Dương cầm (Part 2)

By Đức Độ

Cách đạo diễn Jane Campion áp dụng sáng tạo những cổ mẫu từ truyện cổ tích, kiến tạo những liên văn bản trong “The Piano” cũng tạo nên nét hấp dẫn đặc biệt cho bộ phim.

Motif thiên thần

Cô bé Flora được xây dựng như một nhân vật đầy cá tính, sống động và tinh tế. Cô bé mang trong mình những nét tính cách vừa trẻ con, ngây thơ và bồng bột vừa có sự mạnh mẽ, bứt phá và tự chủ. Nhân vật này tham gia vào việc xây dựng và thúc đẩy mạch truyện phát triển rất rõ ràng. Từ chỗ đồng hành, là bạn tri âm, là tiếng nói của mẹ, cô bé trở thành một vật cản, một người chống đối, phản kháng lại mẹ, cả hai giai đoạn, cá tính của cô bé đều được khắc họa rất rõ nét.

Điều đặc biệt là, đạo diễn đã xây dựng hình ảnh cô bé mang dáng dấp của một thiên thần. Khuôn mặt xinh đẹp với đôi mắt trong trẻo và cách đi đứng, ăn nói vừa đĩnh đạc như một tiểu thư của diễn viên Anna Paquin đã khiến nhân vật Flora chinh phục được đôi mắt và trái tim khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ở phần đầu, khi là bạn đồng hành, là cầu nối của mẹ với thế giới, cô bé là hiện thân của một thiên thần, một tấm “bùa hộ mệnh” bênh vực và bảo vệ mẹ. Cô bé gần như một bản sao hoàn hảo, một sự kết tinh của mẹ Ada, từ ngoại hình đến tâm hồn.

Cũng như mẹ, cô bé phản ứng rất dữ dội khi chiếc dương cầm – bảo bối của hai mẹ con bị vứt lại bên bờ biển; cũng say mê chìm vào những âm giai tưởng tượng phát ra từ chiếc bàn bếp và hát say mê; cũng hân hoan nhảy múa khi được trở ra bờ biển nghe mẹ chơi đàn… Cô bé cũng là người truyền tin, người nói hộ, bộc lộ cảm xúc cùng mẹ, trong mọi trường hợp. Thiên thần Flora dường như là cầu nối duy nhất của Ada với thế giới.

Nhưng thiên thần nhỏ bé, khi bị gạt bỏ, lại “đáng sợ” và khó lường hơn bao giờ hết. Flora, sau buổi diễn kịch ở nhà thờ, khoác lên mình đôi cánh thiên thần. Có điểu, thiên thần bé nhỏ ấy không còn hộ mệnh cho Ada nữa. Phát hiện ra mối tình của mẹ và người hàng xóm Baines, cô bé đã trở thành một đối trọng của mẹ với cách thể hiện sự phản kháng rõ ràng và mãnh liệt. Thiên thần, khi này có những suy nghĩ, quan điểm riêng, và thay vì ủng hộ mẹ, cô bé hành động và suy nghĩ theo ý mình.

Thiên thần Flora lúc này vẫn là người truyền tin, nhưng không phải truyền tiếng nói của mẹ đến thế giới, mà là kẻ “mách lẻo”. Chính cô bé đã tiết lộ chuyện yêu đương của mẹ và người hàng xóm cho bố dượng biết. Và, cũng chính thiên thần đưa tin ấy, đã truyền tin nhầm chỗ. Chiếc phím piano khắc lời tỏ tình của mẹ, thay vì được đưa tới tay người hàng xóm, đã được thiên thần nhỏ bé trao sai chỗ: Flora chạy như bay tới đưa cho bố dượng vì cho rằng “việc này là sai trái”. Chính sự sai lầm này của thiên thần, mẹ cô bé đã bị chặt mất một ngón tay. Hình ảnh cô bé xinh xắn, theo lời bố dượng, cầm ngón tay của mẹ tới trao cho người hàng xóm, ngồi bệt xuống sàn khóc nức nở, rất ấn tượng và giàu tính biểu trưng. Thiên thần – người đưa tin, người đại diện cho cái thiện, cái đúng đắn (theo quan điểm của cô bé)  nỗ lực để bảo vệ mẹ, để mang đến hạnh phúc cho mẹ, hóa ra lại hoàn toàn bất lực. Và một cảnh rất ngắn nối tiếp sau đó, cảnh Ada cầm đôi cánh thiên thần thả trôi xuống nước, đã lý giải thêm về motif “thiên thần gãy cánh”. Biểu tượng thiên thần được thể hiện trong “The Piano”, hết sức cụ thể nhưng vẫn đậm đặc chất trữ tình.

Motif người đàn ông bất lực và chiếc rìu trừng phạt

Một nhân vật khác, nhân vật ông chồng Alistair cũng được xây dựng bằng một motif quen thuộc trong truyện cổ tích châu Âu. Đạo diễn khéo léo lồng vào buổi diễn kịch ở nhà thờ cả hai motif: thiên thần và quỷ râu xanh, như một hình chiếu của hai nhân vật cô bé con và người chồng, khiến câu chuyện phim được mở rộng biên độ, trữ tình và sâu sắc hơn. Có một tích truyện cổ châu Âu kể rằng, quỷ râu xanh – một “người đàn ông” giàu có nhưng không có năng lực tình dục – có một cô vợ trẻ xinh đẹp. Một lần hắn ra ngoài, đưa cho vợ một chùm chìa khóa và dặn vợ có thể mở bất cứ cánh cửa nào, trừ tầng hầm. Cô vợ tò mò, trái lời chồng dặn, mở cánh cửa tầng hầm và phát hiện xác của những bà vợ trước. Đúng lúc quỷ râu xanh trở về, hắn tức giận vung rìu chém chết nàng ta.

Câu chuyện cổ này được lồng vào bộ phim  như một liên văn bản, qua đó, Jane Campion đã gieo vào câu chuyện phim hai chi tiết: sự bất lực tình dục và chiếc rìu trừng phạt. Người chồng mới của Ada, như ta biết, từ khi gặp nàng, ông ta luôn lảng tránh chuyện quan hệ nam nữ. (Hai mẹ con Ada ngủ ở phòng riêng, Alistair chỉ vào chào hỏi, chúc hai mẹ con ngủ ngon rồi đi ra.) Người đàn ông này dường như không hề có khao khát tình dục trước vợ. Mặt khác, anh ta không hiểu và chia sẻ được tâm hồn của vợ, thậm chí còn coi cô như người điên. Niềm đam mê duy nhất của ông chỉ là đất đai. Cả thể xác lẫn tâm hồn, Alistair đều không thỏa mãn, không làm đầy được Ada.

Bởi thế, việc anh ta nghệt mặt ra khi chứng kiến cảnh vợ mình ngoại tình không quá khó hiểu. Ngay cả khi Ada tỏ ra hối lỗi, vào phòng vuốt ve, khêu gợi chồng, bản năng đàn ông trong anh cũng không thể trỗi dậy. Anh ta co rúm người lại, luốn cuống kéo lại quần áo: hành động ấy đã “tố cáo”, thêm một lần nữa, sự bất lực tình dục của anh ta. Tuy vậy, cảnh Ada và người tình gần gũi nhau cũng phần nào đánh thức bản năng tình dục và bản năng sở hữu của Alistair. Sự ghen tuông, quyết liệt chứng tỏ chất đàn ông và chứng tỏ sở hữu khiến anh mãnh liệt như một con thú bị thương, túm lấy Ada như muốn cưỡng hiếp cô ngay trong rừng. và trong cơn ghen tuông đến mức điên cuồng, Alistair vung rìu chặt đứt ngón tay vợ, như một sự trừng phạt.

Niềm kiêu hãnh và sự mãnh liệt trong hai tính cách va chạm nhau, xung đột nhau tới ngưỡng đỉnh điểm, căng nhức như thể không thể giải quyết. Nhưng sự mạnh mẽ bạo liệt của người đàn ông đã phải chùn bước trước sự mạnh mẽ ẩn kín của người đàn bà, và khác với truyện cổ tích, người vợ trẻ đã có được hạnh phúc (được trả giá bằng một ngón tay và sự cao thượng của người chồng).

Cái kết của phim, rất nữ tính và cũng mang hơi hướng cổ tích: “công chúa” Ada, cuối cùng cũng tìm được “hoàng tử” của cuộc đời mình và họ sống hạnh phúc mãi mãi về sau…

Photo (s) by: http://www.eoigoyainglesfilmclub.wordpress….-martin/

http://www.fernandascorner.blogspot.com/200…ver.html

http://www.scene-stealers.com/top-10/jd…ch-once/

http://www.deeperintomovies.net/journal/arc…ves/1907

www.flixster.com/photos/anna-paq…10927889

www.listal.com/list/poster

http://www.film.virtual-history.com/pic.php…d%3D5556

~ by huyentrangtran on April 27, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: