Vòng đời quay mãi (Part 2)
by Loan Vũ – Hoàng Thu
Hình ảnh hai cha con hòa vào dòng người cuối phim không chỉ ngỏ với cuộc kiếm tìm chiếc xe của họ, mà còn ngỏ với rất nhiều vấn đề xã hội vẫn đang tồn tại trong lòng nước Ý sau Thế chiến II.
Vấn đề đầu tiên và là nguyên nhân dẫn tới câu chuyện phim là nạn thất nghiệp. “Bicycle thief” mở đầu bằng một cú máy travenling theo chiếc xe khách đang chạy vào thành phố, nơi có những tòa nhà cao tầng với nhiều cửa sổ, toán người bước xuống và kéo lên chiếc cầu thang rồi trở xuống nghe một vị cán bộ đọc tên người được nhận (chỉ một người): Ricci. Những người còn lại là quá đông so với công việc cần tuyển, chưa kể tới những công việc ít ỏi đó lại không phù hợp với họ. Cảnh đám người kéo ra và tụ tập, bao che cho tên ăn trộm xe đạp nơi góc phố hẹp càng cho thấy số người không có việc làm nhiều và tha hóa tới mức nào. Dòng người ủ rũ và đông đúc mà hai nhân vật chính hòa lẫn vào đó trong cảnh cuối bộ phim là dấu chấm lửng cho thực trạng này. Tỉ lệ người thất nghiệp cao cũng sẽ phát sinh thêm nhiều tệ nạn xã hội khác.
Đó là tệ nạn trộm cắp, thậm chí nó được tổ chức thành một nghề. Hãy nhớ lại cảnh chiếc xe đạp bị mất. Trước khi người thanh niên đội mũ đi tắt qua đầu vài chiếc ô tô đang đỗ tới chỗ Antonio dựng xe, đã có một nhóm khoảng 3 người chặn trước chặn sau chiếc xe đạp, vừa che chắn cho tên trộm chính dắt xe chạy đi, vừa để cản người chủ xe đuổi theo. Tệ hơn nữa, nạn trộm cắp này lại được bao che, cổ súy của đa số những kẻ nghèo khó khác: đám người bênh vực tên trộm xe; và sự vô tâm, quan liêu của giới chức trách (viên cảnh sát từ chối tìm chiếc xe cho Antonio vì nó quá nhỏ bé). Cái vòng tròn: thất nghiệp – trộm cắp được đưa ra trong “Bicycle thief” (Antonio bị trộm xe ở đầu phim; Antonio ăn trộm xe của người khác) là lời cảnh báo gay gắt đối với cuộc sống.
Đó là tệ nạn mê tín dị đoan: khi người ta quá khổ, người ta bị che mắt bởi những việc ngu ngốc nhất. Bà thầy bói Santana chỉ xét đoán sự vật như một người bình thường, ai cũng có thể phán như bà nhưng vẫn đủ sức qua mặt, lấy tiền của những người tới xem. Trong cả bốn trường hợp, bà thầy bói vừa cho thấy sự ngu ngốc vừa cho thấy sự hài hước: với người đàn bà có con ốm liệt giường, mụ Santân nói: “Hãy mang nó tới đây để ta xem”; với người thanh niên bị thất tình, bà khuyên: “Anh quá xấu, hãy quên cô ta đi, hãy yêu người con gái khác (gieo trồng trên một cánh đồng khác)”; với người đàn bà có chồng nghiện ngập, bà bảo: “Đừng đưa tiền cho anh ta nữa”. Còn với trường hợp của Antonio, bà phán xanh rờn: “Nếu không tìm được chiếc xe ngay bây giờ thì sẽ không bao giờ tìm thấy nó”. Số lượng người đến xếp hàng để xin một quẻ bói vẫn ngày một tăng cũng là một cách đạo diễn Vittorio De Sica phơi bày hiện thực vừa nhố nhăng vừa đáng thương của nước Ý.
Vấn đề nạn đói được thể hiện khá tinh tế: cảnh chen lấn để bán các vật dụng của gia đình để lấy tiền (nhà Anto bán ga trải giường, tiếp sau đó là cảnh một cụ ông bán chân nến); bữa ăn từ thiện của nhà thờ; cái đói hành hạ Bruno mà chỉ với một lời thắc mắc: Sao chúng ta không ở lại ăn soup? mà cậu phải nhận về một cái tát của bố. Vì đói nghèo và túng quẫn (không có xe thì không được đi làm) mà Antonio sa chân vào vết chàm của kẻ đã gây ra sự túng quẫn cho anh: trở thành một tên trộm xe đạp. Một cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống, sự nghèo đói sau chiến tranh của xã hội nước Ý không biết tới khi nào mới được tháo gỡ.
Đó là sự phân biệt giàu nghèo được thể hiện đối lập trong cảnh máy quay travenling theo ánh mắt Antonio ngước mắt nhìn theo người nhân viên leo lên chiếc giá gỗ khổng lồ trong căn phòng rộng chất đầy những chiếc ga giường, đồ vật mà người dân mang đi bán hoặc cầm đồ; cảnh đối lập trong quán ăn được xây dựng khá hài hước giữa cậu bé Bruno và đứa trẻ con nhà giàu có.
Bộ phim mang tính hiện thực, trước hết ở bối cảnh thực và cách quay, cách tận dụng ánh sáng thực của bối cảnh. Không gian nhà máy, quảng trường, các khu phố, chợ của thành Roma, các cảnh nội trong nhà, nhà thờ, nhà hàng, dòng sông, … hiện lên ở nhiều góc máy, nhưng chủ yếu là góc quay thẳng, ngang và thường travenling theo nhân vật để cho thấy tính chất một hành trình: sự tìm kiếm, bên cạnh đó, cũng cho khán giả có cảm giác chân thực, như một người đang chứng kiến những điều bình thường diễn ra trước mắt. Đó là cảnh Antonio chở con trên chiếc xe trong ngày đầu tiên anh đi làm, cảnh Antonio cùng Bruno đi trên con đường cạnh bờ sông,… Trong đó, cũng có nhiều cảnh góc máy tĩnh, chờ nhân vật xuất hiện và hành động. Ngoài ra, một số ít các cảnh góc máy thấp hất lên trên (cảnh Antonio nhìn người leo lên giá chỗ cầm đồ xe đạp, cảnh đám người nhìn lên cửa sổ nơi cảnh sát và hai bố con Antonio trong căn hộ của tên trộm…), cảnh máy quay từ trên cao xuống (cảnh sát và Antonio nhìn xuống đám người đang vây quanh tên trộm đang lăn lộn vì đau đầu).
Một trong những yếu tố tạo nên tính chân thực cho “Bicycle thief” là diễn xuất của hai diễn viên chính. Cả hai người Lamberto Maggiorani (vai Antonio Ricci) và cậu bé 7 tuổi Enzo Staiola (vai Bruno Ricci) đều là cách diễn viên nghiệp dư. Nhờ vậy, có thể thấy, những cảm xúc, tâm trạng của họ được thể hiện khá chân thật, không có sự gượng ép của kỹ thuật diễn (cảnh trong nhà hàng, Lamberto diễn hơi gượng: lúc quay sang bên trái để nghe ban nhạc hát, tay anh ta gõ nhịp và miệng thì cười nhưng không có vẻ ăn nhập. Điều này tạo nên thành công của cảnh quay, cho thấy việc Antonio quay ra nghe nhạc chỉ là sự cố gắng của anh trong việc trấn áp sự chán nản trong cuộc tìm kiếm). Khuôn mặt bầu bĩnh và dáng điệu lũn cũn của Enzo cũng thích hợp cho một cậu bé vừa mang vẻ ngây thơ, vừa có nét trưởng thành (cảnh Bruno cởi áo khoác và vắt lên một bên tay trên chiếc cầu).
“Bicycle thief” thực sự xứng đáng là bộ phim tiêu biểu không chỉ cho trường phái Tân hiện thực Ý mà còn là một trong những ấn tượng nổi bật của điện ảnh nước này với thế giới.
photo(s) by media.timeoutnewyork.com, IPB imagine, dvdbeaver.com