Sự Dũng Cảm (Part 1)

By Đức Độ & Trần Trang

“The Ballad of Narayama” – một câu chuyện dữ dội và cảm động về một thời kỳ cổ sơ của Nhật Bản, nơi phô diễn những điều xấu xí tầm thường của con người, nhưng lạ thay, lại mang dáng vẻ kiêu hãnh của một nền văn hóa lớn.

Đúng như ai đó đã từng nhận xét, nếu người Nhật không làm phim thì thôi, mà đã làm thì dù với đề tài nào, họ cũng khai thác đến tận cùng. Với “The Ballad of Narayama”, đạo diễn Sohei Imamura đã khai thác đến tột cùng sự dã man, niềm đau khổ và tột cùng tình người. Dường như chưa bao giờ trên màn ảnh lớn, xứ Phù Tang hiện lên với nhiều màu vẻ “xấu xí” đến thế.

Câu chuyện gần như chỉ gói trong một gia đình, trong một ngôi làng nhỏ hẻo lánh nằm khuất sau những rặng núi hùng vĩ, nhưng trải ra trên nhiều phương diện và vô số những ẩn dụ văn hóa. Ở thời đại ấy, miếng ăn và cái đói là nguyên nhân, diễn trình và kết quả của mọi câu chuyện. Trai gái thể hiện tình yêu bằng miếng ăn, bằng lời thông báo trịnh trọng trước gia đình “hôm nay cô ấy sẽ ăn ở đây”. Chuyện lấy vợ của một người đàn ông, cũng giản dị là “từ mai nhà ta sẽ có thêm miệng ăn”. Người già hơn 60 tuổi mà chưa rụng răng bị chế giễu. Ngay cả những câu chửi rủa thậm tệ nhất mà người ta có thể ném vào mặt nhau cũng liên quan trực tiếp đến cái ăn: “không có thức ăn cho mày!”

Ám ảnh về cái đói không dừng lại ở đó, ở cách người ta ứng xử với sự sống mà được đẩy xa hơn: cách con người ứng xử với cái chết. Trước cái đói, con người giết chóc nhau cũng vì miếng ăn. Một gia đình cả gan ăn cắp khoai tây của dân làng, không cần xét xử nhiều, bị đem chôn sống. Và cũng bởi thiếu thức ăn, một tục lệ được những bậc cao niên trong làng đặt ra: đúng đến năm cha mẹ 70 tuổi, con cái phải đem bỏ họ trên ngọn núi tuyết cao nhất.

Điều lạ là, chính trong sự khắc nghiệt đến kiệt cùng của khó khăn và hủ tục, tâm hồn cao đẹp của con người vẫn ngời sáng. Người con trai đầu, mỗi bận mùa về, mỗi khi nghe bài vè chế giễu mẹ còn răng là một lần day dứt và đau khổ. Người mẹ sẵn lòng đem cho con dâu mới cả mẻ cá khô để dành trong bữa ăn đầu tiên, đập răng vào cối đá để nhín bớt khẩu phần và luôn nhẩm tính ngày để lên núi tuyết. Với bà, sự kiện tuổi 70 vừa là một quyết định đau đớn vừa là một sự giải thoát, một hạn định nghiễm nhiên của cuộc đời.

Trường đoạn có sức ám gợi nhất “The Ballad of Narayama” có lẽ là trường đoạn người con trai cả cõng mẹ bỏ trên núi tuyết. Trong suốt chặng đường dài (mà đạo diễn khéo léo lồng vào những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp xứ Phù Tang, như một khúc nhạc vô thanh tiễn đưa người về cõi chết), hai mẹ con gần như chẳng nói với nhau câu nào. Sự im lặng và những cử chỉ, ánh nhìn, cái khoát tay của hai nhân vật lại nói nhiều gấp bội. Người ở lại, nhường nốt phần cơm nắm cuối cùng của cuộc đời cho con, ngồi trên một mỏm đá, giữa hàng nghìn hàng vạn bộ xương trắng và lũ quạ đen kịt một góc trời, giữa những bông tuyết đầu mùa, ngồi xếp bằng như đang tu Thiền.

Người trở về, móng chân bật máu, không thốt lên nổi một tiếng khóc, một câu nói, ngoảnh lại nhìn đầy day dứt rồi băng rừng trở lại con đường cũ, về nhà, tiếp tục sống và chờ đợi tuổi 70 của cuộc đời mình…

Photo(s) by Toei Co. Ltd.

(Còn tiếp)

~ by huyentrangtran on April 15, 2010.

2 Responses to “Sự Dũng Cảm (Part 1)”

  1. please stop using all caps for titles … please use short titles that are more evocative and less literal … please use links inside your text … please include searchable tags with the names of actors, directors, and related items …

  2. […] cảm của Bong Joon – ho, cũng mãnh liệt như đạo diễn Sohei Imamura với bộ phim “The Ballad of Narayama”. Đó là sự dũng cảm của những nền văn hóa lớn, của những người dám phô […]

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: