Hành trình Stagecoach

by Dạ Vũ

“Stagecoach” (1939) như một ngọn núi đá sừng sững trong thung lũng Monument, đánh dấu thành công vang dội của John Ford thể loại phim Miền Tây. Bộ phim mở đầu cho kỷ nguyên vàng của phim miền Tây với những đặc trưng về cấu trúc kể chuyện, dàn cảnh, xây dựng nhân vật…

Có thể dễ dàng nhận thấy “Stagecoach” (Chuyến xe chở khách) được kết cấu theo kiểu hành trình- lần theo chuyến đi của một nhóm người khác nhau về địa vị, đẳng cấp trên chuyến xe ngựa xuyên qua vùng đất nguy hiểm của dân da đỏ. Trên hành trình ấy, những mâu thuẫn, đối lập về tính cách, suy nghĩ của các nhân vật được bộc lộ trong một bối cảnh hoang sơ, khắc nghiệt của miền Tây nước Mỹ. Bối cảnh rộng lớn, hoang vu vừa là một đặc trưng quen thuộc trong thể loại này, vừa là cái nền tôn lên nét mạnh mẽ, phóng khoáng của các nhân vật. Đạo diễn J.Ford đã sử dụng tiêu cự sâu trong việc dàn cảnh và quay phim, tăng thêm hiệu quả thị giác và cảm giác bé nhỏ, cô đơn của con người ở những cảnh toàn viễn.

Kết cấu hành trình mới là nét cắt ngang theo chiều phát triển thời gian tuyến tính của câu chuyện phim- tức là trình tự từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chuyến xe ngựa. Còn nếu bổ theo chiều sâu với những tầng lớp ngầm, những mối quan hệ chồng chéo, đan xen nhau trong phim, có thể thấy cấu trúc kể chuyện còn là những mâu thuẫn đối lập giữa các nhân vật. Chính sự phát triển của những mâu thuẫn này sẽ thúc đẩy câu chuyện phim triển diễn, đồng thời làm bật lên tính cách và bản chất của các nhân vật. Như vậy, cấu trúc kể chuyện và hệ thống tính cách nhân vật có mối liên hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau.

Chính trong hành trình và không gian hẹp của chiếc xe chở khách, những đối lập trong suy nghĩ và thái độ sống của các nhân vật càng bộc lộ dần. Qua đó, nhân vật hé lộ những phẩm chất tính cách của mình.

Những nhân vật trong “Stagecoach” cũng như trong các phim miền Tây khác, thường có bản chất tính cách trái ngược với hoàn cảnh của họ. Nhân vật Dallas- cô gái điếm bị xua đuổi khỏi thị trấn bởi những định kiến xã hội, thực chất là một người đầy lòng trắc ẩn khi sẵn sàng giúp đỡ người phụ nữ mới sinh. Tính cách của cô rất trong sáng, đầy tự trọng, làm cho người cô yêu- Ringo Kid trở nên mạnh mẽ hơn. Nhân vật Ringo Kid do diễn viên nổi tiếng John Wayne đóng mang những nét tính cách đặc trưng của nhân vật phim miền Tây: mạnh mẽ, quyết đoán, có đặc tính của cả những người văn minh và người hoang dã thổ dân nhưng lại chiến đấu với cả hai loại người….Hai nhân vật này cùng với những người khác như vị bác sĩ say xỉn, tay chơi bạc… tuy có địa vị thấp hoặc bị coi thường nhưng lại có những phẩm chất tốt đẹp, đáng trân trọng hơn những kẻ bề ngoài hào nhoáng mà bên trong thì giả dối, xấu xa như gã béo biển thủ tiền nhà băng.

Những giá trị và tư tưởng, quan niệm trong phim miền Tây luôn mâu thuẫn đối chọi nhau. Trong “Stagecoach”, sự ghẻ lạnh, khinh ghét của những người cho mình thuộc tầng lớp trên đối với cô gái điếm Dallas và vị bác sĩ say xỉn trái ngược với cách đối xử trân trọng, bình đẳng của Ringo Kid với họ.

Đạo diễn John Ford luôn xây dựng những nhân vật đa chiều như vậy, thể hiện mặt tốt đẹp trong những con người vốn bị coi thường, xa lánh và bóc trần cái xấu của những thế lực có địa vị. Đó là cách nhìn mới mẻ khác với kiểu xây dựng tính cách nhân vật một chiều thường gặp trước đây, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân văn trong bộ phim.

Photos by

http://homepage.mac.com/pdxpatfitz/iblog/C1084267799/index.html

http://goldenhollywood.wordpress.com/2009/11/21/stagecoach-part-1/

http://billsmovieemporium.wordpress.com/2009/01/19/review-stagecoach-1939/

~ by petit3lf on April 12, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: