Vài suy nghĩ về “The Child”
By Đức Độ
Với một kịch bản phim đơn giản, gọn nhẹ, “The Child” gần như là một loại phim nguyên nhân – kết quả với mở đầu và kết thúc theo chiều tuyến tính. Tuy vậy, bộ phim này lại mang dáng dấp của một cuộc hành trình.
1. Kịch bản
Với một kịch bản phim đơn giản, gọn nhẹ, “The Child” gần như là một loại phim nguyên nhân – kết quả với mở đầu và kết thúc theo chiều tuyến tính. Tuy vậy, bộ phim này lại mang dáng dấp của một cuộc hành trình. Tác giả không hề khai thác nguyên nhân tội ác mà quan tâm vào hành trình và hậu quả tội ác.
Bruno, một nhân vật có tính cách và lối sống rất đơn giản: khi cần tiền thì ăn cắp, có tiền thì mua đồ thả cửa, lúc cần sẵn sàng bán đi mà không suy tính… bỗng có một đứa con. Và với một ông bố gần như không có khái niệm gì về gia đình và hôn nhân, khi có người gạ mua đứa trẻ, việc anh ta đồng ý bán con rất đỗi thản nhiên, vì “chúng ta sẽ có đứa khác”.
Từ hành động nông nổi và bồng bột đó, những phiền nhiễu ập đến cuộc sống của Bruno, khiến mọi chuyện dần bị đẩy đến mức bi kịch. Tuy vậy, chính bi kịch ấy lại là bước đà tạo nên một hành động khác: đi ăn cắp. Đi đầu thú, Bruno chứng tỏ cậu đã trải qua một quá trình trưởng thành, đã nhận thức được ý nghĩa cuộc sống và con người mình.
Một câu chuyện giản dị và dễ hiểu, nhưng những sáng tạo trong phong cách thể hiện cảu hai anh em đạo diễn Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne đã khiến những giám khảo của giải Cannes 2005 “mềm lòng”.
2. Cách quay
Điều đặc biệt nhất của phong cách quay phim trong “The Child” là máy quay ít khi đặc tả và cận cảnh nhân vật, đặc biệt là nhân vật Bruno. Cảm xúc của nhân vật này bị tiết chế đến mức tối đa, hay đúng hơn là ông bố trẻ con này không hề thể hiện chút cảm xúc nào với đứa trẻ. Cũng vẫn với cách quay hơi lạnh nhạt ấy, nhưng với cách diễn xuất giàu ngôn ngữ hình thể của diễn viên đóng vai Sonia (cách cô nhìn, nựng nịu, bế đứa bé, cách cô phản ứng dữ dội khi biết Bruno bán con đi…), tình mẫu tử của Sonia với đứa bé được thể hiện rất đắt.
Máy quay cũng rất “chăm chỉ” bám sát nhân vật chính, tập trung khai thác cảm xúc và hành động của nhân vật mà không hề chạy theo sự kiện, ngay cả những cảnh kịch tính như va chạm, đuổi bắt. Điểm nhìn nhân vật “thống trị” bộ phim từ đầu đến cuối. Bởi thế, trong “The Child” có rất nhiều những cú máy dài và tĩnh, máy quay quan sát nhân vật đến tận cùng, ngay cả những lúc ngưng trệ, lặng im, diễn viên gần như không diễn xuất, không thể hiện cảm xúc hay hành động gì. Phim gần như không cắt cảnh với những cú máy dài gần như không dứt mà lia liên tục. Tuy thế, việc đạo diễn khéo léo kết hợp nhịp linh động của máy quay với diễn xuất và di chuyển của diễn viên tạo thành một nhịp điệu nghệ thuật cho bộ phim. Không cắt đứt đời sống, cũng không tham gia quá sâu vào đời sống nhân vật (đặc biệt trong những cảnh đối thoại, máy quay gần như không cận cảnh mặt diễn viên), máy quay gần như đóng vai trò “người quan sát” khách quan, ngoài cuộc.
Ví dụ cảnh Sonia và Bruno giận dỗi nhau trên xe bus, máy quay cho ta thấy Bruno đang đứng trên bus, mắt chằm chằm nhìn về phía trước, tay đẩy chiếc nôi rỗng, khiến người xem tò mò, không biết chuyện gì đang xảy ra. Một thời gian đủ lâu sau, máy quay hướng theo phía mắt Bruno, ta mới nhìn thấy Sonia đang bế đứa trẻ. Hoặc đoạn Bruno và bạn cướp giật túi xách của một người phụ nữ rồi bị truy đuổi, máy quay đi theo nhân vật này suốt quãng đường, tới bờ sông, vòng lên cầu… nhưng không cho chúng ta thấy phía đối diện, giấu tiệt hành động của những người truy đuổi, vì thế, lại làm chúng ta hồi hộp và âu lo hơn. Lờ đi những đoạn có thể khai thác kịch tính, đạo diễn dường như chối từ mang tới tính chất câu truyện cho bộ phim của mình, mặt khác, mang lại cho nó chất tài liệu, khách quan và chân thực như cuộc sống. Với đặc điểm này, khán giả, bởi thế sẽ được trải nghiệm với nhân vật từng khoảnh khắc, cũng trông đợi, tò mò, cũng bất ngờ cùng nhân vật.
3. Bối cảnh, chiếu sáng và âm thanh
Bối cảnh trong phim, cũng tự nhiên như cách quay phim, gắn liền với đời sống nhân vật. Không bối cảnh nào thực sự nổi bật hay bắt mắt, nó đơn giản và chân thực như cuộc sống. Tuy thế, bối cảnh tưởng chừng như không có bàn tay dàn dựng ấy vẫn là một thứ ngôn ngữ đắt giá. Cách bài trí nội cảnh trong “the Child” với những phòng trọ rẻ tiền chật hẹp, tối tăm, căn nhà chật chội lỉnh kỉnh đồ đạc và không được trang trí nơi Sonia và Bruno ở hay gara hoang vắng um tùm cỏ nơi Bruno thực hiện phi vụ mua bán… đều là những không gian ẩm thấp, bó chặt, thể hiện cuộc sống thiếu thốn không gian, không giàu tình cảm, khô khốc và u buồn của nhân vật. Những ngoại cảnh, dù được mở ra với bãi hoang, bến sông, đường phố, công viên… nhưng cũng bị bo, bị “cô cạn” bởi những vật cản chắn ngang khuôn hình hoặc bị lấy nét rất nông.
Thống nhất với bối cảnh ấy là một thứ ánh sáng và âm thanh không được làm đẹp, không cầu kỳ. Ánh sáng trong phim gần như là ánh sáng tự nhiên, tạo cho người xem một cảm giác rất “tài liệu”. Chủ âm của “The Child” cũng là những âm thanh đường phố, phù hợp với đời sống nhân vật. Không có chút âm nhạc nào được sử dụng, chỉ có sự tương phản âm thanh dữ dội giữa động và tĩnh trong những mối dựng thúc đẩy cảm xúc người xem.
Một bộ phim đơn giản mà sâu sắc, khiến chúng ta, những người sống ở thời hiện đại, khi xem xong khó có thể quên ngay.
Photo by http://www.traileradict.com
Mình cũng rất thích phim này! Một bộ phim theo phong cách “Làn sóng mới” gợi nhớ đến “Breathless” và “400 blows”!:)
petit3lf said this on April 10, 2010 at 11:49 pm