Quỳnh Hà và Dự án HNEYA (P2)

Quí Hà

TVOL: Rất vui lại được trò chuyện với Hà. Bây giờ chúng ta sẽ nói về dự án Hà Nội em yêu anh (HNEYA) nhé. Đến nay thì dự án HNEYA đang tiến triển rất tốt với hai kịch bản chuẩn bị bước vào giai đoạn tiền sản xuất Hà đã vận hành dự án như thế nào trong khi vẫn đang ở Mỹ?

Quỳnh Hà: Mình vận hành dự án qua email, Yahoo Messenger, Facebook, điện thoại và qua bạn bè, người quen. Người ta còn có thể sa thải nhân viên bằng webcam như trong phim Up cơ mà. Thực ra nếu ở nhà thì mình cũng sẽ chủ yếu là dùng những phương tiện như trên để liên lạc thôi nhưng tất nhiên là làm việc trực tiếp được thì sẽ hiệu quả hơn nhiều vì có những việc không thể làm từ xa được như khi quay phim hay gặp gỡ xin tài trợ.

TVOL: Hà thấy khó khăn lớn nhất đối với dự án là gì?

Quỳnh Hà: Khó khăn lớn nhất đối với dự án là thiếu người giúp đỡ quản lý điều hành. Dự án ngày càng phát triển, mọi người gửi kịch bản đến hàng ngày, một mình mình hết phải giúp các bạn sửa kịch bản, post bài lên trang web, facebook rồi lại phải lên kế hoạch xin tài trợ, liên lạc với nhà tài trợ, lập kế hoạch truyền thông, kế hoạch offline hàng tuần, cập nhật danh sách thành viên, trao đổi với các bạn ứng cử viên đạo diễn, rồi lên kế hoạch sản xuất từng phim… Hiện nay dự án đã có một số bạn tham gia tình nguyện làm trợ lý cho các ban quản lý nhưng vẫn chưa đáng là bao so với số lượng công việc của dự án. Đặc biệt dự án cần những người có thời gian để có thể toàn tâm toàn ý giúp đỡ dự án. Nếu bạn nào hứng thú thì email cho mình nhé. Mình xin cảm ơn rất nhiều.

TVOL: Nhân việc Hà đề cập đến công việc thực tế của Hà cũng như vấn đề về nhân lực mình muốn đặt một câu hỏi hơi ngoài lề một chút nhưng vì nó rất thiết thực đối với K5. Hiện tại K5 đang chuẩn bị bắt tay vào thực hiện dự án sản xuất phim, cụ thể là phải làm một bộ phim ngắn và tổ chức một buổi chiếu phim. Các bạn hoàn toàn không có kinh nghiệm gì và cảm thấy rất lúng túng từ việc phân chia nhóm, rồi việc phối hợp giữa các nhóm, lên kế hoạch sản xuất từ A đến Z…. Hà có kinh nghiệm hay lời khuyên gì thì “gỡ rối” giúp K5 nhé. K5 thì không sợ thiếu nhân lực ;)

Quỳnh Hà: Chủ nhật vừa rồi mình cũng gặp và nói chuyện với anh Sơn, người sẽ hướng dẫn K5 làm phim ngắn thì được biết là các bạn cũng chưa quyết định chọn một kịch bản nào để làm đúng không? Vừa rồi mọi người học với anh Victor Vũ thì chắc anh ấy cũng giúp các bạn hoàn thiện kịch bản hơn rồi. Mình nghĩ các bạn cũng nên bốc thăm để loại bớt kịch bản vào giai đoạn sản xuất tiền kì, chọn lấy khoảng 3 kịch bản để cho anh Sơn lựa chọn là tốt nhất. Trong lúc chờ anh Sơn, các bạn có thể chuẩn bị những công việc như sau:
1. Chia nhóm
Trước hết các bạn chia theo tinh thần tình nguyện, bạn nào thích và thấy mình có khả năng tham gia nhóm nào thì chủ động đăng ký.
Sau khi đã tập hợp các nhóm theo tinh thần tình nguyện mà thấy chưa cân đối thì các bạn nên dựa vào khả năng của từng người mà phân công, điều chỉnh thêm bớt nhân lực cho từng nhóm.
Mình nghĩ các bạn có thể chia thành một số nhóm như sau: Sản xuất (điều hành các nhóm và lo các vấn đề hậu cần: ăn uống, đi lại, thuê trang thiết bị), Đạo diễn, Casting, Bối cảnh, Thiết kế và Đạo cụ, Phục trang và Hóa trang, Quay phim, Dựng phim.

Sản xuất: Nhóm sản xuất thì nên giao việc cụ thể cho từng người như: Thuê trang thiết bị – Ăn uống – Đi lại – Tập hợp thành viên đoàn (Thư ký trường quay)

2. Sản xuất tiền kì
Trong lúc chờ anh Sơn về thì mình nghĩ mọi người có thể bắt đầu chuẩn bị dựa trên 3 kịch bản sẵn có. Như vậy đến lúc anh Sơn về thì mọi thứ đều đã sẵn sàng và tiến độ công việc sẽ nhanh hơn nhiều.

Nhóm Casting nên thông báo tuyển diễn viên (cho cả 3 phim), thu thập ảnh (tốt nhất là 1 ảnh toàn thân, một ảnh chân dung) của các ứng cử viên, tạo một file casting với mỗi trang là ảnh và thông tin cá nhân cũng như phim mà diễn viên đó ứng cử. Khi nào các bạn có thời gian, ngày casting cụ thể thì lên lịch casting, hẹn mỗi diễn viên đến cách nhau khoảng 15 phút.
Nhóm Bối cảnh thì cũng nên đi tìm trước bối cảnh (cho cả 3 phim), chụp ảnh và ghi chú cẩn thận cho từng bối cảnh, từng phim, cũng nên lập 1 file bối cảnh sẵn sàng cho anh Sơn. Các bạn cũng nên liên hệ trước với các bối cảnh, xem họ có đồng ý cho mượn hoặc thuê không và giá cả là bao nhiêu. Các bạn cũng nhớ phải kiểm tra với thời gian quay của đoàn xem lúc đó, ở bối cảnh đó có sự kiện gì ảnh hưởng đến việc quay phim như lễ hội hay đám cưới đám hỏi gì không…
Nhóm Thiết kế và Đạo cụ cũng chuẩn bị lên danh sách các đạo cụ cần thiết, phác thảo ý tưởng thiết kế…
Tương tự như vậy với nhóm Phục trang và Hóa trang, nếu có trang phục gì đặc biệt hay hóa trang gì đặc biệt như tóc giả hay vương miện hay mũ mão gì kì quái thì các bạn cũng chuẩn bị trước từ bây giờ là vừa.
Nhóm đạo diễn thì nên tập trung lại, trình bày và thảo luận hình dung của các bạn về 3 bộ phim, nếu bạn nào thích kb nào hơn các kb còn lại thì nên đứng lên trình bày ý tưởng đạo diễn của mình đối với phim đó: phong cách phim, hình ảnh, đặt góc máy… và các bạn khác trong nhóm sẽ cùng góp ý. Nhóm đạo diễn cần làm việc chặt chẽ với nhóm quay phim về phần hình ảnh của phim. Sau đó nhóm đạo diễn có thể cùng nhau làm shot list cho từng phim – shot list tương tự như kịch bản phân cảnh vậy – các bạn hình dung xem trong từng cảnh mình sẽ cần quay những shot nào thì liệt kê ra để khi lên hiện trường sử dụng nó làm một cái khung để làm việc, cũng để cho đạo diễn không quên những shot quan trọng khiến các bạn dựng phim sau này gặp khó khăn trong việc ghép nối các cảnh.
Nhóm quay phim thì như mình nói ở trên, phải làm việc chặt chẽ với nhóm đạo diễn để thống nhất phong cách hình ảnh của phim. Nhóm quay phim nếu có ý tưởng gì về mặt hình ảnh của phim thì cũng mạnh dạn gợi ý và trao đổi với đạo diễn.
Nhóm dựng phim thì tạm thời làm việc dựa trên kịch bản và shot list của đạo diễn. Nhóm dựng phim phải nghĩ tới việc sau khi quay mình sẽ ghép nối các cảnh quay với nhau như thế nào nên nhìn vào shot list của đạo diễn, nếu thấy có những shot mình cần để nối cảnh mà đạo diễn chưa có thì gợi ý để đạo diễn thêm vào. Ví dụ như cảnh 1 nhân vật nữ chờ người yêu tới đón đi chơi chẳng hạn, đạo diễn không liệt kê cảnh insert một chiếc đồng hồ thì dựng phim gợi ý nên có một cảnh insert đồng hồ treo tường hoặc đồng hồ đeo tay của cô gái.

Nhóm sản xuất thì lên dự toán, lịch quay cho từng phim, tập hợp, phân công công việc cho các thành viên còn lại của đoàn làm phim.

Tạm thời mình mới nghĩ ra chừng đó việc, hi vọng giúp được các bạn.

TVOL: Trở lại với topic chính nhé, dự án HNEYA dự định sẽ sản xuất bao nhiêu phim? Trong trường hợp kịch bản và ý tưởng gửi đến nhiều hơn số lượng dự án dự định Hà và ban điều hành dự án có sản xuất thêm hay không?

Quỳnh Hà: Dự án HNEYA dự định sản xuất từ 5 đến 10 phim ngắn, phụ thuộc vào độ dài từng phim, tổng thời lượng khoảng từ 30 đến 90 phút. Dự án sẽ giúp tất cả các bạn có ý tưởng và kịch bản tốt làm thành phim, nhưng chỉ chọn một số lượng nhất định vào tập hợp phim chính thức HNEYA thôi. Ban tổ chức dự án sẽ lựa chọn phim cho bộ sưu tập này.

TVOL: Ngoài mục tiêu trước mắt là sản xuất được từ 5 đến 10 phim ngắn để tập hợp thành một bộ phim có nhan đề “Hà Nội Em Yêu Anh”, thì Hà đặt mục tiêu dài hơi của dự án này là gì?

Quỳnh Hà:
Mục tiêu ngắn hạn:
Trình chiếu phim HNEYA trên truyền hình.
Tham gia Tiệc phim Yxine.
Tham dự các liên hoan phim ngắn trong và ngoài nước.

Mục tiêu dài hạn
Làm phim ngắn đủ chất lượng và sức hấp dẫn để trình chiếu ngoài rạp.
Phát động phong trào làm phim ngắn trên các thành phố lớn ở Việt Nam.
Phát động phong trào làm phim ngắn ở các thành phố lớn trên thế giới

Mục đích của dự án
Hướng dẫn các bạn trẻ làm phim ngắn qua từng bước của quá trình làm phim, từ phát triển ý tưởng đến quay phim và sản xuất hậu kì.
Tập hợp một đội ngũ các tình nguyện viên để tham gia trợ giúp các đoàn làm phim còn thiếu nhân lực.
Xây dựng một cộng đồng những người trẻ tuổi muốn dùng điện ảnh như một công cụ để thể hiện quan niệm của họ về tình yêu và cuộc sống.

Kêu gọi tài trợ từ nhiều nguồn, dưới mọi hình thức khác nhau để hộ trợ các đoàn làm phim.

TVOL: Sau HNEYA, dự định tiếp theo của Hà khi đã tốt nghiệp và trở về Việt Nam?

Quỳnh Hà: Mình dự định vào Sài Gòn làm việc một thời gian. Trước mắt, mình sẽ đi chào hàng một số hãng phim mấy dự án phim truyện và truyền hình mà mình đang phát triển cùng Thái Hà và anh Phanxine. Mình cũng hi vọng có thể cộng tác bán thời gian với một trường đại học hay một dự án như Dự án Điện ảnh để đóng góp vào sự nghiệp đào tạo điện ảnh ở VN.

TVOL: Cảm ơn Hà vì cuộc trò chuyện cởi mở này. Chúc cho những dự định của Hà sớm trở thành hiện thực và trước mắt hoàn thành tốt luận văn tốt nghiệp của mình

~ by Qui Ha Nguyen on April 27, 2010.

4 Responses to “Quỳnh Hà và Dự án HNEYA (P2)”

  1. trời ơi bài viết hữu ích với K5 quá, cảm ơn hai chị Song Hà lắm lắm :D!

  2. Những lời khuyên và kinh nghiệm chia sẻ của chị Hà rất có ích với bọn em (vốn đang mù mờ giữa 1 loạt đầu công việc và phân chia nhóm) T_T Bọn em sẽ cố gắng làm tốt và cho ra đời phim của k5 đúng hạn ^^ Em cũng chúc chị Quỳnh Hà thành công với công việc và sự nghiệp học hành sắp tới!
    p/s: em và đứa bạn cũng có ý định tham gia kịch bản và làm phim cho dự án HNEYA, nhưng thời điểm này chắc chưa làm được, hạn nộp kb là đến tháng 10 đúng k ạ? Em cũng muốn được làm trợ lý cho các bộ phận của dự án, nếu có thể thì em sẽ tìm hiểu và liên hệ như thế nào hả chị?

  3. Em email cho dự án vào địa chỉ hanoiemyeuanh@gmail.com nhé. Bọn chị dự định tháng 10 là hoàn thành phim em ạ. Bây giờ bọn chị vẫn tiếp tục nhận kịch bản nhưng cũng bắt đầu sản xuất rồi.

  4. Tìm hiểu về dự án này mình cũng rất thik và muốn tham gia. Nhưng nghẹt nỗi ko học điện ảnh và ko có kinh nghiệm về điện ảnh nhiều, mặc dù mình là MC cho một số sự kiện.
    Mình thấy khâm phục Quỳnh Hà, nếu mình muốn tham gia thì nên như thế nào nhỉ?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: