Vin vào tình yêu mà đứng dậy (p1)

By Đức Độ

Ba thời đại, ba câu chuyện tình, ba tâm thế và không khí thời đại khách nhau được Hầu Hiều Hiều kể lại bằng những cách rất riêng trong Three times. Thư Kỳ và Trương Chấn – hai diễn viên chính của bộ phim đã lần lượt nhập thân vào nhân vật của ba thời kỳ, như thể họ đã sống, đã lột xác ba lần…

Mối tình đầu tiên được Hầu Hiếu Hiền kể lại trong Three times là mối tình trong trẻo và ấm áp nhất. Đặt trong bối cảnh Đài Loan những năm 60 của thế kỷ trước, chuyện tình của hai con người chìm ngập trong hơi thở phương Tây. Đó là giai đoạn văn hóa phương Tây du nhập vào Đài Loan từ bài hát nổi tiếng của thời kỳ (Rain and tea) đến trang phục, trò giải trí (bi – a)…

Thời kỳ này, ở phương Tây đang bùng nổ cuộc cách mạng tình dục – một cuộc cách mạng giải phóng con người (đặc biệt là phụ nữ) khỏi những cưỡng chế xã hội và những rào cản về đạo đức, khỏi những khái niệm như tiết hạnh, trinh tiết. Vậy mà, đạo diễn lại kể cho chúng ta nghe một chuyện tình, dẫu nằm trong luồng ảnh hưởng văn hóa Tây phương, vẫn giữ được vẻ tinh tế, e ấp của một xứ sở phương Đông.

Chàng trai trầm lặng, sâu lắng và kiệm lời có một vẻ mặt u buồn đền tội nghiệp. Khán giả không có nhiều thông tin về nhân vật này, ngoại trừ chuyện anh hay quanh quẩn ở quán bi – a và sắp đi lính. Đi xa, nhưng không có ai để chia sẻ, để níu giữ, anh đưa thư cho Haroko – nhân viên quán bi – a mong được viết thư cho cô từ chiến trường. Haroko chuyển chỗ làm, và bức thư trong hộc tủ ngỡ bị bỏ quên. Và May xuất hiện, như một cứu cánh. May: nhạy cảm và tinh tế, khi đọc thư của chàng trai đã thấu hiểu tâm hồn và cảm mến anh.

Rồi May, cũng như Haroko, như những “cô gái bi – a” khác, lang thang đi hết tiệm này đến tiệm khác kiếm việc. Cuộc tình ngỡ như thoảng qua, ai ngờ, lại mãnh liệt và dữ dội như những con sóng ngầm. Chàng lính trở về, dành hết cả hai ngày phép để đi tìm cô gái anh yêu. Trải qua một cuộc hành trình dài vất vả, May và chàng lính đã găp lại nhau trong niềm hạnh phúc nghẹn ngào. Cuộc hội ngộ chóng vánh của họ luôn bị cản giữa bởi những người lạ, lại bị “ném” giữa chốn công cộng. Hai người gặp nhau, không nói được câu nào trọn vẹn, những yêu thương, nhung nhớ bật ra thành những câu nói vô nghĩa, nhưng chính sự rạng rỡ trong nụ cười và vẻ bối rối, vụng ngượng của hai nhân vật đã “tố cáo” tình yêu của họ.

Khác với quan niệm và lối sống phương Tây những năm này, mối tình của hai nhân vật trong trẻo, thanh khiết và đầy kiềm chế nhưng cũng rất mãnh liệt.. Hai người yêu nhau nồng nàn nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Không ai trong họ dám vi phạm nhau, động chạm nhau. Họ giấu mình đi, giấu những va chạm xác thịt mà chú trọng đời sống tinh thần, tình yêu và những điều thiêng liêng. Nét Á Đông, sự “cản trở” của nơi công cộng, bởi thế, không phải là rào cản, mà là chất xúc tác cho tình yêu. Tình dục giữa hai con người dường như chỉ có thể đến sau hôn nhân. Chuyện tình này không hề có một “cảnh nóng” nào, một cái hôn cũng không, nhưng chỉ với một cái nắm tay, họ đã làm xúc động khán giả bởi tinh thần trọn vẹn của một tình yêu trong trẻo, giữ gìn và tôn trọng nhau.

Mối tình tuyệt đẹp ấy được biểu hiện bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh điêu luyện. Bối cảnh chủ yếu của phần này là những phòng bi – a đèn vàng được quay ngược sáng, ít khi cận cảnh nhưng lại vô cùng gợi cảm. Ánh sáng được dùng với tone xanh, tương phản mạnh, không chiếu sáng mọi vật mà có vẻ che giấu, kín đáo. Cách ăn mặc, trang điểm của May không bộc lộ hết đường cong cơ thể, không hở ra những vùng da thịt nhạy cảm, nhưng cách đánh sáng tạo cảm giác lãng mạn, đẹp mơ mộng.

Máy quay dùng ống kính góc hẹp, dường như được buông lơi, trôi trên khuôn hình, tạo nên cú máy dài không cắt cảnh. Động tác máy dịu dàng đi theo chuyển động, lia, không cắt vụn cảnh mà tập trung vào các cú máy dài để mô tả cảm xúc. Cách quay này tạo cho khán giả những rung động nhẹ nhàng, để họ bị hút sâu vào thế giới của hai người.

Cách kể chuyện trong phần này cũng độc đáo, bởi đạo diễn không kể theo tự sự sinh hoạt mà chú trọng mạch cảm xúc. Hiện thực sinh hoạt bị giấu đi (khiến khán giả không bị phân tán), đặc biệt là cảnh chàng trai đi tìm May. Cả một trường đoạn không thấy âm thanh thực của cuộc hành trình, chỉ có cảm giác máy quay đang “nấp” sau kính ô tô. Những cột mốc chỉ báo trôi dần qua mắt khán giả đã kể rất vắn tắt nhưng đầy đủ về hành trình vất vả, dai dẳng đến với tình yêu.

Photo (s) by

www.koreanfilm.org/piff05.html

www.blogs.walkerart.org/ecp/2006/09/

www.ferdyonfilms.com/%3Fcat%3D12

www.dvdbeaver.com/film/DVDReview…view.htm

www.lesantimodernes.blogspot.com/200…ive.html

www.searchforvideo.com/entertain…ien-hou/

www.ddth.com/showthread.php%3Ft%3D120360

www.critikat.com/Three-Times.html

~ by huyentrangtran on June 18, 2010.

2 Responses to “Vin vào tình yêu mà đứng dậy (p1)”

  1. Ai đổi tựa đề của bài viết này thế nhỉ? “Vin vào tình yêu mà đứng dậy” thì có nghĩa, và là một câu hoàn chỉnh có 2 vế, còn “vin vào tình yêu” chẳng có nghĩa gì cả!

  2. @trang: Khi em vào dashboard để edit lại bài ấy, em có thể nhìn phần last edited by thì phải, nó sẽ cho thấy ai edit bài đó cuối cùng.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: