Lạc lối trong La Dolce Vita

by Hà Nguyễn

“nada, nada y nada” (hư vô, hư vô, quá đỗi hư vô) – Ernest Hemingway

Tôi xem La Dolce Vita của Federico Fellini trong một sáng mệt mỏi, và cảm thấy lạc lối trong một thế giới thiếu niềm tin, nơi con người có tất cả mà lại không có gì cả.  (Image: Koch Lorber Films)

Mọi mối quan hệ chỉ là nhất thời tạm bợ. Người ta vá víu sự trống trải trong lòng mình bằng sự hời hợt của kẻ khác…

Xoay quanh nhân vật Marcello – một nhà báo chuyên săn tin về đời sống của giới thượng lưu, cả một thế giới hiện đại trụy lạc và phù phiếm được tái hiện. Người ta tìm thấy trong La Dolce Vita sự ồn ào và nông cạn của giới truyền thông, sự trống rỗng và thiếu lý tưởng của tầng lớp trí thức sau hậu chiến và sự hời hợt của giới thượng lưu. Cả xã hội sùng bái sự thừa mứa về vật chất, và dành mối quan tâm cho những điều phù phiếm như: “ông hoàng hôm nay ăn gì, uống loại rượu nào?”, cô diễn viên nổi tiếng đã đi đâu đêm qua…

Thiếu một điểm tựa tinh thần vững chãi, người ta đâm ra mê mẩn những điều bột phát và ngông cuồng hệt như Maddalena kiếm tìm cảm giác mới lạ bằng việc làm tình trong một nơi tồi tàn ngập nước, như Sylvia hồn nhiên bắt Marcello đi mua sữa cho mèo lúc nửa đêm rồi lại hồn nhiên bỏ mặc con mèo lạc để lao xuống tắm ở một đài phun nước… Trong suốt 174 phút, bộ phim tràn ngập những cảnh tiệc tùng trác táng của những kẻ giàu có lười nhác khi thì ở một quán ăn sang trọng, lúc thì ở một lâu đài cổ, lúc thì tại một tòa biệt thự … Không gian thay đổi nhưng cách dàn dựng, thiết kế bối cảnh thì lại có nhiều điểm tương đồng: từ bối cảnh quán ăn trong những phút đầu của bộ phim, tới bối cảnh trong tòa lâu đài cổ hay bối cảnh nhà của Nadia ở đoạn cuối đều được dàn dựng giống như một sân khấu hình tròn, mà Marcello – người đứng trong tâm điểm của sân khấu ấy vừa đóng một vai diễn trước đám đông vừa có thể nhìn thấy được mọi góc độ của đám đông hoang đàng và trụy lạc đó: hình ảnh của một cặp tình nhân vụng trộm, hay cảnh một nữ quý tộc hai lần tự tử ngồi lặng lẽ bên cửa sổ… Trong một thế giới thừa mứa về vật chất, con người trong thế giới hiện đại chỉ còn là những chiếc bình rỗng, không sao khỏa lấp được sự trống trải trong lòng mình, càng không tìm được một lý do nào cho sự tồn tại hay một lý tưởng nào để theo đuổi.

Mở đầu là sự gián đoạn trong giao tiếp (Marcello và đồng nghiệp của anh ta không thể nói chuyện với bốn cô gái mặc bikini do âm thanh ồn ào của chiếc trực thăng); kết thúc vẫn là sự đứt quãng trong trò chuyện (Marcello không thể nào nghe được cô bé Paola nói gì trước âm thanh của sóng biển), La Dolce Vita là một ẩn dụ về sự xa cách không hiểu thấu. Đó không chỉ là một sự đứt quãng do âm thanh ồn ào bên ngoài mà còn do sự xô lệch về nhận thức và cảm nhận. Marcello và Emma khước từ việc hiểu và chấp nhận quan điểm sống của nhau. Maddalena thậm chí còn không thể xác định rõ mong muốn và cảm nhận của chính mình khi tỏ tình với một người trong lúc đang ôm hôn một kẻ khác. Sylvia thì chẳng buồn quan tâm tới những lời nói của Marcello…

Họ bị lạc mất những thông điệp và lạc lối trong một thế giới phù phiếm, nơi tình yêu chỉ là một trò đùa và tình dục chỉ là một thú tiêu khiển lúc nhàn rỗi… Bởi vậy, thế giới trong La Dolce Vita vừa làm người ta cảm thấy ghê tởm vừa khiến người ta cảm thấy thương xót. Những con người như Marcello, Maddalena, Emma, Steiner… đều như những cái cây không cội rễ, cố gắng ngụy tạo sự trống rỗng của chính mình bằng vẻ ngoài đẹp đẽ và hào nhoáng.

Lạc lối trong La Dolce Vita còn là sự lạc lối trong một thế giới thiếu vắng đức tin nhưng lại dư thừa sự cuồng tín. Hình ảnh bốn cô gái mặc bikini vẫy chào tượng Chúa hay trường đoạn đám đông cuồng loạn chạy theo hai đứa trẻ để được nhìn thấy Đức mẹ là những hình ảnh mang tính giễu nhại về tôn giáo. Mọi thứ tôn nghiêm, trật từ và nề nếp của tôn giáo đã bị tước đoạt. Đó chỉ còn là những vỏ vật chất bề ngoài: một bức tượng, một vài lời xác nhận của hai đứa trẻ và sự hô hào của giới truyền thông…

Đó chỉ còn là một màn bi hài kịch về sự cuồng tín khi bức tượng Chúa được đón chào bởi những cô nàng nóng bỏng và công cuộc tìm kiếm Đức mẹ lại kết thúc bằng cái chết của một trong những kẻ kiếm tìm. Ngay cả Steiner, nhân vật trí thức được bao bọc trong hào quang của một cuộc sống giàu có và hạnh phúc, cũng là điển hình cho sự thiếu vắng đức tin khi đột ngột giết hại hai đứa con và tước đoạt mạng sống của chính mình. Trong một thế giới mất Chúa, mọi cấu trúc kiên cố đều đã bị phá vỡ, bị triệt hạ, “thế giới đã trở thành cái bẫy giam hãm con người” (Milan Kundera), và họ, chẳng còn là gì khác hơn là một sinh vật phải thường xuyên chung đụng với nỗi chán chường và không biết làm gì với cảm giác tuyệt vọng thiếu vắng đức tin.

La Dolce Vita là một phản đề về “cuộc sống ngọt ngào”, mô tả con người hiện đại trong một thời đại thiếu vắng cả niềm tin lẫn đức tin, chênh vênh giữa sự xác nhận và chối từ. Một thế giới mà cái thiêng liêng được đặt bên cạnh cái tâm thường thô tục, cái cổ xưa được đặt bên cái hiện đại và sự tôn kính được đặt bên cạnh sự cuồng loạn. người ta sống giữa những điều phù phiếm vừa khinh bỉ chúng, vừa sa đà vào chúng. Tình yêu chỉ còn là một hoạt động nhục thể, không có ý nghĩa gì về mặt tinh thần. Thế giới của giới thượng lưu trong La Dolce Vita tái hiện một La Mã “vui sướng và khoái lạc” (felixcitas & felix): những kẻ dư thừa về vật chất những trống rỗng về tinh thần. Cuộc sống của Roma về đêm là những yến tiệc không dứt, đầy rẫy những trò cuồng loạn của những con người trống rỗng cố tô son điểm phấn cho cuộc đời của mình mà không thể nào tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời…

Người ta làm đủ mọi điều điên rồ để tiêu khiển: làm tình trong một căn buồng dột nát, săn đuổi ma cà rồng trong một lâu đài cũ, khỏa thân để mua vui… Roma về đêm không còn là nơi giành cho những điều lãng mạn. Roma chỉ còn là Roma của những gái điếm và những kẻ phù phiếm không thể nào khỏa lấp được nỗi trống vắng trong tâm hồn mình. Roma của Maddalena nói lời thương yêu kẻ này trong vòng tay của người khác. Roma của Sylvia, đẹp như một nữ thần và sống hoàn toàn bản năng. Roma của Emma, chán nản trong nỗi thất vọng về người tình và trong sự chờ đợi vô vọng về một tổ ấm. Roma của Paparazzo, Roma của Marcello, những kẻ chép sử của sự phù phiếm. Roma của một đám đông cuồng loạn, đi tìm Chúa trong một thế giới mất Chúa. Roma những kẻ không ngừng tìm kiếm đức tin mà lại dẫm đạp lên đức tin, tỏ ra khinh bỉ sự giả dối nhưng lại biện minh cho sự dối trá của chính mình… Một Roma tráng lệ và hào hoa cũng là một Roma trụy lạc và suy đồi. Và bởi thế, La Dolce Vita của Fellini vừa là một “cuộc sống ngọt ngào” theo kiểu tràn đầy khoái lạc, vừa là sự trống rỗng nghẹn ứ và bế tắc tột cùng, một thế giới “nada, nada y nada”…

Bày ra trước mắt khán giả một bức tranh phức tạp về đời sống hiện đại, La Dolce Vita có lẽ cũng là một mê cung cho bất kì một sự tiếp nhận nào. Và như Fellini từng nói: “Tôi không thích quan điểm hiểu một bộ phim. Tôi không tin rằng sự hiểu biết dựa trên lý trí là yếu tố cơ bản trong việc lĩnh hội bất kì tác phẩm nghệ thuật nào. Nếu một bộ phim không làm bạn xúc động thì chẳng có sự giải thích nào có thể làm bạn xúc động về bộ phim”. Sự lạc lối của tôi, biết đâu chỉ là một sự lạc lối trong một sự lạc lối khác mà thôi.

Thông tin thêm về bộ phim:

La Dolce Vita (1960)

Độ dài: 174 phút

Đạo diễn: Federico Fellini

Kịch bản: Federico Fellini, Ennio Flaiano

Diễn viên: Marcello Mastroianni, Anita EkbergAnouk Aimée

Nguồn ảnh: http://www.parismatch.com/People-Match/Cinema/Actu/Marcello-Mastroianni-l-amant-de-reve-202840/

~ by hanguyenussh on March 5, 2011.

4 Responses to “Lạc lối trong La Dolce Vita”

  1. mèo ơi, thêm nguồn ảnh vào kìa ^^

  2. Bài viết được quá mèo ơi. Nhưng ngập tràn toàn bộ bài viết là tư tưởng và chuyện phim. Mấy phần bình về phong cách phim đâu rồi? Anyway, I like it very much, yeahhhh!

  3. em sửa rồi chị ạ. em có nguồn hai ảnh đầu thôi. 2 ảnh sau là em cắt từ phim ra, k biết phải viết nguồn như thế nào nữa :D

  4. @ trung: đa tạ chồng cũ đã có nhời khen :)). tớ sẽ edit bài này và thêm vào phần nhận xét về phong cách phim :D

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: