“Gõ cửa xin tiền” làm phim

by Đức Trọng

Chuyện kiếm tiền làm phim luôn là chủ đề nóng hổi đối với những đạo diễn tự do, hay những nhà làm phim trẻ mới chập chững bước chân vào nghề. Đặc biệt, đối với những “lúa non” trong làng làm phim, việc khởi nghiệp với một bộ phim ngắn tươm tất, ấn tượng và thể hiện được dấu ấn của mình là một hành trang không thể tốt hơn trong quá trình bước đi trên con đường điện ảnh chông gai sau này.

Vấn đề là, làm phim thì bao giờ cũng đòi hỏi kinh phí, và hiếm khi có người nào tự nhiên dúi vào tay bạn một đống tiền cho bạn làm phim cả. Một trong những kĩ năng quan trọng mà các nhà làm phim đều phải biết, đó là làm thế nào để kiếm tiền, và kiếm ở đâu.

Liên hoan phim Berlin:


Có thể nói liên hoan phim Berlin là một trong những liên hoan phim lớn nhất và uy tín nhất tại châu Âu, với giải thưởng “Gấu vàng” danh tiếng. Cùng với quy mô và tầm ảnh hưởng của nó, liên hoan phim Berlin là mảnh đất màu mỡ cho các nhà làm phim trẻ trên khắp thế giới tìm đến và kiếm nguồn kinh phí cho bộ phim của mình. Tuy nhiên, với truyền thống tỉ mỉ và cẩn thận, người Đức muốn tiến hành một chương trình có chiều sâu và thiên về đào tạo, thay vì chỉ tài trợ kinh phí và mặc kệ các nhà làm phim tự xoay sở một mình. Sự ra đời của Berlin Talent Campus, một hoạt động thường niên bên lề liên hoan phim Berlin là minh chứng cụ thể cho mục tiêu này của họ. Mỗi năm, có tổng cộng 350 người trên khắp thế giới được lựa chọn thông qua các đánh giá về ý tưởng và hồ sơ cá nhân, họ được mời đến Berlin để tham gia vào khóa đào tạo ngắn hạn này. Đội ngũ trên bao gồm rất nhiều thành phần, từ quay phim, diễn viên, đạo diễn, dựng phim… tất cả đều có điểm chung là những con người nhiệt huyết với bộ môn nghệ thuật thứ bảy. Tại đây, họ có cơ hội gặp gỡ với những chuyên gia hàng đầu trên thế giới, được đào tạo một cách chuyên nghiệp về chuyên ngành của mình trong thời gian ngắn, cũng như trình bày các ý tưởng độc đáo để có cơ hội nhận tiền tài trợ làm phim. Berlin Talent Campus, cùng với European Film Market (một chương trình khác của liên hoan phim Berlin, nơi mà các nhà làm phim gặp gỡ và thương lượng với những người sản xuất) là mảnh đất màu mỡ mà ít nhà làm phim trẻ có thể bỏ qua.

Rotterdam, cả thế giới góp tiền cho phim của bạn.


Trái ngược với Berlin Film Campus, liên hoan phim Rotterdam sử dụng cách tài trợ thuần túy cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, điều đặc biệt là tiền tài trợ ở đây không đến từ hội đồng làm phim, hay quỹ tài trợ nào, mà đến từ chính tiền quyên góp mà các thành viên website của liên hoan phim. Rotterdam có một chương trình rất đặc biệt cho chính sách tài trợ của mình, đó là Cinema Reload. Điều thú vị ở chỗ, với chương trình này, bạn chỉ cần bỏ ra 5 euro là đã được vinh danh “trợ lí sản xuất” và có tên trong danh sách đoàn làm phim đàng hoàng. Cinema Reload được mở hàng năm, và các ứng viên trên khắp thế giới sẽ gửi thông tin về bộ phim của mình cho các chuyên gia của chương trình kiểm duyệt, đánh giá, và 2 đến 3 kịch bản xuất sắc nhất vượt qua được vòng tuyển chọn ban đầu sẽ được tiến hành gây quỹ. Những thông tin sơ lược như tên phim, tóm tắt nội dung, hồ sơ cá nhân của các đạo diễn sẽ được đăng tải trên website của Cinema Reload, kèm theo là một video ngắn trình bày về bản thân và mục đích làm phim của các đạo diễn. Việc tiếp theo là dành cho các nhà tài trợ, họ truy cập vào website, mua “xu” (biểu tượng hình mặt hổ của LHP Rotterdam) với giá tối thiểu là 5 euro, số xu được mua không hạn chế, và nếu bạn càng mua nhiều xu quyên góp thì tên của bạn sẽ được nêu cao trong danh sách “trợ lí sản xuất”. Sau đó, bạn bỏ xu quyên góp cho dự án phim mà bạn đánh giá cao hơn. Năm nay tại Cinema Reload có 2 phim được đưa vào vòng bình chọn, là “Random Strangers” của Alexis Dos Santos (Argentina) và “No One is Illegal” của nhà làm phim người Malaysia Ho Yuhang với kinh phí dự trù là 15000 euro cho mỗi phim. Bộ phim nào đạt được mức tiền tài trợ hạn định trước sẽ được cấp kinh phí và tiến hành sản xuất. Hãy chuẩn bị những gì cần thiết và nộp hồ sơ cho Cinema Reload năm 2011, và biết đâu bạn sẽ là một trong số những gương mặt được chọn thì sao.

The Economist Film Project – hãy cho cả thế giới biết câu chuyện của bạn.


The Economist Film Project (EFP) là một dự án tài trợ làm phim tài liệu được hỗ trợ bởi tạp chí tài chính The Economist và chương trình thời sự nổi tiếng của Hoa Kỳ, PSB News Hour. Đúng với khẩu hiệu “hãy kể câu chuyện của bạn, chúng tôi muốn lắng nghe”, EFP không phân biệt bất cứ màu da, sắc tộc, đất nước, dù bạn là ai, nếu câu chuyện của bạn có thể gây được sự xúc động mạnh mẽ cho thế giới, hay nó nói về một chủ đề có thể gây nên rung động và đấu tranh cho những điều tốt đẹp hơn, thì bạn hoàn toàn có thể nhận được kinh phí làm phim. Tất cả các dự án phim tài liệu lớn nhỏ đều được chấp nhận, và hàng tháng sẽ có 3 bộ phim được duyệt cấp ngân sách (4000 đô la). Sau khi hoàn thành, bộ phim sẽ được cắt một phần (từ 6 đến 8 phút) và được trình chiếu trên nhiều kênh đại chúng như website của EFP, The Economist’s YouTube channel, Facebook và trang web của PSB News Hour. Mục tiêu của dự án là đưa câu chuyện đến càng nhiều người càng tốt, qua đó mọi lĩnh vực bí ẩn nhất của cuộc sống khắp nơi trên thế giới sẽ được đưa ra ánh sáng. Đây thực sự là một dự án rất hay và thiết thực, và là cơ hội tốt cho những nhà làm phim tài liệu trẻ Việt Nam.

“Bắt tay vào làm phim lớn với kinh nghiệm làm phim ngắn bằng không, cũng tương đương với việc chạy marathon khi chưa biết đi bộ, và tất nhiên chỉ dẫn đến thất bại” (Jason Brubaker), điều đó nói lên tầm quan trọng của việc làm phim ngắn với các đạo diễn trẻ. Trên đây là 3 trong số rất nhiều nguồn tài trợ cho bạn có thể kiếm kinh phí và làm bộ phim đầu tiên của mình. Điều quan trong nhất, hãy tự tin, và bạn sẽ làm được tất cả. Happy filmmaking!

~ by ductrong87 on February 23, 2011.

One Response to ““Gõ cửa xin tiền” làm phim”

  1. Bài viết rất hữu ích. Thank Trọng!

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: