“People in the city”
by Hồng Ánh
Với 12 bức tranh sơn dầu và 2 tác phẩm tượng được thực hiện bằng chất liệu hiện đại, triển lãm sắp đặt cá nhân “People in the city” (“Người trong thành phố”) của họa sĩ Phạm Ngọc Dương đã thể hiện một cách ấn tượng hình ảnh con người dưới áp lực cuộc sống.
Tục ngữ Việt Nam có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, nhằm nói đến mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường sống và con người, hình thức và nội dung. Xuất phát từ ý tưởng này, Phạm Ngọc Dương đã trình bày chuỗi 12 bức tranh sơn dầu theo một hình khối duy nhất: hình hộp chữ nhật. Tất cả các dạng thái của đời sống và con người từ truyền thống (Áo dài, Cô gái và hoa sen) đến hiện đại (Cậu bé và máy tính, Đầu gấu), từ tĩnh (Ngủ) đến động (Yêu).v.v… đều bị khuôn theo cái khuôn đúc sẵn. Không gian tranh ép chặt, đóng kín, chết cứng, khiến hình ảnh con người trở nên méo mó, vặn vẹo, khổ sở. Bằng cách đó, tác giả đã chỉ ra tình trạng bị chôn sống, thiếu dưỡng khí, sao chép hàng loạt của đời sống hiện đại mang tính công nghiệp.
Tranh sơn dầu “Tắm”
Tuy nhiên, như một phản đề của chính nó, chuỗi 12 bức tranh sơn dầu này đồng thời cũng cho thấy sự đa dạng, sinh động và sức mạnh của đời sống ngay trong tình trạng bị áp bức. Phạm Ngọc Dương đã thể hiện hình ảnh con người bằng những đường nét khỏe trong một bố cục chặt, với những cơ bắp căng cứng, giống như đang chống lại sức ép từ hình khối bên ngoài. Họ vừa chịu đựng áp lực, vừa gồng mình chống trả để không bị áp lực đè bẹp, nghiền nát, và cứ thế, cuộc sống vẫn tiếp diễn theo một cách riêng.
Chuỗi tượng “Học sinh phổ thông”
Chuỗi tượng “Học sinh phổ thông” và “Đổi dạng” lại cung cấp một cái nhìn hài hước, phản tỉnh về các giá trị ảo của đời sống hiện đại. Được làm bằng các sản phẩm tiêu dùng (quần áo, giày dép…), tác phẩm “Đổi dạng” gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem bởi kích thước khổng lồ. Nó vừa hào nhoáng, ngạo ngược, vừa khó chối bỏ, như một biểu tượng tinh thần mới của thế hệ trẻ. Cũng như vậy, 30 bức tượng “Học sinh phổ thông” mặc dù được thể hiện dưới các hình thức khác nhau (quần áo, đầu tóc, biểu cảm trên khuôn mặt) nhưng đều bị đóng trong một khuôn chung, có cùng một dạng thái và “style”. Nếu tách riêng ra, có vẻ như mỗi đứa trẻ ở đây đều rất phá cách, sành điệu, hợp mốt, hay nói như ngôn ngữ thời thượng, chúng đều phô diễn “cái tôi” của mình. Tuy nhiên, khi được đặt cạnh nhau, chúng lại giống hệt nhau và tự đánh mất gương mặt riêng của mình, sự “chứng tỏ cái tôi” bởi vậy trở nên hài hước, thậm chí là lố bịch và đáng thương. Những giá trị mà những đứa trẻ này tưởng là độc đáo và cố theo đuổi, cuối cùng lại chỉ là sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt, và khi chúng càng cố làm nổi bật bản thân thì chúng càng đánh mất chính mình.
Có thể nói, “People in the city” là cái nhìn trực diện, giàu suy nghiệm của một người trẻ về cuộc sống đương đại với những khía cạnh và màu vẻ của nó.
VỀ TRIỂN LÃM “PEOPLE IN THE CITY”:
– Khai mạc: 18g ngày 08/01/2010
– Triển lãm: 08 – 18/01/2010
– Địa điểm: Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
P/S: Bài viết này được viết bằng cảm nhận hoàn toàn trực giác và chủ quan, với tình yêu nồng nhiệt dành cho những chữ rất dịu dàng này của Phạm Ngọc Dương. Nếu bài viết có điều gì sai sót hoặc không thỏa đáng, mong cả nhà nhiệt tình ném đá để “em nhỏ” chóng lớn :P
pics by from1976to.multiply.com
this is a truly unique and inspiring post … as we say in new york: “hat’s off …” please continue to investigate the creative waters … you’re definitely on to something special.
maximumeskimo said this on January 20, 2010 at 6:02 am
Thanks for your comment, Dean.
I am very interested in Phạm Ngọc Dương’s exhibition. His work is really strong and thoughtful. All of pictures and statues in the exhibition could help me to image and think so much.
I also read some writing on Phạm Ngọc Dương’s blog. They are very sensitive and impressive. I love the point of his view, the way he feels and the way he uses the words in his writing…
Rêu said this on January 20, 2010 at 10:22 pm