Hai phim võ thuật (p2)
By Đức Độ
Trong phim “Anh hùng” Trương Nghệ Mưu sử dụng màu sắc tương phản rất mạnh, thậm chí có vẻ khác thường, cường điệu hóa. Ví dụ cảnh quay Vô Danh vào tham kiến vua Tần, đạo diễn sử dụng toàn cảnh, cả cung điện và đoàn quân của Tần Vương được thu gọn trên khuôn hình. Máy quay lia dần theo điểm nhìn nhân vật, cả một đoàn quân mặc đồ đen hiện ra, tương phản với cung điện màu trắng và vàng (tone lạnh).
Đạo diễn họ Trương sử dụng màu sắc rất có ý đồ. Những câu chuyện qua lời kể của các nhân vật (Vô Danh, Phi Tuyết, Tàn Kiếm, phán đoán của Tần Vương) được tả bằng những màu sắc khác nhau: trắng, xanh dương, xanh lá cây, đỏ… Ví dụ như câu chuyện của Phi Tuyết, câu chuyện màu đỏ, khi Phi Tuyết đấu với Thu Nguyệt trong rừng. Cả một cánh rừng lá đỏ, màu sắc lá được làm bật hẳn lên, được quay bằng những cú máy cực chậm, khắc sâu ấn tượng về màu sắc. Bối cảnh, vì thế không được hiện lên như nơi diễn ra câu chuyện, mà thể hiện tâm trạng, tính cách, quan điểm của nhân vật.
Tương tự như Rashomon của đạo diễn Akia Kurosawa, trong Anh hùng, một câu chuyện được kể bằng nhiều cách thức, nhiều điểm nhìn, và đương nhiên, đi cùng với nó là những dị biệt trong tính cách nhân vật. Trương Nghệ Mưu cố tình “tung hỏa mù” khán giả bằng cách đưa ra hàng loạt lựa chọn (riêng về điều này, đạo diễn người Trung Quốc không sáng tạo thêm được gì so với Kurosawa) và khai thác đến kiệt cùng tiềm năng của màu sắc kết hợp với cách quay chậm rãi, đẩy câu chuyện lên tầm duy mỹ.
Đạo diễn Lý An lại lựa chọn cho mình một cách kể rất khác với Trương Nghệ Mưu. Đồng điệu với cách quay phim có phần… thật thà (mà khán giả của phim võ thuật Trung Quốc không còn xa lạ), Lý An kể câu chuyện Ngọa hổ tàng long một cách giản dị, tuyến tính. Các sự kiện cứ lần lượt diễn ra trên màn ảnh, bám sát cuộc đời Kiều Long từ khi còn là một tiểu thư khuê các lén tập võ tới khi ăn cắp kiếm của Lý Mộ Bạch, trải qua những cuộc phiêu lưu và cuối cùng, kết thúc khi nàng gieo mình xuống đỉnh Võ Đan.
Màu sắc trong phim được sử dụng cũng gần với màu sắc thực. Quần áo, bối cảnh, không gian đều được phết lên những tone màu trung tính, thậm chí hơi lạnh. Đạo diễn gần như đặt câu chuyện “cách xa” mình, khách quan kể chuyện như một người ngoài cuộc và gần như không nhúng tay can thiệp vào câu chuyện.
Dầu vậy, Ngọa hổ tàng long vẫn đủ sức hấp dẫn khán giả.
Sự khác biệt trong cách thể hiện truyện phim của Anh hùng và Ngọa hổ tàng long thể hiện sự khác biệt trong sự lựa chọn của hai đạo diễn, một bên là kể như thế nào, và một bên là kể cái gì. Bởi vậy, trong khi từng giọt nước, từng hạt bụi, đường kiếm, lá cây… trong Anh hùng được Trương Nghệ Mưu chăm chút, tô vẽ tới độ trở thành một kiểu nghệ thuật biểu hiện thì Lý An lại nỗ lực xây dựng một câu chuyện võ thuật – tình ái và lồng vào đó những ý tưởng về thế giới.
www.my.opera.com/rache/blog/luan-anh-h
www.tintuconline.vietnamnet.vn/vn/gi…dex.html
www.vietbao.vn/Van-hoa/Anh-hung-than…707/181/