hành trình này là ngăn chặn vợ anh ta tái hôn. Sau nhiều thử thách, bộ ba được trả tự do, Evereet giành lại được người vợ và quay lại cuộc sống gia đình bình thường với bảy cô con gái.

Trong một hành trình sóng gió và bạo lực: dày đặc các vật cản, ầm ĩ tiếng nổ súng, tiếng chó sủa, cùng với hình ảnh của những chiếc thòng lọng lúc nào cũng sẵn sàng kết thúc cuộc đời của các tù nhân, mỗi nhân vật trong phim có cơ hội để bộc lộ con người bên trong của họ với những giấc mơ về một cuộc sống bình thường và bình yên. Đi tìm một món tiền không tồn tại và tìm thấy một kho báu bị lãng quên là một cuộc sống rất đỗi bình thường mà trước kia họ đã khước từ, O Brother, Where Art Thou là lời khẳng định rằng chỉ có những ngôi nhà mới là nơi người ta muốn tìm về và là nơi an toàn nhất cho mọi trái tim “lạc lối”. Pete mong được làm chủ một nhà ăn, ngày ngày xuất hiện với trang phục lịch lãm. Delmar mơ về việc mua một mảnh đất. Everett thì lừa dối cả hai người bạn chỉ để trở về ngăn chặn việc tái hôn của người vợ.

Cả ba anh chàng tù nhân này trong suốt hành trình dài đã đối diện với những ham muốn về vật chất (động cơ ban đầu là vì món tiền 1,2 triệu đô), ham muốn về nhục dục (gặp gỡ các siren), và thậm chí là đứng trước cám dỗ trong việc trở thành những tên cướp nổi tiếng (gặp gỡ và đi cướp nhà băng cùng với Geogre Nelson). Và một điều rất thú vị là trong mọi cuộc tấn công của các loại ham muốn thì cả ba anh chàng này, kể cả Everett là người khôn ngoan nhất, đều sa ngã. Có thể vì O Brother, Where Art Thou là một bộ phim hài nên anh em nhà Coen không dụng công tạc tượng những anh hùng nhưng chính điều đó đem lại cho bộ phim cảm giác về tính chân thực trong bản chất của con người. Mỗi một lần sa ngã như vậy, bộ ba này lại có một trải nghiệm mới và dường như, lại hiểu hơn giá trị của đời sống tự do, niềm hạnh phúc khi có một cuộc sống bình thường sau nhiều năm tù tội và những trải nghiệm sóng gió. Đầu phim mở ra bằng hình ảnh ba người tù Pete, Delmar và Evereet được xích cùng một sợi xích như một dấu hiệu về một sự gắn bó bắt buộc và một định mệnh khó lòng chia cắt. Cuối phim, khép lại bằng hình ảnh những đứa con của Evereet nối kết lẫn nhau và với cha mẹ mình bằng những sợi dây thừng lại đem đến liên tưởng về sự ràng buộc của gia đình. Đập vỡ những xiềng xích của những ngày không có tự do để trở về với sự tự do trong khuồn khổ, có lẽ Evereet đã có một bài học của riêng mình về giá trị của gia đình, học cách trân trọng những giá trị của đời sống thường nhật.

Xét về ý nghĩa ngầm ẩn, O Brother, Where Art Thou chắn chắn sẽ đem lại nhiều liên tưởng thú vị. Được coi là một phiên bản giễu nhại Odyssey của Homer, O Brother, Where Art Thou có nhiều chi tiết tương đồng với sử thi nổi tiếng này như: sự xuất hiện của vị tiên tri mù, các nàng siren, tên khổng lồ một mắt; Evereet có tên đầy đủ là Everett Ulysses McGill và anh ta cũng phải trải qua một hành trình gian khó trở về nhà, ngăn chặn cuộc tái hôn của người vợ; chi tiết “chiếc giường không thể dịch chuyển được” trong sử thi Odyssey được thay thế bằng chiếc nhẫn của người dì trong cuộc thử thách cuối cùng… Tuy nhiên, tất cả những chi tiết này đều đã được khúc xạ và biến đổi, tạo thành một phiên bản hết sức hài hước về một Ulysses hiện đại – một gã tù nhân trốn trại, thích dùng keo vuốt tóc Dapper Dan, một Ulysses không được con mình đón chào khi trở về và thay vì một cậu con trai, anh ta có đến bảy cô con gái. Vị tiên tri mù trở thành một ông già đẩy xe. Gã khổng lồ một mắt trở thành một tên trộm cướp có kế hoạch. Và các nàng siren của O Brother, Where Art Thou đã không còn là các nàng tiên thân người, đuôi cá nữa mà đã trở thành những sơn nữ giặt đồ với những gợi ý về tình dục khá là lộ liễu từ lời bài hát, động tác vuốt ve và hình ảnh về cái bình có chữ XXX mà một siren cho Evereet uống.

Mặc dù từng phát biểu rằng chưa bao giờ thực sự đọc hết sử thi Odyssey, anh em nhà Coen khó lòng phủ nhận rằng trong O Brother, Where Art Thou sử dụng nhiều chi tiết tương đồng với sử thi nổi tiếng này từ cốt truyện đến nhân vật, chi tiết. Một phiên bản điện ảnh giễu nhại sử thi Odyssey là một tác phẩm có tính giải thiêng khi “dám” động tới một tác phẩm kinh điển của văn học phương Tây. Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ đối sánh với một sử thi báo trước sự ra đời và trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, O Brother, Where Art Thou trong sự tương đồng và dị biệt của nó, lại là một sự nối dài trong quá trình khắc họa nhân vật điển hình của chủ nghĩa tư bản: thông minh, thực dụng. Evereet, dù là một Ulysses kém oai hùng, lại là một hình ảnh chân thực của con người hiện đại luôn từ chối sự rửa tội hay cứu rỗi, một gã cầu xin Chúa bảo vệ mình trước cái chết cận kề nhưng ngay sau đó, khi được cứu thoát bởi cơn lũ, lại khẳng định sự việc đó là một điều y đã biết trước.

O Brother, Where Art Thou được đặt vào bối cảnh năm 1937 tại Missisippi trong thời kì Đại khủng hoảng. Theo Wikipedia, nhan đề của bộ phim được coi là liên quan tới phim Sullivan’s Travels của Preston Sturge, trong đó nhân vật chính trong phim (một đạo diễn) đã làm một bộ phim về thời kì Đại Khủng hoảng có tên là O Brother, Where Art Thou, với mong muốn tạo dựng “một bình luận về đời sống hiện đại, một chủ nghĩa hiện thực trần trụi, và những vấn đề mà một người đàn ông bình thường phải đương đầu”. Tham chiếu về lịch sử, O Brother, Where Art Thou là một xã hội rối loạn với nạn trộm cắp, cuồng tín, tràn ngập bạo lực và khủng hoảng niềm tin, nơi con người cá nhân tha thiết muốn khẳng định những giá trị của bản thân cũng như phát hiện lại những giá trị truyền thống của gia đình. Phim có nhiều trường đoạn có đám đông là nhân vật chính: đám đông tù nhân lao động ở đầu phim, đám đông rửa tội ở dòng sông, đám đông trong đám cưới của vợ Evereet, đám đông định hành quyết Tommy trong rừng, đám đông áp giải Geogre trên phố… Xoay quanh số phận của những kẻ tù tội là hình ảnh về những đám đông hoặc đang bị cầm tù bởi quyền lực của kẻ mạnh (cảnh sát trưởng, giáo chủ, thị trưởng) hoặc đang trong cơn phẫn nộ. Và trên nền của đám đông ấy, là câu chuyện có phần cực đoan về những con người cá nhân muốn tạo dựng bản sắc của riêng mình: Đó là một Evereet chỉ dùng một loại keo vuốt tóc Dapper Dan; đó cũng là Geogre vừa nã súng vào cảnh sát, vừa thông báo tên riêng, vừa cung cấp thông tin về chiều cao, một chi tiết thú vị gợi nhớ tới hai nhân vật chính trong Bonnie and Clyde.

Lấy cảm hứng từ Odyssey của Homer nhưng O Brother, Where Art Thou bộ phim hành trình có nhiều chi tiết thú vị và hài hước. Yếu tố âm nhạc được sử dụng nhiều trong phim. Gần như mỗi một trường đoạn đều có sự xuất hiện của âm nhạc, đều được nâng đỡ bằng âm nhạc. Soundtrack Man of Constant Sorrow xuyên suốt bộ phim, tạo nền tảng cho mạch tự sự về hành trình trở về nhà của ba gã tù nhân mà có lẽ đã trở nên quá xa lạ với gia đình và bạn bè[i]. Việc sử dụng tẩy màu của bộ phim, chỉ làm nổi bật tông màu nâu và vàng, tạo ra cảm giác về sự xưa cũ. Không gian thoáng, ít vật chắn kết hợp với góc máy rộng khiến cho mỗi khuôn hình của bộ phim đẹp như một bức tranh cổ điển.

O Brother, Where Art Thou là một bộ phim dễ khiến người ta bị thu hút bởi vẻ đẹp của mỗi khuôn hình, sự ngọt ngào của ca từ và sự hài hước từ câu chuyện. Không thiếu bạo lực, nhưng lại rất mềm mại nhờ sự trợ giúp của thanh âm và màu sắc, O Brother, Where Art Thou là một bộ phim đáng xem về hành trình bi hài của một Ulysses hiện đại: “I am a man of constant sorrow – I’ve seen trouble all my day”…

Nguồn ảnh:  Universal Pictures 


[i] Lấy ý trong soundtrack Man of Constant Sorrow:  “Maybe your friends think I’m just a stranger  – My face you’ll never see no more” .

Advertisement

~ by hanguyenussh on March 31, 2011.

10 Responses to “Đi tìm ý nghĩa”

  1. Có khen mà không có chê… Thật ra phim này có nhiều điểm còn chưa được. Không phải cứ phim kinh điển, được đưa lên lớp để học và nghiên cứu là phải hay, phải được khen. Bài trên lớp thì chúng ta nghiên cứu về nó, khen nó ầm ĩ, nhưng…

  2. Còn nữa, nếu xét về dạng bài, thì hoàn toàn không rõ ràng. Nếu xét như bài điểm phim (review) thì thiếu nhiều phần: thiếu thông tin phim, thiếu nhận xét về phim để người xem biết có nên đi xem hay không, v.v… Nếu là một bài lý luận phê bình thì thiếu một luận điểm rõ ràng cùng với sự chứng minh đi theo đó, và thiếu cả dẫn chứng và phần tham khảo.

    Nói thật mất lòng, nhưng đã là nhà LLPB thì ít nhất phải hiểu những điều cơ bản ở trên, và phải có trách nhiệm chuyên môn với bài viết của mình chứ?

  3. @ anh Hiển: cảm ơn nhận xét của anh. Đây là một bài phân tích về 4 ý nghĩa của phim. Em đã viết theo 4 lớp ý nghĩa, có đãn chứng. hai lớp ý nghĩa cuối cùng, khi so sánh phim với sử thi Odyssey và Sullivan’s Travels. Vậy đoạn nào là không có dẫn chứng đây?
    Việc thấy phim hay hay dở là ở người tiếp nhận, nếu đem điều đó ra để phán xét ở đây thì xem ra cũng k hợp lý và cũng thiếu khách quan nữa.
    Về trách nhiệm của người làm phê bình, cảm ơn anh đã nhắc nhở. Em nghĩ bản thân cũng có thiếu sót với bài viết này thật. Em sẽ sửa chữa và bổ sung sau.

  4. Mình nghĩ một bài phê bình không nhất thiết cứ khen thì phải chê, nhất là không phải bài bình nào cũng nói về toàn bộ phim, mà có thể chỉ viết về một khía cạnh nào đó của phim.
    Đây là một bài bình khá sâu vì phân tích nhiều lớp nghĩa của phim và ở trong từng đoạn đều có dẫn chứng, so sánh, chứng minh.
    Vả lại, mình nghĩ comment là bình luận cho bài viết chứ không phải là phê bình tác giả, thái độ “ném đá” không có nghĩa là góp ý.

  5. Đọc các bài bình phim trên báo tin vắn cũng như trên trang web này tôi thấy nhan nhản những khen tặng. Phê bình nên là cả hai mặt.

    Còn việc “ném đá” hay không và tác giả đã làm gì sai trong 2 bài đăng gần đây trên web và trên báo tin vắn thì tác giả tự biết. Còn nếu làm một lần nữa thì không thể bỏ qua được.

  6. Đôi lúc mình cho rằng, chuyên tâm vào viết một bài tử tế chắc hay hơn là những việc thế này. Nhưng việc đó quả là khó, mà người ta thì ai chẳng thích chọn cách dễ.

  7. Còn mình thì cho rằng, đăng một bài viết với ý tưởng hoàn toàn của chính mình cộng với việc trích dẫn những tham khảo mà mình đã dùng vào bài viết tốn nhiều thời gian, công sức suy nghĩ và khó hơn là:

    …dùng ý chỗ này một ít, ý chỗ kia một ít để tổng hợp thành bài của mình và rồi lười cả việc ghi địa chỉ tham khảo vào.

    2 việc đó là 2 việc có thể so sánh được để biết được cái nào khó hơn hay dễ hơn. Vì đó là 2 phương pháp làm việc khác nhau trong cùng một công việc: viết bài lý luận phê bình phim.

    Còn việc comment và việc viết bài là hai công việc hoàn toàn khác nhau không thể đem so sánh với nhau được.

  8. khó hay dễ thì chúng ta cũng đang học để trở thành một người biết viết và có tự trọng với những gì mình viết. muốn so sánh cái gì với cái gì chẳng được, chỉ là có đủ dũng khí để chịu đựng sự khập khiễng đó hay không thôi. đối với mọi bình luận (về nhau và về bài của nhau) có lẽ chúng ta cũng nên học ở đó nhiều thứ, trước hết là nghệ thuật phê bình và tiếp nhận phê bình :)). đôi với mọi bài viêt cần phải nhận ra cái hay cái dở của nó. hay thì vì sao hay? dở thì vì sao dở? và “nếu là bạn, thì bạn sẽ khắc phục lỗi đó như thế nào”? thiết nghĩ, đấy cũng là cái đạo của phê bình vậy…
    cảm ơn tất cả những comt của mọi người.

  9. Còn mình thì cho rằng, đăng một bài viết với ý tưởng hoàn toàn của chính mình cộng với việc trích dẫn những tham khảo mà mình đã dùng vào bài viết tốn nhiều thời gian, công sức suy nghĩ và khó hơn là:

    …dùng ý chỗ này một ít, ý chỗ kia một ít để tổng hợp thành bài của mình và rồi lười cả việc ghi địa chỉ tham khảo vào.

    @ Hà: đây không phải là lời bình về bài viết của Hà, mà là lời bình chung chung về một số bài viết của các bạn trên báo tin vắn gần đây mà cụ thể là bài viết về Apocalypse Now trên tinvanonline. Anh nêu nó lên ở đây để tranh luận với Diễm.

  10. cảm ơn anh. Có lẽ em đã phản ứng hơi thái quá. Em xin lỗi. Em sẽ xóa comt trên.
    Về thiếu sót thì em thấy thế này: em đã không dùng chính xác 1 trong 6 cách tiếp cận này, có lặp một số ý và viết chưa tập trung. Em xin nhận thiếu sót này. Còn về việc thiếu dẫn chứng hay thiếu trích dẫn nguồn thì em không đồng ý lắm.
    Em không biết anh nhắc đến bài thứ hai trong “hai bài đăng” gần đây của em là bài nào? nếu là bài Bảo vệ trinh tiết cho Hiện thực thì đó là một bài nằm trong mục Bàn tròn K6, nó không phải là một bài review hay bài luận phân tích gì cả, chỉ là một vài cảm nhận về việc có hay không có cái gọi là Hiện thực trong sáng tác nghệ thuật mà thôi.
    Các bài viết khác của em, nếu có phản hồi gì, phiền anh gửi mail hoặc trao đổi trực tiếp với em, chúng ta sẽ cùng thảo luận. Cảm ơn anh. Em nghĩ mình còn ít kinh nghiệm trong chuyện viết lách, cũng có nhiều khi đã coi trọng cảm xúc của mình hơn là việc chăm chút cho kĩ thuật viết.
    Cảm ơn comt của mọi người.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: