Đối thoại
by Đình Hải
Kịch bản này chuyển thể từ truyện ngắn đầu tay, nằm trong chùm 3 truyện ngắn miêu tả nỗi cô đơn của con người. Khi chuyển thể thành phim ngắn, nó có một điểm yếu chí mạng, đó là không có sự phát triển (biến đổi, nút thắt và sự cởi nút). Mình cực kỳ muốn làm phim ngắn này, nên cực kỳ cần các lời góp ý từ các bạn (nhất là về việc khắc phục điểm yếu kia)
Đối thoại (Tờ báo buổi sáng viết lại)
1. ĐƯỜNG PHỐ, NỘI, ĐÊM
Phố nhỏ quanh co, mưa xuân lất phất, đèn đường tù mù vàng vọt, có chỗ đèn đường không sáng.
Ở một khúc ngõ không có đèn đường, tất cả chìm trong bóng tối, một ô cửa sổ duy nhất còn sáng đèn không đủ chiếu sáng bất kể thứ gì, chỉ đủ để khiến người ta chú ý đến nó.
Ô cửa sổ cũ kỹ, ánh sáng màu vàng từ đó phả ra có vẻ bệnh hoạn. Nhìn từ bên ngoài vào, chỉ thấy bóng nghiêng của một dáng người gầy nhỏ, đang cặm cụi bên chiếc máy khâu. Tiếng máy khâu vang lên đều đều, chậm dần, chậm chần…
Rồi người trong nhà ngừng đạp máy khâu, ngẩng mặt lên. Đó là một phụ nữ.
2. PHÒNG NGOÀI, NỘI, ĐÊM
Cảnh quay từ trên xuống.
Căn phòng của người phụ nữ khá rộng, nhưng rất trống trải, đồ đạc chẳng có gì, lại hầu như đều quá cũ kỹ, bàn ghế có cái đã gãy chân nằm chỏng chơ.
Người phụ nữ ngồi tĩnh lặng trong căn phòng trống, căn phòng cũng tĩnh lặng như tờ, không có âm thanh hay chuyển động gì, không khí như đông cứng lại.
Đặc tả người phụ nữ.
Người phụ nữ ngồi trên ghế, lưng thẳng, đầu thẳng, khuôn mặt nghiêm nghị, miệng ngậm, mắt không chớp, đuôi mắt và khóe miệng đã có vết nhăn.
Cô chớp mắt một cái, từ từ quay đầu nhìn chênh chếch sang phía bên phải, nơi có một cánh cửa của một căn phòng khác. Cánh cửa bằng kính, dán giấy báo, bên trong vẫn sáng đèn, ánh điện hắt qua những lỗ giấy báo thủng. Có bóng người ở phía trong in trên cánh cửa ấy. Người bên trong dường như đang suy tư gì đó nên bất động, cái đầu tròn tròn hơi cúi xuống.
Người phụ nữ thở dài một tiếng, cúi xuống với miếng vải đang may dở.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Biết mấy giờ rồi không? Hôm nào cũng chong đèn cả đêm, giá điện thì cứ tăng, vừa mới tăng rồi lại tăng. Đến chết đói mất thôi!
Cô chép miệng cam chịu, đầu nghiêng sang một bên đầy chán nản, tiếng máy khâu lại vang lên đều đều.
Đặc bàn tay gầy đặt trên tấm vải, ngay cạnh mũi kim khâu đâm xuống liên tục. Đột nhiên cô giật mình rụt tay lại, rú lên một tiếng đau đớn.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Á!
Cô khom lưng ôm lấy tay mà xuýt xoa
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Ôi… ôi…
Cô quắc mắt nhìn về phía cánh cửa, vẫn ôm cái tay bị thương vào trong lòng, nói bằng giọng uất ức.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Anh có còn là người nữa không? Nghe tiếng vợ kêu mà cũng không chạy ra.
Cánh cửa trước mắt cô vẫn đóng, bóng người in trên đó vẫn ngồi, hoàn toàn không có phản ứng gì. Cô lặng đi, dùng vai quệt nước mắt, vừa thở vừa nói.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Tôi biết, tôi có chết ngay ra đây chắc anh cũng chẳng động lòng đâu. Đồ máu lạnh!
Dường như càng nói càng căm phẫn, cô quăng hết tất cả những thứ trong tầm mắt về phía cánh cửa, vài giọt máu từ vết thương chưa được băng bó của cô vẩy ra, thành những điểm thẫm màu nổi bật trên nền ánh sáng của cửa kính.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Máu lạnh! Máu lạnh! Máu lạnh! Máu lạnh! Khốn kiếp! Vô tích sự! Anh chết đi, chết đi, chết đi!
Cô đá một cái ghế gãy chân văng ra giữa phòng, rồi vừa thở hổn hển vừa trừng trừng nhìn vào cánh cửa. Cái bóng in trên đó vẫn im lặng, cái đầu tròn tròn vẫn cúi xuống đăm chiêu như trước.
Người phụ nữ tức giận đến nỗi toàn thân run lên. Cô lấy một dải vải thừa, băng bó lấy ngón tay bị thương. Băng rồi lại giật ra, giật ra lại băng vào, vừa làm vừa chửi.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Vô tích sự, hèn kém, ăn bám! Bao nhiêu năm nay cái gì cũng tôi. Nhà dột cũng tôi, cửa thủng cũng tôi, điện cháy cũng tôi, đến hố xí tắc cũng là tôi móc… Viết, viết, viết… Viết cho lắm vào.
Mười năm không mua nổi lạng gạo. Cũng chỉ đến bám váy tôi mà sống thôi.
Giọng cô càng lúc càng lạnh, động tác cũng bớt run hơn. Cô băng xong tay, vừa nhặt lại những đồ đạc đã quẳng đi vừa chửi tiếp.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Không biết kiếp trước tôi làm gì nên tội mà kiếp này lấy phải loại người như anh? Khốn khổ khốn nạn, khốn khổ khốn nạn, khốn khổ khốn nạn…
Cô lại gần chiếc bàn con con, rót một cốc nước, tu ừng ực một hơi hết sạch. Cô hắt cặn nước lên cánh cửa, rồi dùng giẻ lau đi vết máu bám trêm đó. Bóng người in trên cánh cửa vẫn không có phản ứng gì.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Nghèo tôi cũng chịu được, vất vả khổ sở tôi cũng chịu được, nhưng tôi làm gì lỗi đạo mà anh không gặp tôi?
Người phụ nữ lúc đầu lau rất nhanh, rồi cứ chậm dần, chậm dần. Vết máu đã sạch hết mà cô vẫn lau. Cô lau nhẹ như vuốt ve bóng người in trên cửa kính. Cô chuyển sang trách móc nhẹ nhàng, tựa như hờn dỗi.
NGƯỜI PHỤ NỮ
Sao anh không chịu gặp em? Hay em già rồi, xấu rồi, anh không cần em nữa? Em mà bỏ đi là anh chết đói đấy? Chết đói anh cũng không sợ, em biết, anh thì có biết sợ cái gì? Nhưng mà, thỉnh thoảng cũng phải biết sợ chứ! Anh không sợ chết, nhưng em sợ anh chết, em sợ lắm, sợ lắm..
TIẾNG GÕ CỬA:
Cộc! Cộc! Cộc!
Tiếng gõ cửa đột ngột vang lên khiến người phụ nữ giật bắn. Cô ngừng lời, mắt mở trừng trừng, ráo hoảnh, nét mặt lại trở thành nghiêm trang như cũ. Cô đặt cái giẻ lau lên trên cái bàn con, ngoảnh ra nhìn cửa ngoài. Bên ngoài dường như đã tảng sáng, cửa sổ đã trắng lên màu da cá.
Một ông già ghé đầu nhìn vào ô cửa kính.
3. HIÊN NHÀ, NGOẠI, 5H30′ SÁNG.
Ông già đứng trước cửa, ghé đầu sang cửa sổ nhìn người phụ nữ đang bước tới. Trên tay ông là một tờ nhật báo.
Cửa mở, người phụ nữ xuất hiện, miệng cố gượng cười.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Chào bác!
Ông già gật đầu, đưa tờ báo cho cô. Cô vừa nhận tờ báo vừa ngó ra nhìn trời. Bên ngoài, trời đã tảng sáng, những người buôn bán đã bắt đầu dọn hàng, cái ngõ nhỏ vì thế cũng bắt đầu có đôi chút sinh khí.
ÔNG GIÀ:
Hôm nay chưa gọi đã thấy cô dậy. Cô không ngủ à?
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Cháu mải làm quá, không để ý. Sáng nhanh quá bác nhỉ. Bác cho con gửi tiền!
Cô lấy ra một ít tiền lẻ đưa cho ông già. Ông nhận tiền, nhưng trả lại một ít.
ÔNG GIÀ:
Đã nói bao nhiêu lần rồi, tôi lấy vốn thôi.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
(Lui lại)
Thôi, con ngại lắm, bác bán báo thì ăn thua gì mà ngày nào cũng cho con?
Ông già trừng mắt, dúi tiền vào tay người phụ nữ. Ông nói với vẻ bực dọc.
ÔNG GIÀ:
Nói nhiều! Coi như tôi tiện thể đi qua nên lấy thêm cho cô một tờ.
Rồi không đợi cô phản ứng, ông quay lại với chiếc xe đạp chở báo của mình. Người phụ nữ ngại ngần chào.
NGƯỜI PHỤ NỮ:
Vâng… thế thì bác cho con xin. Con chào bác!
Người phụ nữ đóng cửa lại. Ông già đang định đi, nhưng chợt ngẩng mặt lên nhìn vào ô cửa kính, nơi có cái bóng của người phụ nữ đang ôm tờ báo, càng lúc càng loạng choạng run rẩy.
Ông già thở dài một tiếng, lắc đầu, rồi chầm chậm đạp xe đi.
4. PHÒNG NGOÀI, NỘI, NGÀY
Người phụ nữ run rẩy bước lại phía cái bàn con con, góc quay khiến cho ta không nhìn thấy mặt cô.
Cô đặt tờ báo lên bàn.
Cô run rẩy một hồi lâu.
Cô lấy một cái cốc và một cái phin pha cafe ra, tráng cả hai thứ bằng nước nóng, cũng vẫn với điệu bộ run rẩy.
Cô xúc hai thìa đường vào cốc, xúc mấy thìa cafe vào phin, rồi chế nước, đôi tay càng lúc càng run, nước sánh cả ra ngoài.
Cô đặt cốc cafe lên một cái đĩa ở trên bàn. Cô im lặng.
Cô lấy ra một chùm chìa khóa, tay run lên bần bật làm vang lên tiếng chìa khóa va vào nhau. Cô hít vào một hơi sâu, tra chìa khóa vào ổ khóa trên cánh cửa của căn phòng vẫn đóng im lìm từ đầu tới giờ.
Cô vặn chìa khóa, vang lên một tiếng “cách”.
Cô cầm lấy tờ báo và tách cafe, tay vẫn run, nghe rõ tiếng phin cafe đang rung lên.
Cô đẩy cửa căn phòng, ánh sáng màu vàng từ trong phòng hắt ra, khiến khuôn mặt cô hằn rõ những vết nhăn nhúm đau khổ.
Căn phòng đã hoàn toàn hiện ra.
Nhạc nền bài “Một mình”.
5. CĂN PHÒNG BÊN TRONG, NỘI, ĐÊM
Phòng rất nhỏ, ba mặt tường là những giá sách cao tới nóc nhà. Giữa khoảng trống của ba giá sách có một bộ bàn ghế gỗ.
Có một cái đèn đọc sách tỏa ra ánh sáng màu vàng, một quyển sách, một giá bút. Quyển sách chưa được mở ra. Trên quyển sách có một đôi kính cận. Tất cả đều bày trên bàn.
Trên bàn còn có một bát hương.
Trên ghế lại không có người ngồi.
Bóng người in trên cánh cửa chỉ là bóng của cái bát hương và bóng chiếc áo khoác trên lưng ghế.
Nhạc nền bài “Một mình” nhỏ đi.
Người phụ nữ đặt cafe lên bàn, nhấc cái kính lên, thu lại quyển sách cất lên giá. Cô bày tờ báo ra chỗ quyển sách lúc trước, đặt đôi kính lên như cũ. Cô lấy ra một nén hương, châm lửa, cắm lên bát hương.
Cô làm tất cả mọi việc với sự thuần thục, nhưng run rẩy. Cắm hương xuống bát hương, đột nhiên cô khẽ nấc lên một tiếng.
(Nhạc nền bài “Một mình” lại to lên.)
Cảnh quay từ trên cao, khói hương tỏa ra bay đúng vào máy quay.
Người phụ nữ đứng trước cái bàn. Đầu gục xuống, một tay bụm miệng, một tay nắm chặt buông bên mình, vai cô không ngớt run lên.
6. PHÒNG NGOÀI, NỘI, NGÀY
Máy quay vẫn từ trên cao.
Căn phòng trống, ánh sáng hắt ra từ phòng trong in trên nền nhà, ánh nắng xiên xiên chiếu vào cửa sổ.
Người phụ nữ từ phòng trong bước ra. Cô nhẹ nhàng khóa cửa lại, rồi quay vê chiếc máy khâu.
7. PHÒNG NGOÀI, NỘI, NGÀY
Máy quay vẫn từ trên cao.
Người phụ nữ đạp máy khâu, tiếng máy khâu vang lên đều đều.
8. PHÒNG NGOÀI, NỘI, NGÀY
Máy quay vẫn từ trên cao.
Người phụ nữ ngồi ngửa mặt lên nhìn thẳng vào máy quay, khuôn mặt mệt mỏi, thẫn thờ. Hai tay đặt lên bàn máy khâu.
9. PHÒNG NGOÀI, NỘI, NGÀY
Máy quay vẫn từ trên cao.
Người phụ nữ nghiêng đầu, tựa cằm lên cánh tay duỗi thẳng, cánh tay còn lại khua khua vẽ vẽ trong không khí.
10. PHÒNG NGOÀI, NỘI, NGÀY
Máy quay vẫn từ trên cao.
Người phụ nữ nằm nghiêng trên chiếc giường con, đắp bằng một chiếc chăn mỏng.
Căn phòng đã tràn ngập ánh nắng.
Màn hình dừng lại ở hình ảnh người phụ nữ trong căn phòng trống.
Edit lại đi anh hải ơi. khi post lên phải để By… (tên người gửi), và phải có ảnh nữa. ngoài ra anh nên để tag cho note kiểu: kịch bản, K6, Đình Hải…
hanguyenussh said this on March 9, 2011 at 11:59 pm
Đang thử, còn nhiều lỗi lắm, chả biết làm thế nào.
hanphongxuytuyet said this on March 10, 2011 at 12:03 am
anh Hải ơi vô viết blog riêng đi http://thanhtruc.org
vsekya said this on March 10, 2011 at 9:27 pm
Anh chua muon viet, cu de day. Hoc xong moi co thoi gian phat trien cai do!
hanphongxuytuyet said this on March 14, 2011 at 9:50 pm
Ông già đó, hẳn được để vào với dụng ý gì. Nhưng dụng ý đó quá kín, khiến cho khán giả không dễ gì hiểu được. Ông già cũng không gây thay đổi gì cho câu chuyện.
Những dòng diễn tả nội tâm có sự lặp lại. Người phụ nữ thực hiện rất nhiều động tác, nhưng đều chỉ thể hiện một ý: đó là sự trống vắng và cô đơn.
Những thể hiện khác nhau của sự cô đơn không giúp tô đậm sự cô đơn lên, mà có vẻ như gây nên cảm giác lặp lại. Bạn muốn có được sự phát triển của nhân vật, thì “phát triển” nghĩa là hành động sau của người phụ nữ phải có một bước tiến khác với hành động trước, thể hiện một cách khác để tiếp cận/ đối phó với vấn đề mà chị ta đang gặp phải.
Mình thật sự không biết “Thắt nút, cởi nút” là gì. Nghĩa của 2 từ đó mơ hồ và quá rộng. Những khái niệm hẹp hơn, như: suspense, big gloom v.v… sẽ cụ thể hơn. Nhưng đây lại là kịch bản phim ngắn. Phim ngắn chỉ nhằm để gây sự chú ý về điều gì đó mà thôi, không có đất để bạn thực hành những nguyên tắc trên đâu. Bạn phải bắt đầu viết kịch bản phim dài
Phu Hien said this on March 15, 2011 at 11:39 am
Cám ơn Cm của bạn Hiển, mình rất đồng ý với việc phải hạn chế sự lặp lại.
Còn về thắt nút, cởi nút, thật ra mình dùng từ không chính xác. Phải là sự chuyển biến mới đúng. Đằng này cả 3 nhân vật (1 người không tồn tại) của mình từ đầu đến cuối phim không hề có sự chuyển biến nào.
hanphongxuytuyet said this on March 15, 2011 at 8:31 pm