Psycho và lý thuyết tác giả
by Thế Vân
Alfred Hitchcock là cái tên thuộc hàng “gạo cội” trong làng điện ảnh thế giới. Phong cách và đề tài trong nhiều phim của ông đã trở nên phổ biến, và nó có ảnh hưởng tới nhiều bộ phim khác của các nhà làm phim thuộc thế hệ trẻ. Ở Việt Nam, bộ phim “Giao lộ định mệnh” của đạo diễn Victor Vũ cũng mang những dấu ấn ảnh hưởng của phong cách Hitchcock.
Lý thuyết tác giả (auteur theory) bắt đầu xuất hiện từ những năm 1950 trên tạp chí Cahiers du Cine’ma của Pháp với tên tuổi của những nhà phê bình nổi tiếng như Jean-Luc Godard, Francois Truffaut, Jacques Rivette…Sau này họ đã trở thành những nhà đạo diễn của phong trào Làn sóng mới Pháp trong thập niên 60.
Cũng trong thập niên này, tờ tạp chí Movie của nước Anh xuất hiện những bài viết mang tính tranh luận về lý thuyết tác giả của các nhà phê bình như Ian Cameron, Mark Shivas, Paul Mayersberg và Victor Perkins. Điểm cơ bản trong lý thuyết tác giả đó là cách đánh giá vai trò của các đạo diễn trong những bộ phim mà ông ta đã làm. Nói như nhà nghiên cứu Warren Buckland trong cuốn Film Studies, đó là: “Các đạo diễn làm phim với sự thống nhất về đề tài và phong cách thì được gọi là tác giả. Ngược lại, các đạo diễn không có sự nhất quán về đề tài và phong cách trong các tác phẩm của mình thì được gọi là đạo diễn thông thường và chỉ được xếp ở vị trí các nhà chuyên môn đơn thuần chứ không phải nghệ sĩ”. Theo quan điểm chung của nhiều nhà phê bình, nghiên cứu, họ đều cho rằng sự nhất quán về phong cách và đề tài là những “thước đo” của những tác phẩm điện ảnh được coi là mang phong cách tác giả.
Trong dòng lịch sử phát triển của điện ảnh thế giới, nhiều đạo diễn được coi là tác giả cho chính những bộ phim mà họ đã làm, như đạo diễn Akira Kurosawa (Nhật), Ingmar Bergman (Thụy Điển), Federico Fellini (Ý), Jacques Tati (Pháp)…
Alfred Hitchcock được tất cả giới phê bình thừa nhận là đạo diễn – tác giả gạo cội nổi tiếng. Không giống với bất kì nhà làm phim nào khác, Hitchcock tự xây dựng cho bản thân một “thương hiệu” riêng giữa làng điện ảnh độc đáo và đa diện. Xét về mặt phong cách, Warren Buckland cho rằng, Hitchcock nổi bật với nhiều cảnh quay theo điểm nhìn, đặc biệt chú trọng vào dựng phim và montage, cuối cùng là xây dựng những không gian hẹp trong phim. Về mặt đề tài, phim của Hitchcock nổi bật với những đề tài về sự hồi hộp, vụ giết người hoàn hảo, sự thú nhận và tội ác, nhầm người và quan trọng cuối cùng là tự sự liên quan đến điều tra. Sự hài hòa giữa phong cách và hình thức thể hiện đã xây dựng thành công những kiệt tác điện ảnh của thế giới như bộ phim Vertigo, Rebecca…Hitchcock đã làm về điện ảnh theo cách riêng của mình.
Nhân vật Marion Crane (Janet Leigh) trong phim Psycho (Nguồn: horrornews.net)
Bộ phim Psycho sản xuất năm 1960 thuộc thể loại phim tội phạm, giật gân được xây dựng với một ngôn ngữ điện ảnh và cấu trúc độc đáo, có nhiều phương diện đáng được quan tâm. Cốt truyện trong phim xoay xung quanh nhân vật là cô gái trẻ Marion Crane (Janet Leigh) vì muốn làm đám cưới với người tình của cô là Sam (John Gavin) mà cô đã ăn cắp số tiền mặt 40 ngàn đô la, lái xe đến nơi làm việc của Sam. Tuy nhiên, trên đường đi cô đã ghé qua nhà trọ Bates Motel và bị sát hại. Kẻ sát nhân chưa được lộ diện cho tới khi thám tử tư Albert Gas vào cuộc và người chị gái Leila (Vera Miles) của Marion cũng đi tìm em. Thám tử cũng bị sát hại sau khi ông ta cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang diễn ra trong khu nhà cho thuê và căn nhà của người chủ Norman Bate (Anthony Perkins). Bí mật về bà mẹ già sống cùng cậu con trai Norman nhờ vào dãy nhà trọ đã thu hút sự chú ý của cả cảnh sát cùng Sam và Leila. Vì muốn nhanh chóng đi tìm em gái, Leila và Sam đã đóng giả một cặp tình nhân thuê phòng trọ. Họ đã nhận ra tên giết người thực sự của những vụ án mạng: Norman Bates – một kẻ mắc chứng bệnh tâm thần, thường xuyên đóng giả làm bà mẹ đi lại trong nhà và giả giọng nói của bà mẹ khiến mọi người đều nhầm tưởng bà mẹ mới là hung thủ thật sự của vụ án, trong khi cuối cùng bà ta chỉ là một cái xác khô dưới hầm chứa hoa quả.
Kẻ mắc chứng bệnh tâm thần Norman Bates (Anthony Perkins) (Nguồn: fanpop.com)
Bộ phim mang dáng dấp của phim trinh thám với hành trình điều tra của các nhân vật có liên quan tới nạn nhân. Đầu tiên là viên thám tử điều tra từ một vụ mất tích bí ẩn của nhân vật với món tiền lớn. Tên sát nhân đến cuối bộ phim mới lộ diện và gây cho khán giả sự bất ngờ thú vị, khác hẳn với không khí đầy sự ám ảnh và ma quái hiện ra từ những hình ảnh trong phim. Trong những bộ phim trinh thám, yếu tố thuộc không khí phim rất quan trọng, bởi vì nó giúp duy trì sự quan tâm của khán giả từ đầu cho đến cuối bộ phim. Những âm thanh mạnh, kích thích giác quan của khán giả đã được sử dụng ngay từ đầu phim. Đạo diễn không sử dụng thứ âm thanh dễ nghe, nhẹ nhàng mà khai thác tính chất li kì, bí ẩn của phim kết hợp với âm thanh tuyệt vời thuộc về nghệ thuật thính giác. Đặc biệt, khi vụ giết người xảy ra dưới vòi tắm hoa sen, âm thanh mạnh, gắt được đưa vào và ngắt rất đúng lúc. Marion hét lên khi nhìn thấy con dao và kẻ sát nhân, cô cố gắng chống đỡ nhưng không được. Những nhát dao liên tiếp được đâm tới tấp, nhưng không có cảnh nào cho thấy lưỡi dao đâm vào da thịt cô gái mà chỉ có những hình ảnh được làm mờ đi cùng dòng nước bị biến màu vì máu của cô gái. Sau khi Marion ngã xuống bồn tắm, âm thanh bị ngắt, chỉ còn lại tiếng vòi nước vẫn tiếp tục chảy xối xả, đôi mắt mở to của Marion được quay cận cảnh, sau đó máy quay lia sang món tiền mà Marion đã gói vào tờ báo đặt trên bàn. Dòng tự sự liên quan đến điều tra được khai thác triệt để, phù hợp với môtip đề tài thường thấy trong nhiều phim của Hitchock: điều tra tội phạm.
Trong phim, đạo diễn sử dụng rất nhiều cảnh mờ chồng hiệu quả. Ví dụ như cảnh khi Marion đang lái xe trên đường tới chỗ Sam, cô tưởng tượng những cuộc đối thoại giữa ông chủ và người đồng nghiệp khi họ phát hiện cô không đến làm vào ngày thứ hai. Sau một ngày dài lái xe rong ruổi, cô mỏi mệt và muốn đi ngủ. Cô từ từ nhắm mắt và mờ chồng xuất hiện, cảnh quay chuyển sang sáng hôm sau khi cô đỗ xe bên lề đường và một viên cảnh sát bước đến hỏi giấy tờ xe. Những “mối nối” trong dựng phim được thực hiện hoàn hảo.
Ngoài ra, đạo diễn xây dựng khá nhiều không gian hẹp với cách bài trí các đạo cụ chính xác đến từng chi tiết. Đó là không gian trong căn phòng trọ tồi tàn nơi Sam và Marion gặp nhau trong giờ ăn trưa. Những đồ vật đơn sơ, ít ỏi cho thấy hai người đã chưa thể bàn đến chuyện đám cưới khi Sam hàng tháng vẫn phải gửi tiền cho vợ và hiếm khi họ có cơ hội gặp nhau tại một khách sạn đắt tiền. Không gian trong căn hộ của Marion cũng được bài trí đơn giản bởi mục đích chính của đạo diễn là ghi lại được những biểu hiện trên nét mặt của Marion khi cô lo tính toán sẽ làm gì với món tiền 40 triệu đô. Món tiền được đặt một góc trên chiếc giường và những ánh nhìn của Marion hướng về nó cho thấy cô gái đã quyết định mang nó tới cho người tình của cô. Trong những đoạn phim dài về cảnh ở nhà trọ Bates Motel, không gian đặc biệt nhất là không gian trong phòng riêng của Norman. Đó là không gian hẹp, được trang trí rất nhiều những bức tranh về chim cảnh, có những mô hình được nhồi bằng bông và mở đầu câu chuyện của Norman anh ta nói về những loài chim, những đặc tính của chúng và sở thích của anh ta làm những con thú nhồi bông. Với những người lần đầu tiếp xúc như Marion, có điều gì đó gây cho cô sợ hãi và hoảng sợ. Đó là những chi tiết báo hiệu những bí mật về một kẻ mắc chứng tâm thần, luôn sống với cảm xúc lẫn lộn giữa ham muốn và sự kiềm chế. Không gian giúp cho hai nhân vật có thể nói những câu chuyện gần gũi hơn mặc dù mới gặp mặt và cũng mang tính chất dự báo cho điều khủng khiếp nhất xảy ra phía sau. Căn phòng thuê của Marion cũng nhỏ bé, đồ vật đơn giản nhưng khá đầy đủ. Tuy nhiên, có duy nhất một căn phòng trong nhà trắng sáng một cách bất thường, đó là phòng tắm. Ánh sáng cũng được bố trí mạnh hơn các không gian khác. Bởi nó mang dụng ý của đạo diễn khi nơi đây sẽ trở thành hiện trường của vụ án mạng. Từng đồ vật trong không gian này đều có chức năng riêng: tấm rèm che, vòi phun nước, chiếc bồn tắm dính đầy máu, bồn rửa mặt, tấm gương soi…dường như đều “tham gia” vào vụ giết người, không đồ vật nào mà không đảm nhận một chức năng nào đó trong toàn bộ quá trình xảy ra câu chuyện.
Bộ phim Psycho xét trên sự thành công về đề tài và phong cách biểu hiện là khá tiêu biểu cho cách làm phim của đạo diễn A.Hitchcock. Đặc biệt, bộ phim góp phần đưa tên tuổi đạo diễn trở thành một tác giả nổi tiếng trong giới làm phim về những đề tài trinh thám, ly kì, rùng rợn./.
Một số thông tin về bộ phim Psycho:
– Thời lượng: 108 phút
– Năm sản xuất: 1960
– Hãng phát hành: Paramount Pictures
– Thể loại phim: kinh dị, giật gân.
– Đạo diễn và nhà sản xuất: Alfred Hitchcock
– Diễn viên: Anthony Perkins, Janet Leigh, Vera Miles, John Gavin.
– Âm nhạc: Bernard Herrmann