Gran Torino

by Đức Trọng – Đỗ Huệ

“Chỉ bằng một câu chuyện đơn giản, Clint Eastwood đã nói lên một vấn đề mang tính thời sự của nước Mĩ: sự hòa nhập của những cộng đồng người nhập cư vào đời sống xã hội Hoa Kỳ, đất nước vốn nổi tiếng về sự đa dạng và phong phú khi hội tụ rất nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới”. (Image: Warner Brothers Pictures)

Qua hình ảnh Walt Kowalski, từng là công nhân của hãng Ford, đồng thời là một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, một con người đại diện cho lớp người Mĩ đã chứng kiến rất nhiều biến động trong thế kỉ 20 như những cuộc chiến tranh khốc liệt, những đợt suy thoái và khủng hoảng kinh tế, những biến đổi to lớn về văn hóa chính trị đã thay đổi nước Mĩ, Clin Eastwood đặt người xem vào một cái nhìn toàn cảnh và đầy khắt khe. Khác với thế hệ thanh niên Mĩ với lối suy nghĩ thông thoáng và hội nhập, những người Mĩ lớn tuổi, đặc biệt là các cựu chiến binh luôn có một tư tưởng rất bảo thủ và coi thường cộng đồng người nhập cư, bởi trong kí ức của họ, những chuyến đi đến các vùng đất châu Á xa xôi, chỉ ngập tràn máu và nước mắt. Máu của những người dân, những đồng đội đã ngã xuống là hình ảnh mà trong thâm tâm họ không bao giờ có thể xóa nhòa, và nỗi khiếp sợ đó dần dần chuyển thành sự thù ghét. Mở đầu phim, Walt Kowalski đã rất căm ghét, thậm chí coi cộng đồng người Hmong sống xung quanh nhà của mình là “những kẻ xâm lược”. Những con người bé nhỏ da vàng, nói cái thứ tiếng mà ông không thể không nhức đầu khi chẳng may nghe phải, cùng những tập tục quái lạ của họ thực sự làm Walt vô cùng khó chịu. Thậm chí, Walt còn cố tránh xa những con người đó khi họ tìm cách trả ơn ông vì đã cứu Thao, cậu bé hàng xóm khỏi sự lôi kéo và hăm dọa của nhóm xã hội đen, vốn chính là những người anh em của cậu ta. Hình ảnh về một cộng đồng người Hmong nhập cư, vốn chỉ là những người lao động nghèo, và thế hệ thứ hai của họ, những đứa trẻ sinh ra trên đất Mĩ, hiện lên một cách đau đớn qua câu nói của Sue, chị gái Thao: “Thanh niên Hmong chúng tôi là như vậy, khi lớn lên, con gái thì vào đại học, còn con trai vào tù”.

Một chi tiết đáng nói ở đây chính là việc cộng đồng người Hmong ở đó tìm cách trả ơn Walt. Dù Thao chỉ là một cậu bé, nhưng tất cả những gia đình Hmong ở khu phố đó, đều đặn hàng ngày mang những thứ đồ ăn thức uống ngon nhất của mình đến đặt trước cửa nhà Walt. Môt cách giới thiệu quá tuyệt vời cho văn hóa cộng đồng thân thiết và cao đẹp của người châu Á. Chính điều này đã làm Walt bớt đi sự kì thị, định kiến, đồng thời cũng tìm thấy một cái gì đó ấm áp và thân thiết, điều mà rất lâu ông đã không có khi vợ qua đời và các con ông trưởng thành. Cộng với một chút tò mò với những thứ văn hóa lần đầu được tiếp xúc, Walt dần dần hòa nhập và bước chân vào cộng đồng người Hmong mà ông không ngờ trước, và câu chuyện bắt đầu trở nên hấp dẫn.

Cái hay của Gran Torino là nó đã đánh trúng vào tâm lý của người Mỹ, khi đưa cho họ một món ăn khoái khẩu từ phương xa mà họ chưa bao giờ thưởng thức, và nó đã đem lại sự thành công cả về mặt thương mại lẫn phê bình cho bộ phim. Câu chuyện về một ông già da trắng thích nghi và hòa nhập với một cộng đồng người dân tộc thiểu số nhập cư, trở thành người bạn thân với những thanh niên và đưa họ vào con đường trở thành người có ích cho xã hội, là thứ mà người Mỹ rất ít khi quan tâm. Từ trước đến nay, cộng đồng người châu Á ở phương Tây chỉ được giới điện ảnh toàn cầu biết đến với những nhân vật đánh đấm thoăn thoắt, những anh hùng lăm lăm đao kiếm như Thành Long, Lý Liên Kiệt hay những phi vụ buôn bán ma túy, ám sát của “phố Tàu”, “phố Nhật”, đến nỗi mà bộ trưởng bộ y tế Đức, Philipp Roesler, vốn là một người gốc Việt đã từng phải nói rằng: “Ở đây, ai cũng nghĩ người châu Á đều là những cao thủ kungfu”. Những bộ phim đơn giản, nhẹ nhàng, kể về sự hòa nhập của những con người ấy trên một đất nước xa lạ, một nền văn hóa vẫn chưa thoát khỏi sự kì thị về chủng tộc rất hiếm hoi, và một trong số đó, Gran Torino, đã thành công vang dội.

Diễn xuất có lẽ là điểm yếu nhất trong Gran Torino, bởi đa số các vai chính, những thanh niên Hmong, trong phim đều chưa bao giờ tham gia đóng phim chuyên nghiệp. Đôi khi xem phim, những người tinh tế sẽ nhận ra được đôi chút gượng trong từng cảnh quay, điều mà rất ít khi xảy ra trong một bộ phim hạng A của một nền điện ảnh chuyên nghiệp như Hoa Kỳ. Ngay cả Clint Eastwood, cũng đã phải công nhận vai Walt Kowalski của ông là một vai khó, nhưng ông cảm thấy “rất vui và đây thực sự là một câu chuyện lập dị”. Với kinh nghiệm dày dạn của ông già đã từng chiến thắng tới 4 giải Oscar này, trên vai trò là đạo diễn, nhà sản xuất, và vừa là diễn viên chính, những đóng góp của Clint Eastwood đã xóa mờ khuyết điểm của phim, và nâng “Gran Torino” lên tầm kinh điển. Câu chuyện về một ông già, một nhóm người nhập cư thiểu số, một chiếc xe thể thao cổ điển mà trước khi bán cho Warner Bros, Nick Schenk đã nhận được nhiều ý kiến rằng “sẽ không thể sản xuất một bộ phim với nhân vật chính là một người cao tuổi vì sẽ không ai mua nó” đã thành công ngoài mong đợi. Gran Torino sở hữu doanh thu 270 triệu đôla từ chiếu rạp và 57 triệu đôla qua phát hành DVD (chưa tính số tiền thu được từ đĩa Bluray), và nhận được đánh giá rất cao từ giới phê bình điện ảnh. Gran Torino được Viện phim Mỹ công nhận là một trong 10 phim hay nhất trong năm 2008. Clint Eastwood nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất từ National Board of Review, và được đề cử cho giải của Nhà phê bình (Critics’ Choice Award) của Hội Nhà phê bình Phim Truyền thông và giải của Hội Nhà phê bình Phim Chicago (Chicago Film Critics Association Awards). Một bài hát gốc từ bộ phim với tên “Gran Torino” được đề cử cho giải Bài hát gốc xuất sắc nhất của Quả cầu vàng cùng nhiều giải thưởng danh giá khác. Tiếc là tại Oscar lần thứ 81, phim đã không nhận được đề cử nào, điều này đã khiến rất nhiều nhà phê bình lên tiếng chỉ trích viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ.

~ by ductrong87 on March 20, 2011.

One Response to “Gran Torino”

  1. remember: title, picture, by-line, intro text … and image credits, these pictures are all owned by warner brothers … and you need tags: clint eastwood, for example, would be a pretty good tag here, not to mention the title of the movie …

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: