Chất nhân văn trong Ba Mùa
by Dạ Vũ
Có không ít bộ phim khi xem rất hấp dẫn, lôi cuốn nhưng xem xong khán giả có thể nhanh chóng quên ngay. Nhưng cũng có nhiều tác phẩm điện ảnh, tuy dung dị song còn đọng mãi dư âm khó quên trong lòng người xem. Đó thường là những bộ phim nhân văn sâu sắc và có một phong cách, một bản sắc riêng độc đáo. “Ba Mùa” của đạo diễn Việt Kiều Tony Bùi là một bộ phim như vậy.
Xem xong Ba Mùa chắc hẳn ai cũng có cảm giác bâng khuâng khó tả còn vương vấn mãi trong lòng. Cảm xúc ấy có lẽ không phải do nội dung câu chuyện tạo nên bởi nó cũng không có gì là đặc biệt, thậm chí còn rất bình thường như cuộc sống vậy. Điều làm cho người xem xúc động chính là chất nhân văn tinh tế, thấm thía hòa quyện với cách thể hiện đậm bản sắc Việt Nam rất dung dị, đời thường.
Với cái nhìn đầy nhân ái, đạo diễn Tony Bùi đã xây dựng những nhân vật có số phận éo le, khổ sở nhưng lại thật đẹp, thật trong sáng. Họ sống hoặc đau đớn về thể xác và tinh thần, hoặc thiếu thốn khổ sở về vật chất. Nhưng trong phim, khán giả không thấy họ xấu xa, thấp hèn, căm hận cuộc đời. Trái lại, họ vẫn tha thiết yêu cuộc sống và vẫn ước mơ, vươn tới những điều cao đẹp, thánh thiện.
Ta có thể thấy điều này ở hầu hết các nhân vật trong phim, trong đó để lại nhiều ấn tượng cho khán giả là nhân vật thầy Đạo – một nhà thơ bị phong sống những ngày cuối đời trong cảnh ở ẩn, thoát li cuộc sống. Nhưng ta lại thấy ở nhân vật này một tình yêu cuộc sống cháy bỏng với những vần thơ khắc khoải niềm khát sống. Nhân vật này gợi cho ta liên tưởng đến nhà thơ Hàn Mạc Tử – một nhà thơ đau thương yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt mà bất lực không thể quay về với cuộc sống nữa. Nhưng chính trong tình cảnh bi đát ấy, nhân vật thầy Đạo như thoát tục, vươn đến những cảm xúc thánh thiện để bật lên những vần thơ bay bổng huyền diệu. Nhân vật này đã ghi một dấu ấn kỳ lạ và khó phai trong lòng người xem về một vẻ đẹp trong sáng ẩn chứa trong một thân xác bị biến dạng vì bệnh tật.
Một nhân vật nữa cũng gây chú ý cho khán giả là cô cave Lan. Tuy không đẹp đẽ gì trong cách sống, trong nghề nghiệp nhưng sở dĩ nhân vật này vẫn gây được cảm tình của khán giả là vì ta thấy ở cô vẻ đẹp còn sót lại của một tâm hồn trong trắng. Cô vẫn còn nhớ và lưu luyến quãng đời học trò đẹp đẽ với kỉ niệm về tà áo trắng, về hoa phượng nở… vì vậy dù nhân vật Lan có vẻ đốp chát, bất cần, ta vẫn cảm thấy trong cô vẫn còn chút gì tinh khôi, trong sáng.
Cho khán giả thấy những vẻ đẹp ít nhiều còn ẩn chứa trong những con người tưởng như đáng khinh, đáng xa lánh, đạo diễn Tony Bùi bộc lộ thái độ cảm thông, trân trọng đối với các nhân vật của mình. Cũng với thái độ ấy, tác giả đặc biệt chú ý thể hiện đến cách cư xử đẹp, đầy tính người giữa các nhân vật trong phim. Chính điều đó cũng giúp cho các nhân vật trong phim trở nên đẹp hơn và làm giàu thêm tính nhân văn của bộ phim.
Có thể thấy hầu hết các nhân vật trong phim đều cư xử với nhau thật đẹp. Cái đẹp đấy thể hiện rõ nhất, sâu sắc nhất ở sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những con người đồng cảm. Đạo diễn thể hiện điều này theo từng cặp nhân vật, tương ứng với từng mảng, từng câu chuyện nhỏ trong phim. Những câu chuyện ấy rất giản dị nhưng đều ngời sáng tình yêu thương, sự cảm thông chia sẻ. Trong những câu chuyện ấy thì có lẽ giản dị nhất nhưng cũng gây cho khán giả nhiều rung động, thương cảm nhất là câu chuyện của chú bé bán dạo, khán giả thương xót theo dõi hành trình đi tìm hộp đồ nghể của chú bé. Trong cái hành trình gian nan ấy, chú bé với độc một chiếc áo mưa trên người thật nhỏ bé, tội nghiệp và cũng trong lúc lang thang trên đường phố, chú bé đã gặp một cô bé nhặt vỏ lon còn bé nhỏ hơn mình. Hai đứa trẻ trở thành bạn đồng hành, nương tựa vào nhau. Hình ảnh hai đứa trẻ cùng chia nhau cái bánh và tựa vào nhau ngủ trên hè đường dưới trời mưa tầm tã thật cảm động mà xót xa. Tác giả đã giúp người xem hiểu rằng trẻ em thì dù ở hoàn cảnh nào cũng vẫn còn nguyên nét trong sáng, thơ ngây. Những chi tiết chú bé bán dạo làm rách màn chiếu phim, chú ham chơi đá banh với niềm vui hồn nhiên của tuổi thơ khi mừng bàn thắng hoặc cảnh hai đứa trẻ vào xem phim hoạt hình trong cửa hàng ti vi đã chứng minh điều ấy một cách thuyết phục và xúc động.
Bên cạnh câu chuyện đầy sức lay đông ấy, người xem hẳn khó quên câu chuyện của nhân vật anh xích lô Hải. Hải là một người lao động bình thường như bao nhiêu người lao động khác nhưng có thể thấy, đạo diễn đã thể hiện ở anh một vẻ đẹp tâm hồn hiếm có. Tuy chỉ là một anh xích lô nhưng Hải vẫn là người đàn ông đàng hoàng, anh có thể tìm được một người vợ bình dị, thảo hiền. Vậy mà anh lại quan tâm và yêu thương Lan – một cô gái bán hoa. Cái điều tưởng như vô lý ấy lại hoàn toàn giải thích được khi hiểu rằng đó là tình người – tình yêu. Hải đến với Lan không như những người đàn ông khác (chỉ là nhu cầu về thể xác) mà bằng sự cảm thông, tôn trọng và tình thương. Bởi vậy, ngay cả cái đêm ở bên Lan, Hải đã không làm cái chuyện mua bán tầm thường mà chỉ ngồi nhìn cô ngủ trong bộ váy anh mua tặng. Đó là một chi tiết rất đẹp, rất thơ. Nhưng có lẽ chi tiết khiến khán giả nhớ hơn, xúc động hơn là chi tiết Hải đánh cảm cho Lan. Chi tiết này rất chân thực, đời thường mà lại có sức nặng làm rung cảm người xem. Đó là bởi đạo diễn đã biết khai thác đúng đạo lý rất được người Việt Nam coi trọng: Tình nghĩa đùm bọc lẫn nhau lúc khó khăn “ trái gió trở trời”. Qua đó anh cũng bộc lộ được vẻ đẹp của người đàn ông vị tha, trọn nghĩa vẹn tình.
Không phải là câu chuyện tình yêu nhưng câu chuyện của cô gái bán sen Kiên An cũng đem đến cho khán giả bao nhiêu cảm xúc sâu lắng và những suy ngẫm về tình người, về sự thấu hiểu lẫn nhau. Chỉ có sự đồng cảm tâm hồn mới giúp Kiên An phá bỏ sự ngăn cách của nỗi sợ hãi, nghi kị để đến giúp đỡ thầy Đạo. Cô không chỉ giúp thầy Đạo chép thơ mà quan trọng hơn cô như một cây cầu nối thầy Đạo với cuộc đời, để thầy tìm lại niềm tin yêu cuộc sống. Kiên An đã ở bên thầy Đạo cho đến khi thầy nhắm mắt xuôi tay, tuy không thể làm tan biến nỗi đau thể xác nhưng cũng mong làm vơi bớt vết thương lòng để con người đã phải chịu quá nhiều đau khổ được ra đi thanh thản. Cảnh Kiên An vừa khóc vừa hát bài dân ca bên giường thầy Đạo lúc lâm chung và ánh mắt khắc khoải chất chứa bao nỗi niềm khi thầy ra đi hẳn sẽ còn ám ảnh tâm trí rất nhiều người. Khán giả thấy mình như đồng cảm được phần nào với nhân vật. Đoạn Kiên An mang những đóa sen trắng thả xuống dòng sông, nơi các cô gái vùng sông nước đang cất tiếng hát dân ca,chợt làm lòng ta da diết nhưng cũng lâng lâng kì lạ, tưởng như hồn ta cũng được siêu thoát . Phải chăng đó là xúc cảm của sự thanh lọc, tẩy rửa (Các – ta – xít) – thứ xúc cảm chỉ cất cánh khi ta được chiêm ngưỡng, cảm thụ một tác phẩm nghệ thuật?
“Ba Mùa” có thể không phải là một tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhưng không thể phủ nhận rằng đây là một bộ phim làm rung động lòng người. Thành công lớn nhất của đạo diễn Tony Bùi chính là đã tạo được sự đồng điệu của người xem với cái nhìn đầy nhân ái, tin yêu con người. Chất nhân văn vừa mang đậm bản sắc Việt Nam vừa có tính nhân loại đã giúp bộ phim dung dị này đã và hẳn sẽ còn chinh phục bao trái tim.
Photos by tinmoi.vn; paperblog.fr; cinemaparadiso.nl