Sự Dũng Cảm (Part 2)
By Đức Độ & Trần Trang
Tình yêu và tình dục cũng là một vấn đề được đặt ra trong “The Ballad of Narayama”. Ngay cả trong cái đói, con người cũng vẫn khát thèm tình yêu.
Tình yêu không được miêu tả bằng những hình ảnh lãng mạn hay những lời có cánh, mà bằng miếng ăn và bằng tình dục. Những nhân vật trong phim bộc lộ tình yêu một cách hoang dã và tự nhiên: không vờn bắt, không tỏ tình, không mất thời gian tán tỉnh, họ lao vào nhau trên cánh đồng, trong rừng, trên sàn nhà trải rơm… Tình dục như một sự cứu cánh, một điểm tựa giúp con người lấy lại cân bằng trong thời đại khủng hoảng ấy.
Đạo diễn, dẫu vậy cũng không đơn giản để các nhân vật của mình thỏa mãn. Người em thứ hai trong gia đình, người đàn ông không được người đàn bà nào thèm muốn (vì bị hôi miệng) là ảnh hình tội nghiệp nhất của một bản năng bị chối từ. Trong khi những anh em trai và đàn ông trong làng, kể cả những người già, ai cũng có một (hoặc hơn một) bạn tình, và việc được quan hệ tình dục với một người đàn bà, với họ không quá khó. Nhưng người em thứ hai bị hết thảy phớt lờ, kể cả người đàn bà nghe theo lời trăn trối của chồng, mỗi tối đi rong khắp làng để ngủ với một người đàn ông. Sự dồn nén khủng hoảng không được buông xả, anh ta như bị quẫn bách, bị hóa điên và phải giao cấu với chó.
Tình cảm gia đình, lúc này lại bộc lộ, có điều, qua những cách khác nhau. Người anh cả thuyết phục vợ “cho” em mình một đêm, còn người mẹ, cũng âm thầm đi gặp và nhờ một người bạn góa chồng. Người xem, thật lạ là không thấy ghê tởm, khinh bỉ điều mà trong một trường hợp khác, người ta sẵn sàng kết tội là loạn luân, phi luân. Bởi thế, cảnh người em thứ hai quan hệ tình dục với bà góa già bạn của mẹ, tuy được quay rất trần trụi, diễn xuất của diễn viên cũng rất bạo liệt và dữ dội, nhưng người xem không cảm thấy gợn, không thấy sợ hãi mà chỉ còn đọng lại nỗi xót xa. Khoảng cách tuổi tác, vị thế xã hội bị xóa nhòe, chỉ còn lại một người đàn ông cảm nhận được tình thương, hơi ấm từ một người đàn bà và một người đàn bà ngỡ ngàng thấy tuổi già khô héo của mình còn đắc dụng.
Con người trong “The Ballad of Narayama” là những con người mang theo cả gánh nặng thời đại trên vai. Trong tính cách của họ, những cực đối lập, những xung năng nghịch chiều luôn va đập, đè nghiến tâm hồn họ bằng những bi kịch tự thân.Một người mẹ sẵn sàng đập gãy răng để nhịn miệng cho con cháu, yêu thương và quan tâm tới đời sống tình dục của con trai, mạnh mẽ và quyết tâm đòi lên núi tuyết để chết, cũng có lúc lừa cô con dâu út đang mang thai về nhà chịu hình phạt chôn sống của làng.
Một người anh cả thương mẹ hết mực, day dứt trước sự vô lý của hủ tục nhưng không dám vượt qua tục lệ ấy, anh cũng từng bắn chết bố vì khi đã đến đỉnh núi, ông hối hận, đòi trở về nhà. Một người em út có vẻ thô bạo, cục súc, không thể hiện tình cảm với vợ ngoài chuyện tình dục nhưng lại gầm lên, lao xuống huyệt chôn sống như một con thú bị thương đòi cứu lấy vợ con… Những nét bí hiểm nghịch chiều: vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa dữ dội vừa nhẹ nhàng, vừa bản năng vừa nhân tính dồn tụ trong mỗi nhân vật của câu chuyện được đạo diễn bóc dần qua mỗi sự kiện.
Câu chuyện và con người, văn hóa và dã man, những dãy nhà lụp xụp, những ngọn núi, rặng phong, và cả những oan hồn… tất cả hiện lên trên màn ảnh như thể không cần gọt tỉa, không cần phô diễn: thô mộc và ám ảnh. Đạo diễn kỳ tài của xứ sở mặt trời mọc: Sohei Imamura, bằng tuyệt tác của mình, đã cất lên khúc ca bi thiết mà tuyệt đẹp về đất nước, dân tộc mình. Có lẽ chính sự dũng cảm của ông, sự dũng cảm được hỗ trợ bởi sức mạnh và niềm kiêu hãnh của một nền văn hóa lớn, đã biến những điều xấu xí, dã man và thô mộc trong một câu chuyện đáng kinh hãi trở thành một viên ngọc toàn bích.
Photo(s) by Toei Co. Ltd.
please stop using all caps for titles … please use short titles that are more evocative and less literal … please use links inside your text … please include searchable tags with the names of actors, directors, and related items …
maximumeskimo said this on April 15, 2010 at 5:25 pm
thank you, Mr. Dean. I will fix them.
huyentrangtran said this on April 15, 2010 at 5:28 pm