Nashville: Bức tranh biếm họa xã hội Mỹ

By Đức Độ

Được tổ chức với rất đông nhân vật đại diện cho các tầng lớp, các mặt khác nhau xã hội, “Nashville” là tiếng cười mỉa mai, là bức tranh biếm họa nhiều sắc màu về một xã hội Mỹ hiện đại.

Nhân vật trong “Nashville” rất đa dạng: những chính khách đang vận động bầu cử, ca sĩ, người lao động, phóng viên… Mỗi nhân vật đều có một cá tính, một đặc điểm riêng không nhầm lẫn với các nhân vật khác, nhưng điểm chung nhất giữa họ là lối sống thực dụng, phù phiếm và giả tạo.

Sự giả dối của các chính trị gia, những người đang vận động tranh cử thể hiện rõ nhất qua hình ảnh chiếc xe loa tuyên truyền và những người phụ tá. Chiếc xe luồn lách vào mọi nẻo đường thị trấn để rao giảng về ông chính trị gia tốt đẹp và những người phụ tá làm mọi cách để được công luận chú ý. Cách ăn mặc, nói năng của họ có vẻ nghiêm túc và đứng đắn, nhưng hành động thì trái ngược. Họ gây chú ý với công chúng bằng cách tổ chức các show ca nhạc, múa khỏa thân. Họ sẵn sàng nói dối một cô gái ham nổi tiếng để cô ta trình diễn khỏa thân, sẵn sàng gây sức ép, buộc ca sĩ Barbara phải đồng ý hát tại buổi ra mắt của chính khách mà không quan tâm tới việc cô ta ốm… Cái kết của phim đã lột mặt nạ của những chính trị gia, trong một bối cảnh được dàn dựng rất công phu: rất đông cảnh sát, bảo vệ và chính khách ở quanh ngôi đền – sân khấu, nhưng ca sĩ Barbara bị bắn chết. Số phận của một con người, dù đang ở giữa vòng bảo vệ, cũng không được đảm bảo.

Giới ca sĩ trong “Nashville” cũng phù phiếm không kém. Ca sĩ Hamington luôn tỏ ra vẻ trịnh trọng, lịch lãm, nhưng bằng việc lúc nào cũng khoác vào dáng vẻ thấp lùn của mình bộ cánh trắng trang trí lòe loẹt, ông ta đã tự  biến mình thành tên hề lố bịch, kệch cỡm, luôn tranh thủ để quảng cáo bản thân và con trai. Những bài hát của nhân vật này cũng rất “to tát”, mang tính kêu gọi, hô hào, thể hiện rõ sự hãnh tiến, kênh kiệu và coi thường người khác.

Tom, một ca sĩ có mã ngoài đẹp trai và lãng tử, thực chất lại là một “con đực” dối trá và thô thiển. Anh ta không yêu ai thực sự nhưng lại quyến rũ và ngủ với bất cứ cô gái nào anh ta gặp. Sau nhiều ngày bị “săn đuổi”, cô ca sĩ hát thánh ca đã đến ngủ với Tom, nhưng khi cô ta còn chưa về, Tom đã gọi điện tán tỉnh một cô gái khác ở New York. Barbara Jean, nhân vật có vẻ trong trẻo, chân thành và yếu đuối nhất trong “xã hội” mà đạo diễn xây dựng cũng không thoát khỏi những điều tầm thường của một con người: lòng đố kỵ, những giây phút suồng sã, bản năng.

Những nhân vật khác, từ các cô gái có ông chồng già lang thang trong thị trấn mong được phát hiện tài năng, kể cả việc hát trong trường đua ồn ào; cô gái đến từ L.A chạy theo những chàng trai nổi tiếng dù bà bác đang nằm viện chờ chết; cô phục vụ Suelynn sẵn sàng khỏa thân để đổi lấy cơ hội hát cùng Barbara đến giới phóng viên chạy theo những ca sĩ phù phiếm… tất cả đều thể hiện cách sống thực dụng, không quan tâm đến đạo đức, những phẩm chất rất… Mỹ. Điều đặc biệt là, cách đạo diễn thể hiện cái nhìn châm biếm rất chân thành và hiện thực, hài hước nhưng không quá lố. Các nhân vật mang trong mình sự tương phản, trái chiều trong tính cách, dù rất phù phiếm và giả dối nhưng lại không quá xấu xí mà rất gần gũi với khán giả.

Cách đạo diễn tổ chức nhiều nhân vật trong bộ phim rất mạch lạc và rõ ràng. Nhân vật nhiều và đa dạng, nhưng không hề ô hợp, mà được móc nối vào nhau rất ăn khớp, thể hiện bức tranh đa sắc diện của xã hội. Sự tương phản trong mỗi nhân vật góp phần vẽ nên sự tương phản của bộ mặt xã hội.

Sự tương phản còn thể hiện ở nghệ thuật cắt dựng của đạo diễn, đặc biệt ở những cú nối sốc như ông già bật khóc khi nghe tin vợ khóc nối sang cảnh hai chính trị gia đang cười, cô gái đang hát ở đường đua ồn ào chuyển sang cảnh hai vợ chồng ca sĩ Mary đang ngủ trong phòng…

Cái kết của phim cũng thể hiện cái nhìn mỉa mai của đạo diễn về xã hội Mỹ đầy bất trắc và lạnh lùng. Barbara bị bắn chết giữa ngôi đền thiêng, giữa vòng bảo vệ. Nguyên nhân cái chết của cô cũng rất mờ mịt, nhân vật ám sát bí ẩn trong phim hoàn toàn không không có biểu hiện của bệnh tâm thần và cũng không phải người của một đảng phái nào. Đáng sợ hơn cả, cuộc sống vẫn tiếp diễn, thản nhiên và lạnh nhạt, đám đông không buồn bã lâu, dù một con người vừa chết. Và bài hát “Điều đó không làm tôi phiền lòng” như một dấu nhấn buồn, một điệu cười mỉa mai mà đạo diễn gửi lại cho chúng ta.

Photo(s) by American Broadcasting Company (ABC) và Paramount Pictures

~ by huyentrangtran on April 12, 2010.

One Response to “Nashville: Bức tranh biếm họa xã hội Mỹ”

  1. @ anh ĐỘ: Em đã invite lại anh rồi, và em nhìn thấy là anh có trang wordpress mang tên anh. Như vậy tức là anh vào được tinvanonline bằng nick anh đấy chứ ạ. Từ nay các bài post anh nhớ sử dụng nick của mình nhé.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: