Bảo vệ trinh tiết cho Hiện thực?

by Hà Nguyễn

Những bộ phim Avant-Garde với tham vọng tái tạo lại hiện thực, phục dựng giấc mơ và trả lại cho khán giả những cảm nhận thị giác non xanh trước sự tấn công của lớp lớp ngôn từ quả thực đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi lúc trà dư tửu hậu. (Image: Maya Deren& Alexander Hamid)

Ảo giác về sự xóa bỏ ảo giác về hiện thực vẫn làm tôi say mê, như tôi đã luôn say mê những trải nghiệm lạ lùng trước những thước phim cho tôi một cái nhìn khác lạ về thế giới, say mê cái cách bạn bè tôi nói những điều thú vị về một bộ phim thú vị, và say mê cái cảm giác người đẹp K6 nép sau lưng để tránh phải xem những cảnh mà theo nàng là bạo lực quá đà… Những bộ phim Avant-Garde châm ngòi cho những cuộc cãi vã về tính hiện thực, và mở màn cho một nguy cơ có ngày nàng sẽ bỏ tôi lại giữa bầy lang sói khi “bộ phim như tôi thấy” không như “bộ phim như nàng thấy”… Có nhiều khi lí giải về một sự lí giải làm tôi bối rối. Và phải chăng mọi cách tiếp nhận đều không nên là một sự khẳng định đơn thuần hay một sự đơn giản hóa tính độc đáo của một tác phẩm nghệ thuật?

Tham vọng đào thoát khỏi ngôn ngữ của các nhà làm phim Avant-Garde là giấc mơ vừa vĩ đại vừa bế tắc của loài người, như thể người ta phá vỡ những xiềng xích này chỉ để trói buộc mình vào những xiềng xích khác. Những thước phim đề cao trải nghiệm thị giác, những thước phim tước đoạt cả thanh âm với mong mỏi đẩy đến cực đoan cảm nhận thực về thế giới… cuối cùng vẫn phải được lí giải bằng lời, vẫn không ngừng kiến tạo nên những diễn ngôn về một thứ giải diễn ngôn. Những thước phim lạ lùng và thú vị về hình ảnh cuộc sống qua đôi mắt của một con bướm cuối cùng vẫn là những thước phim được-cho-là hình ảnh cuộc sống qua đôi mắt của một con bướm.

(Image: Stan Brakhage)

Con người không bao giờ xóa bỏ được mình trong mọi sản phẩm sáng tạo. Và mọi cuộc gột rửa đến cực đoan mong đạt được tính khách quan lại là một sư khách quan mang tính chủ quan. Cảm tính – “kiến trúc thượng tầng của sự tàn bạo” (Carl Gustav Jung) vẫn tồn tại song hành với tư duy lý tính, trở thành thước đo cho mọi chân lý. Bởi thế, những diễn ngôn trong suốt và yên bình, những diễn ngôn được thiết chế quyền lực nâng lên thành chuẩn mực, biết đâu lại là sản phẩm của nhiều sự thừa nhận không chất vấn. Giống như màu đỏ trên áo tôi. Giống như tà áo dài được mặc định là biểu tượng của người phụ nữ Việt nam. Giống như giới tính… Không có màu đỏ nào chỉ là màu đỏ. Trong tà áo dài của dân tộc Việt, không có thân thể của những cô gái H’mong*. Và “chúng ta không sinh ra là phụ nữ, chúng ta trở thành phụ nữ” (S.Beauvoir)…

Những diễn ngôn phi lịch sử có tính lịch sử đã luôn trói buộc con người trong căn nhà của Hữu thể. Một sự nô dịch ngọt ngào. Và nhân loại, đi từ cảm tính tới hoài nghi, liệu đã đủ cho một hành trình nhận thức? Và nhân loại, đi từ “khởi thủy là lời” đến sự khước từ ngôn ngữ, liệu đã trọn vẹn cho một sự trưởng thành?

Điện ảnh, xuất hiện muộn màng trong danh sách các môn nghệ thuật, và trong cuộc chạy đua “phản ánh hiện thực”, người đẹp trăm tuổi có vẻ có lợi thế hơn hẳn. Nhưng liệu có một bộ phim nào không bóp méo hiện thực khi quá trình phản ánh và tái tạo đã luôn song hành với quá trình làm biến dạng và chọn lọc. Xét đến cùng, mọi hình thức sáng tác chỉ là bịa đặt. Và tại sao lại phải giới hạn cho sự bịa đặt, khi mà hiện thực cũng là một cái gì đó mù mờ không kém? Khi “thế giới như tôi thấy” không phải là “thế giới như em thấy” thì tôi, có lẽ chẳng nên phiền lòng, khi để mặc trí tưởng tượng phóng đãng của mình tưởng tượng về một thế giới không còn ranh giới.

Những thứ không giống hiện thực mặc nhiên đem lại cho người ta cảm giác hoài nghi. Tất cả những gì không giống thực đều có tiềm năng gây ra một sự hoảng loạn và khước từ… Con người hiện đại bị quẳng vào một thế giới thừa thải thông tin nhưng thiếu sự kiểm chứng. Một sáng, nghe dự báo thời tiết có gió mùa, nàng sẽ vội vàng mặc thêm áo ấm. Một sáng, nghe Bản tin thời sự, chàng sẽ say sưa nói về tình hình chiến sự ở một đất nước chưa bao giờ đặt chân tới. Một sáng, nhớ những câu của Emerson:“Những bông hồng kia dưới cửa sổ nhà tôi không lo lắng gì về chuyện chúng có ngon lành hơn những bông hồng trước đó hay những bông hồng tiếp sau có sẽ ngon lành hơn chúng hay không. Đơn giản là bông hồng có đó; nó hiện hữu với Thượng Đế ngày hôm nay. Còn con người, coi thường những tiền của chung quanh mình, lúc nào cũng kiễng chân lên để tiên đoán một tương lai, và họ không biết làm cách nào để sống trọn vẹn ở đây và bây giờ”. Và bởi cái kiêng chân cố tiên đoán một tương lai, có khi ta vẫn cảm động về một câu chuyện chưa chắc đã là sự thật và băn khoăn mãi về điều gì mới là Hiện thực, mà biết đâu mọi sự lí giải đều trở thành những cuộc tranh cãi về những gì thế giới muốn làm ta tin…

M. Foucault từng nói: “thế giới không đồng lõa với hiểu biết của chúng ta; không có một thiên khải tiền diễn ngôn nào tồn tại sẵn chờ đợi chúng ta”, hiện thực chưa bao giờ là một thứ văn bản dễ dàng giải mã. Và như thế, liệu có cần bảo vệ trinh tiết cho Hiện thực?

Nguồn ảnh: Maya Deren & Alexander Hamid, Stan Brakhage

~ by hanguyenussh on March 23, 2011.

8 Responses to “Bảo vệ trinh tiết cho Hiện thực?”

  1. please maintain the format … a) no borders on pictures, b) do not capitalize ‘by’ … review the rules … this post is not as bad as the others so it will stay up, it’s easy to repair, so please repair it so somebody else doesn’t have to do it for you … where are the content tags? why are none of the names of people or filmmakers or their films in your tags? you need to put the keywords of your post into the tags so readers can find it when they search those topics … please maintain the basic rules of posting … tags are important

  2. @ maximumeskimo: i repaired this post: changed pics, added tag. thanks for ur comt.

  3. very nicely repaired, indeed … thank you too, ha oi … please talk your your colleagues in k6 about posting format and tags nha

  4. maximumeskimo: thank u so much. i talked my colleagues about posting format but there are not many person understand. i think we need a lesson about the basic rules of posting and practice immediately in Tinvan online in class.

  5. bài này hay quá em hà ơi :D

  6. @ trung xinh đẹp: hôm nay dám gọi t là em á :)). anyway, thanks for ur comt :D

  7. ý, đọc bài này mình tò mò về người đẹp k6 quá ;))

  8. @nguyenlananh: chị ơi, biết đâu đấy chỉ là áo tưởng về hiện thực :))

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: