Phim Tài Liệu (P1)

By Đỗ Huyền Trang

Dziga Vertov với bộ phim tài liệu chủ đề ‘giai điệu thành phố’ những năm 1920: Man with a movie of camera và ‘Điện ảnh sự thật’ (Kino-Pravda  hay Film Truth)

Quan niệm về Điện ảnh sự thật

Man with a Movie Camera với chủ đề giai điệu thành phố thể hiện rất rõ quan niệm của Dziga về phim tài liệu. Với chủ trương phong trào Kino- Pravda, Dziga hết sức đề cao vai trò của chiếc máy quay, cụ thể là ống kính máy quay trong việc tái hiện hiện thực. Ông cho rằng ống kính máy quay có khả năng diễn tả thực tế và hiện thực một cách hoàn hảo.

Trong bộ phim của mình, hình ảnh con mắt hay ống kính của chiếc máy quay trở đi trở lại không ít lần, vừa như một mối chuyển cảnh vừa như một nhắc nhở người xem về sự hiện diện của ‘tính hiện thực’ mà nhà làm phim muốn khẳng định.

Để thể hiện “cuộc sống đúng-là-nó” và khả năng “khéo léo nắm bắt những khoảnh khắc mà cuộc sống không hay biết”, Dziga sử dụng phương pháp quay kín đáo và bí mật, chẳng hạn: đặt máy quay dưới đường ray xe lửa, đặt máy quay trên nóc cao những toà nhà của thành phố hay trong khung cửa sổ nào đó của một ngôi nhà… Quả thật, không thể phủ nhận Dziga đã ghi được được những khoảnh khắc rất chân thực, tự nhiên và đẹp trong các thước phim của mình.

Tuy nhiên, nằm ngoài ý muốn của nhà làm phim, không phải lúc nào cũng có thể tìm được  một ‘nơi ẩn nấp’ hoàn toàn bí mật cho chiếc máy quay- thời kì đầu vốn không gọn nhẹ- và vì thế cũng đôi lúc gây ngại ngùng cho ‘các nhân vật’ (đôi khi người xem bắt gặp hình ảnh một người phu nữ che mặt lại trước ống kính máy quay, hay một bà chủ quán- có lẽ thích thú- đứng nhìn nhà làm phim vác máy quay đi…). Không phủ nhận rằng điều đó khiến cho nhà làm phim có khi có những thước phim hết sức chân thực và sinh động, song ngay khi đó người ta lại phải nghi ngờ về khả năng tiếp cận đối tượng của máy quay.

Hơn nữa, quan niệm về tính hiện thực trong phim tài liệu ngay từ thời kì này, ngay cả trong dòng Điện ảnh sự thật (Kino- Pravda) cũng cần xem xét lại. Trong Man with a Movie Camera đã xuất hiện vấn đề ‘diễn lại’, ‘dựng lại’: bên cạnh những hình ảnh ‘hiện thực’ do máy quay ghi lại, còn thấy xuất hiện hình ảnh của nhà làm phim với chiếc máy quay trong những khoảnh khắc anh ta đang ghi lại cuộc sống trong thành phố. Có thể nói đó là một hình thức của ‘phim trong phim’: phim về một anh chàng đi khắp nơi ghi lại hiện thực cuộc sống trong một thành phố với một chiếc máy quay; đồng thời cũng là phim được dựng lại từ những tư liệu anh ta ghi lại, cho người xem thấy một bức tranh sống động về thành phố và sinh hoạt của con người nơi đó.

Các kĩ thuật dựng và nhịp điệu phim có chống lại quan điểm của Điện ảnh sự thật

Học hỏi từ trường phái Montage Soviet, Dziga đã sử dụng rất thành công và hiệu quả các kĩ thuật dựng phim để tạo ra một bức tranh thành phố vừa giàu màu sắc, phong phú vừa truyền tải ý tưởng hay những triết lí về cuộc sống và con người từ những cảnh quay rời rạc, không liên tục. Ở đây, Dziga bỏ qua tính liên tục của hành động. Kĩ thuật dựng song song và dựng đối lập tỏ ra rất hiệu quả trong thể hiện bức tranh rộng lớn của một thành phố. Việc dựng song song các cảnh: rửa mặt, lau chùi cho thấy một khung cảnh thành phố thức giấc vào buổi sáng; hay việc dựng song song các hành động tương tự nhau tạo ra một sự liên kết các cảnh bằng một nhịp điệu, từ đó cũng truyền tải một nhịp điệu đến người xem. Việc dựng đối lập giữa các cảnh huống, các chân dung: kết hôn- li hôn, sự ra đời của một con người- sự ra đi của một con người khác, các cảnh sống trái ngược nhau: nhàn hạ, hưởng thụ- lao động cực nhọc.. đồng thời làm hiện lên bộ mặt phong phú, đa chiều của cuộc sống, cũng như khơi gợi trong người xem những cảm xúc, suy nghĩ khi liên kết các cảnh đối lập trong một ý tưởng nhất định.

Nhịp điệu của dựng phim đến từ các cảnh chuyển, nhịp chuyển: bằng sự trở đi trở lại của cảnh những con tàu đi qua đi lại trên đường phố, cảnh chiếc máy quay lia ống kính của nó đi khắp nơi, hay một con mắt quan sát và tò mò. Người xem, thông qua đó, vừa cảm nhận được nhịp điệu uyển chuyển của việc dựng phim (có thể người xem sẽ quên đi việc đây thực sự là một bức tranh từ những mảnh ghép rời rạc), đồng thời cảm nhận được hơi thở cuộc sống qua bộ phim; đồng thời cùng lúc đó- có thể không chủ ý- không quên nhắc nhở người xem về việc những gì họ đang xem đã được ghi lại thông qua một chiếc máy quay và bởi con mắt quan sát của một con người cụ thể- ở đây là nhà làm phim. Có thể đây là điều Vertov không lường trước khi ông thể hiện quan điểm về hiện thực trong phim tài liệu thông qua các bộ phim của mình: sự thực thì những gì Vertov cho rằng đang được ghi lại ‘như những gì nó vốn có’, cũng như tính chân thực của máy quay trong việc ghi lại hiện thực, không hoàn toàn là như vậy. Vì chính trong lúc làm điều đó, Vertov đang chuyển tải cái nhìn và cảm xúc của mình thông qua việc dựng lại thành một bức tranh từ những cảnh riêng lẻ và truyền tải một nhịp điệu từ những mảnh rời rạc của hiện thực. Như vậy, từ trong bản chất của việc dựng phim tài liệu thì nhà làm phim đã làm một hành động mang tính hư cấu thông qua việc chọn lựa và nhào nặn chất liệu sẵn có thành một bộ phim đóng dấu tên tuổi của chính mình.

Thêm một lần ‘hư cấu’ với âm nhạc

Thời kì này, việc thu thanh hiện trường chưa được  thực hiện nên việc đưa âm nhạc vào đã góp phần rất lớn trong việc tạo ra nhịp điệu cho phim. Việc dựng phim đã cố gắng để chuyển tải sắc nét và ‘chân thực’ nhất hơi thở của cuộc sống (trong cảm nhận của nhà làm phim); đồng thời thể hiện ý tưởng và truyền tải cảm xúc về đối tượng: vội vã- chậm chạp, ồn ào, sôi động- tĩnh lặng, hiện thực- trữ tình, gấp gáp, hối hả- yên bình…; truyền tải một cảm giác, cảm nhận về sự chảy trôi bất tận của cuộc sống bằng một nhịp điệu đều đặn, lặp đi lặp lại, lặp đi lặp lại nhưng không nhàm chán: đó là bản chất cuộc sống, là những gì đang hàng ngày diễn ra xung quan con người với vô số những cảnh huống, con người, sự kiện, hoạt động…

Thêm một lần nữa, âm nhạc tham gia vào quá trình ‘hư cấu’ hiện thực trong phim tài liệu bằng việc tác động đến cảm xúc của người xem. Có thể, thêm một lần nữa, người xem vừa có cảm giác sống lại trong khoảng không gian ngỡ là quen thuộc của mình hàng ngày, vừa có cơ hội nhìn nó như một đối tượng từ bên ngoài.

Như thế, xét về mặt thể loại, so với những bộ phim mang tính phóng sự và phim phong cảnh ngắn trước đó thì Man with a Movie Camera được ghi nhận bước phát triển với hiệu quả và vai trò của việc dựng phim và sử dụng âm nhạc. Đồng thời cũng chứng minh ngay từ đầu rằng phim tài liệu không phải là một ‘hiện thực như nó vốn có’. Tính hư cấu của điện ảnh tồn tại như một yếu tố bất khả kháng trong giới hạn thể loại của phim tài liệu.

~ by dohuyentrang on June 2, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: