Cú và Chim se sẻ (P1)
by Đức Độ
Với “Cú và chim se sẻ” (2008), đạo diễn kiêm biên kịch Stephane Gauger đã chứng tỏ một khả năng kể chuyện rất điêu luyện và có duyên. Tâm hồn mơ mộng của người nghệ sĩ mang hai dòng máu Việt – Pháp này hòa quyện với nội lực sáng tác của một đầu óc tỉnh táo để tạo nên một tác phẩm tuyệt vời: vừa đáng yêu và ngây thơ như một câu chuyện cổ tích, vừa chỉnh chu như một bộ phim cổ điển theo phong cách Hollywood.
Cấu trúc ba hồi
Câu chuyện phim bám theo ba nhân vật chính: bé Thủy, Lan, Hải và được kể bằng một cấu trúc mạch lạc với ba hồi khá rõ nét. Hồi một, lần lượt các nhân vật và những vấn đề của họ được giới thiệu: Thủy, một cô bé mồ côi làm ở xưởng mành tre của chú ruột, xung đột với chú nên bỏ nhà ra đi; Lan, tiếp viên hàng không, chìm đắm trong mối tình không tương lai với cơ trưởng đã có vợ. Hải, nhân viên sở thú, chưa vượt qua cú sốc vì bị người yêu bỏ rơi một tháng trước ngày cưới, sắp phải chia tay với con voi anh nuôi dưỡng từ tấm bé. Họ lần lượt gặp gỡ, yêu thương và xung đột với nhau, đồng thời xung đột với chú của bé Thủy ở hồi hai, với sự kiện “đinh” là việc cô bé bị bắt vào trại trẻ mồ côi. Hồi ba, mọi mâu thuẫn và xung đột được giải quyết; bộ phim khép lại với một kết thúc có hậu: ba người đến với nhau và trở thành một gia đình.
Với một cấu trúc rất cân chỉnh và “cổ điển” đến mức khó có thể sáng tạo thêm ấy, thật lạ khi “Cú và chim se sẻ” vẫn hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối. Dưới hình thức của một cuộc hành trình, câu chuyện phim được kể với không gian và thời gian giới hạn. Không gian phim gói gọn ở hai bối cảnh: xưởng mành tre của chú Minh ở Biên Hòa và trung tâm Sài Gòn, trong đó, trung tâm Sài Gòn là bối cảnh chính. Cuộc “du hành” của bé Thủy, từ khi bỏ nhà ra đi, bán bưu thiếp đến lúc bán hoa hồng, gặp cậu bé bán hủ tiếu, gặp Lan và Hải… diễn ra trong một nền không gian không rộng, chỉ quanh quẩn ở trung tâm thành phố, nhưng khá đa dạng: quán ăn, sở thú, khách sạn, đường phố, trại trẻ mồ côi.
Rất tinh tế trong việc lựa chọn không gian và bối cảnh cho bộ phim, cho sự di động của nhân vật, đạo diễn Stephane Gauger cấp cho nhân vật của mình một cuộc sống phong phú. Anh đặt nhân vật vào những ngoại cảnh rộng, những đường phố chật kín người hoặc bên cạnh những con thú cũng khéo léo như vào căn phòng hẹp, ngôi nhà tuềnh toàng hay quán ăn vỉa hè. Các nội – ngoại cảnh (kết hợp với cách chiếu sáng) xuất hiện trong phim rất có dụng ý, thường để diễn tả nỗi cô đơn, lạc lõng của nhân vật. Đôi khi, các ngoại cảnh thoáng đãng cũng được sử dụng, như một cách thể hiện sự phóng khoáng và rộng rãi trong tính cách, tâm hồn thành phố, như một đối cực với khung cảnh hẹp, bề bộn đồ đạc trong xưởng mành tre của chú Minh.
Đúng với “chất” của một bộ phim hành trình, “Cú và chim se sẻ” cũng có một giới hạn thời gian rất rõ ràng. Đó là khoảng thời gian Thủy được “tự do” trước khi chú Minh tìm được và bắt về nhà, mặt khác, đó cũng là 6 ngày Lan được nghỉ giữa những chuyến bay. Sự khéo léo của nhà biên kịch đã ghép nối hai khoảng thời gian giới hạn vào cùng một câu chuyện, cùng một mối nối, tạo cho câu chuyện một nhịp điệu khá uyển chuyển, vừa gấp gáp vừa chậm rãi. Câu chuyện được kể theo chiều tuyến tính của thời gian, mạch truyện bám sát vào những sự kiện, những biến cố đến với nhân vật. Cả cuộc hành trình được kể ở thì hiện tại, luân phiên thay đổi “người kể chuyện” theo điểm nhìn nhân vật. Các tình tiết được kể tuần tự nhi tiến, gần như không có hồi tưởng (trừ một cảnh cơ trưởng nhớ lại ngày đầu tiên nhìn thấy Lan bước đi giữa hai hàng ghế máy bay, xinh đẹp và ngượng nghịu) nên nhịp truyện phát triển rất nhanh.
Hành trình kép
Sức hấp dẫn của “Cú và chim se sẻ” còn được hình thành bởi sự phức hợp hai cuộc hành trình: hành trình kiếm sống và khẳng định cá tính của bé Thủy và hành trình khám phá tâm hồn tốt đẹp, nhân hậu của con người. Con đường lên thành phố của cô bé, bởi vậy, không quá đỗi gian nan và khắc nghiệt. Qua mỗi chặng đường, Thủy đều gặp được những con người tốt đẹp và hào phóng, sẵn lòng giúp đỡ, che chở cho cô bé. Vừa đặt chân lên thành phố phồn hoa, Thủy được một cô bé bán bánh bao trạc tuổi mình tặng bánh, rồi bày cho cách kiếm sống: bán bưu thiếp. Bỏ hết vốn liếng ra mua bưu thiếp, nhưng chẳng bán được bao nhiêu, đến khi đói meo, Thủy lại may mắn gặp cậu bé bán hủ tíu gõ. Cậu nhóc cũng sẵn lòng tặng người bạn mới quen một tô hủ tíu, còn chỉ cho “mối” đi bán hoa hồng. Đến gặp người “quản lý”, Thủy được phát đồng phục học sinh, được tạo việc làm với tỉ lệ ăn chia 3 – 7, được nhập bọn dễ dàng với những đứa trẻ có kinh nghiệm, thậm chí còn được chỉ cho mánh lới để bán hàng dễ dàng: có một câu chuyện hay để kể. Và cứ như thế, Thủy gặp Lan, gặp Hải, tham gia vào cuộc sống cô đơn của họ, kết nối rồi trở thành gia đình của họ.
Người xem, có thể sẽ phản ứng và hoài nghi về cái gọi là “tính chân thực” của bộ phim này, bởi nó có quá nhiều nhân vật tốt. Ngoài ba nhân vật chính, những nhân vật nền cũng rất đẹp: tốt bụng và hào phóng. Những gì người xem thường trông đợi (và đã quen nhìn) vắng bóng trong “Cú và chim se sẻ”. Họ (hoàn toàn có quyền) kỳ vọng những sự phản ứng đa chiều và mạnh mẽ hơn từ phía các nhân vật, chở đợi ở bộ phim một thứ “mùi” đường chợ hơn, ví dụ như các cô bé bán hoa phải cạnh tranh, giành giật khách của nhau; Thủy phải bị bọn đầu gấu trấn lột hoặc bị bỏ đói; phải có nhân vật người xấu…
Photo (s) by: www.movie.zing.vn/Movie/cu-va-chim-s…470.html
www.zing.vn/news/phim-viet-nam/c…561.html
www.xaluan.com/modules.php%3Fnam…3D107729
www.giadinh.net.vn/20090301082024356…ieng.htm
www.digifuns.net/forum/showthread.ph…%3D86743
www.vnsharing.net/forum/showthread.p…3D120431
Còn tiếp…