Nhờn nhợt một màu phim Việt
by Nguyễn Hương Giang
Không mới mẻ, không độc đáo về nội dung, ít tìm tòi, khám phá về nghệ thuật và đặc biệt phim nào cũng nhờn nhợt, không đủ để lưu lại ấn tượng với khán giả… là những nhận xét chung của đông đảo công chúng quan tâm, yêu mến bộ môn nghệ thuật thứ bảy dành cho những bộ phim Việt ra mắt trong khoảng thời gian vừa qua.
Những bộ phim được các nhà sản xuất tung ra rạp như: Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Trung úy, Cánh đồng bất tận, Khát vọng Thăng Long, Em hiền như ma – sơ (sắp công chiếu)… và hàng loạt phim được trình chiếu miễn phí: Hoa đào, Nhìn ra biển cả, Long thành cầm giả ca… ít nhiều đã tạo nên sự phong phú, đáp ứng thị hiếu khán giả ngày càng cao, thay vì chỉ có mùa phim Tết như các năm trước… Những bộ phim này đều được các hãng phim tư nhân và nhà nước đầu tư khá mạnh tay, có sự tham gia của các ngôi sao quy tụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số phim của các đạo diễn kỳ cựu, nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt. Khai thác đủ mọi vấn đề, đủ mọi góc độ trong muôn mặt cuộc sống từ hiện đại cho tới những năm tháng quá khứ hào hùng, tuy nhiên, những bộ phim này chưa thực sự làm người xem hài lòng, thỏa mãn. Ngoại trừ “Long thành Cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn với số tiền làm phim khá khiêm tốn (8 tỉ đồng) do nhà nước tài trợ trong hệ thống các phim chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là tạm khiến khán giả yên lòng bởi sự dụng công, tinh thần làm phim nghiêm túc của đạo diễn, còn lại hầu hết các tác phẩm đều rơi vào sự phản ánh không sát hiện thực, chưa khai thác đến đầu đến đũa cốt truyện, sự thật lịch sử hoặc chỉ đi vào thể hiện những câu chuyện cuộc sống đơn thuần, thiếu đột phá, nội dung không sâu sắc, lạm dụng nhiều yếu tố câu khách rẻ tiền…
Sự hời hợt, thiếu tìm tòi, dựa dẫm quá nhiều vào lịch sử nước bạn (tiêu biểu là Trung Quốc) trong một số phim truyện lịch sử cùng những thiếu sót, lỗ hổng về bối cảnh, trang phục, diễn xuất của các diễn viên trong phim chiến tranh đã khiến người xem cảm thấy thực sự khó chịu, bực bội. Đặc biệt với nghi án đạo phim “Giao lộ định mệnh” của đạo diễn Victor Vũ từ tác phẩm gốc “Shattered” của Mỹ cũng làm khán giả bực bội và hoài nghi về chất lượng của điện ảnh Việt Nam.
Trước hết, nói về hai bộ phim mới là Hoa đào (đạo diễn Nguyễn Thế Vinh) và Nhìn ra biển cả (đạo diễn Vũ Châu). Hai tác phẩm khai thác theo hai hướng khác nhau, của hai thế hệ đạo diễn một nhiều kinh nghiệm, lâu năm, một trẻ mới bước chân vào nghề, nhiều nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm… “Hoa đào” chạm khắc những nét vẽ trong bức tranh bao quát về cuộc sống đô thị hóa của mảnh đất Hà Nội – ngàn năm văn hiến, “Nhìn ra biển cả” lại phục dựng chân dung thời niên thiếu của Bác Hồ vĩ đại… Dù được đầu tư khá lớn về kinh phí sản xuất, các phương tiện truyền thông săn đón, chăm sóc kỹ lưỡng, khán giả háo hức, tò mò, trông đợi nhiều… Nhưng đến khi ra mắt dường như ai cũng thất vọng và ngán ngẩm trước sự lột tả thiếu chân thực và nội dung nhạt nhòa, không đặc sắc của hai bộ phim.
90 phút của “Hoa đào” là những cảnh quay rời rạc, thiếu sự liên kết lôgic, mạch phim thậm chí đôi khi còn đi lạc ra ý nghĩa ban đầu mà đạo diễn muốn hướng tới. Hơn nữa điều khiến khán giả bức xúc hơn cả là đạo cụ “hoa đào giả” được sử dụng rất “phô” trong nhiều cảnh quay, nhiều trường đoạn phim. Đây là một trong những yếu tố làm mất điểm khá lớn của “Hoa đào”. Sự lên gân trong cách diễn của Kiều Thanh, Trung Hiếu cũng góp phần làm hình tượng nhân vật bộ phim thiếu sức thuyết phục. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất với “Hoa đào” đó là đạo diễn trẻ Nguyễn Thế Vinh chưa thổi được hồn vía vào câu chuyện vườn đào đang đứng trước những bể dâu của cuộc sống hiện đại, hình ảnh con người phải tranh giành ra sao để giữ lại truyền thống tốt đẹp bên cạnh sự xâm lăng của những giá trị mới đang xâm hại đến nó. Sự thiếu cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng vào một dự án phim lớn cũng đã khiến khán giả cảm thấy bùi ngùi tiếc thương cho một “Hoa đào” được kỳ vọng nhiều trước khi ra mắt. Đây thực sự là một bộ phim buồn tẻ, thiếu điểm nhấn, không có nhân vật trung tâm, không bao quát được toàn bộ hiện thực.
Bộ phim thứ hai là“Nhìn ra biển cả” của đạo diễn lão làng Vũ Châu. Một bộ phim đi theo hướng khai thác chân dung và lấy cảm hứng từ hình tượng Bác Hồ kính yêu. “Nhìn ra biển cả” cũng bị rơi vào tình trạng phim không có điểm nhấn, không có cao trào và gần như không có bất kỳ một xung đột nào xảy ra đối với các nhân vật chính. Mạch phim đều đều, tiết tấu rời rạc. Thậm chí xem phim nhiều khán giả còn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ. Nhiều câu thoại thừa, cách diễn thiếu “bản sắc” của diễn viên trẻ Minh Đức cũng làm người xem ức chế. Đôi khi Minh Đức diễn như đang trình diễn cải lương trên sân khấu. Sự cường điệu trong cách nhả chữ lời thoại, động tác của Minh Đức khá mềm yếu và “điệu” nhiều hơn là khắc họa sự thanh tao, nhã nhặn, có học của một “tri thức vĩ đại” như chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lẽ đây là bộ phim “nhợt nhạt” nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam khắc họa hình tượng Bác Hồ. Còn diễn xuất của Minh Đức còn thua xa đàn anh Tiến Hợi – người từng khiến bao thế hệ khán giả khâm phục trước khả năng biến hóa với hình tượng Bác Hồ và cách diễn rất lôi cuốn, chân thực nhưng sáng tạo của mình.
Ba tác phẩm khác là: Long thành Cầm giả ca, Trung úy và Khát vọng Thăng Long mới được ra mắt trong tháng 11 gần đây cũng khiến người xem không khỏi hoài nghi, lo lắng về số phận và cách đặt vấn đề khai thác một số nhân vật trong lịch sử của các đạo diễn. Ngoại trừ “Long thành Cầm giả ca” ít nhiều đã tạo được sự đồng thuận của khán giả theo dõi và báo chí khi đạo diễn đã cố công phả vào phim một chất thơ riêng biệt giữa rừng phim lịch sử được quảng cáo là đầy hào khí. Sự trau chuốt kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, khuôn hình, bối cảnh, sự đồng đều của dàn diễn viên Nam – Bắc hợp tấu đã ít nhiều lột tả được tinh thần của nhà văn hóa lớn dân tộc là Nguyễn Du. Hai bộ phim “Khát vọng Thăng Long” và “Trung úy” dù được thực hiện dưới bàn tay của hai đạo diễn giàu kinh nghiệm là Lưu Trọng Ninh và Hà Sơn cũng không để lại ấn tượng. “Khát vọng Thăng Long” gây “hẫng” cho khán giả bởi những chi tiết, tình huống phim không được xử lý khéo léo, tinh tế, sâu sắc của đạo diễn. Đặc biệt với cái kết quá nhanh và vội đã làm không ít người thất vọng. Giải thích về điều này, đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói: “Đó là những cái thiếu sót, chúng tôi chưa làm được vì không có nhiều thời gian. Tất cả đều gấp gáp trong vòng mấy tháng quay, làm hậu kỳ và hoàn thành phim. Phim này đúng ra có tên là Lý Công Uẩn thôi như dự tính ban đầu của tôi thì sẽ hợp lý hơn. Nếu có Khát vọng Thăng Long phần 2, chắc chắn sẽ khắc phục những thiếu sót”. Lời giải thích muôn thuở của các đạo diễn khi phim bị chê, bị khán giả nhận xét không hay. Có lẽ điện ảnh Việt vẫn cần có sự đầu tư hợp lý hơn không chỉ về mặt tiền bạc mà còn cả thời gian nữa. Như vậy mới khiến các đạo diễn không còn lý do nào để kêu oan cho phim khi nó dở. Từ trước đến nay phim lịch sử “thiếu muối” vẫn bị các đạo diễn đổ lỗi vì không có tiền, còn khi có tiền rồi phim vẫn không được khen thì lại nói do sức ép về mặt thời gian… Quả đúng là bệnh trầm kha, không có thuốc chữa của làng điện ảnh Việt…
Phim “Trung úy” dù có một ý tưởng tương đối độc đáo, sáng tạo nhưng Hà Sơn lại mắc quá nhiều lỗi trong việc kể diễn biến câu chuyện. Những chiêu PR cho phim bằng những lời lẽ kín hở khoe khéo sẽ có nhiều cảnh “hot” của các nhân vật cũng khiến dư luận phản cảm với “Trung úy”. Sử dụng cảnh “hot” như con dao hai lưỡi, tốt thì nói là nghệ thuật, làm chưa tới sẽ bị coi như hàng rẻ tiền, chiêu câu khách. Nhưng điều đáng buồn hơn cả là cảnh nóng trong phim Việt Nam chưa bao giờ được coi là “nghệ thuật” thực sự. “Trung úy” quay khá nhiều cảnh hot nhưng cuối cùng bị cắt xén còn lại không đáng kể… Có lẽ vì vậy mà phim chẳng còn gì để hút khách nữa, vì thế nó chìm nghỉm giữa rừng phim ngoại sau những ngày đầu công chiếu. Đạo diễn chỉ mới đưa ra được đề tài còn cách giải quyết, phát triển đề tài đó như thế nào chưa được làm tới cùng, vẫn còn là lời bỏ ngỏ trong phim. Thực tế những gì diễn ra trong câu chuyện ấy thiếu điểm nhấn, “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu các chi tiết” nên nhiều khán giả tỏ ra uể oải với những biến chuyển của lôgic phim… Chiến tranh bộc lộ dưới góc nhìn, lăng kính đầy “phá cách” của Hà Sơn nhưng không tạo được chiều sâu và làm lay động người xem. Có cảm giác đạo diễn mới chỉ chạm ngõ, tái hiện lại chiến tranh chứ chưa đi vào tận cùng những đau xót, bất hạnh của những số phận bên trong cuộc chiến đó. Những mảng màu của chiến tranh không có sự đan xen, hòa quyện, cộng hưởng với nhau. Đó là còn chưa kể tới những lỗi rất hay mắc phải trong phim như: đạo cụ, bối cảnh, phục trang… đều không chính xác, thiếu thuyết phục và rất giả.
Những tác phẩm còn lại cũng ở trong tình trạng một màu như vậy. “Để Mai tính”, Cánh đồng bất tận” khiến người xem cảm thấy khiên cưỡng vì những tình tiết phi lôgic, không có sự dẫn dắt trong hành trình phát triển tâm lý nhân vật. Một điều cũng khiến số đông khán giả cảm thấy không ấn tượng với phim Việt đó là sự thiếu đầu tư, tìm tòi, sáng tạo những cách thể hiện mới. Những thủ pháp, mảng miếng sáng tác từ phía nhà làm phim vẫn “bó hẹp” trong sự đơn điệu, cách làm truyền thống. Hiện tượng “Cánh đồng bất tận” dù vẫn chưa thôi làm xao động nhiều diễn đàn thì khán giả cũng có thể đưa ra ngay kết luận: phim không giàu sức nặng bằng truyện. Nguyễn Phan Quang Bình chiều lòng, thỏa mãn thị hiếu khán giả bằng cách giảm nhẹ tính bi kịch, chiều sâu của truyện ngắn khi đưa lên phim. Sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong nội dung phim cũng làm người xem chưa thấy thực sự yêu phim như yêu truyện. Những điều khán giả tò mò khi xem “Cánh đồng bất tận” cũng chính là điểm hạn chế của phim. Dàn diễn viên ngôi sao như: Tăng Thanh Hà, Đỗ Hải Yến hay Dustin Nguyễn bộc lộ rõ cách diễn thiếu bản sắc của mình. Đặc biệt với Đỗ Hải Yến đây là vai diễn đáng thất vọng, không có đột phá của cô. Tăng Thanh Hà chỉ góp vào một vai nhỏ nhưng cô cũng cho thấy sự lặp lại, không thể “thoát vai” trong cái vòng lẩn quẩn của các vai diễn truyền hình trước đó. Nhiều người thích thú trước những cảnh quay sông nước miền Tây đẹp mê hồn của nhà quay phim Nguyễn Tranh. Tuy nhiên, rõ ràng việc quay đẹp ấy chưa phục vụ đắc lực cho việc tái hiện câu chuyện bi thương của gia đình ông Võ. Nguyễn Tranh “mắc” một bệnh chung ở rất nhiều phim đó là bệnh quay đẹp. Không phải bất cứ phim nào cũng cứ quay những cảnh nên thơ, nhiều màu sắc đến thế mới được gọi là đẹp. Cái đẹp đôi khi là những thứ xù xì, góc cạnh, hoang dã và rất tự nhiên. Không cần phải uốn nắn chúng đi theo một khuôn mẫu nhất định hết phim này sang phim khác. Quan trọng nhất với người quay phim là phải chọn được góc máy, cách xử lý ánh sáng và màu sắc đồng nhất và nêu bật được ý nghĩa, nội dung của câu chuyện… Đó là còn chưa kể đến nhiều lỗi khác như: âm nhạc của Quốc Trung bị “lạm dụng” quá nhiều, đôi khi nó bị đưa vào lung tung trong các cảnh quay. Sự phô bày âm nhạc ở đây không lấy được cảm xúc khán giả mà ngược lại nó lại làm người ta cảm thấy sức lan tỏa của bộ phim giảm hẳn. Lẽ ra những trường đoạn người xem có thể tương tác và xúc động cùng với tâm trạng nhân vật tuy nhiên nhạc sĩ lại đưa ngay nhạc vào khiến nó lạc điệu, một kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”. Tất cả điều đó đã trả lời cho câu hỏi vì sao “Cánh đồng bất tận” dù là một sự kiện xôn xao dư luận, tốn kém giấy mực của báo chí nhưng cũng không khiến giới chuyên môn đánh giá cao, dễ hiểu vì sao Nguyễn Ngọc Tư từ chối bình luận về phim sau đã đã đi xem.
Cuối cùng là vụ “đạo, cắp” trong “Giao lộ định mệnh” từ một tác phẩm nước ngoài. Điều này khiến uy tín của đạo diễn trẻ Victor Vũ bị giảm sút nặng nề và khán giả cũng cảm thấy bị lừa khi phải bỏ tiền xem lại một bộ phim Việt bắt chước từ một phim nước ngoài cách đây 20 năm. Ngoài ra “Em hiền như masơ”, một phim mới của “người lạ” trong làng điện ảnh là Hoàng Thiên Trụ, cũng khiến người ta giật mình bởi dòng chữ PR câu kéo “Phim được làm hoàn toàn theo công thức của Hollywood”. Vậy tính sáng tạo của nhà làm phim ở đâu, màu sắc của phim sẽ ra sao khi nó được vay mượn từ phim Mỹ. Bao giờ chúng ta mới có một bộ phim đầy phá cách, biến hóa và đặc biệt? Bao giờ các nhà làm phim mới có thể chú ý đến việc đổi màu cho phim Việt nếu cứ mãi ép mình trong cách làm phim thiếu bản sắc như hiện nay?
Phim Việt vẫn đang loay hoay tìm đường để có được một sắc thái riêng, một phong cách riêng tiến gần hơn nữa với khán giả. Tuy nhiên, phim hay – dở ra sao phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, cái tâm với nghề của các đạo diễn. Mong sao những tác phẩm Việt Nam “nhờn nhợt” sức sống, nhạt nhòa cách biểu hiện… sẽ mau chóng không còn tồn tại trên màn ảnh rộng.
Bẫy danh vọng, bẫy tiền :)
Phu Hien said this on March 15, 2011 at 11:06 pm
Điện ảnh Việt Nam vẫn đang đi tìm một phong cách, một bản sắc riêng cho mình, cái mà tất cả các nền điện ảnh mạnh trên thế giới đều có. Đó là một hành trình dài mà không phải một sớm một chiều có thể đạt được.
Tại Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, một năm họ sản xuất hàng trăm phim (cả phim hạng A lẫn phim hạng B) và chỉ có một vài phim trong đó thật sự gây ảnh hưởng lớn tới người xem. Trong khi ở Việt Nam một năm có khoảng chục phim được sản xuất, chúng ta không thể quá vô lý khi yêu cầu bất kỳ phim nào làm ra cũng phải hay, phải tốt, hoàn hảo. Đối với các nhà làm phim cũng không thể chờ đến khi chắc chắn làm được phim hay mới làm phim bởi vì ngày đó vĩnh viễn không bao giờ đến nếu như chúng ta không làm phim.
Khi Yasujiro Ozu mới bắt đầu làm phim, ông cũng bắt chước phong cách làm phim của Hollywood và những phim này hầu như không ai còn nhắc đến.
Nhận xét chỉ ra cái sai là đúng. Nhưng với hầu hết những nhà báo, nhà phê bình ở Việt Nam, nhận ra cái sai đồng nghĩa với miệt thị tác giả, tác phẩm chứ không nhằm mục đích đóng góp chung cho nền điện ảnh nước nhà.
Vụ việc phim Giao lộ định mệnh là một ví dụ quá rõ ràng. Nhưng thậm chí có bị vùi dập như thế thì không ai có thể phủ nhận tài năng của Victor Vũ.
Lam Tung said this on March 26, 2011 at 7:28 am