Chat với Trịnh Đình Lê Minh

by Ánh Dương – Huy Trường – Lê Na

Trịnh Đình Lê Minh  hiện đang là admin của trang web: www.yxine.com, một trang web uy tín của điện ảnh Việt Nam. Bén duyên với điện ảnh từ khóa 4 ngành đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, hiện nay anh đang mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình trên phạm vi quốc tế bằng việc tham dự các LHP mà gần đây nhất là: Berlinale Talent Campus.


Với phương châm: Tôi luôn nhìn nhận thế hệ trẻ ở khía cạnh tâm hồn, những đóng góp của Lê Minh cho điện ảnh sẽ là tấm gương tốt cho những người trẻ quan tâm đến điện ảnh như K6 chúng ta giao lưu và học hỏi.

Chào Lê Minh, nếu xuất hiện trước các bạn học viên dự án điện ảnh K6, bạn sẽ giới thiệu gì về bản thân mình?

Lê Minh: Tôi sẽ giới thiệu mình là một người làm phim trẻ, đang từng bước học hỏi để trở thành nhà làm phim hay.

Nếu xuất hiện trước một hội đồng xét duyệt để hỗ trợ cho một dự án điện ảnh của bạn thì bạn sẽ giới thiệu thế nào?

Lê Minh: Tôi là một người chịu khó học hỏi. Tôi muốn kể những câu chuyện gần gũi xung quanh mình, những điều giản dị nhưng vẫn chạm được đến trái tim khán giả.

Từng giữ những vai trò quan trọng, tích cực của một số Forum điện ảnh, bạn nhận xét thế nào về không khí điện ảnh của các bạn trẻ ở Việt Nam?

Lê Minh: Các bạn trẻ Việt Nam ngày càng năng động, tự tìm hiểu và học hỏi nhiều hơn. Tôi đánh giá cao những gì các nhóm làm phim độc lập ở Việt Nam đã làm được.

Việc học trong trường điện ảnh mang đến cho bạn những gì trong công việc điện ảnh?

Lê Minh: Việc học trong trường là bước đệm để tôi tìm hiểu và học hỏi thêm những điều mới. Nhưng tôi vẫn ước thời gian đào tạo của trường ít hơn và thực tế hơn.

Mỗi bộ phim của bạn đều là những khám mang tính trải nhiệm cá nhân, rất thú vị và sáng tạo, bạn nghĩ mình đã tìm ra được ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình chưa?

Lê Minh: Tôi đang trên bước đường tìm ra phong cách riêng cho bản thân. Tôi nghĩ chúng ta vẫn có quyền thể nghiệm và mắc sai lầm khi còn trẻ. Vì vật tôi tuy rất cầu toàn, vẫn không sợ làm điều gì đó mới.

Đạo diễn Jia Zhang Ke đã phát biểu: “Bạn hỏi vì sao phim của tôi thuyết phục khán giả quốc tế ư? Tôi nghĩ đó là tính xác thực và sự chân thành. Chính chúng đã làm nên sự khác nhau giữa các nền văn hóa”. Vậy còn những bộ phim của riêng anh sẽ thuyết phục khán giả quốc tế ở góc độ nào?

Lê Minh: Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng thuyết phục bằng sự chân thành như Jia Zhang Ke đã nói và bằng cảm xúc rất thật của chính mình. Tất nhiên đó là sự riêng tư những cũng dễ đồng cảm và chia sẽ với khán giả.

Bạn làm cả phim Truyện và tài liệu, bạn có thể so sánh quá trình làm hai thể loại này?

Lê Minh: Làm phim tài liệu thả hồn theo cảm xúc khi quay nhưng khi dựng là một bài toán đau đầu. Làm phim truyện thì sự lãng mạn mất dần trong quá trình quay và thực sự vỡ mộng, thức tỉnh trong quá trình dựng.

Khó khăn lớn khi bạn theo đuổi con đường làm phim độc lập?

Lê Minh: Đó là tìm được những cộng sự, những người ủng hộ và chia sẻ với mình trong những dự án nói riêng và trong cả những hoài bão, quan điểm nghề nghiệp.

Ngoài làm phim bạn còn tham gia viết sách về điện ảnh, bạn có thể chia sẽ về những cuốn sách của mình không?

Lê Minh: Những dự án sách điện ảnh giúp tôi thêm trưởng thành về mặt nghề nghiệp. Nó cũng giúp tôi rèn luyện tinh thần kiên trì, nhẫn nại, một đức tính cần thiết của người làm phim độc lập.

Bạn có thể chia sẻ về dự án điện ảnh của bạn tại LHP Berlin? Có nhiều cơ hội như vậy cho các nhà điện ảnh trẻ Việt Nam không?

Lê Minh: Berlinale Talent Campus  là cơ hội tốt để những nhà làm phim trẻ trên toàn thế giới kết nối với nhau, học hỏi thêm ở bạn bè và cả những chuyên gia và cũng để diện kiến một trong những liến hoan phim lớn nhất thế giới…Sự kết nối giữa những cá nhân đơn lẻ là điều tối quan trọng cho những cộng đồng làm phim độc lập.

Tôi không được mời đến LHP để chiếu phim của mình, mà được mời đến để học hỏi. Và dĩ nhiên tôi đã kể những dự định, những dự án sắp tới của mình với tất cả các trại sinh trong Campus. Biết đâu tôi sẽ tìm thấy cho dự án sắp tới của mình một producer, sound designer hay editor, cameraman. Vì vậy tôi cần tận dụng tối đa cơ hội của mình.

Nếu chúng ta thực sự nghiêm túc trong nghề nghiệp, có những dự án tốt, và một video sample tốt, chắc chắn những người tuyển chọn sẽ để mắt đến những nhà làm phim trẻ Việt Nam. Các nhà làm phim trẻ trong khu vực Châu Á, thậm chí là Đông Nam Á, đã được mời tham gia Talent Campus rất nhiều lần. Tại sao những nhà làm phim Việt Nam lại không ?

Nếu được làm một bộ phim cho khán giả Việt Nam, một phim tết chẳng hạn, bạn nghĩ mình cần phải đạt được những tiêu chí gì?

Lê Minh: Tôi nghĩ bộ phim cần đạt những tiêu chuẩn tối thiểu về kỹ thuật hình ảnh, âm thanh và kịch bản. Sau đó hãy tính đến chuyện phim hay hay dở.

Bạn đã từng nói: ” Tôi muốn nhìn nhận thế hệ trẻ ở khía cạnh tâm hồn” . Vậy bạn nghĩ sao về nhận xét sau của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn về thế hệ 8X :  Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ ” .

Lê Minh: Chắc anh Sơn chưa gặp các bạn trẻ của các dự án điện ảnh quỹ Ford. Tôi thấy các bạn trẻ 8X thật ra có nhiều điều kiện để làm nên những tác phẩm tốt nhưng bởi họ bị lẫn lộn và phân vân giữa các giá trị. Bản thân họ sinh ra và lớn lên trong buổi giao thời, họ chứng kiến cả cái cũ và cái mới nên dù truyền thống họ vẫn rất tân tiến, dù luôn hướng đến tương lai nhưng vẫn biết giữ gìn quá khứ. Sự loay hoay trong những giá trị tương phản chắc sẽ là một động lực để bùng phát…

Cảm ơn Lê Minh, chúc bạn thành công tại LHP Berlin và con đường điện ảnh của mình.

Nguồn ảnh: http://www.yxine.com/?gf=tt&view=1&news_id=2779

~ by Đào Lê Na on March 4, 2011.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: