Vòng đời quay mãi (Part 1)
by Loan Vũ – Hoàng Thu
Được sản xuất năm 1948, “Bicycle thief” là câu chuyện về cuộc tìm kiếm chiếc xe đạp bất thành của hai cha con một người Ý thất nghiệp. Một không gian và thời gian hạn chế cùng câu chuyện đơn giản liệu có đủ sức thu hút người xem? Và thực ra, lý do gì để “Bicycle thief” được coi là một trong những bộ phim nổi tiếng nhất của nước Ý?
Điều làm nên sức hấp dẫn cho bộ phim có lẽ là qua một cốt truyện đơn giản xảy ra trong thời gian ngắn (3 ngày), đạo diễn Vittorio De Sica đã nói được rất nhiều điều. Người xem nhận ra được nhiều tầng bậc ý nghĩa qua câu chuyện tìm kiếm chiếc xe đạp mất cắp ấy.
Antonio Ricci tìm được việc làm (dán poster) nhưng công việc bắt buộc anh phải có một chiếc xe đạp. Vợ anh, Maria, phải mang bán ga trải giường lấy tiền chuộc chiếc xe của chồng. Nhưng ngay trong ngày làm việc đầu tiên, chiếc xe của anh đã không cánh mà bay. Đuổi theo tên trộm nhưng bị mất dấu, anh dành cả ngày hôm sau cùng cậu con trai nhỏ, Bruno, lang thang gần khắp thành phố Roma để tìm kiếm. Song họ không thể lấy lại chiếc xe của mình. Sự thất vọng và túng quẫn khiến Antonio lại bị xô đẩy trở thành một tên trộm xe đạp trước sự chứng kiến của chính con trai anh.
Một cái kết không mong đợi với những người xem phim giàu nhân hậu: Một cái kết hoàn toàn không có hậu. Nhưng nếu bạn theo dõi hết 93 phút bộ phim, bạn sẽ thấy nó là một cái kết hợp lý.
Nó hợp lý trước hết bởi vì, việc không tìm thấy chiếc xe đạp là bước thúc đẩy cho tính cách nhân vật phát triển cao hơn, đối với cả người cha Antonio, người con Bruno và mối quan hệ giữa họ.
Antonio Ricci là một người chồng, người cha tốt, một công dân lương thiện. Anh được giới thiệu ngay từ đầu trong cảnh một đám đông đang vây quanh một công chức – người sẽ thông báo ai sẽ được chấp nhận vào vị trí còn trống. Bộ vest tuy cũ kỹ nhưng con người anh toát lên một phong thái lịch sự và ngay thẳng. Anh khao khát một công việc, như đa số những người đàn ông khác trong thành Roma sau chiến tranh thế giới II, để nuôi gia đình nhỏ gồm vợ và hai con. Biết yêu cầu cần có một chiếc xe đạp, trong khi xe anh đang ở tiệm cầm đồ, anh đề nghị được chạy bộ, song không được chấp nhận. Chiếc xe được chuộc về và bị đánh cắp ngay ngày hôm sau trong buổi làm việc đầu tiên của anh. Biến cố này khởi đầu cho câu chuyện với nhiều nút thắt và bất ngờ.
Việc tìm kiếm vô vọng một chiếc xe đạp nhỏ bé giữa thành phố Roma rộng lớn có vô vàn chiếc xe đạp không khác gì mò kim đáy bể. Một ngày lang thang, sục sạo không có kết quả đã đốt hết sức lực, sự kiên nhẫn và cả niềm hi vọng của Antonio, biến anh thành một kẻ túng quẫn, xấu tính: Tát Bruno khi cậu bé kêu đói và muốn ở lại ăn súp tại nhà thờ; đi xem bói; xa hơn nữa là trở thành chính kẻ gây nên tình trạng khốn khổ cho mình và gia đình: một kẻ cắp xe đạp! Những giọt nước mắt hối hận muộn màng của anh, không chỉ cho thấy một thực tế về sự khốn cùng của con người trong khó khăn, nó còn là dấu hiệu của sự nhận thức của con người về chính thực tế ấy, cho thấy một hi vọng về con đường mà anh đang bước đi, dù có khó khăn, nhưng anh không đơn độc khi luôn có cậu con trai bé bỏng, trong sáng và cao thượng bên cạnh.
Cùng với Antonio, cậu bé Bruno cũng là nhân vật để lại ấn tượng khó phai. Cậu bé với khuôn mặt bầu bĩnh, ngộ nghĩnh và đặc biệt ngưỡng mộ cha mình: cậu cố gắng lau chiếc xe đạp sáng bóng lên trước khi bố cậu đi làm, bắt chước mọi hành động và cử chỉ của bố. Cậu muốn trở thành một người đàn ông như bố cậu. Điều này thể hiện rất tinh tế và vui nhộn trong cảnh hai bố con chuẩn bị rời khỏi nhà với chiếc xe đạp. Máy quay đặt ngang, thu lại hình ảnh hai nhân vật Antonio và Bruno – một người đàn ông cao ráo, khỏe mạnh, một cậu bé đứng trên ghế trước tấm gương – cùng đút phần ăn giống hệt nhau (do Maria chuẩn bị) vào túi áo ngực theo một cách giống hệt nhau với ánh mắt lấp lánh đầy ngưỡng mộ của Bruno dành cho người cha. Sau đó, họ làm một loạt hành động giống nhau nữa (nhưng có lẽ là do Bruno “bắt chước” bố mình): cùng soi gương, chải tóc, chỉnh mũ và chào Maria để bắt đầu một ngày làm việc. Sự ngưỡng mộ Antonio của Bruno còn được nhận thấy ở một loạt cảnh trong cuộc tìm kiếm chiếc xe đạp. Rất nhiều cảnh quay trên các con phố, ở khu chợ, trong nhà thờ, trên quảng trường… Antonio cứ bước đi, còn cậu bé Bruno luôn vừa ngửa mặt nhìn bố vừa cố nhanh chân chạy theo cho kịp.
Từ vị trí một người “phụ tá”, Bruno trở thành một “người đồng hành” với Antonio kể từ thời điểm “cái tát”. Manh mối duy nhất mà Antonio có được là ông già (người nói chuyện với tên trộm trên phố) biến mất khiến cho tâm trạng anh giống như một trái bộc phá, lời nhõng nhẽo của Bruno (Sao chúng ta không ở lại ăn súp?) như ngòi nổ và kết quả là một cái tát của cơn giận dữ. Nhưng liền sau đó là sự hối hận và thương con mà căng thẳng và kịch tính là tình huống nhầm tưởng đứa trẻ ngã sông chính là Bruno. Phát hiện ra đó không phải con trai mình và nhìn thấy cậu bé đang đứng trên cầu, Antonio chạy những bước dài từ bờ sông lên dãy bậc thang cao tới chỗ Bruno đứng. Anh làm lành với con bằng mọi cách: cố bắt chuyện trên con đường ven sông, chọc cười con trai (chi tiết về đội Modena), rủ con đi ăn nhà hàng. Và tại đây, Antonio đã coi Bruno như một người đàn ông, tự do và trưởng thành: khuyến khích con uống rượu (thứ không dành cho con nít), thổ lộ với con về nỗi lo nếu không tìm thấy xe đạp thì chỉ có nước cả nhà chết đói (đưa cho con trai viết những con số đáng sợ về mức chi tiêu của gia đình).
Cho tới cuối phim, Bruno đã trở thành một người ở vị trí có quyền tha thứ cho cha. Chứng kiến cảnh cha ăn cắp xe đạp và bị gần như tất cả mọi người đuổi đánh, Bruno khóc chạy theo, nhặt mũ cho cha. Chính ánh mắt van lơn của cậu đã cứu cha thoát cảnh bị dẫn tới đồn cảnh sát. Dù không phải đối mặt với nguy cơ ngồi tù, nhưng Antonio lúc này đang phải đối mặt với sự trống rỗng trong tâm trí, sự vỡ vụn của niềm hi vọng. Anh không còn muốn nhận thức gì cái hiện thực trước mắt (cảnh đi bộ trên đường, để kệ thành xe ô tô quệt vào mình). Cái nắm tay cha của Bruno là một chi tiết xúc động. Máy quay đặc tả rất nhanh bàn tay nhỏ bé của người con nắm lấy bàn tay người cha đang run lên vì cùng cực rồi lùi lại cho thấy Bruno đang ngước ánh mắt mình nhìn cha và hai cha con cùng bước đi. Ánh nhìn của Bruno trở lại giống như khi cuộc tìm kiếm bắt đầu. Nó cũng vẫn là sự ngưỡng mộ. Nhưng ở đây, nó còn bao chứa cả sự tin tưởng và thấu hiểu. Bruno dường như đã trưởng thành.
Cảnh kết phim để ngỏ: họ thất bại trong việc lấy lại chiếc xe, đồng nghĩa với việc Antonio mất công việc vừa kiếm được. Nhưng cái được lớn nhất và có ý nghĩa nhất đối với nhân vật là họ đã tìm thấy trong nhau sức mạnh của tình yêu thương, niềm tin tưởng, để giờ đây, trong dòng người đông đúc và đáng thương kia, họ có đủ nghị lực để bước tiếp.
(còn nữa)
Photo(s) by generationfilm.files.wordpress.com, beaugrande.com