Bản sao không hoàn hảo

By Đức Độ

“Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng là một tiểu thuyết được trao giả thưởng Hội nhà văn năm 1991 (cùng với hai tiểu thuyết khác là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường). Dương Hướng đã kể cho độc giả nghe những câu chuyện đầy nước mắt trong không khí ngột ngạt, mục ruỗng, ủ dột của một làng quê “điển hình” Bắc Bộ. Những phận người trong tiểu thuyết bị bóp nghẹt, bị “giết chết” trong cái ấu trĩ, hủ lậu của một thời kỳ. Những dòng chữ chứa đầy nước mắt của Dương Hướng là chất liệu rất tốt để đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm được một bộ phim hay.

Dầu vậy, nếu đã từng đọc và yêu mến “Bến không chồng” của Dương Hướng, khi tiếp xúc với “phiên bản” điện ảnh của Lưu Trọng Ninh, người xem không khỏi hụt hẫng. Gọi là phiên bản, bởi bộ phim gần như là một bản sao của nguyên tác văn học, nhưng lại là một bản sao không hoàn hảo. Vấn đề đầu tiên của bộ phim “Bến không chồng” là tác phẩm này quá trung thành với nguyên tác, từ nhân vật, tình huống đến chi tiết, ngôn ngữ nhân vật… Thái độ tôn trọng quá mức, nếu không muốn nói là lệ thuộc vào nguyên tác văn học của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, thật tiếc, đã khiến cho bộ phim của ông rườm rà và ít ấn tượng.

Nhân vật

Câu chuyện của các nhân vật phụ, hoặc là tương phản, hoặc tương hỗ cho câu chuyện của nhân vật chính. Nhân vật phụ trong “Bến không chồng” chủ yếu tương hỗ cho mạch truyện chính. Những cô gái, những người đàn bà trong cái làng quê bé nhỏ của Hạnh đều mang trong mình những “mảnh” đau buồn thời hậu chiến. Câu chuyện của họ là những nét cọ vẽ lên bức tranh của một thời đại, một thân phận chung. Tuy thế, đạo diễn Lưu Trọng Ninh dường như không đủ sức “quản lý”, bao quát hết hệ thống nhân vật phụ, nên họ không có gương mặt riêng và hiện lên trong phim na ná giống nhau. Đạo diễn “Bến không chồng” bê nguyên xi những hình mẫu, những nhân vật của tiểu thuyết vào phim mà không hề lược bỏ. Điều này khiến bộ phim có quá nhiều nhân vật phụ, nhưng các nhân vật không có sức sống riêng. Cũng vì có quá nhiều nhân vật phụ nên câu chuyện riêng của họ không được (và cũng không thể được) khai thác đến ngọn ngành, khiến bộ phim đôi khi như những mảnh vụn chuyện kể rời rạc và khuyết hụt.

Ấy là chưa kể đến việc trong phim có một số nhân vật thừa thãi. Những nhân vật này, mặc dù có mặt trong tiểu thuyết, nhưng khi chuyển thể sang điện ảnh – một thể loại nghệ thuật bị giới hạn rất lớn về thời lượng, đạo diễn không nhất thiết phải giữ tất cả. Nhà văn có thể (và cũng có quyền) bày ra nhiều nhân vật phông nền để tạo không khí truyện, nhưng đạo diễn, nếu ôm đồm hết tất cả, sẽ rất khó quản lý nhân vật. Đó là lý do trong phim “Bến không chồng” có những nhân vật rất… vô duyên như bà già hát vè, chàng ngốc, ông già đánh dậm, ông già gạ Dâu làm vợ lẽ, con ông chủ tịch xã, anh chàng thợ ảnh thọt chân… bởi họ gần như không làm giàu thêm cho ý nghĩa cũng như không khí câu chuyện phim. Những nhân vật này gần như không có “đất” để hoạt động, họ có vẻ chỉ được bày ra cho đầy khuôn hình!

Mang dáng dấp của một phim hành trình (sự trở về của Vạn), nhưng cho đến khi hành trình ấy kết thúc, nhân vật chính (và các nhân vật phụ) của phim gần như không có biến chuyển tâm lý hay tính cách. Vạn xuất hiện ở đầu phim là một anh lính lầm lì, hơi gàn dở, nghiêm túc và có phần yếu đuối (sợ những lời chế giễu bàn tán, sợ ánh mắt soi mói của dân làng khi anh bày tỏ tình cảm với mẹ Hạnh) thì đến cuối phim, khi đã có con với Hạnh, rồi thắt cổ tự tử, nhân vật này cũng vẫn giữ nguyên tính cách. Nhân vật không hề “khỏe mạnh”, không có ý định vượt lên trên, chống đối hay phản ứng với rào cản của số phận, những phong tục tập quán, quan niệm hủ lậu mà trái lại, chấp nhận nó với một vẻ nhẫn nại đến kỳ lạ. Chúng ta có thể chấp nhận được, thậm chí cảm thông với nhân vật này khi đọc tiểu thuyết, nhưng khi Vạn bước lên màn ảnh rộng, ta lại khó chịu vì thái độ ấy. Bởi lẽ, một đặc điểm quan trọng tạo nên diện mạo của nhân vật điện ảnh là hành động và quan điểm. Một nhân vật không hành động, không có quan điểm là một nhân vật chết.

Thử làm một phép so sánh Vạn với nhân vật người con trai cả trong “The Ballad of Narayama” của đạo diễn Sohei Imamura. Cũng là một sự bất lực, một thái độ chấp nhận hủ tục, định chế xã hội, nhưng trước, trong và sau thời điểm đem mẹ bỏ trên núi tuyết, người con trai có cả một quá trình dằn vặt đau đớn, một quá trình đấu tranh nội tâm, kéo giãn thời điểm chia tay. Những giằng xé nội tâm của nhân vật thấm vào khán giả, khiến tim họ thót lại qua mỗi bước chân nặng nề trì kéo của anh. Trái lại, Vạn trong “Bến không chồng” không hề có phản ứng gì với những lời bàn tán, những ánh mắt soi mói và sự can thiệp thô bạo của dân làng vào cuộc sống của anh mà chỉ biết cúi đầu chịu đựng, gàn gàn dở dở rồi tự tử. Cái chết của nhân vật này, bởi thế chẳng khiến khán giả xúc động mảy may.

Photo (s) by

www.maivoo.com/2010/04/01/Thuy-H…564.html

www.thegioidienanh.vn/2009011511…-tay.htm

~ by huyentrangtran on June 14, 2010.

One Response to “Bản sao không hoàn hảo”

  1. ủa đạo diễn và diễn viên chính phim này là Lưu Trọng Ninh chứ đâu phải Hải Ninh

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: