Phim tài liệu gây tranh cãi (p2)
By Đức Độ
Cách dựng phim, cách biến tấu, cắt gọt “hiện thực” của Moore trong “Farenheit 9/11” cũng thể hiện quan điểm của ông rất rõ.
Dựng phim – cách cắt gọt hiện thực khôn khéo
Những cảnh quay cuộc họp của lưỡng viện là điển hình cho tài năng biên tập của đạo diễn. Moore khôn khéo chọn lựa những phát biểu chống lại Bush của những cử tri da màu, cử tri nữ đại diện cho hạ viện, đặt cạnh thái độ lờ đi, gạt phăng ý kiến của họ một cách thô bạo của chủ tịch cuộc họp (qua câu hỏi “Báo cáo của ông/bà có sự phê chuẩn của một thượng nghị sĩ nào không?” và tiếng búa chát chúa gõ xuống bàn sau mỗi lời phát biểu). Ông không chỉ chỉ trích Bush, mà còn lôi cả các thượng nghị sĩ – những người được chính trị gia bầu – vào cuộc. Sự tương phản được dồn nén trong cùng một đoạn phim tạo nên hiện quả nhấn mạnh rất cao. Sự đối lập giữa hai phe dân nguyện và chính trị gia, giới tính và chủng tộc, cao và thấp (vị trí đứng) được xoáy sâu và đẩy đến độ căng thẳng.
Lời bình
Cách cắt dựng tương phản cũng được sử dụng trong nhiều đoạn khác, kết hợp nhuần nhuyễn với lời bình luận của đạo diễn càng thể hiện rõ hơn tính chủ quan của ông. Những lời bình luận của đạo diễn, sắc sảo và đanh đá, ví như đoạn “moi móc” các mối quan hệ làm ăn của cha con Bush với các đại gia Trung Đông và ông hoàng Bandar “Bush”, đạo diễn bình luận: “Bạn sẽ thích ai đây? Ai là cha bạn đây? Lợi nhuận 1,4 tỉ đô/năm không chỉ mua được lợi nhuận mà còn mua được nhiều tình cảm” và đưa ra hàng loạt những bằng chứng (lời nói và hình ảnh) nhằm chứng minh G.W. Bush là một tổng thống hám lợi, cấu kết với những kẻ sau này được gọi là “khủng bố”.
Và ông lý giải, chính vì mối quan hệ đặc biệt này, Bush không thể đi tới cùng trong cuộc chiến chống khủng bố, tiếp tay cho Bin Laden và gia đình trốn khỏi Mỹ, thậm chí còn mời Bandar “Bush” tới Nhà trắng ăn tối vào ngày 13.9.
Cũng bằng những tư liệu (mơ hồ về nguồn gốc) của mình, Moore vạch trần tội ác của Bush, cho rằng tổng thống này cũng không khác gì bọn khủng bố khi tấn công Afganistan và Iraq, với mục đích chính là chiếm mỏ dầu. Luận điểm này được khai thác rất kỹ qua việc đạo diễn lồng vào những đoạn phỏng vấn lính Mỹ tại Iraq và một gia đình có con tử trận.
Những lời bình luận của Moore cực kỳ hiệu quả trong việc uốn nắn, hướng dẫn cảm xúc khán giả, nói cách khác, uốn cong hiện thực theo cách ông muốn. Trong đoạn Moore phân tích sự thờ ơ, bỏ bê an ninh của đất nước, ông rất khôn khéo trong việc tạo lòng tin nơi người xem. Chứng cứ đạo diễn này đưa ra đầu tiên là bản báo cáo cắt giảm ngân sách của FBI. Đạo diễn chụp lại, thậm chí đánh dấu cẩn thận những chỗ có vấn đề. Sự rõ ràng và chính xác này tạo cho ông một cơ sở ban đầu vững chắc, khiến tác giả dễ dàng tin vào hai điều: những bản báo cáo hồi tháng 6 là báo cáo về không tặc và báo cáo của bà Rice với tựa đề “Bin Laden sẽ tấn công nước Mỹ từ bên trong” là hai báo cáo quan trọng và việc Bush lờ đi hai bản báo cáo này là không thể chấp nhận được. Tương tự thế, đoạn quay Bush trong trường tiểu học Florida, đờ đẫn, bối rối khi biết tin đất nước bị tấn công được Moore lý giả là bởi sự bất lực, chủ quan và vô trách nhiệm.
Ông cũng chỉ trích Bush và bộ sậu khi nhắc đến sự kiện tháp đôi từng bị tấn công 8 năm trước, nhưng đến thời điểm 11/9, địa điểm này vẫn không được bảo vệ. Nếu chỉ nghe và tin ngay lời Moore, có lẽ khán giả sẽ quên mất một điều: đối tượng (người Mỹ) và cách thức khủng bố (đặt bom) tháp đôi 8 năm trước hoàn toàn khác biệt.
Lời bình của Moore, cách ông giải thích hình ảnh, thực tế là cách ông uốn nắn hình ảnh ấy theo ý mình, gài vào đó những quan điểm cá nhân. Những lời bình này, được đọc bằng một giọng hóm hỉnh, mỉa mai và có chất “ma thuật”, thực sự cuốn hút và thuyết phục. Khán giả, nếu chỉ xem phim một lần, sẽ khó phát hiện ra khoảng cách, độ vênh giữa hình ảnh và lời bình.
Âm nhạc
Âm nhạc được sử dụng trong phim, thống nhất với các yếu tố khác, cũng mang theo ý tưởng của đạo diễn. Những đoạn Moore phỏng vấn các nạn nhân chiến tranh, âm nhạc nhẹ nhàng và mang chất bi thương như nhạc tiễn đưa. Trái lại, khi quay Bush, đạo diễn thường gài vào nhạc vui nhộn, tươi tắn, thậm chí là buồn cười. Nhạc trong “Farenheit 9/11” cũng như một loại bùa mê, một thứ ma thuật hướng chiều tâm lý khán giả, thuyết phục họ tin vào quan điểm của đạo diễn.
Nhìn chung, “Farenheit 9/11” là một bộ phim thể hiện rất rõ quan điểm chính trị của đạo diễn. Những nỗ lực của ông trong việc vạch trần bộ – mặt – thật của Bush và các chính khách là rất đáng trân trọng. Tuy thế, chính chất hùng biện chủ quan lại bộc lộ sự chông chênh, những kẽ hở trong lập luận của đạo diễn.
Bàn tay của ông nhúng quá sâu vào việc nhào nặn hiện thực cho ý đồ chủ quan thể hiện qua cách cắt biên tập hình ảnh, cách cắt dựng phim, lời bình luận và âm nhạc, khiến nó cực đoan và thiên lệch. Chính điều này đã khiến bộ phim ấy, dù được trao giải Cannes, vẫn gây tranh cãi và vấp phải những lời chỉ trích.
Photo (s) by
www.forum.megasharesvn.com/showthrea…3D135403
www.cartoonstock.com/directory/a…bush.asp
www.freerepublic.com/focus/f-new…36/posts
www.icicom.up.pt/blog/take2/2004…dex.html
www.reviewjournal.com/webextras/…ov5.html
www.ohmovies.net/psychological.h…page%3D8