Dimensions of Dialogue
by Đức Trọng – Vương Thảo
“Dimensions of Dialogue đã cho chúng ta những bài học quý giá về tình người, về đối nhân xử thế và sự thay đổi chóng mặt của những giá trị đạo đức trong thời đại công nghiệp hoá. (Image: Jan Svankmajer)
Đó là những bài học không bao giờ cũ mà con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay thường hay quên mất. Điện ảnh chính là một công cụ hiệu quả để nhắc cho người ta nhớ lại những bài học ấy, bởi xem phim không chỉ để giải trí, mà sau mỗi một bộ phim hay bạn sẽ sống tốt hơn”.
Điện ảnh Cộng hòa Séc là một trong những nền điện ảnh nhỏ ở châu Âu, nhưng nó không hề thiếu những nhà làm phim tài ba. Trong số đó, chúng ta không thể không nhắc đến tên tuổi của Jan Svankmajer, một nhà làm phim hoạt hình nổi tiếng, mà phong cách phim của ông đã có ảnh hưởng lớn đến những nhà làm phim sau này như Tim Burton, Terry Gilliam, Shane Acker… Tên tuổi của Jan Svankmajer gắn liền với những bộ phim hoạt hình stop-motion. Là một người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, những tác phẩm của ông luôn mang tư tưởng tố cáo tội ác của chủ nghĩa tư bản và đề cao những phẩm chất người lao động dưới chế độ cộng sản mới. Quan niệm làm phim của ông chính vì vậy không phù hợp lắm với suy nghĩ của các nhà làm phim châu Âu, nhất là sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1990. Tuy nhiên, từ những bộ phim này, chúng ta có thể học được rất nhiều bài học về cuộc sống, về con người và những giá trị cao đẹp khác.
Một trong những tác phẩm lớn nhất của ông, đó là chùm 3 phim ngắn, mang tên “Dimensions of Dialogue”, được làm bằng công nghệ stop-motion. Trước đây, chúng ta mới chỉ biết đến stop-motion qua những bô phim vui nhộn và hài hước của điện ảnh Mỹ, nhưng khi tiếp xúc với phim của Jan Svankmajer, bạn sẽ có một trải nghiệm hoàn toàn khác. Những phim ngắn trong “Dimensions of Dialogue” mang một vẻ gì đó huyền bí và mờ ảo, bao phủ bởi một bầu không khí có đôi chút ma quái. Cả ba bộ phim “Exhaustive Discussion”, “’Passionate Discourse’” và “Factual Conversation” đều là cuộc đối thoại trực tiếp giữa người với người, nhưng mỗi phim lại có một thông điệp rất riêng. Trong “Exhaustive Discussion” là cuộc đấu tranh giữa ba hình thể được cấu tạo bằng rau quả, đồ dùng nhà bếp và thiết bị văn phòng theo phong cách của họa sĩ người Ý Arcimboldo, mỗi nhân vật khi gặp nhau lại lao vào ăn tươi nuốt sống nhau và “nôn” ra kẻ thù. Những hình tượng đó sau mỗi lần ăn thịt và bị ăn thịt, lại ngày càng trở nên giống con người hơn. Cuối cùng là một chuỗi các con người được tạo ra từ những hình hài ban đầu ấy. Đây là một câu chuyện về đấu tranh giai cấp, giữa nông dân, công nhân và tư sản, và cuối cùng nạn nhân chỉ là những con người tội nghiệp được kể qua một hình thức rất sinh động và ấn tượng.
“Factual Conversation” tuy là bộ phim thứ ba, nhưng nội dung rất gần với “Exhaustive Discussion”. Phim bắt đầu với hình ảnh hai người đàn ông bằng đất sét đối mặt với nhau, và từng đồ vật xuất hiện từ miệng họ. Ban đầu, các nhân vật phối hợp với nhau rất ăn ý, một người đưa bàn chải, người kia trét kem đánh răng, người đưa này đưa giày thì người kia buộc dây giày… Sau vòng đầu ổn thỏa, họ đổi chỗ cho nhau, và mọi thứ bắt đầu trở nên hỗn loạn. Các đồ vật họ đưa ra không còn phù hợp với nhau nữa, thay vào đó là những thứ chẳng hề ăn nhập với nhau như giày với bút chì, bánh mì với kem đánh răng… và hai người đàn ông bằng đất sét cũng bắt đầu trở nên nứt nẻ, đổ vỡ. Một lần nữa họ đổi vị trí, nhưng kết quả cũng chẳng khấm khá hơn chút nào, và cứ thế cứ thế họ sụp đổ trong sự hỗn loạn. Hình ảnh này cho thấy sự bị động của con người trong nền công nghiệp tư bản, khi họ bị biến thành những mắt xích trong một dây chuyền,và khi mà mọi thứ đột ngột thay đổi thì con người cũng không thể thích nghi kịp, và bắt đầu xuất hiện những rạn nứt, đổ vỡ. “Factual Conversation” của Jan Svankmajer đã một lần nữa nhắc lại thông điệp sâu sắc của Charlie Chaplin trong tác phẩm kinh điển Modern Times trước đó.
Bộ phim cuối cùng, “Passionate Discourse” là một câu chuyện bi kịch về tình yêu đôi lứa được kể dưới hình ảnh hai nhân vật nam nữ bằng đất sét. Họ có thể yêu nhau cuồng nhiệt, say mê trong sự quyến rũ xác thịt tưởng chừng như không thể tách rời. Nhưng khi những cảm xúc bất chợt trôi qua là lúc sự thật phũ phàng được phơi bày. Cả hai con người ấy, ai cũng muốn chối bỏ, thậm chí căm ghét cái kết quả mà tình yêu của họ mang lại – đứa con – dưới hình ảnh tượng trưng là môt nắm đất sét. Cuối cùng, tình yêu của họ được thay thế bằng lòng thù hận, và cả hai lao vào cấu xé lẫn nhau và tan chảy trong sự phẫn uất. Câu chuyện trong phim thể hiện một hình ảnh rất chân thực về tình yêu vội vã, cách sống gấp của giới trẻ trong thời kì công nghiệp hóa, đem lại những hậu quả to lớn về mặt thể xác cũng như tinh thần cho những con người ấy. Có thể nói, “Passionate Discourse” là bộ phim ấn tượng nhất trong chùm phim Dimensions of Dialogue của Jan Svankmajer.
Tóm lại, Dimensions of Dialogue đã cho chúng ta những bài học quý giá về tình người, về đối nhân xử thế và sự thay đổi chóng mặt của những giá trị đạo đức trong thời đại công nghiệp hoá. Đó là những bài học không bao giờ cũ mà con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay thường hay quên mất. Điện ảnh chính là một công cụ hiệu quả để nhắc cho người ta nhớ lại những bài học ấy, bởi xem phim không chỉ để giải trí, mà sau mỗi một bộ phim hay bạn sẽ sống tốt hơn.