Tội ác không trừng phạt
by Hà Nguyễn
“ i như trong Thánh kinh …” (Trần Dần)
Với 120 phút tràn đầy những cảnh bạo lực và đẫm máu, No Country for Old Men (2007) của anh em nhà Coen đã nhanh chóng trở thành một nỗi ám ảnh, thậm chí là một nỗi kinh hoàng đối với bất kì một khán giả nào. (Image: Paramount Vantage)
Cuốn hút, hấp dẫn nhưng không dễ hiểu, tác phẩm điện ảnh được đánh giá là bạo lực nhất của anh em nhà Coen để ngỏ cho mọi cuộc tìm kiếm ý nghĩa của bộ phim.
Ra đời trong bối cảnh thế giới năm 2007 vẫn còn nhiều điểm nóng về chiến tranh, khủng bố và những “ngòi nổ” tiềm tàng, No Country for Old Men ít nhiều mang không khí của một thời đại bất an và thiếu vắng niềm tin về sự thắng thế của cái Thiện.
Ở thời điểm mà bạo lực tràn ngập trên các bảng tin thế giới, bộ phim này giống như một tiếng chuông lạnh lùng nhắc nhở về thân phận “không chốn dung thân” của con người hiện đại… Xoay quanh một hành trình rượt đuổi dai dẳng giữa bộ ba: cảnh sát trưởng Ed Tom Bell (Tommy Lee Jones), kẻ sát nhân Chigurh (Javier Bardem) và anh thợ hàn Llwelyn (Josh Brolin), No Country for Old Men chứa đựng nhiều thông điệp về cái giá của lòng tham, về một thế giới suy tàn, thiếu hụt sự yên bình và tính không thể ngăn chặn được của cái Ác.
Món tiền hai triệu đô đẫm máu, “công cuộc” trừng phạt kẻ liều mạng và cuộc truy đuổi cái Ác trong mỏi mệt…, tác phẩm điện ảnh bạo lực nhất của anh em nhà Coen mang đến một cái nhìn u ám về hiện thực nơi tên sát nhân tự cho mình quyền năng của Chúa, và quả thực là một kẻ gần như không thể tiêu diệt. Chigurh lạnh lùng giết người, lạnh lùng phán quyết, “chuyên tâm” trong việc giết người: trong suốt bộ phim, chưa từng thấy sát nhân “yêu nghề” này có một chút cảm xúc nào trước cảnh máu me hay run tay khi giết người, cũng chưa từng thấy gã có vẻ nao núng trước cuộc truy đuổi dai dẳng Llwelyn – kẻ nẫng tay trên món tiền hai triệu đô… Khởi phát cho cuộc truy đuổi đó của Chigurh là món tiền nhưng càng về sau, dường như động lực để Chigurh truy tìm Llwelyn không còn chỉ là món tiền khổng lồ nữa mà đã là một thứ khoái cảm trong việc giết người cũng như trong khoảnh khắc tự cho mình quyền phán quyết mạng sống của người khác.
Trò tung đồng xu và quyết định chọn mặt nào, trước quyền lực khủng khiếp của một gã giết người lập dị, trở thành quyết định quan trọng nhất trong phần đời còn lại của mỗi nạn nhân… Sự hiện diện của Chigurh trong suốt 120 phút của No Country for Old Men như một lời khẳng định cho tính không thể xóa bỏ được cũng như không thể ngăn chặn được của tội ác.
Mở ra bằng những lời nói có phần “hoài vọng” của cảnh sát trưởng Ed Tom Bell và kết thúc có phần đột ngột bằng một đoạn thoại giữa Bell và vợ, khán giả dễ có liên tưởng về sự nuối tiếc quá khứ yên bình, thời những cảnh sát không mang theo súng và sự bất lực của một người hiện thân của pháp luật nhưng không thể làm gì để đảm bảo cho sự tồn tại của luật pháp. Đặt trong đối cực với sát nhân Chigurh lạnh lùng và quyền lực, Ed Tom Bell là một hiện thân già nua và có phần yếu thế của luật pháp. Người ta vẫn có thể thấy được ở ông khả năng nắm bắt tâm lý tội phạm của một cảnh sát có tài nhưng khó lòng tìm thấy được một sự dũng cảm đối đầu trước kẻ thủ ác của Bell: trong suốt cuộc truy tìm, ông có phần bình thản trước mọi báo cáo của đồng sự, và có nhiều chần chừ do dự trong việc đưa ra quyết định.
Ông là người đã luôn đến muộn trong những cuộc đối đầu. Đón tiếp ông toàn là những cảnh chết chóc, máu me. Và nếu luật pháp luôn là người đến muộn thì người ta có thể kì vọng gì về một thế giới thanh bình? No Country for Old Men phải chăng cũng là một sự sụp đổ niềm tin vào một thế giới an toàn?
Khi theo dấu của Chigurh, tới nhà Llwelyn, Bell ngồi ở chỗ của Chigurh, nhìn hình ảnh phản chiếu của mình trong chiếc ti vi và nói “Tôi đang nhìn thấy những gì hắn ta nhìn thấy”. Đoạn cuối, khi kể lại giấc mơ cho vợ, ông nói về một người đồng hành: “tôi hiểu những nơi tôi tới, anh ta cũng sẽ tới”. Thiện Ác có nhiều khi không đơn giản là đứng ở hai phe đối đầu mà giống như hai người bạn đồng hành, sự tồn tại của cái này là nhằm khẳng định sự hiện hữu của cái kia. Nhưng trong No Country for Old Men, thế song hành này có một sự chênh vênh khi cái Thiện có phần yếu thế trước cái Ác, giống như một sự tuyệt vọng của con người trong việc giữ cho mình một thế giới bình yên xưa cũ – thế giới của những cảnh sát không mang súng.
Khẳng định về tính không thể ngăn chặn của cái Ác, không nghi ngờ gì khi anh em nhà Coen đã không ngần ngại khi xây dựng nên những thước phim đầy tính bạo lực: những cảnh bắn giết lạnh lùng, những xác chết máu me, những cuộc đối thoại trước-cái-chết, những lần tung đồng xu sinh tử…
No Country for Old Men là một bộ phim Mỹ điển hình ở những chi tiết giật gân, gay cấn mà trong đó các nhân vật phải quăng mình vào những cuộc tranh đấu và đuổi bắt dai dẳng. Đương nhiên người ta khó lòng tìm kiếm thấy những thông điệp một chiều hoặc kiểu kết cấu 3 hồi của Hollywood thời kì đầu trong những bộ phim hiện đại nhưng về cơ bản, tính bạo lực trong phim Mỹ vẫn được tạo nên từ những chi tiết như thế, hoàn toàn không có gì mới mẻ. Quan trọng hơn cả là việc đạo diễn sử dụng tính bạo lực trong phim để chuyển tải điều gì và chuyển tải như thế nào? Trong No Country for Old Men, tính bạo lực đã thể hiện sự hữu dụng của nó khi đặc tả hiện thân của cái Ác (Chigurh) chẳng khác gì một thần Chết quyền năng có thể cho kẻ này sống thêm ít ngày hoặc tước bỏ ngay cuộc đời của họ trong khoảnh khắc của một cái nháy mắt. Bạo lực được cả kẻ thủ ác lẫn kẻ bị truy đuổi sử dụng và trở thành phương tiện của cái Ác lẫn cái Thiện. Nó không có ranh giới và không đại diện cho điều gì cả. Hình ảnh Chigurh ở cuối phim bị thương trong một tai nạn ô tô – một tình huống ngẫu nhiên tình cờ, lại phô ra hình ảnh đáng thương của kẻ thủ ác.
Kẻ dùng bạo lực để đàn áp kẻ khác, kẻ dùng bạo lực để mua vui… cuối cùng đổ máu vì một tai nạn tình cờ… Thế giới, dường như, chẳng có nơi nào là an toàn nữa. Mạng sống quá mong manh. Và sự bình yên là điều xa xỉ mà người ta không nên ao ước.
Hồi hộp, hấp dẫn đến phút chót, trong No Country for Old Men, anh em nhà Coen đã chứng minh mình là bậc thầy tạo sự hồi hộp khi xây dựng những trường đoạn giết người rất lạnh lùng của Chigurh với những câu thoại vừa lịch lãm vừa đe dọa, cùng với vũ khí giết người rất độc đáo. Không khí ma quái chết chóc hiển hiện trong từng thước phim trong một thứ ánh sáng nhờ nhờ. Âm nhạc trong phim gần như không được sử dụng. Bù lại, âm thanh trong phim rất sống động và chân thực với tiếng súng nổ, tiếng cúp máy điện thoại, tiếng bước chân của kẻ truy đuổi, tiếng đóng cửa, tiếng súng lên đạn, tiếng tíc tắc của chiếc máy định vị, tiếng gào thét của kẻ bị giết… Thậm chí, ở một số trường đoạn như đoạn Chigurh phá cửa xông vào phòng khách sạn theo tín hiệu của máy định vị, sau một loạt đạn hạ sát hai người là một khoảng lặng hoàn toàn đem đến một trải nghiệm rợn người về nỗi sợ hãi trước cái chết. Sự vắng mặt của thanh âm giống như một cú đẩy ghế dưới chân của kẻ treo cổ, siết chặt khán giả trong nỗi bất an thường trực…
Không có sự phục thiện, sự cứu rỗi hay sự lặp lại của trật tự, No Country for Old Men không phải là bài ca về sự thắng thế tất yếu của cái Thiện, hay là lời khẳng định về sự suy yếu của cái Ác. Mang một vết thương nặng nề của vụ đụng xe, Chigurh vẫn rời khỏi hiện trường vụ án, biến mất và để lại vô số những câu hỏi về sự trừng phạt. Giống như Cain – kẻ sát nhân từ thưở hồng hoang, Chigurh cũng là một kẻ “không chốn dung thân”, kẻ bị đất chối từ. Vòng quay của tội ác vẫn còn tiếp tục, và nhiều khi đi ra ngoài mọi lí giải về đạo đức. No Country for Old Men trở thành một câu chuyện “i như trong Thánh kinh” với những ẩn dụ về sự hiện hữu tất yếu của tội ác, rằng trong khi đất từ chối Cain thì từ chính lòng đất lại nuôi lớn những mầm mống của những kẻ sát nhân khác…
Không có sự cứu rỗi. Không có sự phục thiện. Không có Chúa. Giữa khiếp sợ và khốn cùng, con người hiện đại bị quẳng lại với tấm gương, soi lại gương mặt của chính mình… Và sẽ có bao nhiêu câu chuyện “i như trong Thánh kinh”?
Nguồn ảnh:
Paramount Vantage, Miramax
~ by hanguyenussh on March 11, 2011.
Posted in Critical Writing, Recent Posts
Tags: Cain, Coen, Hà Nguyễn, Javier Bardem, Josh Brolin, K6, No country for old men, Tommy Lee Jones
bài viết hay quá :D hoá ra là “i” chứ không phải “y”. xin gửi lời xin lỗi sâu sắc cho bạn Hà :)
scrwo said this on March 11, 2011 at 10:30 pm
@ Trung xinh đẹp: tớ có xin đâu mà bạn “cho” :)),dù sao thì, ok rồi mà :D. xí xóa :D
hanguyenussh said this on March 12, 2011 at 5:07 pm
bạn làm review hay quá.. trong những bài mình đã đọc về phim thì của bạn đúng là best of best xD
HuyNguyen said this on April 2, 2017 at 2:21 pm
ấn tượng với những dòng cuối.
son said this on May 19, 2018 at 12:03 am