Câu chuyện nhỏ, tầm vóc lớn
By Đức Độ & Trần Trang
“Turtles can fly” – một bộ phim giản dị của đạo diễn Iran: Bahman Ghobadi đã giành được tới 12 giải thưởng lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế danh giá như giải Đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim quốc tế Chicago 2004, giải Gấu thủy tinh dành cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2005, giải Cá heo vàng tại Liên hoan phim quốc tế Festróia – Tróia năm 2005, giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim San Sebastian năm 2005, giải do khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam 2005…
Câu chuyện phim “Turtles can fly” rất giản dị và gần như không có cốt truyện, nhưng đó là một câu chuyện rất khó kể. Một tuần trước khi Mỹ tấn công Iraq, Vệ tinh – một cậu bé chuyên lắp thiết bị thu sóng truyền hình vệ tinh tới một ngôi làng người Kurd ở biên giới Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, cậu bé đã tập hợp đám trẻ con trong làng, hướng dẫn chúng thu gom bom mìn để đem bán.
“Đối thủ” của Vệ tinh – một cậu bé bị cụt cả hai tay có khả năng tiên tri – trớ trêu thay, lại là anh trai của Argin – một cô bé xinh đẹp mà Vệ tinh say mê ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hai anh em mồ côi Hengov và Argin sống cùng cậu bé mù Riga – người cả làng nghĩ là em trai út trong gia đình. Đến khi bộ phim gần kết thúc, khán giả mới biết, Riga thực ra là kết quả của việc Argin bị đám lính Mỹ hiếp dâm tập thể…
Để kể câu chuyện nhỏ nhắn, nhiều ẩn khuất ấy, đạo diễn của “Turtles can fly” đã khiến bộ phim đặc biệt hấp dẫn bởi cách xây dựng nhân vật: phức tạp và đầy mâu thuẫn. Bahman Ghobadi đã lựa chọn cho hầu hết nhân vật của mình một độ tuổi “ẩm ương”: khoảng 13 – 16 tuổi, độ tuổi chứa đựng hết thảy những vấn đề của cả hai thế giới, hai trạng thái trẻ con và người lớn. Khán giả sẽ không thể quên một Vệ tinh (do Soran Ebrahim đóng) vừa có tư chất lãnh đạo: bướng bỉnh, cương nghị, dũng cảm vừa có tư chất của người tình: lãng mạn, đam mê, bồng bột; một Argin (do Avaz Latif thủ vai) với gương mặt xinh đẹp nửa kiêu kỳ như thiếu nữ, nửa cằn cỗi như một bà già hay Hengov (do Hiresh Faysal Rahman đóng) cụt cả hai tay vừa lầm lì như thể bị đọa đày xuống thế gian, vừa nồng ấm và giàu tình cảm.
Các nhân vật “của” Bahman Ghobadi nhìn thế giới bằng cả hai con mắt: một ngây thơ, không thiên kiến, không vụ lợi của trẻ thơ và một đau đớn, mỏi mệt của người lớn.
Một vài tranh luận về tư tưởng của “Turtles can fly” cho rằng đạo diễn thể hiện tư tưởng thân Mỹ (qua nhân vật Vệ tinh, hình ảnh thất bại của Saddam Hussen và hình ảnh người dân lên đồi đón chào những chiếc máy bay Mỹ…). Tuy thế, theo người viết, bộ phim tuyệt vời này của Bahman Ghobadi không đứng về phía nào trong hai phe. Cũng như những nhân vật của mình, ông đứng giữa những lằn ranh mà ca hát lên một khúc bi thương về những phận người bị chiến tranh chà nát theo những kiểu khác nhau. Đạo diễn – nhà biên kịch này đứng về phe nước mắt, về phía những con người bé nhỏ, bình thường. Không gây chiến hay phản chiến, họ chỉ giản đơn chịu đựng chiến tranh, tự vệ và tựa vào tâm hồn mạnh mẽ của chính mình để sống tiếp.
Cách thể hiện câu chuyện của đạo diễn hết sức giản dị và khéo léo, tất cả đều vừa đủ và tiết chế. Trong suốt bộ phim dài 93 phút này, đạo diễn rất hạn chế sử dụng những cảnh bom đạn, máu lửa có tính chất hoàng tráng. Những nhân vật của “Turtles can fly” bị Bahman Ghobadi ném vào bờ vực của những lằn ranh (vùng tị nạn ở biên giới Iraq – Thổ Nhĩ Kỳ, lằn ranh của chiến tranh, của sự sống và cái chết, lằn ranh của sự chọn lựa những tư tưởng…) và sống – cũng như chết trong những đường viền mỏng manh ấy. Chiến tranh được tái hiện, rất đơn giản nhưng ám ảnh qua hình ảnh những con người bị khiếm khuyết cơ thể, qua những túp lều trắng lúp xúp dưới chân đồi như những nấm mồ, qua dòng nước đục lờ không chấp nhận sự tồn tại của bất kỳ sinh vật nào, qua những gùi bom nặng trĩu bọn trẻ nhặt hàng ngày…
Cảm xúc của nhân vật, đặc biệt là Argin, cũng không được đẩy lên cao trào đến mức bục vỡ. Trừ một vài lần họ khóc, kêu gào (vì đau đớn, vì choáng váng và bất lực), nhân vật trong “Turtles can fly” gần như không bao giờ bộc lộ cảm xúc đến mức quá đà. Những nỗi đau, niềm lo lắng, sự bất hạnh như lặn ngược vào trong từng đôi mắt, gương mặt, từng cử chỉ, thậm chí từng thời khắc lặng im của nhân vật. Dầu vậy, chính bởi sự tiết chế cảm xúc này và diễn xuất tuyệt vời của các diễn viên, cảm xúc khán giả lại được khêu gợi và nhen nhóm…
Photo(s) by http://www.guardian.co.uk/filmblog…-fiction; http://www.egyptz.net/vb/t6799-3GZ.html; http://www.filmposteroriginals.com
Mình nghĩ điều làm bộ phim này thành công với người xem là độ chân thật cao. Những đề tài kiểu này thường hay bị cường điệu hoá để tăng kịch tính. Nhưng bộ phim này, như bạn nói, có một cách kể chuyện rất giản dị. Đúng là con người ném vào hoàn cảnh nào cũng có thể tự điều chỉnh thích nghi để sinh tồn. Ngay cả ở nơi biên giới tranh chấp, cái chết luôn đe dọa từng giây từng phút thì cậu bé Vệ tinh còn tạo “công ăn việc làm” cho bọn trẻ con. Những cảnh tượng làm ngay cả người lớn chúng ta xót xa, rùng mình thì đã trở nên quá quen thuộc, cơm bữa với lũ trẻ con sống ở đây: bom, đạn, mìn, những người què chân cụt tay, v.v. Cảm giác như giữa hỗn loạn chiến tranh, Vệ tinh và những đứa trẻ con dò mìn coi những việc này là bình thường như việc đến trường hay bao việc khác. Sự biến chuyển để thích nghi tình thế này có lẽ được ẩn du với hình ảnh “rùa bay” ở tiêu đề bộ phim. Cảnh cuối cùng là một trong các cảnh xúc động nhất, khi trong ánh mắt của Vệ tinh không còn sự hồn nhiên lanh lợi, khuôn mặt cậu khắc khổ và già đị và chân thì què. Dù khôn khéo bao nhiêu, cậu cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy chiến tranh. Đau lòng biết bao khi trẻ con là nạn nhân!!!!!
Diễn xuất của dàn diễn viên quá tuyệt vời. Mình thích phim này hơn Slumdog millionnaire.
Frankie Luu said this on April 21, 2010 at 11:41 pm
please use shorter titles … this film has a sensational element that must be respected, but you have done a good job of connecting other sources and opening the conversation … maybe part two would illuminate aspects that we have considered but not yet spoken …
maximumeskimo said this on April 22, 2010 at 12:11 am
Thank you very much, Mr. Wilson. Next time, we’ll write more about that wonderful film, especially about it’s symbolism.
huyentrangtran said this on April 22, 2010 at 4:01 pm
you can call me dean … and you need real photo credits … looking forward to part two, and substantial contributions from mr do ;-D
maximumeskimo said this on April 24, 2010 at 11:06 pm