Dương cầm (Part 1)
By Đức Độ
“The Piano” (1993) – một bộ phim đầy thiên tính nữ của đạo diễn Jane Campion đã dành được nhiều giải thưởng lớn thế giới như giải Oscar dành cho kịch bản xuất sắc nhất, nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và nữ diễn viên phục xuất sắc nhất; giải Cành cọ vàng tại liên hoan phim Cannes năm 1994; giải thưởng César dành cho phim xuất sắc nhất; 6 giải thưởng của Viện nghiên cứu phim Australia ; giải Quả cầu vàng dành cho nữ diễn viên xuất sắc; giải phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Liên hoan phim độc lập Spirit …
Được cho là chịu ảnh hưởng trực tiếp của tiểu thuyết “The story of a New Zealand” (nhà văn Jane Mander), nhưng những sáng tạo đầy dụng công của Jane Campion đã đem tới cho bộ phim của bà một sức hấp dẫn mãnh liệt.
Diễn xuất xuất sắc của diễn viên
Nét hấp dẫn đầu tiên của “The Piano” là sự thú vị trong tính cách của nhân vật chính: quyết liệt, mạnh mẽ và đằm thắm. Ada giấu trong cơ thể tật nguyền (bị câm) của cô một thế giới nội tâm dồi dào, sống động và một sức mạnh tinh thần ghê gớm. Diễn xuất của Holly Hunter, không thể phủ nhận, là tuyệt vời và đáng chú ý nhất phim. Cô đã hiển hiện hóa nhân vật Ada, từ kịch bản lên màn ảnh. Ở mỗi cảnh, mỗi trường đoạn, diễn viên tài năng này đã lột tả hết những phức tạp và chiều sâu tâm hồn của nhân vật.
Cô dường như đã nhập thân vào nhân vật của mình, và diễn bằng tất cả tâm hồn, bằng cả những hơi thở, những động cựa của cơ thể. Nhân vật Ada của Jane Campion bị câm, nên tất cả những nỗi ấm ức, niềm đam mê, sự tức giận, khổ đau… đều được thể hiện bằng diễn xuất. Cách cô diễn tả từng “lời nói” của Ada, biểu hiện cảm xúc gương mặt, dáng đi đứng, mỗi cái nhíu mày… đều được trau chuốt, tính toán cẩn thận. Đôi mắt biết nói và khuôn mặt cá tính của Holly Hunter được tận dụng đến tối đa để bộc lộ cảm xúc nhân vật.
Khán giả say mê và đồng cảm với Ada, một phần vì nhân vật này thực sự đặc biệt, nhưng phần nhiều là bởi họ nhìn vào đôi mắt rạng rỡ của Holly Hunter ở cảnh hai mẹ con Ada chơi đàn trên bãi biển, ngắm ánh mắt say mê và bàn tay cô mơn man trượt dần trên cơ thể chồng, bởi họ bị hút vào đêm Ada chơi đàn trong cơn mộng du, bởi họ bị hút vào sự im lặng thăm thẳm đầy dữ dội của nhân vật khi cô bị chặt tay: không một tiếng khóc, không một tiếng hét, chỉ có sự ngơ ngác và đôi tai dỏng lên như thể đang lắng nghe một thanh âm từ cõi nào vọng tới… Thần thái của Ada được thể hiện tuyệt vời, không chỉ bằng mắt, bằng tay hay khuôn mặt mà bằng tất cả cơ thể Holly Hunter. Cô trải mình ra với nhân vật, hóa thân vào nhân vật và diễn với một niềm say mê cao độ. Giải Oscar và giải Cannes năm 1994 được trao cho Holly Hunter ở hạng mục diễn viên xuất sắc nhất là hoàn toàn xứng đáng.
Những vai diễn khác trong phim, dù đóng vai phụ, cũng không hề bị mờ nhạt so với Holly Hunter. Anna Paquin, trong vai cô bé Flora – con gái Ada cũng thể hiện rất tốt vai diễn của mình. Có nhiều đất diễn trong phim, cô bé đã diễn tả rất đạt hình ảnh một cô gái nhỏ cá tính, độc đáo và thú vị.
Gương mặt xinh xắn, vừa ngây thơ vừa bướng bỉnh và đầy cá tính của Anna Paquin đã được cô bé tận dụng tối đa khi thể hiện vai diễn. Flora cũng là vai diễn đem lại cho Anna Paquin một tượng vàng Oscar quý giá với giải nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.
Harvey Keitel trong vai Baines cũng khá ấn tượng. Niềm đam mê bị kìm nén, khao khát chiếm trọn Ada từ tâm hồn đến thể xác của Baines được anh bộc lộ rất tốt. Những cảnh “nóng” nhất phim (cảnh Baines cởi quần áo, áp người vào từng phím đàn, cảnh anh nhìn cô chơi đàn: khao khát như muốn đổ ập vào cô, cảnh hai người làm tình…) đều được diễn rất tự nhiên và khéo léo.
Tạo hình và âm nhạc tuyệt vời
Khâu tạo hình của “The Piano” cũng rất tuyệt vời, chứng tỏ bàn tay của đạo diễn trau chuốt từng chút một. Từng bối cảnh của phim dường như được Jane Campion lựa chọn và dàn dựng rất kỹ càng, tạo nên không khí cho bộ phim. Khung cảnh nơi Ada sống với cha trước khi đi lấy chồng: ấm áp, khô ráo và tĩnh lặng được thể hiện bằng những thảm cỏ xanh mướt, bằng nắng và những rặng dương liễu. (Sự ấm áp và yên ắng – biểu trưng cho hạnh phúc này, sẽ được trở lại bằng một khung cảnh tương tự ở cuối phim, khi Ada và Baines sống với nhau trong hạnh phúc) Như một đối cực dữ dội, một sự báo trước những biến cố trong đời Ada, cô và con gái bị “ném” lên một chiếc thuyền chật cứng đồ đạc và người, chao đảo trên đại dương đầy sóng.
Bờ biển trải dài trong một màu xanh xám u ám đầy đe dọa được nối tiếp bằng từng ngôi nhà, từng triền dốc, từng gốc cây nhớp nháp bùn lầy. Màu sắc và hình dáng của những gốc cây, của bùn, của quần áo và gương mặt con người đều thể hiện một bầu không khí ẩm ướt, mục ruỗng của hòn đảo. Hòn đảo – nơi Ada và chồng sinh sống hiện lên như một chiếc lồng âm u và gò bó, một nơi sẽ hủy diệt tâm hồn nhạy cảm và say mê sự sống như Ada. (Không gian, bởi thế đã góp phần dự báo sự biến chuyển của cốt truyện.)
Khu rừng, nơi chồng Ada định chiếm đoạt cô là ví dụ rõ nhất cho mô hình “chiếc lồng” của bối cảnh (và cả cuộc sống) trên đảo. Máy quay như nấp sau những bụi dây leo quấn vào nhau chằng chịt mà phóng tầm mắt ra quan sát hai nhân vật đang quần thảo nhau. Chiếc váy của Ada (váy lồng) và những búi dây leo vương mắc chằng chịt, cùng bàn tay níu của chồng, như những chiếc khung, như một nhà tù muốn o ép trái tim khao khát tự do và hạnh phúc của Ada.
Trái lại, không gian trong nhà Baines lại được bố trí khá thoáng, như một điểm khác biệt, một đốm sáng duy nhất giữa bùn lầy, giữa những triền dốc thoải và khu rừng san sát cây. Đàn dương cầm và chiếc giường được đặt gần nhau, chỉ cách một tấm mành, cũng như tình yêu của Ada và Baines, vừa là sự hòa hợp tinh thần, vừa mang màu sắc nhục cảm.
Cách đánh sáng và tạo hình trong những cảnh làm tình trong phim cũng rất tuyệt vời: không làm đẹp theo kiểu lung linh hay tương phản sáng tối mà gần với những bức tranh khỏa thân thời Phục hưng. Ánh sáng được bố trí cực kỳ hợp lý, kết hợp với những đường cong gợi cảm hình thể của diễn viên, vừa tạo cảm giác phồn thực vừa mộng ảo tuyệt đẹp: gợi cảm nhưng không hề gợi dục.
Âm nhạc cũng là một yếu tố không thể bị bỏ quên khi nhắc đến “The Piano”. Ngay từ cái tên, bộ phim đã hé lộ chất liệu âm nhạc được sử dụng. Những âm giai phát ra từ chiếc dương cầm là một thứ ngôn ngữ điện ảnh quánh sệt chất tâm tình. Âm nhạc trở thành một loại ngôn ngữ, trở thành tiếng nói của Ada, là cách cô bày tỏ mình với thế giới. Những âm nốt được sử dụng trong phim thay đổi uyển chuyển từ những điệu nhẹ nhàng sâu lắng đến dữ dội, bung tỏa hay day diết, quyến luyến… khai thác đến những tầng cảm xúc khác nhau của nhân vật chính, đồng thời lay động cảm xúc khán giả.
Điều đặc biệt là, âm nhạc xuất hiện rất trúng, rất ý nghĩa chứ không hề bị thừa, bị loãng. Chỉ khi hình ảnh đã no đầy cảm giác hoặc nhân vật cần thiết phải “nói”, âm nhạc mới cất lên, như một nốt ngân dài của hình ảnh. Mặt khác, dù Michael Nyman sử dụng nhạc từ dương cầm – nhạc cụ thường được hình dung là sang trọng và cao cấp nhất – nhưng những giai điệu của nó, khi được gắn vào phim, thật ngạc nhiên, lại cực kỳ gần gũi và dễ nắm bắt.
Photo (s) by: http://www.eoigoyainglesfilmclub.wordpress….-martin/
http://www.fernandascorner.blogspot.com/200…ver.html
http://www.scene-stealers.com/top-10/jd…ch-once/
http://www.deeperintomovies.net/journal/arc…ves/1907
www.flixster.com/photos/anna-paq…10927889
http://www.film.virtual-history.com/pic.php…d%3D5556
(Còn tiếp)
ghét tệ cái kết! sến!
Minh said this on May 26, 2010 at 11:59 pm