Cú và Chim se sẻ (P2)
by Đức Độ
Như một nỗ lực phá vỡ lối mòn bằng cách chối từ mong đợi của khán giả, Stephane Gauger đã vẽ nên một Sài Gòn, một thế giới cổ tích của riêng mình, một thế giới chỉ có người tốt. Sài Gòn, qua cách đạo diễn này miêu tả, hoàn toàn trái nghịch với “Xích lô” của Trần Anh Hùng hay “14 ngày phép” của Nguyễn Trọng Khoa.
Đó không phải là thế giới của tội phạm ngầm, gái điếm, của sự cạnh tranh khắc nghiệt giữa những đứa trẻ đầu đường xó chợ bằng mọi giá giành giật miếng cơm của nhau, không phải là một thành phố vô cảm, lạnh lùng đậm chất công nghiệp. Đó là một Sài Gòn hoàn toàn khác, nơi những con người bị đẩy vào nỗi cô đơn trong guồng quay vội vã, hối hả của một thành phố công nghiệp vẫn tìm thấy tình yêu và sự san sẻ. Những con người cần lao, những người nghèo khổ bươn chải kiếm ăn từng ngày lại là những người hào phóng và tốt đẹp. Chính họ đã làm nên sức bền, sức sống dữ dội của thành phố này. Đạo diễn, thực sự đã “thuộc” rất kỹ tâm lý và yêu thương, trân trọng các nhân vật của mình. Anh đã khám phá và thấu hiểu, đã xuống tận đáy sâu của thành phố mà chiết lọc vẻ đẹp đặc trưng văn hóa của Sài Gòn: con người hồn hậu, tốt bụng và phóng khoáng.
Khám phá tâm hồn nhân vật
Nhân vật của “Cú và chim se sẻ” quá bé nhỏ và nhân hậu, dường như đạo diễn – nhà biên kịch Stephane Gauger không nỡ đối xử phũ phàng, không nỡ ném nhân vật của mình vào những bi kịch dữ dội, không nỡ đày đọa thêm nữa những tâm hồn bị tổn thương. Sự thông minh của trái tim và lòng nhân hậu của trí óc người viết thôi thúc anh nâng niu những nhân vật của mình như nâng niu một cánh chim nhỏ non nớt trước bão giông. Chính sự “nương nhẹ” này khiến bộ phim ít có những cảnh dữ dội, gây sốc văn hóa hay tâm lý mà dịu nhẹ như một bài thơ, một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Câu chuyện nằm trong giới hạn không – thời gian không quá rộng, diễn biến câu chuyện lại được đẩy nhanh, dồn dập tình tiết, tạo nên một mạch truyện gọn ghẽ và không có chỗ cho những chi tiết rườm rà. Dẫu vậy, cái giỏi của nhà biên kịch là chạy theo sự kiện nhưng vẫn tạo được những khoảng trống tinh tế để nhân vật thể hiện cảm xúc và cá tính. Các cảnh phim như cảnh buổi sớm ở khách sạn, sau cuộc làm tình với cơ trưởng, Lan nhìn xuống con đường đông đúc mà khóc một mình; cảnh Hải trò chuyện với chú voi con; cuộc nói chuyện của Hải và Lan ở ban công sau tối đi chơi với bé Thủy hay cảnh Thủy ngồi hát nghêu ngao với hai đứa trẻ bán hoa là những khoảng lặng cần thiết, dung hòa giữa cảm xúc và sự kiện.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, “Cú và chim se sẻ” là một hành trình kép, ngoài việc dõi theo bước đi của các nhân vật, đó còn là sự khám phá tâm hồn con người. Gauger rất có ý thức trong việc xây dựng và cách kể chuyện phim, cố gắng tránh biến nó thành một chuyện “sến” dễ dãi và sáo mòn. Câu chuyện cũng như các nhân vật bám rất sát vào chủ đề chính của phim: sự cô đơn của những người ở thành phố.
Mỗi nhân vật đều có một câu chuyện đầy góc khuất, một vấn đề riêng. Họ cô đơn theo những cách khác nhau, giữa thành phố có tám triệu người sinh sống. Thủy mồ côi cha mẹ, ở với ông chú không biết cách thể hiện tình yêu thương, không có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác mà phải làm việc để kiếm sống, trốn nhà lên thành phố. Hành trình của cô bé là hành trình tự khẳng định mình của một cá tính mạnh, tuy xuất phát từ một phản ứng rất trẻ con: chứng minh điều ngược lại với lời chú nói “Mày chỉ có mình tao thôi. Mày tưởng mày có thể ra ngoài đời mà sống sót được một đêm hả con?”
Lan, xinh đẹp và có việc làm ổn định, đã mấp mé tuổi ba mươi, cô đơn và khao khát một tình yêu thực sự. Cô kiệt sức với mối tình vô vọng với cơ trưởng, nhưng “không biết mình muốn cái gì” và gần như không còn khả năng giao thiệp với cuộc sống, với những người đàn ông khác.
Hải, một nhân viên sở thú có tâm hồn nhạy cảm và mơ mộng, chưa thể thoát khỏi nỗi buồn và mặc cảm bị bỏ rơi sau cuộc tình tan vỡ, mang mặc cảm của sự nghèo và một công việc quá đỗi bình thường, không có cơ hội phát triển, chỉ còn biết nói chuyện với mấy con thú để giải khuây. Số phận đưa ba người tới gặp nhau, sẻ chia, thấu hiểu và trở thành gia đình của nhau.
Khéo léo trong việc tổ chức các cuộc gặp
Tuy vậy, quá trình bé Thủy đến với Hải, bé Thủy đến với Lan và ba người đến với nhau không hề dễ dàng. Nhà biên kịch tổ chức từng cuộc gặp gỡ rất tự nhiên, nhẹ nhàng mà từ tốn nhưng không kém phần thú vị. Sự khác biệt trong tính cách, hoàn cảnh và giới tính của các nhân vật cũng như môi trường, bối cảnh ảnh hưởng rất rõ đến không khí các cuộc gặp. Bé Thủy gặp, đi theo và làm thân với Hải rất dễ dàng. Bối cảnh và tình huống hai nhân vật gặp nhau (bé Thủy đến sở thú cho con voi của Hải ăn) dễ thương và gần gũi, khiến họ dễ làm thân và chia sẻ tâm sự. Mặt khác, sức hút của hai giới tính nghịch chiều cũng tạo điều kiện cho cuộc gặp diễn ra suôn sẻ.
Cuộc gặp đầu tiên giữa bé Thủy và Lan, trái lại, nhiều “sóng gió” hơn. Hai người phụ nữ, từ những câu nói đầu tiên đã “châm nọc”, động chạm vào nỗi đau của nhau: bé Thủy kiên trì mời Lan mua hoa cho chồng, cho người yêu (trong khi cô đang chìm trong mối tình vô vọng) còn Lan “kết tội” cô bé là kẻ nói láo (Thủy bịa chuyện hôm đó là sinh nhật mình để bán được hoa) Sự bướng bỉnh trẻ con và câu nói đầy thách thức “Cô thử đi bán hoa một lần coi!” của Thủy đã chinh phục sự lạnh lùng của Lan, “bắt” Lan phải mua hoa cho cô bé. Đáo để và tự trọng, cũng bằng một kiểu cách hết sức trẻ con, bé Thủy còn vặn vẹo Lan mấy câu trước khi chịu bán hoa.
Tương tự thế, các cuộc gặp tiếp theo giữa các nhân vật, đặc biệt là tình huống dẫn đến cuộc gặp giữa ba người đều được chăm chút kỹ càng, luôn có biến cố và những mâu thuẫn nội tại. Sau mỗi cuộc gặp, các nhân vật vừa đến gần tâm hồn nhau, vừa đẩy nhau ra xa.
Photo (s) by:
www.movie.zing.vn/Movie/cu-va-chim-s…470.html
www.zing.vn/news/phim-viet-nam/c…561.html
www.xaluan.com/modules.php%3Fnam…3D107729
www.giadinh.net.vn/20090301082024356…ieng.htm
www.digifuns.net/forum/showthread.ph…%3D86743
www.vnsharing.net/forum/showthread.p…3D120431
Còn tiếp…