Cú và Chim se sẻ (P3)

by Đức Độ

Nhà biên kịch xử lý rất khéo các mối nối, biết cách tạo bất ngờ và điểm nhấn, khiến cấu trúc tự sự không nhàm tẻ và dễ đoán.

Tạo xung đột

Ngay cả khi mối quan hệ giữa bé Thủy và Hải, bé Thủy và Lan đã trở nên thân thiết, nhà biên kịch cũng không để họ yêu thương nhau một cách đơn thuần mà xoay chuyển tình thế, làm nên những cú hích mâu thuẫn. Ví dụ trường đoạn hai chú cháu về nhà Hải sau khi bé Thủy và Hải đi mua chuối, Hải nhờ bé Thủy tặng hoa và dò xét Phương, ngay khi khán giả không ngờ tới nhất, xung đột giữa hai người bỗng dưng bùng nổ. Câu chuyện đang êm ả, bé Thủy rủ Hải ra ngoài ăn tối, anh bất ngờ gợi ý gửi cô bé đến trại mồ côi. Thủy phản ứng rất dữ dội, xách ba lô đi khỏi nhà Hải. Để sức nén nội tâm nhân vật (mặc cảm mồ côi, bị hắt hủi của Thủy; nỗi buồn bị những người mình yêu thương bỏ rơi, lòng trắc ẩn, muốn bé Thủy có cuộc sống tốt hơn của Hải) va chạm nhau, mâu thuẫn với nhau ở một thời điểm bình yên nhất, nhà biên kịch đã rất tinh tế trong nghệ thuật “lừa phỉnh” và thu hút khán giả.

Điều quan trọng là Stephane Gauger không hề né tránh, mà còn tạo thêm mâu thuẫn. Không bằng lòng với việc giải quyết xung đột giữa bé Thủy và Hải một cách dễ dãi, nhà biên kịch để bé Thủy đến tìm Lan và tiếp tục xung đột với Lan. Tâm trạng của cả hai người đều chông chênh và mất bình tĩnh (Lan vừa từ chỗ cơ trưởng về, sau khi cãi nhau với anh ta; Thủy vừa xích mích với Hải) nên việc Lan cáu kỉnh với sự có mặt của Thủy là hoàn toàn có cơ sở. Lòng tự trọng của Thủy thúc đẩy cô bé, một lần nữa xách cặp bỏ đi. Cách Gauger xử lý tình huống này rất khéo (Lan giữ cô bé lại), vừa thể hiện sự khác biệt, không trùng lắp trong cách ứng xử của các nhân vật khác nhau (Lan và Hải), vừa không dồn nhân vật (bé Thủy) vào đường cùng tuyệt vọng.

Tiếp ngay sau khoảnh khắc dữ dội của mâu thuẫn là cuộc gặp đầu tiên của ba người. Thủy, sau nhiều lần “quảng cáo” về đối phương và chuẩn bị tinh thần cho Lan và Hải, đã trở thành chiếc cầu nối hai người với nhau. Đây có lẽ là trường đoạn êm đềm và hạnh phúc nhất bộ phim, ba nhân vật ăn tối, đi chơi, hát cùng nhau… như một gia đình. Nếu dễ dãi, đạo diễn hoàn toàn có thể kết thúc bộ phim của mình ở đây. “Cú” và “chim se sẻ” đã được bé Thủy nối kết, họ đã rung động và bắt đầu có tình cảm với nhau (chi tiết hai người đứng trên lan can, Lan tâm sự với Hải, Hải “thú tội” đã nói dối cô chuyện việc làm của mình). “Nhiệm vụ” của Thủy coi như đã hoàn tất. Khán giả, dù không thỏa mãn nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận một kết thúc phim như thế: hai con người cô đơn tìm thấy nhau, yêu nhau, bé Thủy hàng ngày đi bán hoa hồng kiếm sống.

Tuy nhiên, dù yêu quý và trân trọng các nhân vật của mình, Gauger cũng không để họ dễ dàng tìm được hạnh phúc. Vừa nối kết Hải và Lan, ngay hôm sau, bé Thủy bị bắt vào trại mồ côi. Cảnh tượng Thủy, lạc lõng và bị đám trẻ trong trại mồ côi bắt nạt được đặt song song với cảnh Hải và Lan hạnh phúc nắm tay nhau trong quán ăn đã tạo nên tương phản rất rõ ràng, khơi gợi lòng trắc ẩn và lay động cảm xúc của khán giả.

Xung đột phim, từ chỗ chia tách làm ba tuyến (mỗi nhân vật chính mang theo vấn đề của riêng mình), co rút, nhập lại vào nhau trong một trường đoạn cao trào: Hải và Lan đến trại mồ côi, cùng lúc chú Minh của cô bé nhận được tin báo, tới xin đón Thủy về. Tất cả các nhân vật: Thủy, Hải, Lan, chú Minh, giám đốc trại trẻ chạm mặt nhau cùng lúc trong một bầu không khí căng thẳng và tình huống khó xử. Bé Thủy bị đặt trước một lựa chọn khó khăn, hay nói đúng hơn, là gần như không được phép lựa chọn.

Cách đạo diễn khai thác xung đột, mâu thuẫn trong trường hợp này cực kỳ hợp lý và súc tích, không bị dàn trải hay dài dòng. Kịch tính được đẩy mỗi lúc một căng, khi giám đốc trại trẻ liên tục hỏi “Chú cháu tới đón cháu đó, cháu có muốn về nhà không?”; chú Minh đưa ra các bằng chứng chứng minh ông ta là người thân duy nhất của bé Thủy, quát Lan; Lan vừa khóc vừa tranh cãi với chú Minh, và nhân vật trung tâm của xung đột – bé Thủy – chỉ im lặng. Thấu hiểu tâm lý các nhân vật, nhà biên kịch Stephane Gauger đồng thời biết rất rõ một nguyên tắc quan trọng của kịch bản: quyền được nói thuộc về ai. Sự im lặng của Thủy chất chứa cả sự sợ hãi, bất lực, bất mãn và đầy khó xử. Cách giải quyết xung đột này cũng hiển nhiên và hợp lý: bé Thủy phải theo chú Minh về nhà, dù trước cửa trại trẻ, cô bé cố giằng co với chú Minh để được ở lại với Lan. Như một dự báo, sau khi về nhà, bé Thủy lại trốn đi, lần này mang theo tiền để chuộc con voi.

Photo (s) by:

www.movie.zing.vn/Movie/cu-va-chim-s…470.html

www.zing.vn/news/phim-viet-nam/c…561.html

www.xaluan.com/modules.php%3Fnam…3D107729

www.giadinh.net.vn/20090301082024356…ieng.htm

www.digifuns.net/forum/showthread.ph…%3D86743

www.vnsharing.net/forum/showthread.p…3D120431

Còn tiếp…

~ by huyentrangtran on May 4, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: