Blow Up: Thế giới rỗng

By Đức Độ

Với “Blow up”, đạo diễn Antonioni đã kiến tạo nên một thế giới rỗng, một xã hội lạnh lùng và vô cảm. Mượn khung nền là một vụ án mạng mà nhân vật chính – nhiếp ảnh gia – vô tình khám phá qua những bức ảnh của mình,”Blow up” khai thác tới tận cùng biểu hiện tâm lý của nhân vật để khám phá sự thật về tâm hồn con người.

Nhiếp ảnh gia, nhân vật chính của phim có một vẻ ngoài hào hoa và có vẻ say mê nghề nghiệp. Nhưng qua mối quan hệ của anh với công việc, khán giả hiểu, niềm say mê đó chỉ là cách anh che giấu nỗi vô cảm. Anh không tôn trọng công việc, hay đúng hơn, là không tôn trọng những cộng sự của mình. Với những người mẫu đã nổi tiếng, đang nổi tiếng và những cô gái ngấp nghé vào nghề, anh đều coi thường như nhau. Cách anh chế giễu, đùa cợt, có khi đè nghiến họ ra (như thể sắp làm tình) để chụp ảnh nhưng không bộc lộc chút cảm xúc nào đã “tố cáo” anh.

Với hai cô gái trẻ đến xin làm người mẫu, nhiếp ảnh gia thậm chí còn xúc phạm, đùa cợt trên xác thịt họ. Ba người lột truồng nhau, làm tình với nhau, nhưng sau khi mọi chuyện kết thúc, nhân vật chính không bộc lộ chút xúc cảm nào, lại tiếp tục với công việc và đuổi hai cô về. Một khoảng lặng ghê gớm ngân lên, cũng như sự trống rỗng và vô vị trong tâm hồn nhà nhiếp ảnh.

Tình dục, với anh ta dường như chỉ là sự trao đổi, là những thú vui bản năng, là sự va chạm ngẫu nhiên giữa thể xác của đàn ông và đàn bà. Với cô gái liên quan đến vụ án mạng cũng thế. Muốn dùng tình dục để “mua chuộc” nhiếp ảnh gia, nhằm đòi lại cuốn phim chứa bí mật về vụ án mạng, cô gái bồn chồn, tìm mọi cách quyến rũ anh. Cô chiều theo những sở thích quái đản của anh, nghe lời anh răm rắp, nhưng anh chàng chỉ thích bông đùa, chọc ghẹo cô cho vui. Giữa họ như đang diễn ra một trò chơi tâm lý, họ chờn vờn, quan sát nhau, thậm chí có vẻ như đã phải lòng nhau. Cô gái không chịu nổi sự đè nén cảm xúc, cởi áo, hai người gần như làm tình với nhau, nhưng đến giờ phải về, cô gái tỏ vẻ áy náy, luyến tiếc bao nhiêu thì chàng nhiếp ảnh lại thờ ơ bấy nhiêu.

Rời cô gái, anh chuyển ngay mối quan tâm đến cánh quạt máy bay. Cảm xúc trong anh, trong con người hiện đại như thể một cơn gió, bất chợt đến rồi bất chợt đi.

Bạn gái chàng họa sĩ, bạn nhân vật chính cũng là một “biến thể” của nhiếp ảnh gia. Cô ở cùng với họa sĩ, không có tình cảm nhưng vẫn làm tình với anh ta (thậm chí còn làm tình trước mặt nhiếp ảnh gia). Mặt khác, cô gái này thể hiện tình yêu với chàng nhiếp ảnh, nhưng tình yêu ấy cũng nhạt nhòa, không có gì sâu sắc, không đủ lực thúc đẩy cô rời bỏ họa sĩ để đến với anh. Antonioni, qua mối quan hệ tình ái – tình dục của các nhân vật trong “Blow up” dường như đã tố cáo mặt trái của các mạng tình dục: sự phóng khoáng và tự do, dễ dãi đã triệt tiêu những rung động, triệt tiêu sự bí ẩn và khát khao khám phá của con ngưởi.

Dù vậy, giá trị lên án xã hội của bộ phim này không chỉ dừng lại ở đó. Sự lãnh đạm, thờ ơ giữa con người với cuộc sống và với những người xung quanh không chỉ thể hiện qua cách các nhân vật ứng xử với nhau và với công việc. “Ném” vào bộ phim một xác chết, Antonioni làm rõ đến tận cùng sự vô cảm của xã hội. Trong khi rửa những bức ảnh chụp tại công viên, nhân vật chính vô tình phát hiện ra vụ giết người. Anh ta say mê phóng, rửa những bức ảnh, và càng lúc, những bức ảnh của anh càng giống với những bức tranh trừu tượng. Biết đến sự hiện diện của xác chết trong công viên, anh ta trở lại xem, nhưng không phải vì quan tâm đến vụ án (bởi anh không hề bào với cảnh sát) mà để sáng tác.

Ở nhân vật này không có những phản ứng bình thường của một con người vô tình chứng kiến tội ác. Anh ta chia sẻ câu chuyện với bạn bè một cách rất thờ ơ, và bạn anh ta, cũng vậy, phản ứng lại rất thản nhiên và không thèm quan tâm. Cái chết của một con người, với họ, chỉ có ý nghĩa như một đề tài để sáng tác nghệ thuật. Niềm đam mê nhiếp ảnh, bởi thế, chỉ là một niềm say mê không có mục đích, một chiếc mặt nạ để nhân vật chính che giấu, khỏa lấp sự lạnh lùng và trống rỗng của tâm hồn.

Nhiếp ảnh gia và những nhân vật khác trong thế giới của “Blow up” cũng như những nghệ sĩ kịch câm xuất hiện ở cuối bộ phim, mãi sống trong một thế giới giả vờ, một thế giới bị chia cắt bởi những lằn ranh vô hình, nơi mà con người trở nên lạc lõng và không thể giao tiếp một cách bình thường. Với bộ phim tuyệt hay này, Antonioni đã kể cho ta nghe một câu chuyện tràn ngập trí tuệ và đầy day dứt.

Photo(s) by Metro – Goldwyn – Mayer (MGM)

~ by huyentrangtran on April 12, 2010.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: