Đối ngẫu: Inglourious Basterds

By Đức Độ

Những cuộc đấu trí căng thẳng và những màn bạo lực choáng sốc. Một câu chuyện của Thế chiến II được bọc trong lớp áo của thể loại phim “spaghetti western” – tân viễn Tây kiểu Ý. Chất giải trí thị trường hòa quyện với những suy ngẫm sâu sắc đầy triết lý. Đó là những gì người ta có thể hình dung về Inglourious Basterds (2009) của Quentin Tarantino.

Năm 1978, đạo diễn người Ý Enzo Castellari đã kể cho thế giới một câu chuyện về những tên khốn mạt hạng trong thời Đệ nhị thế chiến qua bộ phim Inglorious Bastarsd (tựa gốc Quel maledetto treno blindato). Hơn 30 năm sau, năm 2009, đạo diễn quái kiệt người Mỹ Quentin Taratino đã kể lại câu chuyện cũ đậm chấm châu Âu ấy bằng một phong cách và góc nhìn mới rất riêng.

Trước hết, cần lưu ý rằng Inglorious Basterds không phải là một phim lịch sử. Đạo diễn dường như không hề có ý định trình bày lại lịch sử bằng một bộ phim “tử tế” (khác với Steven Spielberg và bộ phim Saving Private Ryan) Ngay từ cách đặt tựa đề phim, Quentin Tarantino đã báo hiệu với khán giả của mình rằng Inglorious Basterds là một sự hư cấu, một cách giễu nhại lịch sử, giễu nhại bộ phim của Enzo Castellari. Lịch sử thế giới ghi chép về cuộc chiến đẫm máu giữa hai phe phát xít và đồng minh, về thời đại đen tối khi người Do Thái đã bị quân phát xít bắt bớ, giết chóc, tra tấn dã man trong những trại tập trung.

Với bộ phim mới nhất của mình, dường như đạo diễn lập dị người Mỹ Taratino muốn đem tới cho người xem một cái nhìn khác, một cách “trả đũa” lịch sử đầy tinh nghịch. Ông “bịa” ra những sự kiện và nhân vật kỳ quặc: một nhóm lính Mỹ gốc Do Thái có biệt danh The Basterds, đứng đầu là Aldo Raine (Brad Bitt thủ vai) có nhiệm vụ hoạt động ngầm trong lòng nước Pháp – lúc này đang bị Đức chiếm đóng – để thủ tiêu và gây hoang mang quân Đức. Biết tin Quốc trưởng và các thủ lĩnh phát xít sẽ đến xem phim tại một rạp chiếu bóng ở Paris, nhóm The Basterds lập âm mưu cho nổ tung rạp chiếu này. Ở một tuyến truyện khác, Shosanna (Mélanie Laurent đóng) – chủ  rạp phim, một cô gái gốc Do Thái may mắn thoát chết trong một vụ thảm sát do tên phát xít nham hiểm và tàn độc Hans Landa (Christoph Waltz đóng) chỉ đạo – cũng có ý định thiêu rụi kẻ thù. Và kết thúc phim, hoàn toàn trái ngược với lịch sử, Quentin Tarantino để khán giả chứng kiến cảnh quân Đức nhốn nháo giẫm đạp lên nhau chạy trốn khỏi rạp chiếu phim bốc cháy trong tiếng cười ngạo nghễ của Shosanna.

Đặc biệt hơn, không chỉ “lộn trái” lịch sử, đạo diễn còn “lộn trái” cả nhân vật của mình, tạo nên những cặp đối ngẫu rất thú vị: cái Thiện đáng ngờ và cái Ác quyến rũ. Nhân vật đại diện cho phe Thiện, cho nhân vật anh hùng là trung sĩ Aldo. Brad Bitt đã thể hiện tốt vai diễn này với nét mặt biểu cảm lúc khinh mạn, khi xảo quyệt và cách phát âm (cố tình) quê kệch, khắc hoạ được một “anh hùng” bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích. Aldo và nhóm Basterd thản nhiên và khoái trá tra tấn những tù binh Đức bằng những hình thức… kinh dị và man rợ như lấy gậy bóng chày đập vào đầu, lột da đầu hoặc khắc dấu thập ngoặc lên trán.

Còn nhân vật đại diện cho phe Ác, Landa cũng hiếu thắng, tàn ác và lạnh lùng như những tên phát xít mà khán giả của nghệ thuật thứ bảy đã quen thuộc, nhưng lại được miêu tả như một con người lịch lãm, quyến rũ, hài hước và thông minh. Không phải một “thương hiệu” đã được đảm bảo hay có vẻ ngoài hấp dẫn như Brad Bitt, nhưng diễn viên người Áo Christoph Waltz, người đóng vai Landa vẫn được đánh giá rất cao. Christoph Waltz, với cách diễn xuất hơi khoa trương nhưng rất tự nhiên đã chinh phục cả những người xem khó tính. Từng ánh mắt, nụ cười khoái trá, từng cái vung tay hay cách ăn nói… của diễn viên được tính toán rất cân chỉnh, khiến vai diễn của Waltz vừa đủ độ, hài hước nhưng không quá lố bịch, căng thẳng nhưng không quá nghiêm trọng, xảo quyệt nhưng không quá ranh ma… Diễn xuất tuyệt vời của Christoph Waltz  đã mang về cho ông giải diễn viên xuất sắc tại liên hoan phim Cannes 2009.

Bên cạnh đó, Inglorious Basterds còn đáng chú ý ở chất “spaghetti western” – tân viễn tây Ý đậm đặc. Diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng câu chuyện phim vẫn bàng bạc phong cách miền Tây với những màn đấu súng, đọ trí và bạo lực. Taratino có cách thể hiện bạo lực rất lạ: trần trụi, gây sốc, thản nhiên và cực kỳ hài hước. Điều đáng chú ý là, những cảnh bạo lực gây sốc nhất đều được diễn ra trong không gian thiên nhiên phóng khoáng nhiều màu sắc hoặc được miêu tả bằng những khuôn hình rộng mở đẹp mê hồn.

Tất cả được hoà quyện với những bản nhạc cao bồi tuyệt vời. Những “Verdict Dopo La Condanna”, “La Resa”, “Un Amico”, “Rabbia E Tarantella” (sáng tác của Ennio Morricone), “The Green Leaves of Summer” (Nick Perito) và các ca khúc khác của Charles Bernstein, David Bowie,… được lồng vào phim một cách tinh tế đã tạo cho những cảnh bạo lực những hiệu ứng đặc biệt. Cách Quentin Tarantino dùng những bản nhạc tuyệt hay để minh hoạ cho những màn chém giết đẫm máu cũng là cách ông kéo khán giả về phía mình, hơn thế, khiến họ đồng tình với những cảnh bạo lực đó, như thể đó là cách duy nhất giải quyết mọi vấn đề.

Những đối ngẫu trong cách đạo diễn xây dựng nhân vật, sử dụng âm nhạc, ánh sáng, bối cảnh và một câu chuyện hư cấu 100% khiến Inglorious Basterd hiện lên như một tác phẩm tuyệt mỹ. Quentin Tarantino đã kết hợp rất nhuần nhuyễn chất giải trí và tính luận đề của câu chuyện để tạo nên một bộ phim xuất sắc. Rút cục thì, ông chẳng nghiêng về phe nào, chẳng bảo vệ hay cổ xúy cho ai, Do Thái hay Đức, đồng minh hay phát xít. Lằn ranh giữa Thiện và Ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa bị xóa nhòe. Nhân vật của Inglorious Basterd, bởi thế, rất thú vị và đa chiều. Trong họ chứa đựng những mảnh vỡ khác nhau của con người: dã man, thô thiển, ngu dốt, hài hước, thông minh, quyến rũ… Không ai (hay đúng hơn, là đạo diễn không cho phép ai) đủ sức đại diện cho một phe/một hình mẫu cái Thiện hoàn hảo hay cái Ác hoàn hảo. Cũng bởi thế, họ lại gần nhất với con người.

Photo(s) by:

www.photo.yeah1.com/showthread.p…%3D88527

www.sarahfobes.com/movies/inglou…asterds/

www.starpulse.com/Movies/Inglour…rds-w08/

www.filmofilia.com/2009/08/03/ne…ds-clip/

~ by huyentrangtran on June 3, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: