Raging Bull- bộ phim vĩ đại
by Dạ Vũ
Raging Bull (1980) được đánh giá là tác phẩm thành công nhất của Martin Scorsese, dù nó không giúp ông dành giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất (phải đợi đến The Departed– 2006). Bộ phim là sự tổng hợp tiêu biểu cho mọi yếu tố nghệ thuật và ảnh hưởng nhiều phong cách, nhưng không hề hỗn độn mà được dẫn dắt rất tài hoa.
Raging Bull dường như phá bỏ mọi quy luật thống nhất trong cách làm phim Hollywood. Scorsese muốn thử nghiệm và phá vỡ nhưng logic cũ, nhưng đồng thời ông vẫn giữ được sự nhất quán trong phong cách phim nên bộ phim vẫn có sự kiểm soát chặt chẽ. Mọi hành động của diễn viên, của máy quay… đều được đạo diễn vạch kế hoạch trước một cách chi tiết, do đó việc dựng phim rất dễ dàng (người dựng phim này là Thelma Schoonmaker đã giành giải Oscar- Best Editor).
Bộ phim sử dụng cách dựng những cảnh xung đột nhau theo phong cách montage Xô Viết mà đại diện là S.Eisenstein. Eisenstein phản đối cách dựng nối tiếp của Hollywood, ông chủ trương phải dựng như thế nào để gây cho người xem những cú sốc chứ không tạo sự uyển chuyển. Những hình ảnh đối lập đặt cạnh nhau tạo cho người xem một ý nghĩ mới mà khi đặt riêng từng cảnh không có được. Cảnh quay sau không phải là kết quả của cảnh quay trước.
Những trận đấm bốc trong phim được tạo một không khí rất đặc biệt, không gian trong phim được bao trùm trong những màn khói, gây cảm giác ngột ngạt nóng bỏng như trong một lò lửa, một chiếc nồi hơi. Các nhà làm phim cũng sử dụng nhiều kĩ thuật mới để quay phim như dùng máy quay nhỏ, nhẹ, ống kính tốc độ cao- super speed, máy chống rung (steadicam)…, kết hợp với những cú bấm máy liên tục, tạo phong cách dựng liền mạch.
Cấu trúc bộ phim khác với quy luật thường dùng trong nhiều phim Mỹ như cắt cảnh không theo cách thông thường, nội dung thông tin giữa các cảnh, đoạn không liền mạch (nhảy thông tin)… nhưng M.Scorsese vẫn làm cho người xem có cảm giác bộ phim là một khối thống nhất khi thường xen kẽ những đoạn phim màu với phim đen trắng, sử dụng những bức ảnh chụp, những đoạn video tư liệu thực… Trong những cảnh đấm bốc, đạo diễn dùng những kĩ thuật phong phú như chuyển động chậm (slow motion); góc máy cực đoan cao/ thấp; zoom hoặc di chuyển máy quay linh hoạt; dùng ánh sáng đèn flash của phóng viên, âm thanh tiếng chuông giữa hiệp được khuyếch đại… tạo nên những hiệu quả đặc biệt, ấn tượng.
Dù bộ phim có nhiều điểm không hợp lý nhưng người xem vẫn có thể chấp nhận và hiểu được. Chẳng hạn như trong đoạn phim cuộc đấu năm 1943, dù dựng phim không theo cách chuyển cảnh nối theo mắt nhìn (eyeline match) hay nối trùng hình (graphic match) nhưng khán giả vẫn không thấy vô lý. Cả những âm thanh được sử dụng cũng không hiện thực, rất lạ lùng như trong phim hoạt hình nhưng người xem vẫn tự điều chỉnh để thấy bình thường, tức là bộ não của họ đã được vận động để tiếp nhận những thông tin của bộ phim. Đây là một sự mạo hiểm chứng tỏ đạo diễn M.Scorsese rất tự tin và tin vào sự hiểu biết của khán giả. Scorsese muốn tạo nên một bộ phim vĩ đại, một kiệt tác điện ảnh chứ không phải là một bộ phim “đúng quy luật” theo kiểu kinh điển Hollywood.
Photos by adamwakeling.com; generationfilm.wordpress.com; dearcinema.com