Đất Khổ

by Ninh Vũ

Trở lại Việt Nam – mảnh đất “khai sinh” của mình sau hàng chục năm bị lãng quên ở xứ  người, bộ phim Đất khổ của đạo diễn Hà Thúc Cần, do cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn thủ vai chính là một tạo tác kỳ lạ của điện ảnh miền Nam thời kỳ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Đất khổ được quay từ năm 1971 và phát hành tại miền Nam vào năm 1974. Sau khi hoàn thành, bộ phim chỉ  được chiếu hai lần cho công chúng miền Nam. Năm 1996, Đất khổ được công chiếu trở lại (trong chương trình phim Việt Nam của Liên hoan phim Mỹ – Á năm thứ 15 tại Trường đại học George Mason và Trường đại học Maryland  – Washington, Hoa Kỳ), và năm 2007,  DVD Đất khổ (tựa đề tiếng Anh Land of sorrows) được phát hành (bởi Công ty phát hành Remis). Cả hai sự  kiện này đều dựa trên những nỗ lực của George Washnis, một nhà đầu tư  phim Hoa Kỳ thập niên 1970, chồng của một nhà sản xuất phim ảnh có mối liên hệ mật thiết với Đất khổ.

Đất khổ là câu chuyện về một gia đình Huế trong chiến tranh với lựa chọn riêng của từng thành viên và số phận của họ trong thời điểm cuộc chiến đang rất khốc liệt; trong đó chứa đựng tình thương yêu ruột thịt, tình yêu lứa đôi, nỗi đau xót rất con người và sự  cảm thông sâu sắc của người nghệ sĩ chân chính đối với đồng loại.

Hai người anh trai của Quân, một người là sĩ quan (Hải), một người là bác sĩ quân y (Hà) trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Chị gái của Quân (Thúy) là người yêu của Nghĩa, một sĩ quan biệt động. Em gái Quân là một học sinh tiến bộ, luôn đi đầu trong phong trào thanh niên học sinh xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Còn Quân, anh có con đường của riêng mình, anh là một nhạc sĩ, một người nghệ sĩ luôn đứng ngoài cuộc chiến để thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nước mình. Anh đã viết những bản nhạc thể hiện khát khao hòa bình với ca từ  rất đỗi mộc mạc mà sâu sắc:

…Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng
Sài gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam,
tôi đi chung cuộc mừng
và mong sẽ quên chuyện non nước mình…

Sự  lựa chọn khác nhau làm nảy sinh những xung đột giữa họ, nhưng vượt trên tất cả vẫn là tình yêu thương ruột thịt mà trong đó, người mẹ đóng vai trò rất lớn để điều hòa những mâu thuẫn của con cái. Mặc dù tham gia quân đội Việt Nam cộng hòa, Hà vẫn đồng tình với lựa chọn của Quân và luôn luôn cổ vũ em trai mình. Đó là một suy nghĩ rất tiến bộ. Còn Hải, dù không thích cách sống nghệ sĩ của Quân, nhưng anh vẫn tỏ ra là một người anh trai có trách nhiệm khi cứu Quân ra khỏi bốt cảnh sát và cho trực thăng đưa Quân vào Sài Gòn.

Vào Sài Gòn, Quân quen Tim, một lính Mỹ đào ngũ, có vợ là người Việt nhưng vị vợ và mẹ vợ  ghét bỏ. Quân “giải cứu” cho Tim khi Tim đang bị rất đông bà con đánh chửi thậm tệ. Sau cái chết của Hà, Quân trở nên thân thiết hơn với Tim. Đây cũng là lúc Tim bị vợ đuổi ra đường. Quân quyết định đưa Tim về ăn Tết ở Huế cùng gia đình mình.

Trong phim, nhân vật Tim được xây dựng khác hẳn với hình ảnh một lính Mỹ thường thấy: Tim không tham gia vào cuộc chiến (đào ngũ khỏi quân đội), không được “kính nể” như  những “ông Tây” trong những bộ phim chiến tranh khác. Y bị đánh chửi và bị đuổi ra khỏi nhà bởi những người phụ nữ  Việt Nam, bị gọi là “đồ ngu” bởi một cô gái Việt. Chính những điều đó khiến nhân vật này trở nên rất chân thực, không chút phóng đại về những người vốn được coi là “ở bên kia chiến tuyến”.

Biến cố lớn nhất của phim là khi cuộc chiến nổ ra ở Huế đúng vào những ngày Tết. Cảnh chạy loạn có sự  kết giữa phim tư  liệu và cảnh quay một cách nhuần nhuyễn và tính tế. Vì thế khán giả luôn có cảm giác rất chân thực về những điều đang diễn ra, khó có thể phân biệt được đâu là cảnh quay phim, đâu là tư  liệu. Trường đoạn chạy loạn và trường đoạn trong nhà thờ, với người mẹ phát điên vì nỗi đau mất con, vẫn ôm đứa con trong tay, gợi lên nỗi xót xa về thân phận của những người dân vô tội – những nạn nhân của chiến tranh.

Chuyện phim đề cập tới một mối tình dang dở của Thúy và Nghĩa. Chiến tranh khiến những cuộc gặp của họ phải diễn ra bí mật và ngắn ngủi. Người xem không khỏi xúc động và xót thương cho mối tình ngắn ngủi khi Thúy trúng đạn và chết trên đường chạy loạn. Cuối phim, những người còn lại trong gia đình quyết định trở về nhà sau khi đã chôn cất Thúy với tâm niệm của người mẹ: “…có chết thì cũng về nhà mà chết”. Không ai biết liệu cuối cùng, họ có còn sống để về nhà.

Chiến tranh không cho con người quyền lựa chọn, cướp đi của con người tình yêu. Chiến tranh cướp đi của con người những người thân yêu nhất. Chiến tranh khiến con người chết cũng không được chôn cất tại quê hương. Chiến tranh là nguyên nhân cảu những khổ đau mà con người phải gánh chịu. Đó là những thông điệp mà Đất khổ đưa đến cho người xem.

Đất khổ có lẽ là bộ phim duy nhất mà Trịnh Công Sơn tham gia. Ai biết về cuộc đời Trịnh Công Sơn sẽ hiểu vì sao ông thể hiện vai diễn chân thực đến vậy. Những ca khúc được sử  dụng trong phim đều được Trịnh Công Sơn sáng tác trong giai đoạn này. Đó là sự  cảm thông sâu sắc của người nghệ sĩ với số phận thống khổ trong chiến tranh của đồng loại – những người dân Việt Nam máu đỏ da vàng, và niềm khao khát hòa bình đến cháy bỏng.

ĐẤT KHỔ (1971)
Tên tiếng Anh: Land of  Sorrows
Đạo diễn: Hà Thúc Cần
Diễn viên: Trịnh Công Sơn, Bích Hợp, Xuân Hà, Vân Quỳnh, Kim Cương, Sơn Nam, Thành Lộc, Lưu Nguyễn Đạt…
photo(s) by: Tcs-home.org, Files.myopera.com, Trinh-cong-son.com

~ by Ninh Vũ on January 10, 2010.

6 Responses to “Đất Khổ”

  1. em ơi, giữa các khổ nên để cách 1 dòng, như vậy dễ đọc hơn.

    cái hình đầu tiên sao lại bị méo nhỉ, có phải là do hình khổ lớn co lại hok ta??? hay là do cái hình ở site gốc nó méo sẵn ^”^

  2. À quên, chị nghĩ rằng bài của Ninh vẫn là bài từ phía CS nhìn về lính CH và Mĩ. Điều này không đúng lắm, vì đây vốn là phim của miền Nam trước 75 cơ mà. Trong trường hợp này, nhận định sau không ổn:

    – Y (Tim) bị đánh chửi và bị đuổi ra khỏi nhà bởi những người phụ nữ Việt Nam, bị gọi là “đồ ngu” bởi một cô gái Việt. Chính những điều đó khiến nhân vật này trở nên rất chân thực, không chút phóng đại về những người vốn được coi là “ở bên kia chiến tuyến”.

    –> Tim không hề “vốn được coi ở bên kia chiến tuyến”, thậm chí nếu xét trên lí thuyết thì Tim còn đứng cùng chiến tuyến với quân CH. Có chăng, ở đây Tim chỉ là sự thể hiện một hình ảnh khác về người Mĩ ở VN thời điểm đó, gần gũi hơn và chân thực hơn.

  3. ngoài ra, mối tình của Thúy – Nghĩa cũng không hề ngắn ngủi ^”^

    họ yêu nhau lâu rồi, đã đính hôn, và Thúy đã chờ đợi Nghĩa từ rất lâu. chỉ có điều tình yêu đó bị cắt ngang bởi chiến tranh và cái chết mà thôi ^^

    sozi, vì chị đang vật vã với cái triển lãm sắp đặt (hỏng hiểu chi ráo) cho nên tinh thần nhảm nhí tăng lên tột độ ^^

  4. Một điểm nữa, gia đình Quân là gia đình người Bắc ở Huế (điều này rất là có ý nghĩa và dụng ý nhá ^^), chứ hỏng phải chỉ đơn thuần là một “gia đình Huế” đâu ^^

  5. @anhvth said: “Tim không hề “vốn được coi ở bên kia chiến tuyến”, thậm chí nếu xét trên lí thuyết thì Tim còn đứng cùng chiến tuyến với quân CH. Có chăng, ở đây Tim chỉ là sự thể hiện một hình ảnh khác về người Mĩ ở VN thời điểm đó, gần gũi hơn và chân thực hơn.”

    ->Hình như chị hiểu nhầm ý em. Em đâu có nhìn Tim từ phía cái nhìn của quân CH.

    @anhvth said: “ngoài ra, mối tình của Thúy – Nghĩa cũng không hề ngắn ngủi ^”^
    họ yêu nhau lâu rồi, đã đính hôn, và Thúy đã chờ đợi Nghĩa từ rất lâu. chỉ có điều tình yêu đó bị cắt ngang bởi chiến tranh và cái chết mà thôi ^^”

    ->Ý em là ngắn ngủi so với một tình yêu trọn vẹn, ngắn ngủi với cuộc đời họ kìa !

    Cám ơn chị đã góp ý cho em ! À quên, cái ảnh đầu tiên nó vốn không méo, nhưng bị co lại nên có cảm giác thế thị ạ. Hic !

  6. – vậy em nên resize hình trước khi post, nó sẽ hok méo nữa đâu ^^

    – he he, vậy chị đâu có hiểu nhầm, chị hiểu đúng là em viết bài với con mắt CS mà ^^

    (thực ra ý chị là cụm từ “phía bên kia” hay “phía bên này” không cần thiết, có thể gây hiểu lầm. chỉ cần dừng lại ở chỗ “chân thực, không chút phóng đại” là đủ ^^)

    – he he, tình yêu trọn vẹn tức là tình yêu đến đầu bạc răng long hử, em truyền thống quá nha ^”^

    Sozi, chị vẫn đang vật vã với cái gọi là nghệ thuật sắp đặt, cho nên tinh thần nhảm nhí lên đến tột độ, bèn chạy vào spam bài của em ^”^

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

 
%d bloggers like this: