Pulp Fiction (P2)
By Đức Độ
Cũng cần nói thêm, với ba tuyến truyện gần như độc lập, móc nối vào nhau trong một kết cấu khá trúc trắc và liên kết hờ hững bằng những cuộc gặp gỡ tình cờ không chủ đích của các nhân vật, khó mà xác định trong Pulp fiction một, một cặp hoặc một nhóm nhân vật trung tâm. Nói cách khác, bộ phim này là một “hợp âm” của những âm giai không bè không chính, không có chủ âm hay phụ âm, nơi tất cả các nhân vật có vai trò gần như tương đương trong câu chuyện.
Vì không xác định được nhân vật/nhóm nhân vật trung tâm, nên việc xác định hệ thống nhân vật phụ cũng trở thành bất khả. Mỗi nhân vật có mặt trong ba tuyến truyện của Pulp fiction (trừ những nhân vật đóng vai trò phông nền như cô gái lái taxi, những người khách trong quán ăn, anh chàng bartender…) đều có một câu chuyện của riêng mình, một tính cách và một tình thế riêng. Có điều, không ai trong số họ mang trong mình một vấn đề tâm lý như nỗi tuyệt vọng, bị ám ảnh về sự cô lập hay trạng thái hoang tưởng. Tuy thế, họ giao tiếp, yêu đương nhau trong một trạng thái tinh thần bấn loạn và thường xuyên gào thét. Những lúc bạo lực diễn ra, trái lại, những nhân vật chủ động giết người lại ở trong một tâm trạng không bị kích động, thản nhiên hoặc giết người vì vô tình, không có một kế hoạch, một sự lừa phỉnh hay âm mưu nào chi phối. Dấu vết của phim noir trong nhân vật của Pulp fiction rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là gần như vắng bóng.
Phủ nhận Pulp fiction là một phim noir, điều đó đồng nghĩa tác phẩm này phải thuộc về một thể loại nào khác. Phim tội phạm, giật gân? Với các tuyến truyện tập trung vào miêu tả thế giới tội phạm, cách bố trí ánh sáng khá ấn tượng, nhiều góc quay cực đoan và nhịp dựng hấp dẫn, có vẻ Pulp fiction mang trong mình nhiều chất giật gân hơn là chất noir.
Tuy thế, nếu xếp bộ phim này vào thể loại tội phạm, giật gân, câu chuyện của những tên tội phạm sẽ bị khuyết một nhân vật đối đầu – người công chính/cảnh sát. Cuộc đối đầu giữa chính – tà, thiện – ác, hay chí ít là giữa hai phe với mục đích, lý tưởng đối chọi nhau là motif muôn thuở của phim tội phạm, và sự khuyết vắng của nhân vật đại diện cho chính nghĩa trong Pulp fiction là điều khó lý giải nổi.
Thực ra, Jules là nhân vật có vẻ “công chính” nhất. Trước khi hạ sát tay thanh niên đối tác của Marcellus, Jules còn trích dẫn Kinh Thánh và tự nhận là người đại diện cho Chúa. Tuy vậy, anh ta lại là người của băng nhóm tội phạm. Một nhân vật khác cũng có dáng vẻ người hùng là Butch, khi anh ta tự giải cứu mình rồi quay lại giải thoát Marcellus khỏi hai tên bệnh hoạn. Một người thi hành “ý Chúa” và một anh hùng dang tay cứu vớt người bị ức hiếp, cả hai đều thuộc về phe kẻ xấu, sự mỉa mai này của tác giả không phải là một tình tiết ngẫu nhiên.
Mặt khác, thể loại phim tội phạm ít khi chấp nhận một cái kết “lửng lơ” như kết thúc của Pulp fiction. Các nhân vật tội phạm, thay vì bị bắt giam, bị trả giá cho tội ác của mình, lại thản nhiên thoát tội, hay đúng hơn, là sống ngoài vòng nhân – quả, ngoài vòng pháp luật, thỏa hiệp với nhau để làm nên một cái – kết – có – hậu. Các đặc trưng của thể loại tội phạm, giật gân, cũng như phim noir, bởi thế không thể ôm trọn và khu biệt một Pulp fiction.
Nói cách khác, bộ phim ấy chứa trong mình nhiều thành tố của các thể loại phim khác, thậm chí loại hình nghệ thuật khác. Những đoạn xen trộn phim hoạt hình (cảnh bạn của cha Butch đến nhà trao cho cậu bé chiếc đồng hồ vàng), vài đoạn giống như quay từ camera quay trộm mang chất tài liệu, phong cách trình diễn mang chất sân khấu của diễn viên (điển hình là diễn xuất của J. Travolta, S. L. Jackson và U. Thurman), những đoạn trích dẫn Kinh Thánh (của nhân vật Jules), những yếu tố văn hóa đại chúng trong âm nhạc, kết cấu như một quyển truyện tranh, những intertilte phân cách phim thành những đoạn nhỏ… trở thành các liên văn bản khiến Pulp fiction không bị bó khuôn vào một thể loại phim, một nghệ thuật cụ thể nào.
Tương ứng với tính chất đó là những nhân vật không có lý tưởng, mục đích sống trong một môi trường tha hóa về văn hóa và không có hệ thống phân loại (không có người tốt hay kẻ xấu). Tính chất giễu nhại, phi trung tâm của tác phẩm này khiến nó trở thành một diễn ngôn phản ý thức hệ đầy mỉa mai, nơi các nhân vật hành động như đang diễn trò trên sân khấu rồi tự lột mặt nạ. Cuộc sống mà đạo diễn chỉ cho chúng ta thấy trên màn ảnh là một thế giới bị chia cắt, bị tha hóa, đầy rẫy bạo lực, bất ổn và phi lý.
Photo(s) by
www.generationfilm.wordpress.com/200…the-90s/