Những thành công: Chuyện của Pao

by The Vân

Chuyện của Pao (2006) của đạo diễn – nhà biên kịch Ngô Quang Hải là một bộ phim độc đáo, được làm dựa trên câu chuyện có thật về một gia đình sống ở miền núi phía Bắc của nước ta. Bộ phim còn lấy chất liệu từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy.

Bộ phim xây dựng bối cảnh trên vùng núi cao Tây Bắc, với nhiều cảnh quay tuyệt đẹp và sự “pha trộn” màu sắc hết sức tự nhiên. Trong những cảnh quay đầu tiên của bộ phim, máy quay travelling di chuyển chậm, đưa vào khuôn hình những hình ảnh về những dãy núi cao và xa. Hình ảnh của những dãy núi được xuất hiện lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong gần 100 phút chiếu của bộ phim. Nhiều khuôn hình về cảnh miền núi Tây Bắc được nhà quay phim Cordella Beresford xử lý hết sức nghệ thuật, những góc máy cao/thấp thường xuyên được sử dụng, qua đó đã thu được “linh hồn” của núi rừng Tây Bắc.

Diễn viên Đỗ Thị Hải Yến

Bộ phim mở đầu khá ấn tượng. Bắt đầu với nhân vật “mẹ già” (Nguyễn Như Quỳnh) xuất hiện trong không gian âm u của đêm tối. Góc máy cao lia xuống dòng suối đang chảy xiết mang dự báo cho một sự bất ổn sắp diễn ra. Hình ảnh chiếc khăn quàng đỏ và chiếc gương, lược bị  bỏ lại trên thềm đá, chiếc váy hoa xòe bị cuốn trôi theo dòng nước là sự sắp xếp đầy thông minh của đạo diễn. Một cái chết đã xảy ra hay chỉ là sự  sắp xếp cố ý của bà mẹ? Cảnh quay tiếp theo sau đó là hành trình đến với phiên chợ của những cô gái, trong đó có Pao (Đỗ Hải Yến) – nhân vật chính của bộ phim. Lúc này máy quay chuyển sang “đi theo” nhân vật. Hình ảnh của phiên chợ vùng cao rộn ràng màu sắc với những chiếc váy hoa xúng xính, những cô gái mặc váy đỏ, đội khăn đỏ làm không gian của phiên chợ như ấm nóng lên. Giữa sự nhộn nhịp và ồn ào đó, Pao đã nhận ra có một chàng trai đang thổi sáo và nhìn mình chăm chú. Câu chuyện tình yêu của họ bắt đầu với những tiếng sáo trầm bổng và phiên chợ Tết rực rỡ sắc màu. Máy quay travelling tiếp tục thu lấy hình ảnh của những dãy núi cao và xanh. Với cách dựng cắt cảnh nhanh và liên tục, máy quay ghi lại hình ảnh của một đoàn người đang lũ lượt kéo nhau đến chợ. Pao dừng lại trả lời câu hỏi của một người bạn, gương mặt cô gái được quay cận cảnh, nụ cười hiền hòa nở trên môi cô.

Màu sắc trong phim được phối hợp hết sức tinh tế. Gam màu chủ đạo trong cả bộ phim là màu xanh trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, khiến đôi lúc con người trở nên quá nhỏ bé trong một khuôn hình. Với những bộ váy hoa sặc sỡ của những cô gái vùng cao kết hợp với không gian trải dài màu xanh của núi rừng, gam màu đỏ tưởng chừng như màu nóng ấy chỉ đủ sức làm “ấm” lên những khoảnh khắc của thời gian nhất định khi chuyển mùa sang mùa đông. Những luống hoa cải vàng rực trên con đường nhỏ dẫn vào nhà Pao cũng đem đến một sự sinh động trong cách khai thác màu sắc của đạo diễn. Những gam màu ấy hết sức tinh tế, đều là những gam màu của thiên nhiên, không một chút lai tạo. Sự sắp xếp này hoàn toàn phù hợp với cách sống và ứng xử có xu hướng tự nhiên của những người dân vùng núi.

Trong rất nhiều cảnh quay, cách sử dụng ánh sáng kết hợp với màu sắc trong phim tạo ra những hiệu ứng phù hợp với tâm lý nhân vật và những hoàn cảnh mà nhân vật phải giải quyết. Trong dòng hồi tưởng của Pao về câu chuyện hai mươi năm trước ngày cô được sinh ra bởi mẹ Sim (Đỗ Hoa Thúy) – người vợ không chính thức của bố cô, không gian nhà chật kín người. Họ đều mong  chờ cho sự ra đời của một bé trai. Ánh sáng yếu trong cả cảnh quay, chỉ đủ soi rõ những gương mặt người đang háo hức chờ đợi. Cuối cùng họ thất vọng quay đi vì “mẹ già” bế trên tay một đứa bé gái – là Pao. Sim ở lại được với con một thời gian ngắn rồi cô lại tiếp tục công việc buôn bán trên phố chợ của mình, mấy năm sau cô sinh được một bé trai cho gia đình Pao. Cậu bé trở thành em trai của cô. Cách dựng cảnh và cắt cảnh nhanh kết hợp với những cú máy travelling lấy tiêu điểm là những ruộng ngô tạo cảm giác cho dòng thời gian đang trôi đi rất nhanh. Sự lớn lên của Pao và em trai đồng nghĩa với sự nhận thức còn non nớt trong tâm hồn hai đứa trẻ, chúng chối bỏ mẹ Sim đã sinh ra chúng nhưng không có công chăm sóc và nuôi dưỡng. Trong gian buồng của Pao, cách chiếu sáng yếu thường xuyên được sử dụng. Nhiều lúc chỉ đủ soi sáng gương mặt của cô gái đang ở tuổi lớn với những rung động đầu đời về tình yêu. Không gian ngôi nhà và bếp lửa thường xuyên được khai thác và đưa vào trong nhiều cảnh quay, tạo cảm giác về ánh sáng thật của cảnh vật. Nhìn chung, đạo diễn đã mang đến một cảm giác hết sức chân thật về cách chiếu sáng và sử dụng máy quay để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình.

Cách khai thác âm nhạc và âm thanh trong phim khá hiệu quả. Nhạc nền của bộ phim được khai thác triệt để, với nhiều khúc nhạc cao và bổng, hòa chung với không gian cao rộng của núi rừng. Trong nhiều trường đoạn, âm nhạc còn giúp bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong phim. Câu chuyện tình yêu của Pao và chàng trai thổi sáo được “nâng đỡ’ bởi tiếng sáo cao, trầm ấm của chàng trai cứ tối tối đứng bên bờ rào đá của nhà Pao để thổi khúc tương tư của tình yêu đôi lứa. Có những trường đoạn, nhạc nền kết hợp với những góc máy cao thu lấy toàn cảnh đàn dê đang gặm cỏ trên sườn đồi, góp phần làm “nấp” những khoảng trống của thời gian trong khoảng hai năm tuổi thơ của Pao và em trai. Một bài hát được nhân vật sử dụng trong phim đó là bài hát mà “mẹ già” đã dạy Pao hát. Bài hát là lời giãi bày tình cảm của những cô gái đang yêu trong tâm trạng mong đợi được gặp người yêu của mình. Bài hát cũng được sử dụng để khép lại câu chuyện trong phim, nhưng cũng mở ra một câu chuyện tình yêu mới. Sau khi đã hiểu được mọi chuyện, Pao đã trở về nhà chăm sóc bố sau chuyến đi dài tìm đến mẹ Sim – người mẹ mà cô đã trối bỏ không thừa nhận. Tình yêu của cô có điều kiện đơm hoa kết trái khi “mẹ già” dựng lên màn kịch tự vẫn. Khi Pao hiểu ra tấm lòng của hai bà mẹ dành cho mình, cô đã nhận ra được một điều, trong lòng cô, hai bà mẹ đều vô cùng quan trọng. Họ hi sinh một phần để Pao được sống hạnh phúc. Với cách diễn xuất sinh động, tự nhiên, câu chuyện của Pao dễ dàng đi sâu vào lòng khán giả. Những chuyển biến trong tâm lý của nhân vật được diễn xuất khá thành công. Với cách khai thác theo dòng hồi tưởng của nhân vật, câu chuyện đã dừng lại ở thời điểm nhân vật bắt đầu có sự chuyển biến về mặt tinh thần, mang đến sự hoàn thiện trong tâm hồn và nhận thức của cô gái trẻ.

Bộ phim đã rất thành công trên phương diện nghệ thuật, đem đến cho khán giả những giây phút thư giãn và cảm nhận nhẹ nhàng về tình yêu và cuộc sống, đem đến cho con người những cảm giác chân thực về tình yêu đôi lứa và những xúc cảm xuất phát từ trái tim của con người.

Một số thông tin về bộ phim “Chuyện của Pao”:

Hãng sản xuất: Hãng phim truyện 1

Thời lượng: 100 phút

Đạo diễn: Ngô Quang Hải

Biên tập nhạc: Nhạc sĩ Quốc Trung

Quay phim: Cordelia Beresford

Nhiếp ảnh: Phạm Quang Trung

Thể hiện âm nhạc trong phim: Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN

Diễn viên: Đỗ Hải Yến, Ngô Thế Quân, Nguyễn Như Quỳnh

Giải thưởng: Cánh diều vàng (2005).

~ by yeuphimanh on February 24, 2011.

One Response to “Những thành công: Chuyện của Pao”

  1. Phim có thông điệp hay với những góc quay rất tinh tế, đem tới nhiều cảnh đẹp miền tây bắc. Không ngờ đây là phim đầu tay cua một đạo diễn trẻ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: