Người mẹ: Pudovkin
by Dạ Vũ
Bộ phim “Người mẹ” (1926) của đạo diễn V.Pudovkin là một tác phẩm tiêu biểu cho trào lưu Montage Xô-Viết. Việc phân tích bộ phim này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đặc điểm của trào lưu này thông qua việc dựng phim, dàn cảnh, góc máy, cấu trúc kể chuyện…
“Người mẹ” mang đặc điểm của thể loại phim tự sự Liên Xô thời kỳ đầu, trong đó nhân vật chính đại diện cho một kiểu hoặc một tầng lớp chung. Pudovkin nổi tiếng vì sử dụng cách tiếp cận này, đặc biệt thành công với “Người mẹ” khi khắc hoạ được chân dung bà mẹ và quá trình chuyển biến, đến với cách mạng của nhân vật. Đạo diễn đã tận dụng triệt để những ưu điểm của cách dựng phim, dàn cảnh và các phương pháp đặc trưng khác của Montage Xô-Viết để đạt tới hiệu quả nghệ thuật và tư tưởng cao.
Về mặt dựng phim, có thể nhận thấy đạo diễn Pudovkin đã vận dụng sáng tạo các phương pháp montage như hiệu ứng Kuleshov, dựng chồng, jump-cut, dựng đối lập…tuỳ theo từng tình huống phim, tạo nên ý nghĩa và cảm xúc cho khán giả.
Ở trường đoạn mở đầu, khi người bố say rượu về nhà lấy đồ đi bán và bạo hành với bà mẹ, ta thấy một loạt các hình ảnh được dựng liền nhau: người bố nhìn- cận cái đồng hồ- cận cái bàn là- người mẹ đưa mắt nhìn- ông bố đến lấy chiếc bàn là- cận bàn tay đút bàn là vào túi quần…Những hình ảnh liên hoàn được dựng với nhau đã làm người xem hiểu được diễn biến câu chuyện mà không cần một lời thoại nào. Đó chính là việc vận dụng hiệu quả “hiệu ứng Kuleshov”- hướng cho khán giả tự suy luận sự tiếp diễn về không gian và thời gian từ những cảnh quay của những yếu tố riêng biệt.
Trong đoạn phim thể hiện cuộc xung đột giữa những người công nhân và bọn đàn áp, đạo diễn đã đặt các cảnh quay cạnh nhau theo phương thức sống động, tạo nên tính năng động và căng thẳng. Những hành động riêng rẽ được phân tích thành nhiều cảnh. Đoạn đuổi bắt giữa các nhân vật được dựng rất nhanh, linh hoạt, làm cho người xem cảm thấy gay cấn. Hành động xảy ra rất nhanh vì những cảnh quay riêng rẽ rất ngắn. Việc dựng nhanh và theo nhịp như vậy là phương pháp đặc trưng trong phim Montage.
Trường đoạn bọn lính và tên chỉ huy đến nhà Pavel (người con trai) lục soát, bắt giữ anh và đồng đội đã thể hiện tập trung phương pháp dựng nối tiếp, đảo cảnh cho thấy sự đối đầu cân não giữa những người chiến sĩ cách mạng và bọn bạch vệ. Đạo diễn dựng liên tiếp những cận cảnh khuôn mặt tên chỉ huy- Pavel- người đồng đội- người mẹ…tạo nên sự căng thẳng, đối đầu. Tương tự như vậy, trong những cảnh sau, cận cảnh tên tướng đeo găng tay trắng- người mẹ- cận bàn tay đeo găng trắng xoa vào nhau…thể hiện âm mưu đánh vào tâm lý người mẹ của tên tướng.
Trường đoạn toà án rất thành công về cả yếu tố dựng phim và góc máy. Ở đoạn này, đạo diễn tiếp tục sử dụng phương pháp dựng chồng và hiệu ứng Kuleshov, đồng thời đặt các cảnh tương đồng hoặc đối lập cạnh nhau để tạo nên một ý nghĩa ẩn dụ, so sánh. Khán giả cảm nhận rõ dụng ý mỉa mai, châm biếm của đạo diễn đối với những viên quan toà khi xây dựng nhân vật có hình thức, tính cách đối lập với bản chất cần có. Viên quan toà đại diện cho sự Ngay thẳng thì trông rất gian xảo, mắt liếc ngang liếc dọc, tính tình thì xu nịnh khi hết lời ca ngợi vẻ đẹp con ngựa của viên thẩm phán. Viên quan toà đại diện cho Công lý thì ngủ gà ngủ gật, chốc chốc lại nhìn đồng hồ mong hết phiên toà cho sớm. Viên thẩm phán đại diện cho Lòng nhân từ thì có khuôn mặt dữ dằn độc ác và nham hiểm. Kết hợp với phương pháp dựng chồng, dựng đối lập…tạo nên một không khí phiên toà giả tạo và lố bịch. Đạo diễn lặp đi lặp lại cảnh bức tượng Nga hoàng- biểu tượng của sức mạnh và quyền lực tối cao, đặt cạnh hình ảnh viên công tố đọc bản cáo trạng có khuôn mặt và bộ râu gần giống bức tượng, gợi một ẩn dụ châm biếm sâu sắc. Pudovkin còn dùng nhiều góc máy hất lên để quay những tên lính gác, viên công tố, viên quan toà…để tạo cảm giác đe doạ, uy quyền. Còn những bị cáo thì được quay bằng góc máy chúc xuống, thể hiện sự cam chịu, bị đè nén. Khi toà tuyên án, đạo diễn đã dùng phương pháp dựng đối lập: cận bức tượng Nga hoàng nghiêm nghị- cận mặt người mẹ hoảng hốt lo lắng- viên thẩm phán tuyên án được quay hất lên- cận mặt người mẹ…cùng với cách dựng chồng kéo dài thời gian đẩy sự căng thẳng chờ đợi lên đến cực điểm. Và khi bản án được đưa ra, không khí phim như nổ tung trong sự phẫn nộ, đau đớn của người mẹ. Chính từ đoạn này, nhân vật người mẹ đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động.
Để thể hiện sự chuyển biến của người mẹ, đạo diễn Pudovkin đã sử dụng một chi tiết nghệ thuật đắt giá, đó là chỗ giấu bí mật dưới sàn nhà, được lặp lại nhiều lần trong suốt bộ phim. Ban đầu đó là chỗ Pavel giấu súng, người mẹ tình cờ phát hiện ra và rất lo lắng, nghi ngờ việc làm của con trai mình. Khi bọn bạch vệ đến lục soát nhà, người mẹ vì hoang mang và tin vào lời lừa mị của tên tướng nên đã giao nộp súng cho hắn, vô tình đẩy người con đến chỗ bị bắt. Sau phiên toà bất công và sự tráo trở của bọn bạch vệ Sa hoàng, người mẹ đã nhận thức ra sai lầm của mình và tình nguyện đến với cách mạng. Đạo diễn lại sử dụng chi tiết chỗ giấu bí mật trong cảnh quay chỉ cận ba đôi chân, người mẹ cúi xuống chỗ giấu để lấy truyền đơn đưa cho người chiến sĩ cách mạng. Chỉ một chi tiết như vậy đã thể hiện rõ ràng, dễ hiểu sự chuyển biến, thay đổi của người mẹ từ chỗ thiếu hiểu biết, sợ hãi và cam chịu đến chỗ giác ngộ và đi theo cách mạng.
Trường đoạn cuối- cuộc biểu tình của những người công nhân và vượt ngục của tù nhân là trường đoạn nổi tiếng về phong cách montage của bộ phim. Trong trường đoạn này, đạo diễn Pudovkin sử dụng tất cả các thủ pháp dựng tiêu biểu như dựng chồng, dựng đối lập, jump-cut và đặc biệt là phương pháp chuyển giữa cảnh (intercutting). Phương pháp cắt giữa cảnh là phương pháp quen thuộc trong điện ảnh Liên Xô, nối hai hành động để nêu lên một luận điểm phục vụ cho đề tài. Trong đoạn phim về giấc mơ của những người tù, đạo diễn dựng các cảnh cận người tù- giấc mơ anh ta cày ruộng, cận bàn tay nắm đất- quay lại hiện thực là cận đôi tay nắm lại của người tù. Dựng cảnh như vậy đã tạo một liên tưởng mang chất thơ. Một đoạn chuyển cắt cảnh khác khá trữ tình và thành công là chuyển từ cảnh nhân vật Pavel trong tù sang cảnh tuyết tan trên sông, nói lên hi vọng của anh vì biết ngày mai mình sẽ được giải thoát. Điều này không hề mang ý là nhân vật đang nghĩ đến băng tan như các nhà làm phim Ấn tượng Pháp thường làm. Pudovkin rõ ràng đã cấp cho hình ảnh một ý nghĩa xã hội: cuộc biểu tình chính trị của những người công nhân như dòng sông băng đang cuộn sóng, cuốn trôi mọi vật cản theo một quy luật tất yếu không gì ngăn được. Trong cảnh cuộc biểu tình và sự đàn áp của kị binh bạch vệ, ta nhận thấy rõ sự đối lập cả về bố cục hình ảnh và cách dựng, tạo nên không khí đối đầu nghẹt thở giữa hai lực lượng. Nhịp độ của việc dựng phim được tăng đạt cực điểm trong cảnh quay ngắn quay cảnh những người lính cưỡi ngựa lướt qua ống kính máy quay từ trái sang phải rồi ngược lại, sau đó lại lộn từ trên xuống. Những cắt cảnh ấy làm tăng ấn tượng về hành động bạo lực.
Đoạn phim gần cuối về sự hi sinh của người mẹ làm người xem đặc biệt xúc động cũng bởi cách dựng chồng, khắc hoạ chi tiết nỗi đau khổ mất con và sự vùng lên của bà. Cận cảnh khuôn mặt người mẹ cầm lá cờ phất cao đã trở thành một trong những cảnh phim kinh điển nhất của điện ảnh Xô Viết. Góc máy hất cao đã tôn lên vẻ anh hùng bất khuất của người mẹ- biểu tượng cho sự đấu tranh kiên cường của những con người lao khổ trong cuộc cách mạng 1905.
Photos by
http://sharethefiles.com/forum/viewtopic.php?f=88&t=148696&start=0