Quỳnh Hà và dự án HNEYA (P1)

by Quí Hà

“Mình quyết định theo học chương trình sản xuất phim đơn giản vì mình thích tất cả những công việc của một nhà sản xuất hay nói đúng ra là mình thích tham gia vào mọi quá trình làm phim. Mình có nhiều câu chuyện muốn kể và mình thích làm việc với người khác để phát triển những câu chuyện đó.” Đây là lời tâm sự của Quỳnh Hà, người đã gắn bó với dự án điện ảnh hơn ba năm và hiện tại sắp tốt nghiệp chương trình Peter Stark Producing tại trường đại học danh tiếng USC. Mời các bạn cùng tìm hiểu công việc của một nhà sản xuất qua lời trò chuyện của Quỳnh Hà về việc học sản xuất và dự án chị thành lập và đang phát triển, Hà Nội, Em yêu anh.

TVOL: Chào Quỳnh Hà, được biết bạn đang theo học chương trình sản xuất phim tại USC, bạn có thể giới thiệu qua về chương trình học của mình?

Quỳnh Hà: Mình đang học Bằng thạc sĩ mỹ thuật, chương trình Peter Stark Producing, đào tạo sản xuất phim (cả điện ảnh và truyền hình). Chương trình học của mình chỉ có 2 năm và tất cả các môn học là cố định, khác với các bạn học Làm phim (Production) được chọn học chuyên sâu vào lĩnh vực mà mình thích. Mỗi năm chương trình nhận 25 sinh viên và bọn mình học chung với nhau trong hầu như tất cả các lớp học, ngày nào cũng gặp nhau nên mọi người khá thân thiết và gẫn gũi với nhau, chẳng may mà có ghét ai thì đúng là khổ lắm. Mục đích của chương trình, ngoài việc cung cấp những kiến thức chuyên môn là xây dựng một cộng đồng, một mạng lưới những người cùng học Peter Stark để sau khi tốt nghiệp có thể giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như mọi vấn đề khác khi cần thiết. Mình học các môn như Làm phim, Phân tích kịch bản, Viết kịch bản…  Bọn mình cũng được trang bị những kỹ năng thực tế hơn như lập dự trù kinh phí phim, lên lịch quay, lên kế hoạch sản xuất tổng, lên kế hoạch marketing và phân phối, phát hành phim. Toàn bộ chương trình được xây dựng chủ yếu cho lĩnh vực phim điện ảnh. Ngoài ra, bọn mình cũng học hai kì về sản xuất truyền hình, rồi sản xuất phim tài liệu, phim hoạt hình, phim độc lập, phương tiện truyền thông – lớp học mà cả lớp chỉ ngồi nói chuyện về ipad và games. Bọn mình cũng được học về khía cạnh kinh tế của việc sản xuất phim, làm thế nào để tính toán lợi nhuận, thiệt hại của một bộ phim, học về các vấn đề và giấy tờ pháp lý có liên quan. Đến năm thứ hai thì bọn mình học sâu hơn, kỹ hơn về các hướng tìm kinh phí làm phim như làm việc với các hãng phim hay tìm kinh phí độc lập. Như đã nói ở trên, một mục đích quan trọng của chương trình là xây dựng một cộng đồng, cung cấp cho sinh viên các mối liên hệ với nền công nghiệp điện ảnh nên phải đến 50% thời lượng các môn học ở đây được dành cho việc trao đổi với khách mời, là những người đang trực tiếp làm việc trong ngành.

TVOL: Một ngày học của Hà diễn ra như thế nào?

Năm thứ nhất bọn mình học khá nhiều: cả sáng, cả chiều và tối rồi phải thường xuyên ở dưới phòng dựng phim tới khi phòng dựng đóng cửa là 12h đêm. Trước kia có những bạn học bên Làm phim tới giờ phòng đựng dóng cửa mà máy tính đang render file hoặc nhiều việc quá còn trốn ngủ lại qua đêm để làm cho xong. Đến năm thứ hai thì các lớp học của bọn mình chủ yếu toàn vào buổi tối từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 và rất ít khi có lớp học ở trường mà thường là ở nhà thầy giáo hoặc ở công ty, hãng phim mà các thầy cô làm việc vì mục đích của chương trình là để thời gian ban ngày cho sinh viên đi thực tập. Riêng trong ngành điện ảnh ở bên này thì việc đi thực tập (không lương) là rất quan trọng vì nó giúp bạn làm quen với môi trường làm việc cũng như gây dựng mối quan hệ.

Hiện tại mình không đi thực tập như các bạn người Mỹ ở đây vì nhiều lý do nên ban ngày mình chỉ ở nhà ôm máy tính làm việc thôi. Mình làm bài tập, viết kịch bản, điều hành dự án HNEYA, mình còn tham gia tổ chức Tiệc phim Yxine và đang cùng anh Nhật Linh sản xuất phim tốt nghiệp của một bạn sinh viên người Mỹ sắp quay ở Sài Gòn vào tháng 7 tới này. Hồi còn học các môn sản xuất thì cuối tuần nào bọn mình cũng đi quay phim, quay hết phim của mình thì giúp bạn bè cùng lớp.

TVOL: Trong các môn học, môn nào bạn cảm thấy yêu thích?

Quỳnh Hà: Mình rất thích các môn học về kịch bản: Phân tích kịch bản dành cho nhà sản xuất, Phát triển kịch bản và Viết kịch bản. Viết kịch bản là một trong những môn học ưa thích nhất của mình trong kỳ học vừa rồi chỉ trừ một việc là mình phải đi xe buýt mất 2 tiếng đồng hồ mới tới được nhà thầy giáo. Bọn mình chia nhỏ lớp thành 3 nhóm và học kiểu workshop – thực hành và trao đổi. Mỗi tuần, bọn mình phải viết ít nhất là 7 trang kịch bản rồi gửi cho thầy giáo và các bạn đọc trước giờ học. Khi lên lớp, cả nhóm sẽ lần lượt đưa ra ý kiến và gợi ý để hoàn thiện kịch bản. Nhờ có lớp học này mà mình đã viết được một kịch bản phim truyện đầu tiên dài 110 trang. Mình cũng học được rất nhiều về cách làm việc với biên kịch.

Một môn học nữa mình cũng rất thích là Truyền hình. Trong hai kì học môn học này, bọn mình phải phát triển một số ý tưởng phim hoặc show truyền hình và pitch dự án đó cho các bạn cùng lớp, rồi cho giáo viên và khách mời là những người đang làm việc trong lĩnh vực truyền hình ở Hollywood. Bọn mình phải hoàn thiện câu chuyện, chọn diễn viên, xác định sẽ mang dự án đó đi pitch ở đài truyền hình nào… về cơ bản là làm một bài thuyết trình dự án. Bọn mình cũng phải làm leave-behind, tạm dịch là tài liệu thuyết trình để lại cho giám khảo sau khi thuyết trình thật cẩn thận, trong một dự án, mình còn quay một đoạn clip ngắn để minh họa cho show truyền hình mà mình phát triển nữa.

Môn học mà mình thấy hấp dẫn nhất có lẽ là môn Negotiation Game – Trò chơi thương lượng mà bọn mình đang tham gia. Gọi là môn học nhưng nó như một trò chơi, trong đó các giáo viên – là những sinh viên khóa trước, nhưng người đạt kết quả cao nhất trong trò chơi này các năm học trước, sẽ giao cho từng sinh viên một vai trò: nhà sản xuất, người quản lý – agent và chủ hãng phim. Bọn mình sẽ được giao cho một danh sách các bộ phim với yêu cầu về kinh phí, diễn viên và đạo diễn. Sau đó nhà sản xuất phải thương lượng với agent để tìm diễn viên, đạo diễn cho phim, thỏa thuận về lương, hợp đồng của họ. Sau khi đã có dự án hoàn chỉnh, nhà sản xuất phải mang dự án đến mời chào các hãng phim. Cuối mỗi ngày, các giáo viên sẽ viết một tờ báo của trò chơi, công bố các bộ phim được làm, công bố lợi nhuận hay thua lỗ mà bộ phim thu được, cũng như các nhà sản xuất hay agent nào làm việc có hiệu quả, thu được nhiều tiền… Tóm lại bọn mình phải trao đổi, thương lượng với nhau 24/24 trong vòng 2 tuần liền và cuối cùng, ai kiếm được nhiều “tiền” nhất sẽ là người chiến thắng. Trò chơi này khá mệt nhưng cũng rất thú vị và bọn mình học được rất nhiều về kỹ năng thương lượng.

TVOL: Thế còn môn học nào bạn nghĩ thiết thực nhất đối với chương trình của dự án điện ảnh hiện đang đào tạo hai lớp Lý luận và Biên kịch mà Hà đã gắn bó hơn ba năm qua?

Quỳnh Hà: Môn Phân tích kịch bản và Phát triển kịch bản. Môn học này trang bị kiến thức và kỹ năng đánh giá được một kịch bản hay ở chỗ nào, dở ở chỗ nào, và quan trọng hơn nữa là học cách đưa ra những gợi ý, giải pháp khắc phục những điểm yếu và giúp cho kịch bản hoàn thiện hơn. Một điều quan trọng nhất mà mình học được từ hai môn này là cách nhận xét, góp ý về kịch bản với biên kịch: lúc nào cũng phải bắt đầu bằng một điểm tích cực rồi bắt đầu mới “nhưng…” và lúc nào cũng phải đưa ra ít nhất là 1 gợi ý để sửa chữa những điểm mình chưa hài lòng. Nếu bạn chỉ đơn giản nhận xét kiểu “Tôi thấy chỗ này dở quá” mà không chỉ cho người ta thấy vì sao nó dở và gợi ý làm thế nào để hết dở thì sẽ không ai chịu lắng nghe nhận xét của bạn hết. Đây là môn học mà mình cũng đã đề nghị với Dean để giới thiệu ở Dự án Điện ảnh nhưng do điều kiện chưa thuận lợi nên kế hoạch này chưa được thực hiện. Mình cũng hi vọng trong tương lai có thể tham
gia thiết kế xây dựng môn học này ở Việt Nam.

TVOL: Bản thân Hà thấy môn Phân tích kịch bản và Phát triển kịch bản có ý nghĩa như thế nào đối với nhà sản xuất?

Quỳnh Hà: Một kỹ năng quan trọng nhất của một nhà sản xuất phim mà mình thấy mình học được ở đây là kỹ năng phân tích điểm đạt và chưa đạt của một kịch bản, một câu chuyện hay chỉ là một ý tưởng để từ đó có những quyết định đúng đắn trong việc chọn lựa dự án để phát triển cũng như có những hướng sửa chữa để làm cho kịch bản hoàn thiện nhất. Kỹ năng này bọn mình được học từ lớp Phân tích kịch bản cho nhà sản xuất và lớp Phát triển kịch bản. Đây là một môn học rất hữu ích và cần thiết cho không chỉ Nhà sản xuất mà cả biên kịch, đạo diễn. Sau khi học hai môn học này, mình thấy viết kịch bản dễ dàng hơn rất nhiều, mình biết câu chuyện của mình phải có những gì, phải đi đến đâu, biết phải có những giây phút như thế nào để làm thỏa mãn khán giả. Trong hai môn học này, bọn mình phải đọc rất nhiều kịch bản, cả hay cả dở, từ đó rút ra được rất nhiều kinh nghiệm quý báu.

TVOL: Ngoài việc viết kịch bản, phân tích kịch bản thì kỹ năng nào Hà thường xuyên được thực hành ở lớp nữa?

Quỳnh Hà: Trong suốt 2 năm học, bọn mình phải thường xuyên thực hành pitch – tạm dịch là chào hàng các ý tưởng, dự án của bọn mình, trước hết là cho bạn cùng lớp, sau là cho các thầy cô giáo, rồi các khách mời. Mới đầu thì ai cũng ngại ngùng, có người lại hăng say quá, thao thao bất tuyệt đến cả 20 phút nhưng nội dung thì rối rắm không ai theo dõi được. Việc này một phần cũng giống như các bạn biên kịch tập tóm tắt kịch bản trong vòng một câu, xác định story concept, mục tiêu của nhân vật chính, mâu thuẫn, cách giải quyết … Ngoài ra, một yếu tố vô cùng quan trọng là lòng nhiệt thành của người chào hàng. Nếu bạn thực sự “yêu” kịch bản, dự án của mình thì tình yêu của bạn phải được bộc lộ trong lời chào hàng bởi vì nó sẽ giúp thu hút sự chú ý của người nghe.

TVOL: Nhiều học viên của dự án điện ảnh muốn trở thành nhà sản xuất. Thế nhưng các bạn ấy lại cảm thấy chưa tự tin và băn khoăn vì các bạn chỉ học hoặc biên kịch hoặc lý luận và không biết học sản xuất như thế nào vì chưa có chương trình dạy sản xuất chính quy ở Việt Nam. Hà có thể miêu tả qua công việc của nhà sản xuất và những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng đối với vị trí này?

Quỳnh Hà: Nhà sản xuất phải làm mọi việc, từ A đến Z. Trước hết nhà sản xuất phải biết đánh giá một tác phẩm nói chung hay một kịch bản nói riêng. Mình nói tác phẩm ở đây có thể hiểu là một cuốn sách hay để chuyển thể, một bài báo thú vị, một mẩu tin có một không hai trên báo … tất cả những gì có thể phát triển thành kịch bản. Sau đó nhà sản xuất phải biết cách làm việc với biên kịch sao cho có thể khuyến khích biên kịch phát huy hết mức sự sáng tạo của họ để viết nên một kịch bản thật tốt và đưa cho họ những nhận xét, góp ý thật xác thực và hiệu quả, để làm cho kịch bản ngày một hoàn thiện hơn.Việc tiếp theo là nhà sản xuất phải tập hợp tất cả các thành viên còn lại của đoàn làm phim từ đạo diễn đến người phục vụ đồ ăn. Nhà sản xuất phải tìm những người hợp nhất với bộ phim của mình, ví dụ như tìm đạo diễn cho một phim hành động thì tìm anh Charlie Nguyễn chứ không tìm chú Đặng Nhật Minh, tìm những người có tâm huyết với kịch bản và có cùng một hình dung về bộ phim. Nếu là nhà sản xuất độc lập thì một việc khó khăn nhất là phải tìm được tiền làm phim. Nhà sản xuất có thể mang phim tới cho một hãng phim, hay tự đi xin tiền từ bất cứ nguồn tài trợ nào có thể. Trong quá trình sản xuất tiền kì thì nhà sản xuất sẽ tham gia vào tất cả các khâu, từ tìm bối cảnh đến casting rồi thiết kế sản xuất. Trong giai đoạn này nhà sản xuất cũng phải lên kế hoạch sản xuất cho phim, làm dự trù kinh phí, lên lịch quay. Bước vào giai đoạn quay phim, nhà sản xuất phải thường xuyên có mặt trên hiện trường để giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh trên hiện trường quay như tranh cãi giữa đạo diễn và DP, giữa diễn viên và đạo diễn…Sau khi phim quay xong, nhà sản xuất tiếp tục tham gia tổ chức sản xuất hậu kì cũng như nhận xét, góp ý về các bản dựng cho đạo diễn và người dựng phim. Nhà sản xuất cũng cùng tham gia cả vào việc dựng âm thanh cũng như làm nhạc cho phim giống như trên. Ngoài ra, nhà sản xuất còn phải lên kế hoạch marketing, phát hành và trình chiếu phim, bao gồm cả việc đưa phim đi hiên hoan phim.
Các bạn có thể thấy là nhà sản xuất phải tham gia vào mọi công việc trong quy trình sản xuất phim, cũng như làm việc với tất cả mọi người trong đoàn làm phim vì thế phải biết việc của tất cả mọi người thì mới làm việc một cách tốt nhất được. Cũng vì thế mà nhà sản xuất phải giao tiếp tốt, giỏi thuyết phục, biết cách thương lượng và phải cực kì năng động, nhanh nhạy trong mọi công việc. Ngoài ra, nhà sản xuất còn phải giỏi tổ chức, sắp xếp công việc nữa. Và đối với mình, điều quan trọng nhất cho bất cứ nghề nào cũng vậy là bạn phải đam mê việc mình làm. Nếu có tình yêu và lòng nhiệt tình, bạn sẽ
làm được tất cả và khi làm việc mình yêu thích, bạn sẽ không thấy chán nản hay mệt mỏi nữa.

TVOL: Sản xuất phim ở Việt Nam có thể nói còn hẳn một “mảnh đất trống”, với Hà đấy là thuận hơn hay khó khăn?

Quỳnh Hà: Mình thấy đó vừa là một thuận lợi, vừa là một khó khăn. Thuận lợi vì mình sẽ ít cạnh tranh, hi vọng sẽ có nhiều người cần mình. Khó khăn là vì có nhiều người chưa biết công việc của nhà sản xuất là những gì nên khi làm việc chung có thể sẽ khó hợp tác hoặc công sức lao động của mình bỏ ra không được đánh giá đúng.

TVOL: Cảm ơn cuộc trò chuyện rất thú vị của Hà về việc học sản xuất. Và cuộc nói chuyện này sẽ chưa thể dừng lại ở đây khi mà Hà chưa chia sẻ về dự án Hà Nội, Em yêu anh của mình. Nhưng, đấy lại là chủ đề cho entry sau. Nếu muốn gặp lại Quỳnh Hà, các bạn đón đọc phần 2 nhé ;)

Photo: Quỳnh Hà

~ by Qui Ha Nguyen on April 24, 2010.

8 Responses to “Quỳnh Hà và dự án HNEYA (P1)”

  1. Thanks chị. Dường như mọi người cũng đang làm cùng mô hình như thế ở FSP. But the atmosphere is not that up…

  2. Thanks chị Quỳnh Hà và chị Quý Hà nha (toàn Hà) :)) :)) Các thông tin vô cùng hữu ích. Em cũng thích học sản xuất giống chị Quỳnh Hà lắm mà chưa có cơ hội :(( :((

  3. Thanks hai chị Hà (nhị Hà) nhé! Bài pv rất nhiều thông tin thú vị, đúng là học như thế thì mới làm việc chuyên nghiệp được chứ!:|

  4. Có khi K5 phải đổi tên thành Hà mất. Dự án này cố 3 chị Hà vi vu trời tây rồi.

  5. chà, đúng là đọc xong thấy vỡ vạc ra nhiều, thanks 2 chị ạ!
    em muốn làm nhiều việc lắm, đạo diễn, sản xuất phim, phát hành phim :d nhưng với khối lượng công việc thế này, chấc là chỉ có thể chọn 1, và sức mình bây giờ quả là chưa thể kham nổi và chưa có cơ hội :((((
    hi vọng trong tương lai, bọn em sẽ đủ “mạnh” để tiến bước như các chị Hà :P hì hì

  6. Chị Quý Hà ơi, giáo trình (hoặc tại liệu nào đó tương tự) môn Phân tích và phát triển kịch bản hiện tại có ở VN ko ạ, nếu ko thì bọn em có thể tìm ở đâu chị?

  7. Oh, em viết thiếu tên 1 chị Hà rùi, em muốn hỏi cả chị Quỳnh Hà nữa ạ!

  8. Xin lỗi vì chị reply hơi muộn. Không biết em có học ở dự án điện ảnh trường Nhân văn hay ko? Nếu có thì trong hay tập tài liệu tổng hợp về biên kịch cung cấp rất nhiều thông tin về phân tích và cách viết kịch bản đã được dịch và hiệu đính khá tốt. Ngoài ra, em có thể tìm trong thư viện dự án những sách tiếng anh về việc viết kb như how to teach yourself screenwriting, creating unforgettable characters… các tên sách này để chị check lại cho đúng tên đã nhé vì chị chỉ viết lại theo trí nhớ. Em sẽ tìm thấy những thông tin, tiêu chí về việc đánh giá và phân tích kịch bản.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: