Bản sao không hoàn hảo (p2)

By Đức Độ

Chịu ảnh hưởng quá nhiều từ tiểu thuyết, nên kết cấu phim Bến không chồng của Lưu Trọng Ninh cũng hơi dàn trải, thậm chí lan man. Hành trình trở về quê của Vạn là tình huống chủ đạo dẫn dắt câu chuyện tiến lên, nhưng bản thân hành trình ấy cũng đều đểu, không có điểm nhấn, không có bước ngoặt và cao trào.

Kết cấu

Xung đột giữa các nhân vật, vì thế cũng không được khai thác đến tận cùng. Những xung đột giữa Vạn và bà địa chủ Hơn, dân làng và bà Hơn, Vạn và mẹ Hạnh, Vạn và dân làng… vì không được miêu tả bằng hành động (chủ yếu đạo diễn chỉ nhấn đến ánh mắt và lời thoại của nhân vật) nên chưa sâu và không ấn tượng. Điểu này có thể lý giải bởi đạo diễn quá sa đà vào các sự kiện của tiểu thuyết mà không chuẩn bị những bước đệm cho sự kiện nên khó tạo đồng cảm và thuyết phục từ phía người xem.

Những nhân vật trong phim, nhất là các nhân vật phụ không có chuyển biến về tâm lý và vị thế. Từ đầu tới cuối, họ không thay đổi quan điểm sống và “gương mặt”. Ví dụ nhân vật bà Hơn, khi bị làng ghẻ lạnh vì là vợ địa chủ đến khi là mẹ liệt sĩ chẳng hề thay đổi cách ăn nói, trang phục. Xét về khía cạnh phim hành trình, Bến không chồng đã thất bại.

Mặt khác, vì sa đà vào sự kiện, nên nhiều sự kiện quan trọng bị sao nhãng. Gần như không có một cuộc gặp trực diện nào giữa các nhân vật chính trong sự kiện, mà họ luôn được thông báo, được biết tin từ một người thứ ba. Nhân vật không tự thể hiện hành vi, ngôn ngữ, nỗi đau mà câu chuyện của họ lại được kể bằng lời người khác. Ví dụ như đoạn Vạn trở về, Nghĩa trở về, Hà hy sinh, mẹ chồng Hạnh muốn tìm vợ hai cho Nghĩa… Đã đành, có thể lý giải rằng đạo diễn trung thành với đời sống nông thôn, nhưng lối suy nghĩ nệ thực, mô phỏng quá giống với hiện thực trong Bến không chồng đã khiến bộ phim mất đi cảm xúc. Bởi thế, những cái chết, những tin tử trận của các chiến sĩ, những cuộc ra đi của các cô gái, và cả những cuộc làm tình vụng trộm không đủ sức làm trái tin khán giả run lên.

Đến gần cuối phim, một loạt các sự kiện lại diễn ra dồn dập, quá nhiều và quá nhanh: Hạnh biết tin mẹ chồng muốn lấy vợ hai cho Nghĩa, Hạnh về nhà mẹ đẻ, Hạnh và Vạn làm tình, Hạnh trở về… Trường đoạn cuối có vẻ vụng và gấp gáp quá, khi ở cảnh trước, sau khi làm tình với Vạn, Hạnh bỏ đi, ngay cảnh sau, Hạnh đã về, dẫn theo một đứa con. Cuộc hội ngộ được chờ đợi nhất trong phim, khi Hạnh và đứa trẻ trở về, đối diện với mẹ Hạnh – người thầm yêu Vạn từ thời son trẻ nhưng không dám thổ lộ, Vạn – người chú, người tình một đêm của Hạnh, dân làng…, tiếc thay, lại quá vội vàng và sống sít.

Chi tiết

Công bằng mà nói, Bến không chồng được quay bằng nhiều khuôn hình cực kỳ đẹp và có rất nhiều chi tiết hay, thể hiện được sự ngột ngạt, tù túng của làng quê nhưng đáng tiếc, lại bị thiếu hụt sự gắn kết và không làm giàu thông tin thêm cho câu chuyện.

Những chi tiết “tạo không khí” như bà già hay đọc vè, cảnh lấy nước ở bến, những bài đồng dao của lũ trẻ chăn trâu… mang hơi thở cuộc sống nông thôn, nhưng lại rời rạc, không ăn nhập gì với câu chuyện. Nhiều chi tiết hay bị làm hỏng bởi lời thoại “hồn nhiên” hoặc bị bỏ rơi như chi tiết anh chàng chủ tiệm ảnh sờ ngực Thắm, ông già gạ Dâu làm vợ hai… Cũng có những chi tiết hơi thô thiển (bà Hơn đem gà mái của mình nhốt chung lồng với gà trống của Vạn) bị thừa (Hạnh mắng con chủ tịch xã khi câu nhóc chế giễu mình) hoặc chẳng có ý nghĩa gì (bà Hơn giả nát con châu chấu Vạn cho Tốn) …

Không khí, môi trường văn hóa của ngôi làng trong phim không được làm rõ, ví dụ như thái độ ứng xử của những đứa trẻ trong làng với bà Hơn trong cải cách ruộng đất, lý do làng ngăn cấm Vạn yêu những người đàn bà khác, cảnh báo tin tử trận… khiến phim, dù rườm rà và nhiều chỗ thừa thãi, vẫn hụt hẫng bởi thiếu vắng một mối liên kết. Vẻ đẹp của chi tiết, bởi thế, không tạo nên sức mạnh cho phim. Những khuôn hình đẹp đến sững sờ, bởi thế, vẫn dễ dàng bị lãng quên.

Photo (s) by

www.maivoo.com/2010/04/01/Thuy-H…564.html

www.thegioidienanh.vn/2009011511…-tay.htm

~ by huyentrangtran on June 14, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: