Trò chuyện với Thái Hà

by Quy Ha

Sau khi tốt nghiệp lớp biên kịch khóa 1 của dự án điện ảnh, Thái Hà giành được học bổng của Quỹ Ford và hiện đang theo học chương trình thạc sĩ nghệ thuật ở trường điện ảnh uy tín hàng đầu thế giới, trường điện ảnh Nam California (USC). Những kinh nghiệm học tập trong một môi trường năng động và chuyên nghiệp ở đây cũng như những chia sẻ của chị về điện ảnh có lẽ sẽ mang đến cho K5 những gợi mở ý nghĩa trong những ngày tháng gấp rút kết thúc khóa học và chuẩn bị cho dự án làm phim sắp tới của mình.

TVOL: Chào Thái Hà, được biết bạn đang học thạc sĩ ở USC, trường điện ảnh Nam California. Bạn có thể giới thiệu qua về chương trình học của bạn ở trường?

Thái Hà: Chương trình thạc sĩ nghệ thuật (Master of Fine Art), chuyên ngành làm phim (Production) ở USC kéo dài ba năm. Năm đầu tiên, chương trình học được lên lịch sẵn, bao gồm hai lớp làm phim căn bản, trong đó sinh viên học tất cả các khâu căn bản để làm một bộ phim, bao gồm: viết kịch bản, quay phim, đạo diễn, dựng phim, sản xuất và làm âm thanh. Bạn phải học tất cả những khái niệm căn bản nhất thông qua việc tự mình làm phim và làm phim cùng với các bạn khác. Ngoài hai lớp làm phim căn bản này, còn có các lớp phát triển ý tưởng, viết kịch bản phim ngắn, và các khái niệm căn bản về khâu hậu kỳ. Sau năm đầu tiên, sinh viên được xếp lịch gặp người cố vấn để lên kế hoạch học tập cho chính mình. Thông thường, bạn sẽ lựa chọn học sâu hơn về những lĩnh vực mình quan tâm tùy theo mong muốn và khả năng. Thêm nữa, tất cả các sinh viên học MFA Production đều phải học các môn bắt buộc ví dụ như phải học ít nhất 6 đơn vị học trình các lớp của chuyên ngành Lý luận phê bình. Ngoài ra, bạn có thể chọn các lớp học tự chọn, không nhất thiết trong khoa hay trường phim. Một người bạn của tôi đang học một lớp chỉ đạo diễn xuất diễn viên bên trường sân khấu.

TVOL: Bạn có thể miêu tả cụ thể hơn về lịch học, kỷ luật học tập ở USC?

Thái Hà: Bạn phải đến lớp đúng giờ và thường xuyên. Không chỉ vì việc điểm danh được thực hiện rất nghiêm túc mà còn đó là cách rèn luyện thái độ và cách thức làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Bạn tôn trọng thời giờ của người khác và người khác tôn trọng thời gian của bạn. Điều này không chỉ mang tính lý thuyết mà còn rất thực tế vì làm phim là việc tiêu tốn tiền bạc, thời gian và sức lực của nhiều người. Đặc biệt trên hiện trường, bạn phải đến sớm hơn để đến giờ làm việc như dự định là mọi thứ đã sẵn sàng. Vì học chương trình sau đại học, bạn không phải đến lớp quá nhiều. Thông thường một tuần bạn đến lớp khoảng 4 buổi thôi, nhưng bạn phải dành thời gian gấp hai gấp ba thời gian lên lớp cho những việc ngoài lớp học. Thời gian bên ngoài lớp được dùng vào việc chuẩn bị sản xuất tiền kỳ cho một dự án làm phim, quay phim, và làm các công việc hậu kỳ. Nếu bạn học lớp viết kịch bản, thì đó là thời gian đọc, nghiên cứu, và viết. Ngoài ra, bạn còn dành thời gian để phụ giúp các bạn khác làm phim nữa. Nếu đi quay phim, một ngày bạn phải có mặt ở hiện trường tối đa 12 tiếng theo luật ở đây. Còn nếu dựng phim hay làm âm thanh, có khi một ngày bạn phải làm việc từ 12-15 tiếng đồng hồ, trong đó có chừng một tiếng để ăn trưa hoặc ăn tối, và thỉnh thoảng đi loanh quanh cho đỡ mỏi mắt vì nhìn màn hình máy tính trong phòng dựng và đỡ mỏi chân vì ngồi một chỗ lâu. Đôi khi bạn thấy mệt mỏi và căng thẳng nhưng nói chung là rất vui vì được làm điều mình yêu thích. Khi đó, công việc không còn là công việc nữa, nó trở thành niềm vui và bạn là người thích thú tận hưởng.

TVOL: Hiện tại bạn đang học chuyên đề/ kỹ năng gì?

Thái Hà: Kỳ này, tôi học hai lớp: 546 và 533a. 546 là lớp làm phim III, một trong những lớp bắt buộc. Một nhóm 10 người (1 đạo diễn, 2 sản xuất, 2 quay phim, 2 dựng phim, 2 âm thanh, 1 thiết kế mỹ thuật, và 1 trợ lý đạo diễn) cùng làm một phim truyện ngắn 12 phút. Vị trí của tôi là dựng phim và chúng tôi vừa hoàn thành việc dựng phần hình ảnh cho bộ phim tuần trước. 533a là lớp viết kịch bản phim truyện dài. Như tên gọi của nó, sau khi học xong lớp này, bạn sẽ phải viết xong bản đầu tiên một kịch bản phim dài. Tuy nhiên, các kỹ năng này đều rất gần gũi và bổ sung cho nhau, đặc biệt là viết kịch bản và dựng phim. Ngoài ra khi dựng phim, bạn học được rất nhiều về công việc của đạo diễn, đặc biệt là chỉ đạo diễn xuất và vị trí đặt máy quay. Trong phòng dựng, bạn phát hiện ra những sai lầm, thiếu sót trên hiện trường và đó là lúc bạn học được nhiều nhất. Dựng phim cũng giúp bạn học cách nhẫn nại và tinh thần lạc quan, nhất là khi loay hoay tìm giải pháp cho mối vấn đề nào đó, cũng như cách trao đổi, làm việc với đạo diễn. Còn khi viết kịch bản, với sự hiểu biết về các bộ phận khác trong đoàn làm phim, bạn sẽ biết mình phải viết gì, đơn giản, dễ hiểu, và giàu cảm xúc. Đôi lúc người viết kịch bản lo sợ người đọc sẽ không hiểu và họ tìm cách lý giải cặn kẽ mọi thứ, nhưng kỳ thực khán giả rất thông minh và không chỉ là người viết kịch bản nói riêng mà những người làm phim cần tin tưởng và đánh giá cao khán giả.

TVOL: Với bạn điều gì khó nhất đối với việc dựng phim?

Thái Hà: Dựng phim rất gần với viết kịch bản, bạn kể câu chuyện lần thứ hai bằng hình ảnh thực (phim nháp đã quay). Vậy thì vấn đề là bạn sẽ câu chuyện như thế nào? Biên kịch chọn cách riêng để kể câu chuyện của mình trên giấy, còn người dựng phim có rất nhiều sự lựa chọn để câu chuyện bằng hình ảnh, nhưng dù là cách nào là cũng phải đảm bảo sự lựa chọn đó phục vụ tốt nhất cho câu chuyện.  Ý tôi ở đây là bạn phải gắng hết sức và đồng lòng với người đạo diễn và nhà sản xuất để kể câu chuyện hay nhất. Đó không phải là câu chuyện của riêng người dựng phim muốn kể, mà là câu chuyện mà tất cả các thành phần trong đoàn làm phim cùng muốn kể. Như tất cả các câu chuyện hay từng được kể, người dựng phim mong muốn kể câu chuyện thật mạch lạc và giàu cảm xúc, để người xem hiểu và có sự đồng cảm. Đôi khi điều đó còn tùy thuộc vào ý đồ của đạo diễn, có những bộ phim không được kể theo kiểu tuyến tính, mạch lạc mà có cấu trúc phức tạp hơn. Nhưng cho dù có phức tạp đến đâu cũng phải đảm bảo mối liên hệ về mặt cảm xúc giữa khán giả và bộ phim.

TVOL: Thế còn đối với việc viết kịch bản, bạn thấy điều gì khó nhất?

Thái Hà: Tìm kiếm và xây những những nhân vật thú vị. Nhân vật thú vị bao giờ cũng đến cùng với những câu chuyện hay.

TVOL: Bạn đã viết kịch bản gì chưa?

Thái Hà: Ngoài các kịch bản phim ngắn, năm rồi, tôi cùng với một bạn học biên kịch trong trường chuyển thể cuốn tiểu thuyết cho luận văn tốt nghiệp của Quỳnh Hà. Hiện giờ Quỳnh Hà, Phan Xine và tôi đang viết chung một kịch bản phim. Ngoài ra tôi cũng đang viết Xu Xu, nói về một cô bé 5 tuổi bị bố mẹ gửi đến ở cùng bà ngoại và dì Cà Rốt trong mùa hè.

TVOL: Ở Mỹ, các giáo sư dạy biên kịch dạy như thế nào, điểm gì bạn được lưu ý nhất trong quá trình giảng dạy ở lớp?

Thái Hà: Sinh viên học về cấu trúc kịch bản ba hồi truyền thống, quá trình tìm kiếm và phát triển ý tưởng, viết phim ngắn và viết phim truyện dài. Các giáo sư luôn khuyến khích và giúp đỡ bạn tìm cách kể câu chuyện của mình một cách hay nhất.

TVOL: Khi viết kịch bản bản có nghiên cứu các giáo trình hay tài liệu mang tính lý thuyết hay không?

Thái Hà: Không. Tôi có cảm giác ở đây, người ta chỉ quẳng bạn xuống biển và bạn phải tự tìm cách học bơi để sống sót. Không có giáo trình hay tài liệu bắt buộc phải đọc. Các thầy giáo tin rằng không ai có thể dạy bạn trở thành nhà biên kịch được, tự bạn phải làm điều đó và vai trò của giáo sư là khơi gợi, hỗ trợ, động viên, giúp đỡ, khuyến khích và gợi cảm hứng cho sinh viên. Tuy nhiên, các giáo sự gợi ý những cuốn sách hay nên đọc và nếu bạn hỏi thêm, thầy sẽ gợi ý bạn đọc những cuốn sách khác. Thường những cuốn sách đó không dạy bạn viết kịch bản như thế nào, nhưng chúng là những cuốn sách hay, thuộc các thể loại khác nhau và đều có điểm chung là khơi được nguồn cảm hứng lớn cho người đọc.

TVOL: Giờ thực hành biên kịch bạn học thường diễn ra như thế nào?

Thái Hà: Sinh viên viết trước giờ đến lớp, gửi qua email trước ít nhất một ngày cho các bạn trong lớp và giáo sư. Và lớp học biên kịch giống như một buổi hội thảo. Trong lớp, mọi người sẽ đưa ra ý kiến của mình, góp ý lẫn nhau. Cứ như thế cho đến khi hoàn thành kịch bản, kết thúc lớp học. Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi kịch bản cho bạn bè và lắng nghe nhận xét góp ý của mọi người.

TVOL: Hiện tại các sinh viên K5 lớp biên kịch thường thảo luận kịch bản của nhau, đưa ra ý kiến trao đổi thẳng thắn về ý tưởng cũng như cách phát triển ý tưởng đó. Bạn có cho rằng đấy là một cách học hiệu quả và bạn đã học được gì từ cách học đó ?

Thái Hà: Bản thân tôi rất thích việc đọc và thảo luận kịch bản cùng nhau. Bạn học được cách đọc kịch bản, đưa ra những nhận xét đánh giá, và tìm ra những giải pháp để giải quyết những vẫn đề vướng mắc. Đôi khi vì quá mải mê, bạn đi lạc sang một con đường khác và câu chuyện của bạn không còn hấp dẫn khán giả nữa. Những lời nhận xét và góp ý thành thật với tinh thần hỗ trợ rất có ích. Có điều, cần luôn tự nhắc mình đâu là câu chuyện bạn muốn kể, vì nếu không có chính kiến hoặc không biết bảo vệ chính kiến của mình, bạn sẽ rơi vào tình huống “đẽo cày giữa đường”.

TVOL: Khi nhận xét về kịch bản thầy giáo hoặc bạn bè thường dựa trên các tiêu chí nào?

Thái Hà: Bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều các tiêu chí trong các sách dạy về biên kịch: câu chuyện, nhân vật chính, nhân vật đối thủ, xung đột, kịch tính… Nhưng khi đọc một kịch bản, những câu hỏi đầu tiên bạn nên tự hỏi mình là:
+ Bạn có thích những gì bạn đọc không?
+ Khi nào bạn hoàn toàn bị thu hút vào câu chuyện?
+ Khi nào thì bạn cảm thấy chán?
+ Có chỗ nào bạn không hiểu?
Nếu bạn không thích bạn sẽ tìm cách lý giải vì sao bạn lại không thích. Có phải vì bạn không còn quan tâm lo lắng cho nhân vật nữa? Hay vì nhân vật không rõ ràng? Xung đột có rõ không? Nhân vật phản diện có đủ mạnh? Các chướng ngại vật có phù hợp? Giọng điệu của câu chuyện có phù hợp và hấp dẫn? Đây chính là lúc bạn áp dụng những kỹ thuật viết kịch bản học được trong sách để tìm cách giải quyết vấn đề. Bởi điều quan trọng nhất là thiết lập và duy trì được mối liên hệ về mặt cảm xúc giữa khán giả và nhân vật.
Đọc các tài liệu hướng dẫn viết kịch bản giúp bạn hiểu cấu trúc căn bản và truyền thống của kịch bản, đồng thời giúp bạn có được một ngôn ngữ chung để có thể trao đổi với những người bạn của mình, những người làm nghề, cũng như giúp bạn dễ nhận biết vấn đề mình đang vật lộn trong chính kịch bản của mình và của người khác.

TVOL: Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình trong việc học viết kịch bản với các bạn K5 lớp biên kịch?

Thái Hà: Tôi không biết phải trả lời như thế nào vì câu hỏi khó quá. Tôi tin nếu bạn chọn học biên kịch, việc kể chuyện là một trong những điều khiến bạn vui. Nếu vậy thì cứ tiếp tục thế nhé. Còn nếu bạn có những câu hỏi nho nhỏ, ít khó hơn muốn trao đổi với tôi thì xin vui lòng liên hệ theo địa chỉ email: thaiha101@gmail.com.

TVOL: Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Chúc bạn hoàn thành tốt khóa học ở USC và thành công với niềm đam mê điện ảnh của mình.

Thái Hà: Cảm ơn những câu hỏi của TVOL. Chúc các bạn khỏe và vui luôn.

Photo by: Thái Hà

~ by Qui Ha Nguyen on April 13, 2010.

7 Responses to “Trò chuyện với Thái Hà”

  1. very interesting interview. thanks.

  2. Cong nhan, hehe!

  3. Cảm ơn chị Quý Hà và chị Thái Hà rất nhiều! Bài nói chuyện này rất bổ ích cho những người học biên kịch!:)

  4. rat vui vi ca nha thay cuoc tro chuyen nay ly thu va bo ich. Moi nguoi co the comment, dat cau hoi cho Thai Ha o day. Ban ay se tra loi rat nhanh day.

  5. Thanks chi Thai Ha for this wonderful sharing. And chi Qui Ha, too, for your interview.
    @K5: so what Thai Ha is doing in her Screenwriting class in US is so much alike to what we are doing here with Dean, hén?

  6. Quý Hà đi học thì chị MA sẽ pv nhiều hơn thế này! :D

  7. Vâng, em sẵn sàng nhưng vẫn chưa biết có được đi học ko đây chị ơi ;)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: