Apocalypse Now
By Đức Độ
Như một nỗ lực lý giải sự thua cuộc của Mỹ trong cuộc chiến với Việt Nam, “Apocalipse now” của Francis Ford Coppola hiện lên trước mắt khán giả với một chuỗi những hình ảnh ấn tượng và đa tầng ý nghĩa. Trường đoạn cuộc đổ bộ của sư đoàn trực thăng, với tôi, là trường đoạn ấn tượng nhất phim.
Đạo diễn Coppola mô tả trường đoạn này với những hình ảnh thực sự ấn tượng: hoành tráng, hùng vĩ và nhiều màu sắc. Cuộc đổ bộ ấy hiện lên trong “Apocalipse now” với những khuôn hình rất tuyệt vời với sự kết hợp màu sắc và cách quay đặc biệt. Màu sắc chủ đạo được sử dụng trong trường đoạn này đều là những gam nóng (đỏ và vàng): màu của lửa, màu của cát, của bụi, của những luồng khói… đưa nhân vật vào không gian chiến trận. Những màu sắc này, một mặt tạo nên không khí nóng bỏng của chiến tranh, mặt khác, tạo nên cảm giác về sự trình diễn. Đó là một cuộc đổ bộ phô diễn sức mạnh quân sự của sư đoàn trực thăng, sức mạnh Mỹ. Những màu sắc mạnh mẽ này kết hợp với góc quay từ dưới lên (khi quay máy bay) tạo cho cuộc ra trận một không khí hồ hởi và hoành tráng.
Tính chất trình diễn của trường đoạn này còn được khai thác rất tinh tế qua nhân vật và chi tiết. Nhân vật người chỉ huy xuất hiện như một hình mẫu anh hùng miền viễn Tây (phục trang đậm chất cao bồi, góc máy từ dưới lên), một người đại diện cho vẻ đẹp và sức mạnh Mỹ, một người có kiến thức văn hóa (sử dụng tâm lý chiến: mở nhạc giao hưởng thật to trong khi máy bay sà xuống khiến dân bản địa hoảng loạn). Nhưng vẻ đẹp và sức mạnh ấy chỉ là một chiếc mặt nạ, che giấu bên trong là một con người bị chiến tranh làm cho vô cảm. Lý do viên chỉ huy này chọn địa điểm cho cuộc đổ bộ sư đoàn chỉ đơn giản là nơi có sóng tốt để lướt sóng, nơi ông có thể “ném” quân lính ra làm trò giải trí. Ông ta cũng tỏ vẻ nhân đạo khi định cho một người lính Việt cộng sắp chết uống nước, nhưng lập tức quên bẵng chuyện đó khi phát hiện một người lính lướt sóng giỏi. Chiến tranh, với người sĩ quan này chỉ như một trò chơi. Vô cảm với cái chết của lính tráng và “kẻ thù”, ông lấy bộ bài để ném vào các xác chết, để “cho chúng nó chơi ở địa ngục”; sau cuộc chiến, ông còn tổ chức tiệc bãi biển cho lính giải khuây. Coppola dồn cả những tinh hoa và cả sự vô tâm, lạnh lùng vào một con người, đồng thời “lột mặt nạ” của nhân vật và “lột mặt nạ” chiến tranh.
Những chi tiết nhỏ khác được lồng ghép vào trường đoạn này như cha cố mặc quân phục rửa tội cho đám lính Mỹ sau khi họ đã giết chóc dân bản xứ, đám phóng viên chiến trường làm phóng sự chiến tranh cho truyền hình hô hào đám lính “cứ chạy tự nhiên, đừng nhìn vào ống kính”… cũng bộc lộ tính chất trình diễn, hay đúng hơn, là trò diễn của chiến tranh. Và trong sân khấu trình diễn ấy, người Mỹ không thể làm chủ sân khấu, dù họ có số lượng “diễn viên” hùng hậu hơn nhiều. Trường đoạn này được quay chủ yếu bằng ống kính góc rộng, thu được cả mặt đất và bầu trời, trong đó con người bị kẹt ở giữa. Một cảnh cực kỳ ấn tượng, có giá trị lật tẩy là cảnh một đàn máy bay truy đuổi một cô gái Việt cộng. Con người bé nhỏ những tưởng bị hủy diệt, lại ném bom làm nổ tung máy bay trong lớp bụi vàng như ảo thuật. Ngay từ trường đoạn hùng vĩ và hoành tráng này, Coppola đã đặt vào một dự báo sự thảm bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Điều đặc biệt là, cách thể hiện của ông đã nâng mọi thứ lên một tầm duy mỹ, tạo chiều sâu cho hình ảnh và thông điệp.
no borders on pictures … avoid text in the heading picture … try to be more original …
maximumeskimo said this on April 8, 2010 at 6:58 pm
“Như một nỗ lực lý giải sự thua cuộc của Mỹ trong cuộc chiến với Việt Nam”….
không phải là “cuộc chiến với Việt Nam” , mà là “sự sa lầy chiến tranh ở Việt Nam (Đông Dương)”.
nghia said this on July 9, 2010 at 2:48 am