To Kill A Mocking Bird: 1
by Hồng Ánh
Năm 1962, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng To Kill A Mockingbird của nữ nhà văn Harper Lee đã được đạo diễn Robert Mulligan đưa lên màn ảnh rộng. Bộ phim (cùng tên) ngay lập tức nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của cả công chúng lẫn giới chuyên môn – với 3 giải Oscar năm 1963 (hạng mục: nam diễn viên chính, kịch bản chuyển thể và thiết kế mĩ thuật xuất sắc nhất) cùng nhiều giải thưởng lớn khác. Tuy nhiên, nếu như không có hào quang của cuốn tiểu thuyết, liệu bản thân bộ phim có thể thành công đến như vậy hay không?
To Kill A Mockingbird là tác phẩm đầu tay và (có thể) duy nhất trong văn nghiệp của Harper Lee. Lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ tại miền Nam nước Mĩ những năm 1930, câu chuyện được kể từ điểm nhìn của cô bé Scout về cuộc sống và những người xung quanh mình trong một thời gian tương đối dài (3 năm, từ lúc Scout 6 tuổi đến khi cô bé lên 9 tuổi). Cuốn tiểu thuyết gồm hai tuyến truyện chính: câu chuyện bí ẩn của Arthur ‘Boo’ Radley và vụ án của Tom Robinson. Bên cạnh đó, Harper Lee còn đưa vào tác phẩm của mình rất nhiều nhân vật phụ, và mỗi nhân vật này lại có câu chuyện riêng của họ, với những vấn đề, những suy nghĩ tình cảm riêng. Thông qua việc quan sát, tiếp xúc, thậm chí là va đập với những thế giới riêng ấy, cũng như chứng kiến các sự kiện lớn xảy ra trong thị trấn, cô bé Scout đã dần trưởng thành.
Được xuất bản năm 1960, tiểu thuyết To Kill A Mockingbird của Harper Lee làm chấn động toàn nước Mĩ bởi những vấn đề xã hội gai góc mà nó đề cập đến một cách trực diện: tệ phân biệt chủng tộc, những định kiến hẹp hòi có thể giết chết con người như thế nào… Thậm chí cho đến ngày nay, sau gần 50 năm kể từ lúc cuốn sách ra đời, các thông điệp của nó vẫn còn nguyên giá trị.
Scout (Mary Badham) và bố Atticus (Gregory Peck)
Có thể nói, trong bộ phim chuyển thể của mình, Robert Mulligan đã gần như trung thành tuyệt đối với nguyên tác của Harper Lee (ngoài việc cắt bỏ một số câu chuyện phụ, nhằm đảm bảo bộ phim gọn gàng hơn với một thời lượng giới hạn). Một mặt, sự trung thành này chắc chắn sẽ đem đến nhiều thú vị cho những độc giả say mê cuốn tiểu thuyết của Harper Lee, và chỉ có nhu cầu muốn được “xem” các nhân vật yêu mến của mình xuất hiện trên màn ảnh như thế nào. Mặt khác, về phương diện loại hình nghệ thuật, điện ảnh và văn học đều có đặc trưng riêng, và nếu xét một cách nghiêm ngặt thì chúng khá xa nhau: văn học “nói” bằng ngôn từ, còn điện ảnh lại “diễn đạt” bằng hình ảnh. Bởi vậy, ở khía cạnh nghệ thuật điện ảnh, bộ phim To Kill A Mockingbird đã bộc lộ một số nhược điểm “chí mạng”.
Trước hết, bộ phim To Kill A Mockingbird cũng được kết cấu theo tuyến thời gian thẳng, với hai phần rõ rệt: câu chuyện bí ẩn của “Boo” gắn với thế giới trẻ thơ hồn nhiên, tinh nghịch của anh em Jem – Scout; và vụ án của Tom Robinson. Cách kết cấu như vậy hoàn toàn có thể chấp nhận đối với tiểu thuyết của Harper Lee (thậm chí nó còn giúp cho thế giới hiện thực và nội tâm nhân vật trở nên sống động hơn, được khai thác sâu và tinh tế hơn). Tuy nhiên, khi áp dụng cách kết cấu này cho bộ phim của mình, Robert Mulligan đã “quên” tìm các yếu tố đủ sức nặng để nối kết hai phần của câu chuyện lại với nhau. Người xem chỉ thấy các sự kiện vụn vặt được trình bày nối tiếp nhau trên màn ảnh một cách dàn trải; sự chuyển đổi, tương tác qua lại giữa hai tuyến truyện không “nhuyễn”. Kết quả của những điều đó là câu chuyện phim bị gãy khúc, hành động chủ yếu của các nhân vật trong phim không được mô tả tập trung.
Câu chuyện của ‘Boo’ Radley – một trong hai tuyến truyện chính
Bên cạnh đó, Robert Mulligan cũng chọn kể câu chuyện của mình từ điểm nhìn bên trong nhân vật – điểm nhìn của cô bé Scout. Điều này thể hiện rõ thông qua “lời dẫn chuyện” mà tác giả dùng như một phương tiện để nối kết các sự kiện và dẫn dắt cảm xúc của khán giả xuyên suốt bộ phim. Góc nhìn này sẽ phát huy tác dụng rất lớn trong việc thể hiện sự trưởng thành về nhận thức, tình cảm của Scout. Nói cách khác, nhân vật Scout sẽ được sử dụng như một tấm gương để phản chiếu tất cả hình ảnh trung thực nhất của thế giới bên ngoài. Chỉ có điều, Robert Mulligan đã thất bại khi chọn các yếu tố thuộc về ngôn ngữ điện ảnh để thực hiện mục đích này. Tác giả có lẽ vì mải mê với các sự kiện (vốn ngồn ngộn trong nguyên tác) nên đã “bỏ quên” nhân vật của mình.
Thế giới được nhìn qua đôi mắt trẻ thơ
Ngay trong một trường đoạn cực kì quan trọng có tác động rất lớn đến tâm hồn Scout và Jem – trường đoạn phiên tòa xử Tom Robinson, người xem cũng không thể tìm được một cảnh cận nào miêu tả sự xúc động, hồi hộp, căng thẳng… của lũ trẻ. Không có bất cứ một chi tiết nào cho thấy sự biến chuyển của Scout trước, trong và sau phiên tòa. Dường như mọi sự kiện, biến cố trong thị trấn chỉ trượt qua chứ không hề va đập và không để lại bất cứ một ấn tượng nào đối với cô bé. Chính vì vậy, mặc dù mục đích là kéo gần cảm xúc của khán giả và cảm xúc của Scout lại với nhau, nhưng đạo diễn đã vô tình “gián cách” họ, và chỉ cung cấp một cái nhìn bàng quan, dửng dưng về một chuỗi các sự kiện đều đều, tẻ nhạt giống như nhau.
(Còn tiếp)
pics by classicmoviekids.com, annyas.com, deco-00.slice.com