Con Người và Lịch Sử (P.2)
by Dạ Vũ
Đối tượng phản ánh của mỗi bộ phim sẽ tác động đến cách thể hiện lịch sử, nhất là chiến tranh ở bộ phim đó.
Trong những bộ phim đã kể trên, con người và lịch sử là hai yêu tố gắn bó chặt chẽ, có tác động qua lại và không thể tách rời nhau. Lịch sử được phản ánh qua con mắt và suy nghĩ của con người sẽ mang một màu sắc phong phú hơn bản thân những sự kiện khô khan. Do đó trong mỗi bộ phim người xem lại thấy lịch sử được phản chiếu theo một cách riêng với sự tìm tòi thể hiện của người đạo diễn.
Phương pháp thể hiện lịch sử trong các phim
Có nhiều đạo diễn chọn cách thể hiện lịch sử chiến tranh một cách trực tiếp, dữ dội gây ấn tượng mạnh thậm chí gây sốc cho khán giả. Đó là những bộ phim cuốn người xem vào với sự kiện, mang đậm tính hiện thực. “Cờ bay phấp phới” là bộ phim tiêu biểu cho cách thể hiện này. Đạo diễn Kang Je Gyu đã miêu tả những biến động lịch sử và nhất là chiến tranh khốc liệt bằng những sự kiện có tiết tấu dồn dập, những cảnh chiến đấu tàn khốc như thật, những bối cảnh được dàn dựng công phu, chi tiết … Cách thể hiện nhanh – mạnh – gây sốc ấy rất phù hợp với vấn đề bộ phim phản ánh cũng như càng làm cho số phận của các nhân vật trong phim thêm đau thương và sóng gió.
Cũng thể hiện lịch sử một cách mạng mẽ và đậm nét, đạo diễn O.Stone đã đưa vào “ Trời và Đất” nhiều chi tiết ấn tượng, có tác động mạnh đến tâm trí người xem: những làng quê thanh bình bị tàn phá, cảnh Lệ Lý bị tra tấn, bị cưỡng hiếp rồi cái chết bi thảm của người chồng Mỹ… Tất cả đã gây cho người xem cảm giác chấn động trong dòng xoáy quay cuồng của lịch sử. “ Phải sống” cũng là bộ phim đem đến cho khán giả cảm giác tương tự với những hình ảnh khó quên, gây đau đớn: cảnh vô vàn thương binh chết la liệt sau một đêm, cái chết thương tâm của Hữu Khánh rồi Phượng Hà – hai đứa con của Phú Quý… Những bộ phim với cách thể hiện lịch sử mang tính dữ dội, dồn dập như thế này thường được kết cấu theo trình tự thời gian, các sự kiện có sự nối tiếp tuần tự liền mạch tựa như cuốn người xem vào một dòng xoáy.
Những bộ phim như “ Số phận một con người”, “ Bác sĩ Zhivago”… lại thể hiện lịch sử theo cách tường thuật nên tiết tấu có phần chậm hơn và mang nhiều suy nghĩ, bình luận thêm. Những sự kiện lịch sử diễn ra trong các phim này cũng rất dữ dội nhưng do được thể hiện theo phương pháp hồi tưởng, phục hiện nên những sự kiện chỉ tập trung ở những mảng, những trường đoạn nhất định.
Trong “ Số phận một con người”, nhân vật Sokholop kể lại câu chuyện của đời mình và những sự kiện cứ lần lượt được tái hiện theo hồi ức của Sokholop. Xen giữa những lần hồi tưởng là những suy ngẫm, cảm xúc của nhân vật đưa người xem lắng đọng lại.
“Bác sĩ Zhivago” càng cho ta nhiều cảm xúc thơ hơn. Bên cạnh những biến động lịch sử căng thẳng là rất nhiều đoạn phim mang tính trữ tình, giàu chất thơ. Đạo diễn D.Lean đã chọn cách thể hiện ấy để phù hợp với tính cách nhân vật chính Zhivago – một nhà thơ lãng mạn dù ở trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Phong cách này cũng thể hiện rõ tính chất của một bộ phim tiểu thuyết. Với cách thể hiện này người xem tập trung chú ý vào số phận, tâm trạng và cảm xúc của nhân vật chứ không hoàn toàn bị cuốn vào dòng chảy của các sự kiện.
Một cách thể hiện khác là phản ánh lịch sử một cách gián tiếp thông qua con mắt của nhân vật hoặc là sự tái hiện lịch sử vốn không tác động trực tiếp đến nhân vật. Ta nhận thấy điều này ở hai bộ phim “Bụi hồng” và “ Vị hoàng đế cuối cùng”. Có lẽ do nhân vật trong các bộ phim này có địa bị, hoàn cảnh khá đặc biệt nên những nhà làm phim cũng không thể dùng cách phản ánh thông thường là để những sự kiện lịch sử tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào nhân vật.
Ở bộ phim “Bụi hồng”, đạo diễn Hồ Quang Minh chỉ tạo nên một đường viền của các sự kiện lịch sử Việt Nam chứ không khai thác chi tiết. Điều đạo diễn tập trung vào là con mắt nhìn của ni cô Diệu Thuần với những sự kiện đó, cũng là triết lý của đạo Phật mà tác giả muốn thể hiện trong bộ phim này. Vì vậy, các sự kiện lịch sử chỉ được điểm qua, chỉ như một nền bối cảnh để trên đó nhà làm phim thể hiện những ý đồ tư tưởng – nghệ thuật của mình.
Còn trong “ Vị hoàng đế cuối cùng”, đạo diễn Beclucci đã tách nhân vật Phổ Nghi khỏi những sự kiện bên ngoài để làm nổi bật vị thế bù nhìn, bị cô lập và đẩy ra ngoài, trở thành một người thừa trong lịch sử của Phổ Nghi. Những diễn biến thời cuộc đều ở ngoài, không tác động trực tiếp đến ông ta vì Phổ Nghi đã luôn là một tù nhân bị giam lỏng trong chính cung điện của mình. Ông ta chỉ biết được những sự thật lịch sử khi xem những thước phim tư liệu trong trại giam. Là người có danh nghĩa đứng đầu đất nước, có uy quyền xoay chuyển lịch sử nhưng thực sự Phổ Nghi đã bị biến thành một con bài chính trị để đi ngược lại lịch sử. Bằng cách thể hiện hợp lí, các nhà làm phim đã cho người xem hiểu điều đó một cách sâu sắc.
Điểm qua một vài bộ phim về đề tài số phận con người trong dòng xoáy lịch sử để ta thấy được sự quan tâm khai thác và thể hiện của những nhà làm phim về những thân phận chìm nổi trước những biến động của thời cuộc. Các tác giả đã giúp người xem hiểu hơn về con người và về lịch sử, qua đó có sự cảm thương, trân trọng hơn với con người. Xem những bộ phim ấy khán giả không chỉ thấy sự nhỏ bé, yếu đuối của con người trước những biến thiên của thời đại mà còn thấy họ đẹp hơn với ý chí, nghị lực sống và những cảm xúc, suy ngẫm sâu sắc rút ra được từ chính cuộc đời gian khổ.
Photos by blurayvn.com; koreanfilm.org
this is an interesting combination of ideas overall … but you can make it fit your creative interests, too … by looking at scenes and dramatic structure.
maximumeskimo said this on April 25, 2010 at 1:06 pm
An interesting topic. Today, you know, many kids know about history just via film. I just wonder that if this entry was not posted in tinvanonline and its author did not repeat “bộ phim,” “những bộ phim” in his writing, then may readers find that it was to say about the films or some novels.!!!
nguyensau said this on May 12, 2010 at 9:12 pm