Đặt phim Tết Việt 2011 lên bàn cân

by Hương  Giang

Ba bộ phim được ra rạp đúng vào dịp tết Tân Mão là: Bóng ma học đường, Thiên sứ 99, Cô dâu đại chiến…vẫn đang tiếp tục hâm nóng các rạp chiếu phim tại Hà Nội, Sài Gòn bằng số lượng khán giả đi xem phim, lợi nhuận thu được trong những ngày công chiếu…Tuy nhiên, ba bộ phim thuộc ba thể loại ấy đã thực sự hấp dẫn, thỏa mãn sự mong đợi của khán giả? Hay hiệu ứng của nó chỉ đến từ những câu chuyện phía sau màn ảnh, những chiêu PR rầm rộ từ các nhà sản xuất?

1 “Cô dâu đại chiến” – Con đẻ lai tạp của Victor Vũ

Nếu bình chọn đạo diễn trẻ Việt kiều nào “gan to” nhất trong dòng phim thị trường Việt hiện nay, nhiều người sẽ không ngần ngại chỉ đích danh Victor Vũ. Không hoang mang, không sợ hãi sau khi bị dư luận phát hiện tác phẩm “Giao lộ định mệnh” là hàng đạo  “Shatered” của Mỹ từ một thập kỷ trước. Đạo diễn trẻ “thừa thắng xông lên” với một phiên bản “copy” ý tưởng không chỉ từ một phim mà của nhiều phim và còn có cả clip quảng cáo phát sóng trên truyền hình. Thế mới biết Victor Vũ tiến bộ như thế nào về khả năng làm phim và sáng tạo điện ảnh. Ngồi xem “Cô dâu đại chiến” từ đầu cho tới cuối phim không ít lần khán giả phải thốt lên bởi sự giống nhau, bởi sự na ná với rất nhiều phim Mỹ, Hàn Quốc trước đó mà họ từng xem, đôi khi Victor Vũ còn không ngần ngại đưa cả tình huống, chi tiết quảng cáo vào trong phim của mình. Vì vậy mà xem một bộ phim Việt mới toanh mà khán giả cứ phải suy nghĩ, lục lại trí nhớ xem cảnh này thì đạo diễn “nhặt” từ phim nào, đoạn kia thì lấy từ sản phẩm quảng cáo mang tên là gì? Và cuối cùng thì giật mình đếm được con đẻ “Cô dâu đại chiến” bị lai tạp và ghép giống “đa quốc gia”. Lựa chọn cách để nhân vật tự nói tiếp nối cách làm trong “Chuyện tình xa xứ”, Victor Vũ làm người ta không khỏi lo lắng vì ngoại đạo toàn bộ phim người khác thì đạo diễn trẻ này không biết tìm một phương thức thể hiện nào khác cho độc đáo, mới mẻ hơn hay sao. Để nhân vật tự nói mà nói bằng một giọng điệu giả và cường điệu khó tả đã làm câu chuyện trong phim thêm phần “yếu thế”. Một bộ phim tâm lý, hài hước dài 90 phút nhưng có biết bao điều khiến những người quan tâm đến điện ảnh phải giật mình vì sự cẩu thả, coi thường khán giả từ phía nhà làm phim. Không chỉ “mượn không xin phép” ý tưởng phim của nước ngoài mà “Cô dâu đại chiến” còn làm người xem bị một phen chán nản với phần âm nhạc “chắp vá”, nhạc một nơi, cảnh một nẻo trong hầu hết các phân đoạn, trường đoạn trong phim. Đó còn là chưa kể nhạc phim Teen “Bộ tứ 10A8” cũng được sử dụng làm nhạc nền khi phim kết thúc. Có lẽ quá vội vã để kịp tiến độ ra mắt dịp Tết nên nhà làm phim cố gắng “lắp” tạm trẻ vào chop him vẫn có đầy đủ các yếu tố.

Tuy nhiên, nếu cứ chê mãi cũng bất công với “Cô dâu đại chiến” bởi lẽ dàn sao trong phim cũng là một chiêu “hút khách” rầm rộ. Dàn diễn viên với những cái tên đủ bảo chứng lợi nhuận như: Huy Khánh, Đinh Ngọc Diệp, Phi Thanh Vân…không chỉ đẹp mà còn diễn xuất khá đồng đều. Đặc biệt diễn xuất của Huy Khánh và Đinh Ngọc Diệp đã có sự tiến bộ rõ rệt so với những phim trước đó họ từng tham gia. Tuy nhiên, diễn xuất cuốn hút nhất và có lẽ để lại nhiều ấn tượng hơn hẳn là Lê Khánh. Với vốn kinh nghiệm, sự đào tạo bài bản và khả năng vai diễn của Lê Khánh trở nên có hồn hơn hẳn so với dàn chân dài trong phim.

Ngoài ra với phần những kỹ xảo không mới nhưng có sự đầu tư cũng là một điểm để gỡ gạc lại trong “Cô dâu đại chiến”. Và tất nhiên không thể không nói đến phần hình ảnh trong phim. Nếu bạn thích những tông màu rực rỡ, thích được ngắm nhìn những khuôn mặt đẹp như hoa của dàn diễn viên thì sẽ không bỏ qua yếu tố này và nên chọn “đứa con lai” này để xem. Không thể phủ nhận DOP K’Linh đã mang tới cho “Cô dâu đại chiến” một phần nhìn rất đáng “đồng tiền bát gạo”…

Và xét cho cùng, nếu là khán giả dễ tính, có thể bỏ qua cho cái lỗi tày trời là thích lượm lặt ý tưởng sáng tạo của người khác, không thích xem một bộ phim có quá nhiều ý nghĩa, tìm tòi hay dụng ý nghệ thuật. Chỉ muốn được thư giãn, có những tiếng cười nhẹ nhàng và ngắm nhìn những ngôi sao mà bạn yêu thích thì lựa chọn “Cô dâu đại chiến” có thể sẽ là sáng suốt nhất trong ba phim công chiếu những ngày đầu xuân mới.

2 Bóng ma học đường – Bóng ma của phim 3D Việt Nam

Có khán giả nào trot dại bỏ tiền mua vé xem “Bóng ma học đường” của Lê Bảo Trung cũng không nên quá tức tối. Đơn giản là khi mà điện ảnh thế giới đã lên đến những tầm quá cao mà điện ảnh Việt Nam đang cố gắng ì ạch để đi bộ và bắt đầu leo dốc thì cũng hãy vỗ tay cho những “chiến sĩ dũng cảm” như Lê Bảo Trung.

Vốn mát tay những phim thị trường: Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ…trước đó cũng khá thành công về mặt thương mại. Nhưng lần này Lê Bảo Trung quyết định sử dụng mảng miếng sáng tạo của mình để khai phá một công nghệ làm phim siêu hiện đại mà bom tấn 3D “Avata, Alice in wonderland…” đã làm mưa, làm gió trong năm 2010.

Bộ phim khiến người xem phì cười không phải vì nó là phim hài, có những tình huống gây cười…mà bởi công nghệ 3D quá dở, phô và nội dung phim thì nhạt hết chỗ nói. Có lẽ đây là kịch bản thuần Việt không có mượn hay sao chép ý tưởng, tình huống như “Cô dâu đại chiến” của Victor Vũ nên nó tẻ ngắt.

Chọn vấn đề bạo lực học đường đang là vấn nạn báo động trong đời sống học đường của giới trẻ Lê Bảo Trung không chỉ kể lại, miêu tả đơn thuần những câu chuyện nóng hổi ấy mà còn lồng ghép cả công nghệ 3D, những tưởng tượng với dáng dấp của phim kinh dị Việt Nam. Có lẽ cũng bởi ôm đồm nhiều quá mà cuối cùng không biết xếp “Bóng ma học đường” vào thể loại gì. Vì cái gì cũng chỉ nhờn nhợt, “nửa nạc, nửa mỡ”…Đi tìm cho nó một thể loại để gọi tên chính xác cũng đã khó chứ chưa nói đến ngồi xem hết màn tra tấn ấy để tìm ra ý nghĩa, thông điệp nào được ẩn sâu dưới những tầng hình ảnh 3D đa chiều…

Có thể nói kịch bản của “Bóng ma học đường” mắc phải tất cả những lỗi sơ đẳng của một kịch bản phim truyện. Hơn nữa có quá nhiều những tình tiết thừa, nông và rất ngây ngô.

Dàn diễn viên “hot boy, hot girl” như những “bóng ma” di chuyển trên màn ảnh. Diễn mà như đang học thuộc lòng, nói thoại như đang trả bài…của các ngôi sao trẻ khiến khán giả như đang xem bình hoa di động để đạo diễn muốn đặt ở đâu thì đặt. Điểm sáng duy nhất trong phim có lẽ thuộc về diễn xuất của danh hài Hoài Linh. Hoài Linh không chỉ hoàn thành vai diễn mà còn tạo cho nhân vật của mình một dấu ấn khó quên.

Khán giả Việt xem “Bóng ma học đường” như để tìm cảm giác an ủi Việt Nam cũng có phim 3D và đến ngắm nhìn các ngôi sao tuổi Teen với những “pha diễn” nóng bỏng trên màn ảnh. Một bộ phim hiệu ứng đến với người xem không phải bằng chất lượng, nội dung hay kỹ thuật mà nó sử dụng để thực hiện mà chỉ bởi những chuyện hấp dẫn, câu khách mà trước đó các nhà sản xuất đã tung ra.

3 “Thiên sứ 99”- Chuyện cổ tích không trọn vẹn

Với một kịch bản na ná nhiều phim Teen của Disney“Thiên sứ 99” không giúp những khán giả tuổi ômai bị mê hoặc hay có cảm giác được trở về với những câu chuyện tưởng tượng ngày xưa. Ý tưởng kịch bản không mới mẻ nhưng bộ phim vẫn còn có nhiều điểm để khán giả đỡ buồn ngủ hơn so với “Bóng ma học đường”.

Nguyễn Minh Cao có lẽ cũng đã già nên anh không biết rằng khán giả tuổi ômai đã chán phải nghe những câu răn dạy vừa già vừa sáo kiểu như các nhân vật trong phim thi nhau nói. Hơn nữa đây là một kịch bản thiếu vắng ngôn ngữ điện ảnh, thiếu vắng những khám phá để đạo diễn tự mình thể hiện tư duy nghệ thuật riêng. Và cũng bởi nó mắc quá nhiều những sai lầm mãn nhãn của phim Teen Việt Nam trước đó mà cuối cùng “Thiên sứ 99” chỉ như một màn giảng đạo đức chưa tới. Đơn giản bởi người truyền đạo là các diễn viên cũng làm không tốt vai trò của mình.

Với những lỗi cơ bản từ bản thân kịch bản, cộng với những góc nhìn “sáo mòn, cũ kỹ” của nhà làm phim, những cảnh quay chưa thực sự khiến người xem bị thuyết phục và đặc biệt dàn diễn viên còn “non” kinh nghiệm diễn xuất đã khiến bộ phim giống như một tiểu phẩm ngắn về đạo đức cho tuổi Teen được kéo dài lê thê trên màn ảnh.

Không mới mẻ, thiếu đột phá là những gì người xem dễ bắt gặp trong “Thiên sứ 99”. Với lối suy nghĩ cũ kỹ này của các nhà làm phim thì không biết bao giờ Việt Nam mới có một phim Teen đúng chất, bao giờ khán giả mới thôi phải ngáp dài ngáp ngắn trước những câu thoại vô duyên, sáo rỗng và rất già được xuất phát từ những hot boy, hot girl…đang diễn xuất trên màn ảnh.

Có thể nói ba bộ phim Tết năm nay chọn đúng điểm rơi là đánh vào tâm lý, thị hiếu của một bộ phận không nhỏ công chúng là thích tới rạp để ngắm nhìn các ngôi sao, khám phá và thỏa mãn sự tò mò về những cảnh phim nóng bỏng, khoe thân của một số những người đẹp, song nếu bàn đến chất lượng hay những yếu tố hấp dẫn của một bộ phim cần phải có thì có lẽ ba phim Việt: Bóng ma học đường, Cô dâu đại chiến, Thiên sứ 99…đều bị khiếm khuyết trầm trọng. Sự thiếu vắng những khám phá, dụng công của đạo diễn, những cách diễn đẹp, có bản sắc từ những diễn viên chuyên nghiệp, sự đầu tư kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, công nghệ cũng khiến chúng ta không khỏi lo lắng về tình trạng làm phim của Việt Nam hiện nay.

~ by huonggiangcinema on March 31, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: